Đọc Lại Thơ Trần Đăng Khoa Về Chủ đề Người Mẹ

ly-luan-phe-binh-1630604179.jpg
 

 Thời gian gần đây, việc chọn văn thơ đưa vào sách giáo khoa được xã hội rất quan tâm, nhất là sách dùng cho các lớp tiểu học, trung học cơ sở. Những cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh sách Ngữ văn cải cách gần đây là một ví dụ rõ nhất. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng xã hội thống nhất ở chỗ: cần phải đưa vào sách giáo khoa những bài văn, thơ có nội dung gần gũi, nhân văn, giá trị nghệ thuật. Hiện nay, số lượng thơ Trần Đăng Khoa ở sách giáo khoa khá nhiều, đặc biệt ở cấp tiểu học, trong chương trình Tiếng Việt hiện hành. Trần Đăng Khoa là một trong những tác giả hiện diện nhiều nhất. Điều này thật dễ hiểu. Bởi thơ ông rất phong phú, đáp ứng được mọi chủ đề. Và quan trọng hơn, thơ ông rất đặc sắc, dễ vào lòng người. Nếu muốn dạy trẻ con yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu thầy cô, bạn bè, động vật, cây cỏ thiên nhiên thì ít ai viết hay hơn Trần Đăng Khoa. Tôi nhớ trong “Đọc lại Trần Đăng Khoa”, nhà thơ Phạm Hổ viết: 50 năm nữa, 80 năm nữa, người ta vẫn sẽ còn đọc Trần Đăng Khoa. Rồi người ta lại kể cho nhau nghe một câu chuyện cổ tích, rằng ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nhỏ, có một chú bé thần đồng. Chú bé không chỉ biết làm thơ, mà thơ rất hay. Giờ đây, 50 năm đã qua rồi, 80 năm không còn xa nữa, chúng ta cùng đọc lại thơ Trần Đăng Khoa với những bài thơ viết về mẹ, một chủ đề từng được rất nhiều những nhà thơ xuất sắc của Việt Nam thể hiện để thấy tài thơ của Trần Đăng Khoa, cũng để lí giải vì sao thơ ông được chọn cho chương trình Ngữ văn phổ thông nhiều như vậy.

           Nói về hình ảnh người mẹ trong thơ Trần Đăng Khoa, không thể không nhắc đến bài “Mẹ ốm” – một bài thơ hay, cũng là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại viết về mẹ. Bài thơ ra đời năm 1970, khi Trần Đăng Khoa mới 12 tuổi. Nói đến tuổi Trần Đăng Khoa ở đây là muốn lưu ý rằng, mới ở lứa tuổi trẻ con, Trần Đăng Khoa đã có ý thức và xây dựng được hình ảnh một người mẹ thực sự tuyệt vời. Tuyệt vời trong tình yêu với con, tuyệt vời trong sự hy sinh cao cả và tuyệt vời cả trong đức tính đảm đang vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Tài tình hơn nữa, tất cả những điều tuyệt vời ấy được Trần Đăng Khoa thể hiện thông qua một sự việc cụ thể: Mẹ ốm. Bài thơ bắt đầu bằng một sự việc bất thường:

 Mọi hôm mẹ thích vui chơi

 Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu…

Có người trách tác giả: Tại sao lại nói “mẹ thích vui chơi”? Mẹ có bao giờ được “vui chơi” đâu? Vâng, vui chơi không phải là ngao du hay giải trí. Vui chơi là chơi với con. Đó là một công việc rất quan trọng của người mẹ, cũng là thiên chức của mẹ. Vui chơi là một cách dạy con. Dạy con học làm người, dạy con quen dần với muôn mặt của đời sống. Học như chơi. Chơi mà học. Đứa trẻ được học mà không thấy mình bị lên lớp, bị uốn nắn, chỉ bảo. Đó mới là cách dạy trẻ con hiệu quả, là bài giảng thực tế nhất. Mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Bài học đầu đời con được học là từ mẹ. Học ăn, học nói, học đứng, học đi, học phép ứng xử trong đời sống. Học qua những câu chuyện cổ tích. Học bằng các trò chơi. Bằng cả lời ru và câu hát. Kỳ diệu biết bao những bài học thăm thẳm ấy. Nói như Nguyễn Duy: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Bây giờ, trong đời sống hiện đại, vừa xô bồ, vừa thực dụng, dường như các bậc cha mẹ lại xao nhãng, thậm chí bỏ quên những buổi “lên lớp cùng con”. Nghĩa là bỏ quên việc chơi với con. Đấy chính là một thiệt thòi cho con trẻ.

Hình ảnh mẹ trong Mẹ ốm và các bài thơ khác của Trần Đăng Khoa là vẻ đẹp chung của các bà mẹ Việt Nam, nhưng cũng là nét riêng của bà mẹ tác giả, đặc biệt là những chi tiết cụ thể khi mẹ ốm:

Lá trầu khô giữa cơi trầu

 Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

 Và đặc biệt là một chi tiết rất đắt:

 Cánh màn khép lỏng cả ngày

 Có người cũng lại trách tác giả: “Con cái gì mà đoảng thế, cẩu thả thế. Chỉ khép mỗi cánh màn cho mẹ mà cũng không xong”. Có thật đứa con đoảng và cẩu thả không? Có thể nói, đây là câu thơ tinh tế nhất trong bài. Nếu chọn câu thơ hay nhất thì trong bài sẽ có câu khác, nhưng tinh tế và “đắt”, lại diễn tả đúng mẹ ốm thì không câu nào vượt được câu này, đặc biệt là chữ “lỏng. Vì sao vậy? Những ai am tường đời sống của người dân quê, ở nông thôn thì đều biết rằng, người ta chỉ buông màn vào buổi tối khi ngủ. Còn ban ngày thì họ vắt màn lên. Màn đã buông và buông cả ngày là nhà có sự cố rồi. Nghĩa là nhà có người ốm. Dân quê không ngủ trưa. Khi cánh màn khép lỏng, thì đằng sau cánh màn ấy là người con đang ngồi chăm mẹ, hoặc người con luôn đi ra đi vào, nên cánh màn không thể khép chặt. Nếu cánh màn đã “khép chặt” thì mọi việc đã an bài. Bà mẹ đã chết. Bởi chỉ có người chết, thì mới phải khép chặt cánh màn, không để chó mèo chạy qua trước khi liệm, đưa người mất vào quan tài. Đấy là điều tối kỵ. Thế mới nói, thơ Khoa giàu chất liệu đời sống và thật tinh tế.

Trong bài thơ, người mẹ hiện lên với nỗi vất vả cơ cực của cuộc sống lao động hàng ngày:

 Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa…

“Cuốc cày”, chứ không phải “cấy cày”. Tại sao tác giả không viết: “Ruộng vườn vắng mẹ cấy cày sớm trưa”? Nếu viết thế là không hiểu người mẹ, cũng không hiểu công việc của người nông dân.  Vậy “cấy cày” và “cuốc cày” khác nhau ở chỗ nào? Khác đấy. Cấy cày là làm theo thời vụ. Còn cuốc cày là công việc quần quật quanh năm “đầu tắt mặt tối”. Trần Đăng Khoa xuất thân từ nông dân, nên ông rất am tường cuộc sống cùng số phận của người nông dân. Ông đã khắc họa nỗi khổ cực vất vả ấy bằng một ngọn bút chuyên nghiệp ngay từ khi còn rất ít tuổi.

Mẹ vất vả vì ai? Còn vì ai nữa, nếu không phải vì miếng cơm manh áo của con. Trần Đăng Khoa thấu hiểu được điều ấy và rất tinh tế khi nhận ra dấu vết của những vất vả hằn quanh đôi mắt mẹ.

 Vì con mẹ khổ đủ điều

 Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Những câu thơ hay nhất của bài thơ này, và cả những câu thơ hay nhất của Trần Đăng Khoa viết về mẹ đều nhắc đến mưa, nắng. Cũng phải thôi. Mưa và nắng luôn chi phối đến số phận của người nông dân. Có thể nói, nghề làm ruộng là nghề vất vả nhất, lại đầy rủi ro, vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Mà thời tiết ở Việt Nam lại thất thường, đầy những bất trắc không thể lường trước. Mưa nắng ở nước ta rất khắc nghiệt. Ở bài “Khi mẹ vắng nhà” có một chi tiết rất điển hình:

 Áo mẹ mưa bạc màu

 Đầu mẹ nắng cháy tóc

Nắng đến cháy cả tóc thì thật kinh khủng. Ở bài “Hạt gạo làng ta”, có khổ thơ không có từ nào là từ nắng, nhưng lại đặc tả nắng, và nắng được đẩy lên ở mức điển hình:

Những trưa tháng Sáu

 Nước như ai nấu

 Chết cả cá cờ

 Cua ngoi lên bờ

 Mẹ em xuống cấy…

Để giúp học sinh hiểu đoạn thơ này, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 từng có năm giải thích rằng, “cá cờ là con cá có cái đuôi vẫy như lá cờ” là không chính xác. Cá cờ là tên một loại cá: Cá cờ. Có nơi còn gọi là cá xí cờ hoặc cá mại cờ. Đó là loại cá nhỏ, chỉ bé bằng ngón tay, nhưng lại có lớp vảy rất cứng, có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt ở mặt ruộng, với độ sâu của nước chỉ nửa gang tay. Nếu ở ao sâu thì nhiệt độ của nước lại ổn định: mùa hạ mát, mùa đông ấm. Càng sâu càng ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Nhưng ở mặt ruộng, mùa đông rất lạnh còn mùa hạ rất nóng. Nóng đến mức cá cờ còn phải chết, cua ngoi lên bờ rúc vào bụi cỏ. Vậy mà bà mẹ lại lao xuống ruộng cấy lúa. Hai hình ảnh đối nghịch, khắc họa nỗi khổ cực của người mẹ nông dân.

Trở lại với “Mẹ ốm”, như đã nói, nhà thơ hai lần nhắc đến mưa nắng. Đó là khi bà mẹ vừa khỏi sốt:

 Sớm nay trời đổ mưa rào

 Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương…

Ở những văn bản đầu tiên, trong các lần xuất bản cả trên báo và sách từ năm 1970 cho đến năm 1973, Trần Đăng Khoa viết:

 Sớm nay trời đổ mưa rào

 Nắng trong, trái chín ngọt ngào bay hương…

Câu thơ rất bình thường, thậm chí là tầm thường, vì nó chỉ là những câu chữ thuần miêu tả, phác họa cảnh sắc thiên nhiên của căn nhà và khu vườn khi bà mẹ vừa ốm dậy: Sau trận mưa, trời bừng nắng, trái chín ngào ngạt tỏa hương thì có gì đâu.  Nhưng Trần Đăng Khoa là người lao động nghệ thuật rất nghiêm túc, kỹ lưỡng đến từng dấu phảy, dấu chấm. Khi ông tước đi một dấu phảy, câu thơ bỗng trở nên xuất thần:

Sớm nay trời đổ mưa rào

 Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương…

Lúc này, không còn là hoa quả bay hương, mà nắng bay hương từ trong trái chín ra. Câu thơ thật thú vị.

Nếu như ở hai câu thơ trên, nắng kết tinh trong hoa trái thì thành hương thơm, mật ngọt thì ở hai câu:

 Nắng mưa từ những ngày xưa

      Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan…

lại khác. Nắng lặn vào đời mẹ sẽ thành trận ốm, cơn đau. Và khi bà mẹ đã qua trận ốm, chúng ta lại thấy một nghịch cảnh đến như thế này:

 Cả đời đi gió đi sương

    Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Chúng ta thấy thương mẹ đến quặn thắt. Có không ít lần đọc lại hai câu thơ này, tôi cứ vẩn vơ nghĩ, tại sao Trần Đăng Khoa không viết: “Cả đời đi nắng đi sương”? Đi nắng là đi ban ngày. Đi sương là đi đêm, thậm chí là đêm khuya. Bởi thường đến khuya sương mới xuống. Vì miếng cơm manh áo của con, đến cả đêm khuya rồi, mẹ vẫn còn phải lặn lội ra đi, lặn lội làm lụng. Câu thơ rất gợi. Nhưng thật ra, đi nắng thì thường quá. Bởi đi giữa ban ngày thì có gì phải bàn? Cái nắng ở Việt Nam, dù có khắc nghiệt, nhưng cũng dễ khắc phục. Chỉ cần chiếc nón, thậm chí lấy lá sen, lá chuối cũng che được một phần rồi. Nhưng gió thì chẳng có cách nào tránh được. Ở các nước, mưa chỉ cần giương ô lên là xong, vì giọt mưa rơi thẳng. Nhưng ở ta, mưa thường đi với gió, rét cũng đi với gió, nên cái rét rất buốt. Còn mưa lại có gió thốc, nên dù có nón, có áo tơi vải nhựa che chắn, nhưng vẫn ướt hết. Gió ở ta là gió độc. Vì thế, có nhiều căn bệnh lạ kỳ. Ở ta có cảm nắng, lại còn có cảm gió. Cảm gió cũng có thể chết người. Vì thế nhà thơ mới viết: “Cả đời đi gió đi sương”. Và để khuây khỏa mẹ, làm mẹ vui, đứa con hiếu thảo mới ở độ tuổi 12, đã làm đủ các trò:

 Mẹ vui con có quản gì

 Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca

 Rồi con diễn kịch giữa nhà

 Một mình con sắm cả ba vai chèo…

Sinh thời, nhà thơ, nhà phê bình lớn Xuân Diệu rất thích những câu thơ này. Ông bảo, đọc câu thơ mà rưng rưng nước mắt. Nhưng tôi không đánh giá cao mấy câu thơ ấy. Nếu có biểu dương là biểu dương ở chỗ này: Khoa rất giỏi sử dụng ngôn ngữ. Ngay cả những từ độc, dễ làm câu thơ dễ dãi, nghiệp dư như: thì, mà, là… trong thơ khuyết danh thường rất nôm na: Thạch Sanh chạy đến tức thì/ Vung tay chém đứt một khi yêu xà…Trần Đăng Khoa có khả năng biến những con chữ dễ dãi ấy thành tự nhiên, nhuần nhuyễn và đắc địa: Mẹ vui con có quản gì/ Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca. Đến cụ Nguyễn Du thì những những từ ngữ đối với thơ ca lại thành “xuất sáo”(nghĩa là cao hơn cả xuất sắc - chữ của Xuân Diệu): “Dở dang nào có hay gì/ Đã tu, tu chót, qua thì, thì thôi”. Câu chữ tài vô cùng. Điều đó chứng tỏ rằng, chẳng có từ nào là từ “chết”. Thậm chí, nếu biết đặt đúng lúc, đúng chỗ thì vẫn rất hay và đắc địa, nhất là đối với các bậc thiên tài. Một cố gắng nữa cũng đáng biểu dương của Trần Đăng Khoa ở mấy câu thơ này, là dù còn ít tuổi, Trần Đăng Khoa đã biết học điển tích từ tiền nhân, làm giàu thêm di sản của mình: Lão Lai 72 tuổi, đã nhảy múa như trẻ con để làm bố mẹ vui. Cụ Nguyễn Du cũng để cô Kiều trong thời khắc ê chề, lưu lạc nhớ về bố mẹ: Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm…Sân Lai là cái sân mà ông lão Lai nhảy múa mua vui cho bố mẹ già.

Trước bài thơ Mẹ ốm ba năm (1967), Trần Đăng Khoa còn có một bài thơ viết về mẹ cũng rất đặc sắc. Đó là bài Khi mẹ vắng nhà:

 Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai

 Khi mẹ vắng nhà em cùng chị giã gạo

 Khi mẹ vắng nhà em thổi cơm

 Khi mẹ vắng nhà em nhổ cỏ vườn

 Khi mẹ vắng nhà em quét sân và quét cổng…

Mấy câu này chỉ là những lời kể việc, không phải thơ. Không có một chút chất thơ nào. Rồi đến cả đoạn tiếp theo cũng không phải thơ:

 Sớm mẹ về thấy khoai đã chín

 Buổi mẹ về gạo đã trắng tinh

 Trưa mẹ về cơm dẻo và ngon

 Chiều mẹ về cỏ đã quang vườn

 Tối mẹ về cổng nhà sạch sẽ…

Đó là kết quả của công việc, lại toàn nói những điều hiển nhiên, tất yếu nó sẽ thế. Bài thơ chỉ có 15 câu, đã hết mười câu rồi mà không thấy thơ đâu cả, và cực đoan hơn, đến cả vần điệu, là cái tối thiểu cần phải có của thơ cũng không thấy nốt. Và chỉ đến khi bà mẹ xuất hiện, thì thơ mới thực sự xuất hiện, với đầy đủ ý tưởng, vần điệu:

Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!

Không, mẹ ơi, con đã ngoan đâu

Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Mẹ ngày đêm khó nhọc

Con chưa ngoan, chưa ngoan!

 Đúng là so với nỗi gian khổ cực nhọc của mẹ, thì những sự cố gắng của con nào có đáng là bao. Bài thơ vụt sáng. Chính mấy câu kết này đã “cứu” toàn bộ bài thơ, biến những con chữ nôm na, kể lể dông dài ở cả hai đoạn trên thành một tổng thể hoàn thiện, cấu tứ chặt chẽ. Một bút pháp của một tay nghề điêu luyện. Bài thơ này, Trần Đăng Khoa viết ở lứa tuổi lên 9. Người đời “phong” ông danh hiệu thần đồng quả là chuẩn xác.

Ở lứa tuổi 15, ông cũng có một bài thơ viết về mẹ rất sâu sắc với một bút pháp vô cùng già dặn như thế. Năm 1972, Giặc Mỹ ném bom hủy diệt Hòn Gai, Quảng Ninh, mảnh đất mà người anh cả của ông, nhà thơ Trần Nhuận Minh chọn làm quê hương thứ hai của mình từ năm 1962, khi ông mới có 4 tuổi. Cô cháu gái của ông, cô Trần Minh Hà, con gái cả bác Minh, được bố mẹ gửi về quê sống với ông bà và chú Khoa. Chú Khoa lúc ấy đang học lớp 7. Sau một tháng ở với cháu, Khoa đã có một tập thơ riêng viết tặng cháu gồm 36 bài. Tập thơ có tên HOA DUỐI. Trong đó có không ít bài đặc sắc. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ lướt qua những bài có hình ảnh mẹ.

Đầu tiên phải kể đến bài Cháu làm bà còng. Bài thơ bắt đầu từ một trò chơi của cháu gái hai tuổi. Cháu bắt chước những động tác của bà, đóng vai bà:

 Cái chân thì khuyệnh khoạng

 Tay vắt vẻo, lưng cong

 Đầu vấp va vấp vểnh

 Cháu bỗng hóa bà còng…

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có tám câu. Cũng giống bài Khi mẹ vắng nhà, hết một nửa rồi mà vẫn không thấy thơ đâu cả. Bốn câu đầu chỉ là cái cớ, kể chuyện cháu bé đang “nhại” theo hình dáng của bà. Cái “đế” của bài thơ lại ở phần sau, gồm bốn câu cuối. Bốn câu đặc tả những khán giả đang xem cháu bé diễn trò:

 Mèo tròn mắt lạ lùng

 Chị cười lăn ra đất

 Mẹ ngồi lặng hồi lâu

 Bà đứng trào nước mắt…

Mỗi câu là một nhân vật. Mỗi nhân vật nhà thơ cũng chỉ dành 5 chữ đanh gọn diễn tả tư thế, tính cách, hành động và cả số phận của họ. Trừ con mèo, là một con vật, với phản ứng bản năng rất hồn nhiên của nó, còn lại là ba thế hệ, đều là nữ. Bắt đầu từ cháu gái, chị của diễn viên nhí, thấy kỳ quặc thì cười, cười đến lăn cả ra đất. Mẹ cháu thì ngồi lặng. Chị là nhân vật nối hai thế hệ. Rồi bài thơ nới dần ra đến nhân vật chính, là nhân vật trung tâm. Đó là bà. Bà không ngồi mà đứng. Cả một đời cực nhọc làm lụng vì con vì cháu. Bà quên cả bản thân mình. Bà có biết mình như thế nào đâu. Bây giờ bà mới nhìn thấy mình, mới biết mình như thế nào qua trò chơi bắt chước của cháu. Giọt nước mắt của bà đâu phải chỉ dành cho số phận mình. Bài thơ hết mà không phải hết.

Ở bài “Bà và cháu”, chỉ có bốn câu, với 24 từ, Trần Đăng Khoa không miêu tả, cũng không kể lể dông dài, nhà thơ chỉ “chớp lại” nguyên văn cuộc đối thoại giữa bà và cháu:

- Cháu ơi, bà xưa cực lắm

Đòn roi chủ quất tím người…

- Đường nhăn hằn sâu khuôn mặt

Phải vết roi không, bà ơi?

 Một lời kể với một câu hỏi. Không có câu trả lời, mà lại có sức ám ảnh người đọc, khiến ta rưng nước mắt.

 Thơ Trần Đăng Khoa là thế: giản dị, xúc động và ám ảnh. Đúng như quan niệm của ông về thơ hay, trong đó có mảng thơ viết về mẹ.

 Mẹ ơi, xin mẹ đừng già

    Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi…

 (Khúc hát người anh hùng)

 “Những ngày cơ cực đã qua” là qua với toàn xã hội, chứ không phải “đã qua” với các bà mẹ Việt Nam, bởi “Nắng mưa từ những ngày xưa – Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan…” cơ mà. Mà không tan được đâu. Bởi số phận mẹ là như thế. Vì vậy, khi nghĩ đến mẹ, Trần Đăng Khoa luôn hình dung đến những thân cò. Và khi nhớ đến những thân cò, nhà thơ lại thấy hình bóng mẹ:

 Trong giấc em mơ

 Có gặp con cò

 Lặn lội bờ sông…

 Có gặp bóng mẹ

 Lom khom trên đồng…

 (Tiếng võng kêu)

 Và còn kinh khủng hơn nữa:

 Lặn lội con cò, con vạc, con nông

 Đến lúc chết, kẽ chân còn dính đất…

 (Khúc hát người anh hùng)                                         

 Viết về người phụ nữ, về số phận của một bà mẹ nông dân mà viết đến như vậy thì thật sâu sắc. Ta còn gặp trong thơ Khoa hình ảnh bà mẹ liệt sĩ, bà mẹ vợ, rồi cả bà mẹ vợ hụt nữa. Nhưng chúng tôi cũng đã bàn cụ thể trong những bài bình riêng, nên không điểm lại ở đây. Chúng tôi chỉ xin dừng lại ở bài thơ “Bên cửa sổ máy bay”. Bài thơ là bức thư của người con trai gửi cho mẹ mình ở làng quê. Vì là thư, nên nhiều câu, nhà thơ bỏ vần, đúng như một bức thư. Chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện ông kể cho các sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên: Thuở bé, cậu bé Khoa hay nằm trong cái nong phơi lúa, nhìn lên bầu trời, ngắm các vì sao. Mẹ bảo: Sao là đèn trời. Đêm đêm các nàng tiên thường bay đi thắp. Thế con có thể nhìn thấy Tiên không? Có, nếu con có được tính kiên trì. Thế là cậu bé Khoa cứ đăm đăm ngắm cái Thiên đường của mẹ mãi ở trên cao. Nhưng chẳng thấy cô Tiên nào. Chỉ có những dải mây trắng, bay phơi phới như những tà áo lụa. Bầu trời đang từ xanh lam, chuyển dần sang màu tím sẫm. Thế rồi mỏi mắt quá, cậu ngủ thiếp đi. Khi có tiếng gọi của mẹ, cậu bừng tỉnh thì bầu trời đã đặc sao. Cậu cảm giác như xung quanh cậu cũng đầy sao. Sao con không thấy cô Tiên nào thắp đèn? Các cô thắp khi con ngủ đấy. Con không thấy vì con không có đủ sự kiên trì. Các cô Tiên khôn lắm. Các cô ấy hay đợi lúc người trần gian không để ý là thắp đèn luôn. Con phải rèn mình để có được sự kiên trì. Không có lòng kiên trì thì không làm được việc gì cả, ngay cả khi chỉ nằm chơi và ngắm các cô tiên.

 Mẹ ơi!

 Con tin là mẹ nói thật

 Nhưng lên đây, con chỉ gặp

 Chóp những đám mây thấp lúp xúp

 Bầu trời trống trơn

 Như cánh đồng làng ta sau vụ gặt

 Khắp nơi ngổn ngang những đống khói hun chuột

 Nhưng hùng vĩ hơn mọi cánh đồng nào

 Tuy nhiên thế, mẹ ơi vẫn chẳng phải cánh đồng đâu

 Bởi không có tà áo nâu và tấm lưng còng của mẹ…

 Con nhìn ra vòm xanh

 Bỗng thấy những ngôi sao đi lang thang như hạt gạo giữa trời

 Hạt nào cũng sáng và đẹp

 Nhưng chỉ hạt gạo mẹ sàng trên nền đất mới hiểu được mẹ

 Mới nuôi con thành một chàng trai

 Bay lên bầu trời…

 Hóa ra cái thiên đường của mẹ ở trên cao chỉ là hư ảo. Mẹ dựng ra cái thiên đường mơ mộng ấy không phải chỉ để dạy con, nuôi dưỡng tâm hồn con, mà còn là cõi thiêng để chính mẹ nương tựa, để mẹ có được sức lực vượt qua chốn đầm lầy, bụi bặm. Và nhà thơ phát hiện ra một sự thật, một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng:

 Từ đỉnh cao này

 Nhìn về mặt đất

 Và con sửng sốt

 Lại thấy một vòm xanh thăm thẳm của bầu trời

 Mây trắng đi lững thững dười kia

 Như những cái nấm lơ lửng

 Nhưng con biết đằng sau màu mây ấy

 Một Thiên đường có thật

 Là ngôi nhà gianh vách trát đất

 Là lâu đài của mẹ con mình…

 Ở đấy có nàng tiên

 Biết hát ca và cấy lúa

 Biết đến với con mỗi khi con đau khổ…

 Nàng Tiên ấy chính là Mẹ đấy:

 Và sau mỗi chặng đường gian nan

 Con lại trở về

 Sưởi ấm trong tình thương đôi mắt mẹ

 Giá lạnh tan đi

 Tràn đầy niềm tin và nghị lực

 Con lại cười vang như tiếng sóng dưới bầu trời…

 Thơ Trần Đăng Khoa là thế đấy. Hiện nay, thơ Trần Đăng Khoa vẫn được in lại (có tập in lại cả trăm lần) vẫn được người đời tìm đọc. Sinh thời, nhà thơ lớn Xuân Diệu rất yêu Trần Đăng Khoa. Không phải chỉ yêu, ông còn kính trọng cậu nữa. Ông viết: “Tôi gọi Khoa là cháu, nhưng luôn coi Khoa là bạn đồng nghiệp”. Và không phải chỉ có thế, trong trang mạng DẠY VÀ HỌC, nhà giáo, nhà khoa học Hoàng Kim kể chuyện Xuân Diệu về Trường Đại học Nông nghiệp thời ông còn là sinh viên nói chuyện thơ Trần Đăng Khoa. Ông bảo: “Tôi goi Khoa là cháu, cháu Khoa. Nhưng thực sự thì Khoa lớn lắm, lớn lắm. Tôi phải gọi là ông Khoa.…Ông lắc lắc mái tóc bồng bềnh. Rồi bất ngờ, ông lùi xuống, chắp tay vái. Cả hội trường cười. Thầy và trò vỗ tay rầm rầm”.

 Tất nhiên, ta biết Xuân Diệu rất ưu ái Trần Đăng Khoa. Ta cũng biết đó là kỹ nghệ gây hấp dẫn của các học giả diễn thuyết trước đám đông. Cứ trừ đi cái phần kỹ nghệ, thì vẫn là một sự thật: Trần Đăng Khoa là một “ca” đặc biệt, rất đặc biệt. Người như Trần Đăng Khoa không nhiều. Có khi một trăm năm, vài trăm năm, trời mới cho một đôi người như thế. Đấy cũng là lý do vì sao tôi viết rất nhiều về ông, viết mãi vẫn chưa hết…

 

Theo Tạp chí Lý luận phê bình

 

 

Từ khóa » Những Bài Thơ Hay Về Mẹ Của Trần đăng Khoa