Độc đáo Nón Lá Người Tày - Đảng Bộ Tỉnh Tuyên Quang

Chiếc nón lá tô thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Tày.

Để làm ra được một chiếc nón đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ từ việc chọn cây giang, cây tre tuốt nan để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Bởi khi đan, người thợ phải sử dụng đến kỹ thuật đan mắt cáo, tức là đan ba đôi lại với nhau tạo thành hình lục giác. Xong phần đan khuôn nón đến phần chọn lá cọ. Theo chị Nguyễn Thị Duy (dân tộc Tày), thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) lá cọ được chọn phải là lá bánh tẻ, không được già quá mà cũng không được non quá để khi làm nón sẽ có độ trắng và độ giai cần thiết. Lấy lá về hơ qua lửa rồi đem phơi sương hai, ba đêm cho lá khô và phai hết màu xanh. Lá càng trắng làm nón càng đẹp. Có thể nói trong các công đoạn làm nón thì công đoạn chọn lựa lá và làm phẳng lá là công đoạn đòi hỏi nhiều công phu cẩn thận nhất, chỉ sơ xẩy một chút là bị dòn và rách.

Chiếc nón hoàn thành nhìn từ bên ngoài như một chiếc nấm, nổi bật bên trên màu trắng ngà của lá cọ. Bên trong nón là những họa tiết bông hoa, con bướm, ngôi sao… của chỉ ngũ sắc nổi bật trên nền những ô nan hình lục giác.

Chiếc nón đối với người Tày nó không chỉ là vật che mưa che nắng mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng. Là vật kỷ niệm của cha mẹ để lại với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo một lòng yêu thương chồng con.

Ngày nay, việc đội nón không còn phổ biến như trước kia, nhưng những chiếc nón Tày lại trở thành quà tặng và đồ trang trí trong nhà được rất nhiều người ưa thích. Ở nhiều nơi như huyện Chiêm Hóa, Na hang, Lâm Bình… những người cao niên vẫn duy trì nghề làm nón lá và mong muốn truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên.

Theo Cảnh Trực/baotuyenquang.com.vn

Từ khóa » Nón Dân Tộc Tày