Độc đáo Chùa Dơi (Sóc Trăng) - Đảng Cộng Sản Việt Nam

Chùa Dơi mang kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer

Người Khmer sinh tụ ở Nam Bộ từ lâu đời, đã kiến tạo một nền văn hóa rực rỡ. Chùa của người Khmer là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Đôn ta, Lễ hội Ook Oom Bok, cũng là nơi tập trung bà con đến học giáo lý, học nghề...

Chùa Dơi tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng, có tên ban đầu là Wathsêrâytecho Mahatup, còn gọi chùa Mã Tộc cũng bởi phiên âm từ Mahatup. Mahatup trong tiếng Khmer có nghĩa là trận kháng cự lớn. Nơi đây từng diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống giai cấp thống trị. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này là đất lành nên xây chùa thờ Phật. Chùa được khởi công vào từ năm 1569 dương lịch, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng.

Đến chùa Dơi, ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước quần thể gồm nhiều công trình có màu vàng rực lộng lẫy: Cổng chùa, các ngọn tháp, chánh điện, nhà Sala… Mái của tòa chánh điện có chiều dài gần 21m, chiều rộng hơn 11m, được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m, nổi bật với kết cấu gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau. Mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, cùng nhiều tháp nhỏ và hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo phía đầu hồi chùa. Bước vào bên trong chính điện, ta choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, đậm chất văn hoá Khmer. Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno, chim thần Marakrit. Uốn quanh những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật. Chánh điện càng trở nên tôn nghiêm, uy nghi thanh thoát khi trần được trang trí những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ múa hát trên bầu trời, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa giá trị nghệ thuật kiến trúc với hội họa mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. Ngoài ra, hàng cột đỡ bao quanh chùa đều có biểu tượng tiên nữ Kemnar với đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời chào đón, thu hút sự thích thú của du khách bốn phương.

Kiến trúc hội họa tại những bức tranh trên tường chùa thể hiện tín nguỡng người Khmer

Nổi bật nhất trong hệ thống kiến trúc tại chùa là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét nơi chánh điện. Xung quanh là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập cõi Niết bàn.

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Dơi cũng là nơi hiếm hoi, hiện lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây buông, là cây cùng họ với cây thốt nốt. Đây là loại kinh cổ có giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng to lớn.

Bước vào phía sau khuôn viên chùa Dơi, không gian được mở ra là cả một cánh rừng có diện tích gần 4ha với đủ loại cây, song nhiều nhất vẫn là cây sao và cây dầu. Đây chính là nơi cư trú của đàn dơi huyền bí, trong đó có những con lớn đến mức sải cánh dài cả mét, sống thành bầy như đan dày đặc trên những nhánh cây. Dơi trú ngụ trong chùa gồm rất nhiều loài. Trong đó có giống dơi ngựa quý hiếm (người địa phương thường gọi là dơi quạ), trọng lượng 1 - 1,5kg, phần lớn có sải cánh 1-1,2 m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5m. Dơi con mới đẻ cũng đã có sải cánh dài 0,5m. Ban ngày dơi dốc đầu treo mình trên các cành cây ngủ yên lành.

Bí ẩn về loài dơi “khổng lồ

Dơi treo mình trên những tán cây ở chùa Dơi.

Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Theo sách cổ của chùa, họ hàng dơi xuất hiện ở đây khoảng 300 năm về trước. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa sinh sản, mỗi con dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ.

Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì chùa Dơi cho biết: Từ khi ông còn nhỏ đã thấy rất nhiều dơi ở chùa. Ban ngày dơi treo mình trên cây ngủ yên lành, khách nhìn cứ ngỡ là trái cây. Khi chạng vạng tối, dơi lại tỏa đi kiếm ăn bay đen kín cả một trời đến vài tiếng mới hết. Thức ăn của dơi là trái cây ngọt. Có điều lạ là khuôn viên của chùa rộng gần 4ha, có rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... nhưng đàn dơi không bao giờ ăn quả của chùa, kể cả những cành cây quả ngọt từ vườn nhà dân gần chùa dơi cũng không ăn. Dơi bay đi tìm thức ăn ở rất xa, quanh vùng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu.

Thượng tọa Kim Rêne chia sẻ: Cách đây 15 năm, cứ buổi chiều tối khi đàn dơi túa ra đi kiếm ăn thì trong khuôn viên chùa rợp trời một màu đen. Thế nhưng, những năm gần đây số lượng dơi ở chùa Dơi suy giảm nghiêm trọng. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, năm 2004, khuôn viên chùa Mahatup có khoảng hai trăm nghìn con dơi sinh sống, trong đó trên 100 cá thể dơi ngựa lớn và khoảng 3.000 cá thể dơi ngựa Thái Lan. Đến nay, chỉ còn khoảng 1.000 con dơi đậu ở chùa Dơi, trong đó chỉ còn khoảng 200-300 cá thể loài dơi ngựa sinh sống và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng./.

Từ khóa » Sự Tích Chùa Dơi Sóc Trăng