THÉP ĐEN Đặng Chí Bình | Thep Den Dang Chi Binh

Vào một buổi tối cuối Xuân 1959, trời thật nhiều gió. Những hàng me trên đường “16” vật vờ, nghiêng ngã theo từng đợt gió mạnh. Từng đám lá me khô nhỏ dảy dụa cuốn đuổi nhau như đám ong vàng, gây nên những tiếng xào xạc, trên mặt đường.

Buổi tối đó là ngày thường nên khu nhà thờ Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả Tân Sơn Nhất Sài Gòn rất vắng vẻ. Xa xa một vài ánh điện từ ngoài đường Trương Minh Ký hắt vào, càng làm cho khu vực nhà thờ mập mờ, chỗ sáng chỗ tối.

Nhìn sang phía bên kia nhà thờ, tôi thấy thấp thoáng trong một góc tối mấy người cũng có vẻ như chúng tôi, nghĩa là cùng chờ giờ hẹn với một người.

Mãi 8 giờ 15, từ đầu đường “16”, một chiếc xe “díp” thường dân đi tới và từ từ đỗ lại, trong bóng tối của một cây me bên đường, cách xa nhà thờ một khoảng.

Một bóng người bước xuống và đi về phía nhà thờ. Chúng tôi chả ai nói ra, nhưng cùng hiểu đó là người chúng tôi đang đợi. Lẩn trong bóng tối, chúng tôi chỉ thấy người đó mặc áo blouson xám, đội mũ “phớt”. Ông ta đi vào khu buồng cha Khuê phía đầu nhà thờ.

Chừng 10 phút sau, một chú bé giúp lễ ra sân mời chúng tôi vào. Cha Khuê không giới thiệu, nên chúng tôi chỉ biết gật đầu chào. Sau khi ông ta nói với Cha Khuê, xin mượn một phòng học ở trên lầu, ông quay lại phía chúng tôi với giọng Huế nặng chình chịch:

– Mời tất cả các anh em lên trên gác!

Chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai nói một lời lục tục bước theo ông lên trên lầu.

Trong phòng, chúng tôi gồm 8 người, kể cả ông chú họ tôi. Chính tôi lúc này cũng không hiểu vì sao chú tôi cũng vào ấy ngồi. Hầu hết chúng tôi đều ở lứa tuổi thanh niên; chú tôi trông riêng biệt hẳn không những về tuổi tác, mà còn vì dáng dấp phong độ như một “chính khách” nữa. Chính sự hiện diện của chú tôi, cũng đang làm cho ông người Huế không ít băn khoăn. Ông nhìn chú tôi, nửa như muốn hỏi, nửa như e ngại đắn đo. Có lẽ chú tôi cũng thấy vậy, nên ông đã đứng dậy, rồi cùng ông người Huế đưa nhau ra chỗ ban công nói gì với nhau một lúc. Sau đó, chú tôi xuống lầu.

Tôi nhớ lại hơn một tuần trước, thằng em trai đi phố về, gọi tôi rối rít:

– Chú Thường gọi anh ra gặp cô chú có việc cần.

Ông Thường là một người từ trước tới giờ tôi vẫn kính nể, ông những ông là bậc cha chú, mà vì kiến thức uyên bác trong nhiều lãnh vực, và sự giao thiệp rộng rãi của ông trong xã hội. Vì vậy, tôi đã vội vàng ra nhà chú tôi ngay.

Sau những phút ân cần thăm hỏi thằng cháu về học hành, thi cử, mắt ông sáng thêm ra nhìn tôi, nói:

– Hiện nay, Phủ Tổng Thống tổ chức một lớp học đặc biệt chỉ dành cho mươi người. Những người phải được bảo đảm với Phủ Tổng Thống bởi những người có thế lực. Vậy nếu cháu thích, chú sẽ giới thiệu cho.

Những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường, kết hợp với thực tiễn cuộc sống đã dần hình thành trong tôi một nhân sinh và thế giới quan. Một người con trai được sinh ra trong đời này, lớn lên, lấy vợ, đẻ con, già, bệnh rồi … chết. Như vậy đi không rồi cũng trở về … không; có khác gì con người chỉ là cái mắc áo, và là cái nơi để hàng ngày đổ cơm vào? Tư tưởng hào hùng đầy lửa sống của cụ Nguyễn Công Trứ đã cuốn hút, thấm đậm vào tâm hồn non trẻ của tôi; đã luồn lách vào từng tế bào của trái tim nóng hổi; để rung lên những điệu nhạc tang bồng vẫy vùng ngang dọc của người con trai. Cho nên, mới nghe chú nói, tôi đã vồ vập nhận lời ngay, và nhờ chú tôi giới thiệu.

Ngày hôm sau, chú đã dẫn tôi sang gặp linh mục Mai Ngọc Khuê để giới thiệu tôi với người.

Cha Khuê đã hỏi nhiều về thân thế, gia đình, quá trình cuộc sống, và một số quan điểm của tôi đối với xã hội, đối với quê hương dân tộc.

Người rất chú ý, khi chú tôi giới thiệu từ bé tôi đã có nhiều năm luyện tập võ thuật. Cuối cùng người tỏ ra hài lòng nhìn tôi vừa gật gù:

– Như vậy là một thanh niên văn võ toàn tài.

Câu khen quá đáng của người đã làm tôi đỏ mặt. Khi từ giã cha Khuê, trên đường về nhà, tôi hỏi chú tôi có biết gì về lớp học đặc biệt này hay không?

Thực ra, chú chỉ là một người quen thân với Cha Khuê qua nhiều lần trao đổi về chính trị, thời cuộc… chứ về lớp học này, chú chẳng biết gì hơn những điều tôi nghe Cha Khuê nói.

Khi chú tôi đã xuống dưới lầu, ông người Huế trở lại lớp học. Ông quay nhìn tôi, nở một nụ cười thiện cảm trong lúc tay ông mở chiếc cặp đen để trên bàn. Sau đó, ngững lên nhìn tất cả chúng tôi, nét mặt nghiêm trang, ông nói rành rọt:

– Các anh là những người được giới thiệu bảo đảm để theo lớp học này. Tôi rất hân hoan, tin tưởng, vậy trước hết các anh hãy điền, ghi vào tập lý lịch sau đây.

Ông vừa giơ một tập giấy, vừa nói nội dung và cách thức ghi chép vào những chỗ trống theo câu hỏi. Tập lý lịch in sẵn này cũng như nhiều tập lý lịch khác, ngoài phần đề cập về bản thân và cuộc sống, còn thêm hai mục:

– Quan điểm tư tưởng, hoài bão. – Kể 3 người bạn thân nhất, ghi rõ tên tuổi và địa chỉ.

Gần 1 giờ sau, khi chúng tôi làm xong thủ tục lý lịch, ông căn dặn mấy việc:

– Trở về nhà, chỉ được nói với gia đình, bạn bè là chuẩn bị để đi dự một lớp huấn luyện, về thanh niên Cộng Hòa.

– Mỗi người hãy chờ ở nhà! Ông sẽ đến tiếp xúc riêng từng người theo địa chỉ trong bản lý lịch. Nếu có việc gì cần kíp phải đi đâu, viết giấy ghi rõ nơi đến và khi nào trở về, để lại dặn người nhà.

– Lúc đầu phải nhờ người giới thiệu là trung gian; nhưng bây giờ tuyệt đối không nói là nhận được hay không. Nếu người giới thiệu có hỏi, chỉ nói vẫn chờ, chưa thấy gọi.

Khi chúng tôi ra về, đã 10 giờ 30 tối. Chú tôi đã về nhà. Cha Khuê đã vào phòng đọc kinh. Đến lượt tôi chào ông người Huế, ông tiến lại bên tôi, nói:

– Bình, tí nữa theo tôi ra xe nói chuyện nhé!

Hơi ngạc nhiên, nhưng tôi chợt hiểu. Hẳn là Cha Khuê, hoặc chú tôi đã có lời nhắn nhủ.

Lúc ra tới đướng 16, ông đi thong thả bên tôi, đặt tay lên vai tôi ra chiều thân mật, ông hỏi tôi về cuộc sống, về học hành, v.v… Cuối cùng, ông nói:

– Tôi rất mến và tin tưởng ở Bình. Do đó, tôi muốn Bình giới thiệu cho tôi một người bạn thân, đồng chí hướng như Bình.

Là một thanh niên hãy còn nhiều bồng bột; nghe ông nói tôi thấy lòng tự hào và nghĩ ngay tới Nguyễn Vĩnh Lý, một người bạn rất thân học ở Chasselop Laubat. Anh vừa đậu phần I Tú Tài Pháp, anh cũng có một số hoài bão, ước mơ như tôi.

Sau khi ông ghi xong số nhà, đường phố của Lý do tôi nói, ông lại đặt tay lên vai tôi, giọng tình cảm dịu dàng:

– Tôi sẽ tiếp xúc với Lý, bây giờ Bình về, chúng ta sẽ gặp lại.

Trên đường về nhà và cả đêm hôm đó trước khi đi ngủ, tôi miên man suy nghĩ về diễn tiến của buổi tối ở nhà thờ Tân Sa Châu. Mặc dù chưa biết chút gì về lớp học, nhưng những hiện tượng mà tôi đã nhìn và nghe cả buổi tối hôm trước, đã làm tôi triền miên tưởng tượng viễn ảnh của một ngày mai, trong giấc ngủ muộn.

Sáng hôm sau, tôi phóng xe sang nhà Lý ở khu Đa Kao Cầu Bông rất sớm. Tôi kể cho Lý nghe về sự việc tối trước và nói đã giới thiệu với ông đó rồi. Lý rất mửng rỡ và hỏi liên tiếp những câu mà tôi cũng mù tịt:

– Lớp này là lớp gì? Học ở đâu và học gì? Thời gian bao lâu? Học xong, làm gì?

Tuy vậy Lý rất vui và tin tưởng tôi nên Lý sẽ chờ ông người Huế đó đến gặp. Tôi dặn Lý:

– Mày tiếp xúc với ông ấy, thử moi thêm, may ra biết rõ hơn.

Chừng 10 ngày sau, Lý xuống nhà cho biết: Đã gặp và hoàn tất lý lịch. Lý có hỏi tên, được ông bảo cứ gọi ông là Hương (tôi cho là tên giả). Ngoài ra Lý không biết gì hơn những điều tôi đã biết.

Chúng tôi phải chờ hơn một tháng trời. Có lẻ đây là thời gian sắp xếp chuẩn bị lớp học. Cũng có thể có những người đã bí mật đến xóm giềng, thẩm tra về từng người của chúng tôi. Một hôm, Lý xuống nhà tối với một vẻ phấn khởi:

– Ông Hương bảo tối nay mày đến nhà tao ngủ, 8 giờ sáng mai (tức là ngày 28 tháng 4), ông sẽ đến đón đi tham dự lớp học. Phải chuẩn bị quần áo, sinh hoạt trong một tuần.

Chúng tôi, hai đứa xốn xang bàn tán rất nhiều nhưng vẫn chẳng hiểu được gì hơn. Đêm hôm ngủ ở nhà Lý, hai anh em nằm bên nhau trong căn gác hẹp, nhỏ to rì rầm rồi đi dần vào giấc ngủ nhiều mộng mơ, về ngày mai của cuộc đời.

Từ khóa » Thép đen Của đặng Chí Bình