Độc đáo Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt
Có thể bạn quan tâm
Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, Trời là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối lớn nhất. Với niềm tin mạnh mẽ và cao cả vào ông Trời, vua chúa các triều đại tổ chức nghi thức thờ phượng Trời ở tế Nam Giao, còn dân thường khấn vái Trời ở bàn thờ thông Thiên.
Đàn Nam Giao ở Huế.
Tác giả: TS.Nguyễn Thị Bích Hạnh
Ông Trời trong tâm thức dân gian người Việt
Thần Trụ Trời là thần thoại sáng thế được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam, giải thích sự hình thành trời đất tự nhiên: biển, hồ, sông, núi… Theo thần thoại, thoạt kỳ thủy, khi chưa có thế gian, cũng như chưa sinh ra muôn vật và loài người, trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện. Thần đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời. Hễ cột được thần đắp cao lên chừng nào, thì trời được nâng dần lên chừng ấy, đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù mịt. Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.
Khi trời đã cao và đã khô cứng, không hiểu tại sao thần lại phá tan cột, lấy đá và đất ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, thành đống, thành những dãy đồi cao. Vì thế mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.
Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Sau này, người trần gian thường nói rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn vùng Hải Dương. Người ta cũng gọi là cột chống trời (Kinh thiên trụ). Vị thần Trụ Trời đó sau này người ta cũng gọi là Trời hay Ngọc Hoàng, bao trùm tất cả, trông coi mọi việc trên trời, dưới đất.
Triết tự chữ Hán thì Trời là Thiên. Chữ Thiên là chữ Nhất ở trên chữ Đại, hàm ý tôn vinh Trời. Theo “Việt Nam tân từ điển minh họa” của tác giả Thanh Nghị, “Trời là vị thần làm chủ vạn vật”.
Người Việt Nam luôn sống trong mối tương quan hữu cơ: Thiên – Địa – Nhân, với niềm xác tín “dưới thì có Đất, trên cao có Trời”. Trong sách “Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam bộ”, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu viết rằng: “Trời ở trên cao (dương), tạo ra mưa nắng, bão táp; Đất là mẹ, ở dưới mang nữ tính (âm), hàm chứa khả năng sinh sản. Tín ngưỡng cha Trời, mẹ Đất còn mang nội dung mối quan hệ ba ngôi tam tài (tam hoàng): Thiên hoàng (Trời), Địa hoàng (Đất) và Nhơn hoàng (Người); Người ở giữa Trời và Đất phải thông thiên, đạt địa”.
Ông Trời trong tâm thức dân gian là vị thần tối cao, linh thiêng nên ai ai cũng hướng về. Trời là thánh, thần, mọi thứ có được đều nhờ ơn trời, do trời phù hộ, ban cho. Trời thương ai người ấy được, trời ghét ai thì người ấy phải chịu, đó là số trời, tất cả đều do trời định. Chính ông Trời là Đấng tác tạo: Trời sinh, Trời dưỡng; Trời cho ai nấy hưởng, Trời kêu ai nấy dạ; Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. Mỗi khi gặp tai nạn, con người lại “cầu Trời, khẩn Phật” để cho “tai qua, nạn khỏi”.
Có nhiều thành ngữ, tục ngữ thể hiện uy trời. Dân gian hay nói “trời cao có mắt” nhằm chê trách những ai ở đời không có đức, làm nhiều việc ác với hàm ý là sẽ bị quả báo; những người phá làng, phá xóm sẽ bị thiên hạ chửi là “đồ trời đánh”; tuổi già sắp chết thì nói tránh là “gần đất xa trời”; những người không thể thay đổi được hoàn cảnh thì cho rằng đó là do “số trời đã định”; hay “thiên bất dung gian” là ý nói Trời sẽ không tha những kẻ gian.
Khái quát về tín ngưỡng Việt Nam, tương quan giữa ông Trời và con người, GS.TS Trần Ngọc Thêm viết rằng: “Quyền lợi và trách nhiệm hai chiều giữa thần linh với con người: con người có trách nhiệm thờ cúng thần linh và ngược lại, thần linh (ông Trời) có trách nhiệm phù hộ độ trì cho con người”.
Người nông dân Việt luôn luôn mong được trời phù hộ trong mọi công việc hàng ngày, từ chuyện đồng áng cho đến những chuyện tình duyên. Đứng trước trời, thái độ tiêu biểu nhất của con người là van vái, cầu xin. Xin cho tình duyên không bị trắc trở. Xin cho chuyện làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, người đi làm xa trở về bình an.
Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên nhận xét: “Ông giời đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt”.
Tế Trời ở cấp quốc gia
Quan niệm vua là Thiên tử (con Trời), người thay mặt Trời cai trị thiên hạ nên từ thời Hùng Vương, hàng năm, các vua Hùng đã lên núi Nghĩa Lĩnh, nay là vị trí đền Thượng làm nghi lễ tế Trời đất. Hầu như các triều đại phong kiến Việt Nam đều lập đàn, tổ chức lễ tế Trời Đất. Nghi lễ tế Trời thời Đinh gọi là lễ Kính Thiên, đàn tế trời gọi là Đàn Kính Thiên, sau gọi là tế giao (cùng với Đàn Nam Giao – tế Trời còn có Đàn Xã Tắc – tế Đất).
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước sau 1.000 năm Bắc thuộc, vào ngày 10/3 Âm lịch năm 968, Đinh Bộ Lĩnh cho lập đàn Tế Thiên (đàn Kính Thiên) ở phía Tây kinh đô Hoa Lư, để tế cáo trời đất, công bố với thiên hạ, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền tại Việt Nam.
Thời Đinh, đàn tế Trời là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng 4 vị thần khác trên thiên đình là Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích và là nơi xưa kia các Hoàng đế đóng đô ở Hoa Lư tổ chức các nghi lễ tế cáo trời đất, cầu quốc thái dân an.
Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới Tây Đô ở Thanh Hóa còn gọi Tây Giai để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Sau khi được cha truyền ngôi vào năm 1401, năm 1402, con trai thứ của Hồ Quý Ly là vua Hồ Hán Thương đã xây dựng Đàn tế Nam Giao với ý nghĩa linh thiêng tế thần Trời, thần Đất. Đàn tế có diện tích hơn 2 hecta, nằm trên núi Đún Sơn, xã Cao Mật xưa (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc).
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nhâm Ngọ 1402, tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Nam Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao, đại xá thiên hạ. Ngày hôm tế, Hán Thương ngồi trên kiệu Vân Long từ cửa Nam đi ra”.
Chữ Giao nguyên nghĩa là “chỗ cách xa nước một trăm dặm”, sau chỉ vùng đất phía ngoài thành, ngoại ô. Vào tiết Đông chí, vua làm lễ tế trời ở khu đất phía Nam thành (Nam giao), tiết Hạ chí thì tế đất ở khu đất phía Bắc thành (Bắc giao), nên tế trời, đất gọi chung là tế giao. Vì vậy, nghi lễ tế trời gọi đầy đủ là lễ Nam Giao hay giao thiên trong các văn bản chữ Hán.
Lễ tế Nam Giao được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ, khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị thiên hạ và chỉ nhà vua mới có quyền thực hiện. Sau những thăng trầm lịch sử, Việt Nam hiện còn ba đàn Nam Giao được lưu giữ, thuộc về các triều Hồ, triều Tây Sơn và triều Nguyễn. Ngoài ra còn có dấu tích của Đàn Nam Giao Thăng Long ở Hà Nội và Đàn Kính Thiên được phục dựng ở cố đô Hoa Lư.
Hàng năm, nhà Hồ lễ tế trời đất, cầu cho quốc thái dân an hoặc những dịp đại xá thiên hạ tại đàn Nam Giao. Đàn tế Nam Giao vương triều Hồ là đàn tế còn lại nguyên vẹn nhất và có thể được xem là quý giá nhất Việt Nam hiện nay.
Tương truyền, để thực hiện nghi lễ tế Trời, vua Nhà Hồ phải qua cung vua xây dựng cạnh con đường thần đạo nơi đàn tế Nam Giao ở trước 7 đến 10 ngày để trai giới (nghỉ ngơi, ăn chay, đánh cờ và tĩnh dưỡng) trước khi lễ tế diễn ra. Nghĩa là, chỉ khi vua trở thành một vị vua “chay tịnh” mới có thể hành lễ. Điều đó mới cầu được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa, quốc thái, dân an”. Còn ngược lại, năm đó sẽ hạn hán, mất mùa, đói khát kéo dài triền miên.
Hiện ngự nơi cao nhất của Đàn tế có 2 bài vị để du khách về thắp nén hương tưởng nhớ tới kinh đô tráng lệ một thời của Việt Nam. Hai bài vị khắc tên chữ Hán với tiêu đề Hạo Thiên Thượng Đế (thờ Trời) và Hoàng Địa Kỳ (thờ Đất).
Quá trình khai quật đàn tế, các nhà khảo cổ cũng tìm ra một công trình đặc biệt khác là giếng vua, còn gọi Ngự dục, Ngự duyên. Giếng còn khá nguyên vẹn, gồm 9 thành bậc, sâu 5,6 m và cũng có kết cấu ngoài vuông, giữa tròn. Giếng được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng. Ở độ sâu khoảng 10 m so với nền đàn trung tâm, các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ. Giếng vua nhằm phục vụ cho việc tế gia và trai giới trước khi hành lễ.
Ngoài các vật phẩm quý giá, lễ vật để cúng tế Trời sẽ gồm “tam sinh” (trâu, dê, ngựa). Trong đợt khai quật tháng 4/2012, trong khu vực Đàn tế Nam Giao vương triều Hồ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong có bộ xương còn tương đối nguyên vẹn. Bộ xương ở tư thế nằm ngửa, được đặt trong bia mộ quây bằng đá. Ngôi mộ đá nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định đây là bộ xương trâu. Nhưng vì sao lại mai táng trâu ở vị trí trang trọng là đàn tế quốc gia, nơi được coi là chốn linh thiêng, thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Đàn Nam Giao triều Nguyễn (thuộc địa phận phường Trường An, TP Huế) có diện tích 103.350 m2, được Nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 1806. Sau khi hoàn thành, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao tại đây vào ngày 27/3/1807. Trong lịch sử Việt Nam, đây là đàn tế Giao to lớn nhất. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Nam Giao triều Nguyễn được ghi chép trong rất nhiều tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn.
Trong suốt 79 năm (1807-1885) độc lập của nhà Nguyễn, đàn Nam Giao luôn là nơi tổ chức nghi thức tế Giao đều đặn vào mùa Xuân hàng năm. Từ năm 1886 đến năm 1890, triều đình Huế không tổ chức lễ tế Giao. Bắt đầu từ năm 1891, cứ ba năm một lần, vua Nguyễn lại đến tế Trời Đất ở đàn tế. Lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn tại đây là vào ngày 23/3/1945. Như vậy, đã có 10 trong tổng số 13 vị vua nhà Nguyễn đích thân tế hoặc sai người tế thay ở đàn Nam Giao với 98 buổi đại lễ được tổ chức.
Linh mục Alexandre de Rhodes đã mô tả việc tế Trời năm mới của vua chúa nước ta thời xưa như sau: “Đầu năm vua chúa An Nam và quân quốc cả nước ra đi giao tế với Thượng Đế. Đến khi vua chúa đã tế với Thượng Đế đoạn, thì đại thần cùng thiên hạ mới lạy vua chúa trước mặt dân, đoạn ai nấy đi về nhà mà lạy cha mẹ và kẻ bề trên mình, tức ông bà ông vải”.
Còn trong sách “Tế Nam Giao”, Leopold Cadiere viết rằng: “Tế Nam Giao biểu lộ long trọng niềm tin vào Đấng Tối Cao, là hành vi thờ tự cao cả nhất của người An Nam. Trong nghi lễ Tế Nam Giao, việc thờ tự mang một vẻ long trọng, oai nghiêm xứng với sự cao cả của Đấng người ta tôn sùng, phản ánh sự thuần khiết trong niềm tin vào Đấng ấy, nói lên những tâm tình sâu xa mà Ngài khơi dậy trong tâm hồn người An Nam”.
Đàn tế Nam Giao Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1993.
Tín ngưỡng thờ Trời trong dân gian
Hầu hết các dân tộc Việt Nam đều thờ Trời. Các dân tộc Môn-Khmer và Nam Đảo tại Tây Nguyên gọi ông trời là Giàng, Yàng hay Yang. Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khi dự định tổ chức một việc gì đó, phải làm lễ cúng Giàng. Do đó, các buôn làng thường xây dựng nhà Giàng – nhà sàn dài trong buôn được dành để các dụng cụ và đồ trang sức và vật thờ cúng.
Hàng năm tổ chức các cuộc nhảy múa cúng Giàng trong căn nhà này. Việc cúng Giàng bao gồm cúng Trời và các vị Thần Thánh của buôn. Trong các cuộc cúng Giàng, các thanh niên, thiếu nữ vẽ mặt mày, hay đeo các mặt nạ để nhảy múa để triệu hồn các vị Thần về chứng giám buổi lễ.
Tục thờ Thông Thiên là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự “Trời – Phật – Thánh – Thần”, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.
Trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà). Cây gỗ làm trụ “bàn Thiên” lâu ngày rất dễ bị mưa nắng làm mục, nên một số gia đình người Việt còn dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ, vì các loại cây này khi cắm xuống đất sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống từ năm này qua năm khác không sợ mục.
Bàn thờ Thông Thiên của người Việt vừa thể hiện sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam, vừa ẩn sâu trong đó là triết lý âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Việt. Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Điều đó còn thể hiện khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam, thể hiện qua hình ảnh “bàn ông Thiên” có vuông – có tròn, có âm – có dương.
Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng “ông Trời”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối – là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương – nơi ở giữa Trời và Đất.
“Bàn ông Thiên” còn được thờ trước sân một số ngôi chùa, đình người Việt ở Nam Bộ. “Bàn ông Thiên” trong các ngôi chùa, đình được xây dựng rộng lớn hơn “bàn thờ Thiên” ở các gia đình.
Ngoài ra, người dân một số địa phương còn làm dạng bàn Thiên hai tầng. Tầng trên thờ Trời (còn gọi là thờ Chánh Đức Thiên La thần), tầng dưới thờ Đất (còn gọi là Thổ Trạch Long thần), bộc lộ rõ tín ngưỡng cha Trời – mẹ Đất, một dạng tín ngưỡng cổ sơ thờ sức mạnh vô hình hoặc hữu hình của thiên nhiên có khả năng phò trợ hay làm hại con người còn đậm nét. Đồng thời cũng có tính pha tạp với nội dung âm dương giao hòa của thuyết âm dương ngũ hành với ước vọng phong điều vũ thuận, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Có nơi lại làm bàn Thiên ba tầng. Tầng trên thờ Trời, tầng dưới thờ Đất và tầng giữa thờ Người, theo thuyết tam hoàng.
Người Khmer cũng tin vào ông Trời, họ cho rằng Trời quyết định mùa vụ trúng hay thất. Vì vậy, phần lớn nhà của người Khmer ở Nam Bộ đều có bàn Thiên ở trước sân. Có điều, không như người Việt cho rằng bàn Thiên chỉ thờ Trời, theo người Khmer, bàn Thiên còn là nơi thờ Phật, thờ các vị thần Đất. Điều này còn được thể hiện trong lễ cưới của người Khmer, ông Achar dắt cô dâu chú rể đến ngồi dưới bàn Thiên để chọn giờ tốt.
Theo BÁO PHÁP LUẬT
Tags: Văn hóa Việt, Tín ngưỡngRedsvn
Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời ở Nam Bộ - Báo Cần Thơ Online
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ - Nguyễn Cưng
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ | 東京外国語大学 ...
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ - Tài Liệu Text - 123doc
-
TÍN NGƯỠNG THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT TÂY NAM BỘ - 123doc
-
Về Tín Ngưỡng Của Cư Dân Vùng Tây Nam Bộ
-
TÍN NGƯỠNG THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT TÂY NAM BỘ NHÌN TỪ ...
-
[PDF] TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI VIỆT VÙNG TÂY NAM ...
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ - Nguyễn Cưng
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ | Sách Song Ngữ
-
Đặt Sách Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ
-
Tín Ngưỡng Thờ Trời Của Người Việt Tây Nam Bộ - Sách Song Ngữ