Đọc THÉP ĐEN Của Đặng Chí Bình | Hoàng Hải Thuỷ

Viết ở Rừng Phong mời quí vị đoc một bài về tác phẩm THÉP ÐEN, Hồi Ký của ÐẶNG CHÍ BÌNH.

Ðây là Lời Giới Thiệu Hồi Ký THÉP ÐEN:

Thép Ðen — Hồi ký của Ðặng Chí Bình — Thiên Hồi Ký của một điệp viên, một trong những chiến sĩ của Bóng Tối thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hoạt động tại miền Bắc và đã sa vào tay giặc.

Thép Ðen phơi bày tất cả những sự thật kinh khiếp vượt trí tưởng tượng của con người tại một vùng đất mịt mù hắc ám của loài quỷ dữ mà người viết như đã đội mồ sống dậy kể cho ta nghe những cơ cực lầm than của xã hội miền Bắc và cuộc đời tù đày bi thảm của những chiến sĩ vô danh của chúng ta, những người đã âm thầm chiến đấu và gục ngã vì lý tưởng Tự Do và Ðại Nghĩa Dân Tộc…

Thép Ðen tập I và II do nhà xuất bản Ðông Tiến phát hành năm 1987. Ðến năm 1991, tác giả tự xuất bản tập III và đến năm 2005 thì hoàn tất tập IV. Quý vị có thể hỏi mua sách hay dĩa đọc truyện qua địa chỉ sau đây:

Dang Chi Binh PO Box 255-571 Dorchester, MA. 02125, USA

Quý vị có thể liên lạc với tác giả qua email: dcbinh38@hotmail.com

Chúng tôi  trân trọng giới thiệu đến quý độc giả và thính giả khắp nơi một bộ Hồi Ký có một không hai, của một trong những điệp viên hoạt động trong bóng tối, một chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

o O o

Mời đọc một đoạn trích trong Hồi Ký Thép Ðen:

Thép Ðen: Vào khoảng gần cuối tháng 11 năm 1978, tất cả 132 biệt kích lại được chuyển về xuôi phía Nam. Hai chiếc xe tải dài ọp ẹp, chắc từ thời tôi còn chưa được mặc quần, khò khè nặng nề nhét chặt 132 anh chàng biệt kích chỉ còn da bọc xương. Hai xe mò mẫm bò về phía Nam. Nhiều lúc, chắc vì nặng qúa, vì phải đèo thêm hơn chục tên công an áo vàng và công an võ trang, xe xịt khói đen ra đầy đường. Mấy bác nông dân gồng gánh đi đường, cũng phải bịt mũi, quắc mắt nhìn theo hai chiếc xe chết tiệt.

Tay của tôi nối chặt với tay Quách Nhung, bởi một cái còng số 8. Xế trưa, qúa mỏi và đau tay, tôi ra hiệu kéo Nhung ra sát cửa sổ nhìn xuống đường, thoáng thấy một cột cây số sơn trắng, đầu đỏ đề:

“Thanh Hóa 59 cây số.”

Như thế đây là Quốc Lộ I. Từ thời Tây, ở miền Bắc các cột cây số trên đường lộ, đều sơn trắng. Ðầu đỏ là Quốc Lộ; đầu xanh là Tỉnh Lộ.

Xe bắt đầu rẽ vào Tỉnh lộ, bóng chiều đã ngả muộn, gà bắt đầu lên chuồng. Xe leo qua một cái dốc dài rồi ngừng lại, ngay giữa rừng già Thanh Hóa. Nhìn theo một con đường nhỏ dài hơn 2 chục mét, chỉ có 3 mái nhà tranh dài, rào vây quanh cũng là tre với nứa. Rõ ràng là một trại giam mới chưa làm xong, còn 2 – 3 cái nhà nữa, mới chỉ có cái khung. Ðiều này đã nói lên, VC đã phải vội vàng đưa, những đám biệt kích này đến, không có dự trù trước. Ðúng như vậy, vài ngày sau chúng tôi đã biết: Ðây là trại Thanh Phong, tên một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đây chỉ là một trại giam nhỏ của Huyện, với hơn 100 tù hình sự.

Những ngày sau, tất cả chúng tôi đều phải làm thêm và làm tiếp những căn nhà lán tù chưa làm xong. Lúc đầu trại chỉ có một cái giếng nhỏ đủ nước cho bếp nấu ăn. Tắm rửa, mỗi buổi chiều công an võ trang phải dẫn từng toán tù (đến đây lại gọi là toán) xuống hết một cái dốc đồi, dài hơn một cây số. Ở đấy có một giòng suối rộng có chỗ đến hơn 10 mét, với những tảng đá lớn lổm ngổm, ở giữa giòng. Tôi chưa biết giòng suối này tên là gì, nhưng ở các trại giam trên miền ngược, chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một cái suối nào, to và đẹp như vậy.

Nhìn cheo chéo phía bên kia suối, có một cái guồng to tròn, như một cái bánh xe khổng lồ bằng gỗ. Hỏi những tên công an võ trang coi toán, tôi được biết đó là những cái guồng nước ở miền núi. Người ta dùng để lấy nước, từ dưới suối lên dẫn nước đi xa, có khi cho cả một xóm dùng.

Thời tiết đang ở giữa mùa Ðông, nên trời còn lạnh ngóm. Tuy trong trại không có nước, nhưng rất nhiều anh, cả các anh dân tộc vẫn còn sợ nước. Các anh chỉ ở cạnh bờ suối, thò những miếng giẻ rách to, nhỏ nhúng nước thay cho khăn mặt, rồi lách vào trong áo, trong quần để lau người.

Ngược lại, Lê Văn Kinh, Quách Nhung, tôi và gần chục anh em nữa thì như “cờ gặp gió, cá gặp nước”. Giữa trời, mây với cây rừng đá núi, chúng tôi đều trở lại thời tiền sử của loài người. Cả một lũ tồng ngồng, nhẩy xuống nước nhào lộn, vẫy vùng.

Tôi cũng thấy lạnh tê cả đầu, và cứng cả người, nhưng có lẽ vì tôi qúa thèm khát nước lâu ngày nên tôi chịu được. Cái từ bơi lội suốt 16 năm, coi như chúng tôi không còn hề nhắc đến. Ngay cái anh chàng Kinh là người Nhái mà cũng lạnh thun “gân” lại còn bé tí tị. Lên bờ rồi, nhìn người nhau còn bốc khói! Tôi cũng lấy làm lạ, tuy lạnh nhưng có lạnh qúa như trên Lào Cai, Yên Bái đâu? Có lẽ cái chính là vì qúa đói, cơ thể không có và không còn nhiệt để chống đỡ, với cái lạnh ở bên ngoài.

Những ngày sau, chúng tôi phải làm một căn lán thủ công 5 gian, cạnh con đường chính ra suối. Lán thủ công cách trại khoảng 300 mét. Tối hôm qua lại có 2 xe chở biệt kích đến Thanh Phong. Thật vui, gặp lại hầu hết anh em trước đây, ở các trại trên miền ngược.

Trại Thanh Phong bây giờ, riêng biệt kích cũng trên dưới 250 người. Lán mộc hoàn thành, toán mộc hàng ngang, cũng được thành lập. Toán mộc kỳ này tương đối là đông gồm 44 người, do tên Lê xuân Hoàn, trung sĩ phụ trách. Tên này người miền Bắc, cái mặt xám xịt, tỏ ra rất nghiêm khắc. Toán trưởng toán mộc lần này lại là một anh chính trị địa phương. Anh là Trần bá Ðôn, một tu xuất, đã có vợ con. Anh đã từng là tổ trưởng mộc, của một cơ sở sản xuất, huyện Kim Anh.

Toán mộc lại tiếp tục làm những giường, bàn, tủ, ghế gọi là hàng ngang, khác với toán mộc làm nhà cửa. Tôi vẫn phụ trách tổ kỹ thuật, chuyên đóng hàng kỹ cho các cán bộ của trại. Tổ kỹ thuật chỉ có 3 người: Lầu Chí Chăn, Vũ viết Tinh (Tinh Còi) và tôi.

Vì là một trại mới trở thành quy mô, khi bất ngờ là nơi Cục Lao Cải chọn để quy tụ biệt kích gián điệp của VNCH cũ. Rất nhiều vấn đề thiếu thốn ở nơi giữa rừng già, cái thiếu bình thường nhưng lại trở thành nguy hiểm, là rau xanh. Với một số tù nhân đủ loại, trên dưới 500 người như thế, mà lại không có rau xanh. Ngay tụi cán bộ, chừng gần 4 chục tên và khoảng hai đại đội công an võ trang, cũng còn thiếu rau xanh nữa là tù. Bởi thế nếu có chuyến xe con rau nào đến trại, tụi cán bộ phải giấu để chúng dùng. Còn mặc kệ tụi tù, làm sao quan trọng bằng cán bộ?

Chính vì lý do này mà trại tù Thanh Phong, đã nổi bật hơn các trại tù khác, ở một sự việc độc đáo: Hàng tháng trại không có rau, mà chỉ có toàn muối rang, hết pha thành nước, lại rang. Chung quanh trại không có những loại rau dại, như ở miền xuôi, hay ở những vùng có người ở hay qua lại. Cho dù là người dân tộc, ở đây hoàn toàn giữa rừng già. Nhiều lúc tôi suy ngẫm, do luật bù trừ huyền bí của tạo hóa, thiên nhiên, nếu không có con suối trên tôi đã nói, thì rồi không biết đời sống của đám tù chúng tôi sẽ ra sao, khi 500 người tù phải sống trong cái vùng khắc nghiệt, khác thường này?

Ðầu tiên là đám tù hình sự, do còn trẻ, bản tính bất cần đời nên không có ý chí chế ngự, chịu đựng, ăn bậy bạ nhiều. Do những mánh lới chuyên nghiệp (lưu manh) đã kiếm được lá sắn, đôi khi kiếm được củ sắn, thì ăn cả ruột lẫn vỏ. Một sự không may, có thể do những vườn sắn mới trồng, đất chưa thuần, còn hơi hướng, gốc rễ của những cỏ gianh (Tôi đã có kinh nghiệm hàng chục năm, ăn sắn). Cây sắn nào mà củ chui vào rễ cỏ gianh, ăn vào là say, nhức đầu nôn mửa, hay té re, tháo tỏng, nặng có khi là chết.

Một loạt các cậu tù hình sự bị nhức đầu, nôn mửa (hầu hết các em còn trẻ 18 đến 20 – 25). Tên cán bộ y tế của trại, lại chưa có kinh nghiệm, với loại say sắn! Y thấy hàng mấy chục người nôn mửa và nhức đầu. Y quýnh qúa, lấy Aspirin cho mỗi cậu 2 viên uống, để rồi sáng hôm sau chết một lúc 13 – 14 người. Chắc là cán bộ Ðảng ủy của trại thấy trầm trọng, vội ưu tiên lập 3 đội, phá bỏ những loại cây trồng khác, chỉ chuyên đề trồng rau xanh. Ý muốn thì nhanh, nhưng hiện thực phải qua nhiều khâu. Phải cho cán bộ về thành phố kiếm tìm hạt giống, chuẩn bị đất để trồng v.v… Cho tới khi có rau ăn, cũng phải mất hàng nửa năm.

Riêng với khu biệt kích, dù sao đã là những người lớn, và tương đối có ý chí tự tồn, trong những điều kiện ngặt nghèo. Một đoạn đường rừng hơn một cây số, từ trại tù ra tới con suối (khi mới đến chúng tôi chưa biết tên, bây giờ chúng tôi biết đó là con sông Tràng. Con sông sau này đã gây ra nạn lụt 1981, trôi cả lán trại, trâu bò). Dù đã biết đó là con sông Tràng, nhưng chúng tôi vẫn gọi đó là con suối Tiên. Vì nó đã góp phần duy trì sự sống, sự tồn tại của anh em biệt kích. Ðoạn đường này, hai bên đường là những cây rừng, hàng ngày các toán chúng tôi đều qua lại để ra suối, rửa ráy, tắm rửa sau một ngày lao động cực nhọc.

Qua mùa Ðông 1978 để vào mùa Xuân 1979, những cây rừng cũng nẩy lộc, đâm chồi. Cũng giai đoạn này, qua những tin đồn do người tiếp tế ở trong Nam mang đến, VN đã đánh chiếm Campuchia, tôi chợt nhớ đến 200 chiếc hộp hắc ín, ở trại T52.

Những chồi lộc của những loại cây rừng, mỗi ngày mơn mởn mỗi lớn, mỗi xanh tươi. Không biết là do ai? Trong anh em biệt kích, có thể là những biệt kích người dân tộc. Có lẽ các anh, cũng cùng tâm trạng như mọi người, nhưng do sáng kiến (Cùng thì phải tắc, tắc thì phải thông). Một anh đã hái một ít đọt lá non, của một cây rừng.

Hôm sau ra nơi lao động anh cho lá vào bô tôn, thùng thiếc, đổ nước, luộc rừ rồi ăn thử. Lúc đầu là thử nếm rồi nghe ngóng cơ thể, thấy không sao. Thế là cái loại lá cây đó được phổ biến cho bạn tù, mà đã ra người thứ hai, thì cả biệt kích đều biết, và ai cũng thấy. Các loại lá cây ấy, trên con đường từ trại ra “Suối Tiên” hết dần, và càng gần cuối thì tốc độ hết, càng nhanh. Ðể rồi ra cái chồi hay lá non nào, đều bị vặt hết, vặt cả ngọn.

Hết loại cây ấy, con người lại phải thực nghiệm sang một loại cây khác. Cuối cùng chỉ gần 3 tháng, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 năm 1979, cả 2 bên triền rừng, từ đường lấn sâu vào rừng chừng 15- 20 mét, đa số lá cây rừng sạch trơn, như có thỏ hay hươu cao cổ, ăn lá cây như vậy.

Từ cán bộ hay công an võ trang nào cũng thấy chính mình, mà còn không có rau. Vả lại, tụi nó nằn nì (cả toán ai cũng nằn nì) chỉ tranh thủ vặt những lá cây rừng. Cán bộ chỉ mất 5- 10 phút, đã ban cho những thằng tù một đặc ân, mà chúng chả có mất cái gì cả. Chúng được những tên tù khẩn khoản, nhìn với những con mắt ân huệ, biết ơn.

Không những là khu biệt kích rồi lan dần ra khu hình sự, cụ thể là khu biệt kích gần 300 người, nếu có người chết là rất cá biệt. Nếu không nói là không một ai bị chết, vì thiếu chất rau xanh, ở giai đoạn ấy. Cả một mùa Xuân, của cây rừng 2 bên đoạn đường ấy, không còn khoe hương, khoe sắc với chúa Xuân như mọi năm. Nhưng, chúng đã làm được một việc thiết thực hơn nghệ thuật. Chúng đã cưu mang, giúp đỡ bọn biệt kích sống còn. Chúng đã phục vụ, nhân sinh.

Có lần chân tôi bước theo hàng đôi của toán trên con đường “huyết mạch” đó, óc của tôi miên man chạy ngược về những năm tháng trước đây. Khi ấy CIA và Cục Trung Ương tình báo của VNCH, dậy tôi trong giai đoạn thực tập “mưu sinh” sống trong rừng, mà không có lương thực. Ngoài những chuyện bẫy, bắt cá và thú rừng, củ, rễ cây rừng v.v… Từ trong trí óc đã đẩy ra miệng tôi thành cười mỉm: Có thể rồi đây, các cơ quan tình báo nổi tiếng, Quốc Tế như CIA, Hắc Long của Nhật, I S của Anh, Gestapo (Ðức), KGB, RU, Liên Xô v.v… Cần phải nghiên cứu bổ sung, trong bài học “mưu sinh”.

Tối hôm qua về trại, tôi nghe loáng thoáng Trung Quốc lại đem quân vượt biên giới, đánh VN. Tôi bí mật tìm hiểu, nguồn tin là do anh Hoàng Tồn được ra tự giác, từ mấy tháng trước. Anh có một chiếc xe ba gác, thường chở những đồ tiếp tế cho gia đình của các anh em biệt kích, từ trong Nam ra tiếp tế. Tôi đã đến anh Tồn để biết sơ qua, có tính cách khái niệm. Một vấn đề tương đối lớn, tương đối sâu trong nội bộ của Ðảng CS Quốc Tế.

Việt Nam đánh Cam-pu-chia (7/1/79), rồi bây giờ Trung Cộng lại đánh Việt Nam (17/2/79). Có thể đây là những tiền đề, cho những bước kế tiếp của các Ðảng CS. Cũng có những dư luận về Lý Cà Sa. Từ nhiều nguồn tin, LCS có cầm quân trở lại Lầu Cai, là đúng

o O o

Lời viết về THÉP ÐEN của Học Giả Ðàm Trung Pháp:

Dallas Ngày 22-8-2008

Thưa anh Ðặng Chí Bình,

Tôi vừa đọc xong trọn bộ 4 cuốn hồi ký THÉP ÐEN của anh, và như đã hứa với anh, tôi gửi anh lá thư này để nói lên cảm nghĩ của tôi về hồi ký của anh.

Vì đã đọc kỹ từng trang anh viết, tôi thấy như đã quen biết anh rất rõ và có cảm tình đặc biệt với anh. Tôi cũng là người công giáo như anh và rất kính mến và ghi ơn Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là người đã cho tôi một học bổng quốc gia để du học Hoa Kỳ năm 1959 khi tôi 18 tuổi. Tôi cầu mong anh được luôn an khang để tận hưởng cuộc đời còn lại trong một xã hội tự do bậc nhất trên thế giới này sau khi đã hy sinh quá nhiều cho lý tưởng phục vụ quê hương.

Phải nói ngay, anh kể chuyện hấp dẫn và có lớp lang lắm, khiến người đọc rất dễ theo dõi và không bao giờ bị hụt hẫng. Trí nhớ của anh phi thường và nhận xét của anh tinh vi. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy mà anh vẫn giữ được một tâm hồn thi sĩ, một tinh thần hài hước.

Tôi đã thích thú đọc từng trang anh viết, và nhờ đó được biết thêm về cuộc sống của người dân miền Bắc năm 1962, qua sự quan sát của anh trước khi anh bị phản gián cộng sản bắt anh và cho anh vào Hỏa Lò. Tôi cũng đã nghe nhiều người nói về chuyện tàn ác của cộng sản đối với binh lính miền Nam sau 1975, nhưng những chi tiết anh kể trong hồi ký sống động hơn nhiều. Anh cũng lột tả được cuộc sống cơ cực của dân Saigon sau khi anh được trở về với gia đình vào đầu thập niên 1980, sau 18 năm lao tù. Tôi âm thầm nhỏ lệ đọc những lời thành tâm anh viết về cuối cuộc đời của bác trai và bác gái. Cảm ơn anh thật nhiều đã chia xẻ những kinh nghiệm đắng cay của anh với bọn quỷ đỏ.

Anh có biệt tài tả hình dáng và tính tình của các nhân vật một cách ngắn và gọn, từ những tên cán bộ ác ôn cho đến những người cộng sản còn chút lương tri, từ những bạn tù cùng cảnh ngộ và lý tưởng như anh cho đến những người cộng sản còn chan chứa tình người như cô y tá Vân chẳng hạn. Cuộc tình vô vọng nhưng tuyệt đẹp giữa người tù ÐCB và cô y tá Vân là một cao điểm trong bộ hồi ký của anh. Nó đã làm cho lòng tôi xao xuyến một cách lạ kỳ! Tôi cũng rất thích được nghe những câu chuyện đắng cay anh kể về những nhân vật nổi tiếng nhưng bất hạnh như nữ sĩ Thụy An và dược sĩ cựu thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín.

“Vô tri bất mộ,” cổ nhân đã nói. Vì tôi đã biết anh qua cả ngàn trang hồi ký, tôi cảm phục anh vô cùng. Lòng can đảm, sự quyết tâm phục vụ lý tưởng, và những giá trị đạo đức không thể lay chuyển của anh đã nổi bật trong THÉP ÐEN. Anh có quyền hãnh diện đã hoàn tất một tác phẩm để đời.

Cuối thư, tôi xin cầu nguyện Thiên Chúa luôn quan phòng cho anh và quý quyến.

Với tất cả chân tình,

Tiến Sĩ Ðàm Trung Pháp, Giáo Sư Thực Thụ

Texas Woman’s University

o O o

Ðây là Thư của Tác Giả Hồi Ký Thép Ðen Ðặng Chí Bình:

Kính thưa độc giả và thính giả Hồi Ký Thép Ðen.

Từ khi hết Thép Ðen hơn một năm… Nhiều bạn bè, thân hữu và chính nhà xuất bản Ðại Nam, đều chân thành khuyên:

“Anh đừng tái bản Thép Ðen, hầu hết các nhà sách Việt đã đóng cửa… Ngay những nhà xuất bản cũng vậy… Thậm chí cả sách báo ngoại quốc cũng giảm sút do Internet… E-book.”

Tôi đã nghe theo lời khuyên.

Thép Ðen chào đời đã 25 năm.. Nhiều báo đăng, Radio đọc ở Âu, Mỹ, Úc…Trên Google Internet hàng chục triệu results…Ngay trong nước (VN), nhiều cơ sở thương mại cũng lấy Thép Ðen làm quảng cáo cho họ. Tôi coi đấy là một phần thưởng tinh thần cho tuổi già cuối đời.

Nhưng hơn mười tháng nay… Gần hai chục lá thư tay, email đòi mua Thép Ðen… Một bà ở Thụy Sĩ cần một bộ Thép Ðen trong tủ sách gia đình như gia phả để lại cho con cháu… Ðặc biệt một người ở Pháp, đã gửi 100 EU… Một người ở NV. (USA) gửi 100 USD… Khi nào có sách gửi cho họ.

Sau nhiều đêm ngày trăn trở nghĩ suy… Tuổi già.. chẳng biết ra đi lúc nào… Nếu chắt chiu … Chết đi… vợ con cũng tiêu đi hết… Tái bản 5-700 bộ Thép Ðen. để lại cho gia đình, cho đời, cho quê hương thì có ý nghĩa hơn. Vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, đến nay đã có sách. Mỗi bộ Thép Ðen tái bản gồm 4 tập bìa cứng, chữ mạ vàng… Có bổ sung một vài sự kiện cho thêm chính xác.

Vậy những thân hữu nào yêu sách… muốn có một bộ Thép Ðen với chữ ký của tác giả, xin liên lạc:

Trần Mai Lynh (Email: dcbinh33@gmail.com) PO. Box: 255-571 Dorchester, MA. 02125.

TL: (617) 288-9142.

Boston Nov. 5/2011.

Ðặng Chí Bình

o O o

Tôi – Công Tử Hà Ðông – thấy những Lời trên đây đã đủ nói lên giá trị của Hồi Ký Thép Ðen. Tôi chỉ cần viết thêm:

THÉP ÐEN Hay, Giá Trị, quí vị nên Ðọc.

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Filed under: Viết Ở Rừng Phong |

Từ khóa » Thép đen Của đặng Chí Bình