Độc đáo Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Vùng Việt Bắc

Hát then - đàn tính bao đời nay đã trở thành “linh hồn” trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày - Nùng vùng Việt Bắc

Việt Bắc là tên gọi chỉ một vùng đất rộng lớn, gồm 6 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Nói đến văn hóa đặc trưng của vùng Việt Bắc, người ta thường nghĩ đến nét độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc bản địa, sinh sống tại đây từ lâu đời như Tày, Nùng, Dao, Mông… Trong khuôn khổ bài viết này, Báo Thái Nguyên giới thiệu sơ lược một số nét văn hóa đặc trưng trong “kho tàng” văn hóa phong phú, đồ sộ của đồng bào bản địa nơi đây.

Phong phú, đa dạng về trang phục

Có lẽ, nói đến đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc, người ta thường nghĩ đến dân tộc Tày - Nùng. Được coi là người bản địa, người Tày - Nùng có trang phục truyền thống với gam màu trầm và giản dị, được làm từ vải bông nhuộm chàm, phụ nữ thường chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc và đi giày vải.

Đối với dân tộc Dao ở vùng Việt Bắc lại được chia thành nhiều nhóm, như: Dao Tiền, Dao Lô Gang, Dao Đỏ… Trang phục truyền thống và trang phục nghi lễ của dân tộc Dao rất đa dạng, bao gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ đội đầu, được làm ra từ bàn tay chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ. Nguyên liệu chính để dệt vải may trang phục dân tộc Dao là từ cây bông, nhuộm bằng cây chàm, cắt khâu thành trang phục với sự thêu thùa, trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo.

Trang phục của phụ nữ Dao Lô Gang ở Công Sơn (Lạng Sơn) rất đặc sắc, với nhiều chi tiết tỉ mỉ ở mũ đội đầu, khăn, áo...

Với đồng bào Mông, họ lại chú trọng đến màu sắc và sự cầu kỳ của trang phục, nhất là chị em phụ nữ. Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc Mông gồm có khăn quấn đầu được dệt bằng tay, váy, yếm được thêu bằng tay. Váy áo người Mông thường được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục thiên về màu sắc, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng.

Lễ hội đặc trưng mang màu sắc tâm linh

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc là lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày - Nùng. Đây là ngày hội của toàn thể cộng đồng, thường diễn ra vào mùa Xuân, khi đất trời bước sang vào một năm mới. Nghi lễ chính của lễ hội Lồng tồng là rước thần đình và thần nông ra đồng, để vừa tạ ơn đất trời, vừa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau phần lễ, phần hội thường là các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, tung còn, nhảy sạp…

Ngày nay, lễ hội Lồng Tồng không chỉ dành riêng cho đồng bào bản địa mà còn là nơi để hàng nghìn du khách đến giao lưu tìm hiểu và tận hưởng không khí vui tươi trong ngày Xuân mới. Có thể kể đến những lễ hội Lồng Tồng nổi tiếng ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), hội hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Bên cạnh lễ hội xuống đồng của người Tày - Nùng, Nhảy lửa cũng là một lễ hội truyền thống - sinh hoạt văn hóa độc đáo, bí ẩn của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Ngoài ra, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu, Tày cũng là nét văn hóa tinh thần mang tính tâm linh, huyền bí riêng ở vùng Việt Bắc.

Nhà sàn là một sản phẩm văn hóa vật chất độc đáo của người dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc, nhất là người Tày

Hát Then - đàn tính làm nên “thương hiệu”

Nếu như vùng Kinh Bắc có Quan họ, Phú Thọ có hát Xoan tạo nên “thương hiệu” riêng có thì Việt Bắc có hát Then – đàn tính. một loại hình diễn xướng dân gian ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tày - Nùng. Tiếng Then phản ánh từ chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi. Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt”, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm... thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào.

Bên cạnh hát Then, sli - lượn cũng là làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Tày, Nùng. Các điệu hát không chỉ là lời giao duyên của các cặp đôi trẻ, mà còn là sợi dây kết nối tình bạn, tình anh em, ca ngợi cuộc sống, giáo dục truyền thống, đạo đức, lẽ sống ở đời.

Và còn rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc như: Ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, văn hóa cưới hỏi… mà chúng tôi không thể liệt kê giới thiệu đầy đủ trong bài viết này. Văn hóa vùng Việt Bắc giống như một kho tư liệu khổng lồ, vô tận cả về bề rộng lẫn chiều sâu, về vật chất lẫn tinh thần, không thể “gói” lại trong một bài viết hay công trình nghiên cứu chung nào. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy được sự mênh mông, sâu thẳm./.

Từ khóa » Khí Hậu Vùng Văn Hóa Việt Bắc