Độc đáo Nghề đẩy Côn Bắt Cá Mùa Nước Nổi

Những ngày này, nước vẫn còn ngập trắng trên những cánh đồng tại vùng đất trũng Hậu Giang. Vào sáng sớm hoặc chiều tà nếu có dịp len lỏi về vùng nông thôn sâu, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những nông dân đang nghiêng người trên ghe chống sào đẩy côn bắt cá trên những cánh đồng rộng mênh mông chỉ thấy trời và nước. Anh Hồ Thanh Hồ ở ấp Mỹ Thành A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, anh có mặt trên đồng nước nổi đẩy côn đã gần 3 tháng nay, kể từ ngày nước lũ tràn đồng. Từ tờ mờ sáng anh đã ra đồng đẩy côn bắt cá, trưa nghỉ ngơi một chút, chiều lại tiếp tục cho đến lúc trời sụp tối.

“Mùa nước nổi này em chủ yếu đẩy côn, ngày nào em cũng đẩy hết trơn, cá đem ra chợ bán. Một ngày em thu hoạch cũng kiếm được 200- 200 ngoài. Mình bắt cá này thấy không tận diệt như là xuyệt. Cái này bắt cá cũng nhiều như mà nó bảo vệ được cá con, còn cá con”.

Đẩy côn mùa nước nổi

Hình thành và phát triển gần 30 năm nay tại vùng ĐBSCL, đẩy côn bắt cá trên đồng mùa nước nổi là loại hình đánh bắt thủy sản khá đơn giản, người dân nào cũng có thể làm được, tuy nhiên, đòi hỏi phải có sức khỏe để chống ghe cho côn lướt trên đồng ngập nước và thường xuyên phải ngâm mình trong nước, cũng như dầm mưa dãi nắng suốt ngày. Những người dân đẩy côn cho biết: Côn là dụng cụ được làm bằng những cọng sắt nhỏ được máng vào một sợi dây nylon may dính với nhau, với khoảng cách 20 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn từ 12 đến 15 m được làm bằng tre. Để có được giàn côn vững, cân bằng thì cần phải hàn ống sắt theo hình chữ V và một ống nối thẳng đứng để kết nối các bộ phận lại với nhau. Kế tiếp dùng 2 cây tre cho vào ống tuýp, 2 bó côn được mắc dọc theo tre và buộc lại bằng dây với khoảng cách chừng 2 mét mỗi mối. Sau đó sử dụng một đoạn tre ngắn dựng đứng để mắc dây kéo luồng côn cao hơn mặt nước. Sau khi thả giàn côn xuống đồng ruộng ngập nước được đặt phía trước mũi ghe, người đẩy côn đứng ở lái ghe dùng cây sào chống để tạo lực đẩy ghe lao về phía trước, lúc đó que côn chạm cá, cá chúi tạo thành một vùng bong bóng nước, còn gọi là tim. Đợi cho lớp tim này tan hết và có một vài tim khác nổi lên ngay vị trí đó, người đẩy côn sẽ lội xuống ruộng dùng nơm nơm xuống, sau đó thọt tay vào miệng nơm mò bắt cá.

Mỗi ngày người đẩy côn có thể thu nhập vài trăm ngàn đồng

Ông Trần Văn Út ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A cho biết: Năm nào cũng vậy, khi đến mùa nước nổi là ông mang cơm nước ra đồng đẩy côn từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về. Trước đây thường có lũ lớn, đồng ngập sâu nước, nguồn cá tự nhiên nhiều do đó hàng ngày ông có thu nhập khá cao từ nghề đẩy côn. Những năm gần đây lũ nhỏ, nên lượng cá bắt được từ loại hình đẩy côn cũng giảm đi đáng kể.

“Đẩy côn bắt cá cũng hổng cực gì mấy, mình đứng trên xuồng mình chống, mình mệt thôi chứ không có cực. Mình bước xuống, bước lên mình nơm hà. Thường thường mấy năm trước chơi chơi hé, cái miếng này chống từ bên đó qua bên nay gần 2 kí cá rồi đó, bây giờ có mấy con cá hà. Bây giờ thấy ít. Một ngày được 100 ngoài, 200 ngàn. Nhà tôi có 4 người sống cũng được.”

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đẩy côn hiện đã trở thành một loại hình đánh bắt thủy sản phổ biến trong mùa nước nổi ở ĐBSCL. Người tham gia làm nghề không tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ tốn khoảng 500 ngàn đồng để làm giàn côn nhưng có thể kiếm được nguồn thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Nhờ có nghề này mà nhiều hộ gia đình có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Hiện xã Hòa Mỹ có số hộ dân nghèo chiếm gần 21%. Vào mùa nước nổi phần lớn bà con mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều người dân sử dụng bình ắc quy xuyệt đánh bắt cá. Trong khi đó, đẩy côn chỉ bắt những con cá lớn nên không sợ hủy diệt cá con như loại hình đánh bắt lưới, xuyệt điện, đặt dớn… Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây vào mùa nước nổi, xã đã tổ chức Hội thi kéo côn để khuyến khích người dân đánh bắt thủy sản theo loại hình này.

Thi đẩy côn trên đồng

Dẫu có nhọc nhằn nhưng nhiều người dân nghèo ở ĐBSCL vẫn chọn đẩy côn làm nghề để mưu sinh trong mùa nước nổi, bởi nghề này không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp mọi người có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn để chờ con nước rút bắt đầu một vụ mùa mới đón Tết. Điều quan trọng là với loại hình này, người dân chỉ bắt những con cá trưởng thành chứ không khai thác theo kiểu tận diệt.

Tấn Phong/VOV ĐBSCL

Từ khóa » Kéo Côn Là Gì