Đôi điều Suy Nghĩ Về Danh Nhân Văn Hoá
Có thể bạn quan tâm
Nếu nhìn ở tầm vĩ mô thế giới, chúng ta có thể lấy bức tranh: “Những người làm nên thế kỷ XX” (Ils ont fait le XX siècle) tại Paris làm chuẩn tham khảo. Nơi đây có hình ảnh nhiều danh nhân, trong đó có Hồ Chí Minh – Chủ tịch nước Việt Nam của chúng ta. Nơi đây có vợ chồng bác học người Pháp Joliot Curie. Cũng từ đây, chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa danh nhân thế giới và trong nước. Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa (UNESCO) của Liên Hợp Quốc đã phong tặng Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
Trong việc tôn vinh danh nhân, tôi nghĩ có hai nội hàm chủ yếu được ghi nhận: thứ nhất là để tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối; thứ hai là để hậu thế noi gương sáng ngời của họ, nhằm kế tục và phát triển hơn nữa. Mặt khó khăn trong việc đoán định khuôn khổ danh nhân từ xa xưa từng được phương ngôn cổ Trung Hoa xác lập: “Cái quan định luận”, nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài thì mới có thể định vị được vai trò của con người ấy đã sống và cống hiến như thế nào cho cộng đồng trong lịch sử xã hội cũng như trong văn hóa, khoa học. Tuy thế, dù cả khi đã được đào sâu chôn chặt, nằm yên trong lòng đất, mà đâu có yên trong dư luận, trong tình đời. Chẳng phải từ lâu dân gian ta cũng đã bàn tán đó sao:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Trên đất nước ta, danh nhân thời nào cũng có. Nói đến danh nhân văn hóa, trước tiên cần nói đến những người đã làm nên cái thiện, cái đẹp trong bất kỳ lĩnh vực nào. Chứng cớ là vào đầu thế kỷ XX, tại phố Hàng Bông đất Thăng Long, dân bản địa đã lập nên bàn thờ tôn vinh ông Phúc Hậu làm phúc thần từng có công lớn trong việc chăm sóc trẻ. Và rõ ràng nhất là Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) được nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) lập đền thờ sống (1852) sau khi ông đã về hưu, rồi họ cùng nhau vào quê Hà Tĩnh rước ông ra chơi; bởi ông là vị dinh điền sứ vĩ đại đã chiêu dân lập ấp, mở trường dạy học, giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo, trộm cướp, được hưởng cuộc sống yên lành, mặc dù vị danh nhân tốt bụng này bị đảo điên, khốn khổ vì vua quan thượng cấp hành tội bao lần thăng giáng. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất trong lịch sử nước ta, nông dân tự phát lập sinh từ, không phải vì cấp bậc quan chức, cũng chẳng phải vì tấm văn bằng Giải nguyên của Nguyễn tiên sinh. Đặc biệt phải kể đến nhà bác học Yersin (1863 – 1943) đã hết lòng làm nhiều điều phúc lớn chữa bệnh cho dân, tuy là người nước ngoài, nhưng vẫn được nhân dân Khánh Hòa và các vùng lân cận gọi thân mật là ông Năm; lúc ông mất, bao người cùng cây cối đeo khăn tang rồi lập đền thờ cúng Ông…
Kế thừa truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc, sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi “những người tài đức” vì “ích quốc lợi dân” hãy ra giúp nước. Thế là hàng loạt nhân sĩ trí thức sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc cùng toàn dân chiến đấu giành độc lập tự do. Từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã xuất hiện nhiều danh nhân kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy vậy, một mặt khác, cũng không phải dễ dàng trong việc tôn vinh danh nhân sao cho thật thích đáng, hợp với lòng người. Bởi lẽ cuộc sống đời thường vốn từng làm nảy sinh bao điều phiên toái, gắn liền với bao giai thoại chìm nổi, khó phân biệt. Chẳng phải tiếng tăm về các vị vua chúa, quan lại triều đình cùng các bậc khoa bảng từ bao đời nay vẫn còn mơ màng sương khói chuyện cũ, khó lòng sáng tỏ hư thực. Ví như chuyện vua Tự Đức nổi giận khi đọc đến câu thơ trong Truyện Kiều, nói về Từ Hải:
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai
Vốn là vị vua ham mê thơ phú, nhưng Ngài liền nổi máu quyền lực, quát lớn: Giá mà Nguyễn Du còn sống thì phải đè ra đánh 30 trượng!
Thực hư không rõ nhưng giữa vị quân vương với lăng mộ đồ sộ nhất triều Nguyễn và nhà thơ nghèo trên mảnh đất Lam Hồng – ai là danh nhân thì công luận ngày nay đã giải đáp. Có thể liên hệ rộng xa hơn từ đất Trung Hoa cổ kính từng lưu truyền hai câu thơ bất hủ:
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn khâu!
(Thơ phú Khuất Bình sáng mãi đất trời,
Lâu đài vua Sở mất rồi còn đâu?)
Đúng vậy, thời gian là hòn đá thử vàng, nghĩa là gần 700 năm sau kể từ khi Khuất Nguyên (Khuất Bình – 270 năm TCN) từ trần, nhà thơ Lý Bạch (701 – 762) đời Đường đã bình luận rất mực sắc sảo. Rõ ràng là việc xác định một danh nhân thật không hề đơn giản. Tuy thế, cái gì hợp với lòng người, gắn kết với lợi ích của nhân dân, của đất nước thì vẫn mãi tỏa sáng. Gần đây nhất, vào tháng 10/2009, nhân dịp khánh thành nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Quang Diệu ở Đồng Tháp (nhà chí sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX, hướng theo lý tưởng của cụ Phan Bội Châu, từng bị thực dân bắt tù đầy tận đảo Réunion, sau đó được tha về và sống ở An Giang, làm một lương y tốt bụng chuyên cứu giúp dân nghèo), có người đề tặng ông hai câu thơ đầy ý nghĩa:
Cái còn thì vẫn còn nguyên
Cái tan dẫu tưởng vững bền vẫn tan
(theo HTV9)
Nhiều nước trên thế giới đã lấy tên các danh nhân của dân tộc mình hoặc của thế giới để đặt tên cho các con đường, cây cầu, trường học, công viên, tàu thủy, các công trình kiến trúc…Ở nước ta cũng vậy, tuy nhiên công việc này dường như được tiến hành thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trên cả nước, kể từ Bộ Văn hóa , thể thao và du lịch. Từ đó chưa xác định rõ vị trí, cấp độ của các danh nhân và cũng vì thế mà ý nghĩa giáo dục chưa được phát huy nhiều chăng? Xin nêu ra đây một số hình ảnh thực tế: năm 2009, tôi dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh và tình cờ đi ngang qua một con phố loại trung bình ở vùng ngoại ô quận 9 mang tên Đỗ Xuân Hợp. Tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ở Hà Nội không có con đường nào mang tên ông? Ông vốn sinh ra ở Hàng Đào và hoạt động khoa học ở Hà Nội – Hà Đông. Là một giáo sư, anh hùng quân đội, Viện trưởng Viện Quân y 103 – Hiệu trưởng trường Đại học Quân y, huân chương Hồ Chí Minh và có nhiều công trình khoa học đã được chính phủ Pháp tặng giải thưởng. Được biết, trường Đại học Quân y từ lâu đã đề nghị lấy tên ông đặt tên cho con đường Viện 103, nhưng đến nay vẫn chưa thấy?
Năm 2005, nhân dịp tới dự hội thảo về thi hào Nguyễn Du tại thành phố Hà Tĩnh, tôi gặp con đường mang tên Nguyễn Đình Tứ (quê Hà Tĩnh) nhưng lại không tìm thấy con đường nào mang tên Lê Văn Thiêm, mặc dầu ông là nhà toán học từng có không ít kiến giải toán học được giới khoa học quốc tế công nhận. Hơn nữa, chính ông cũng quê Hà Tĩnh, lại là thầy giáo của Nguyễn Đình Tứ và là Giám đốc trường Khoa học cơ bản ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), nơi ông Tứ theo học (gần đây, ở Hà Nội, mới có một con đường được đặt tên là Lê Văn Thiêm ở quận Thanh Xuân). Mảnh đất Nghệ Tĩnh từ xưa đến nay có rất nhiều danh nhân, cần được tôn vinh. Trong khi đó, cách đây nhiều năm lại có con đường gần chợ Vinh (Nghệ An) mang tên Phan Thị Thuấn. Theo sách Địa chí Nghệ Tĩnh, chồng bà là võ tướng thời Lê mạt đã tử trận trong cuộc đối đầu với quân Tây Sơn tại bến Thúy Ái (Hà Nội). Một thời gian sau, để tỏ lòng chung thủy với chồng, bà bèn mặc một bộ quần áo đỏ đẹp, bơi thuyền ra giữa sông Hồng (cũng tại khu vực bến Thủy Ái) và nhảy xuống nước tự vẫn. Bà được nhà vua tặng bằng “Tiết hạnh khả phong”.
Hẳn là một thiếu sót không đáng có về tầm hiểu biết lịch sử văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước tại Nghệ An. May thay gần đây, với quy hoạch mở rộng phố xá, thành phố Vinh đã đổi tên đường cũ thành đường Cao Xuân Huy, một vị giáo sư triết học khả kính.
Lại nữa, mới đây nhất, nhân dịp đại lễ ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), các vị nguyên thủ quốc gia đến tham dự rồi trồng cây lưu niệm, lập biển khắc tên, nhằm tăng thêm vẻ đẹp long trọng cho ngôi chùa. Điều này cũng hợp lý. Tuy vậy có cả vị chủ tịch tỉnh nọ từ xa đến cũng trồng cây lưu niệm và lập biển khắc tên. Thử hỏi mai đây, hai mươi năm sau con cháu chúng ta đến thắp hương lễ bái thì thật khó phân biệt? Phải chăng, đấy là hình ảnh một Phật tử - tử vì đạo, hay là người có nhiều tiền công đức dựng tháp xây chùa? Nhưng chắc chắn không thể là danh nhân. Ở chỗ này có lẽ ngành văn hóa – tôn giáo cần sớm minh bạch để tránh cho hậu thế gặp nhiều điều phiền toái, nhất là về mặt tâm linh.
Nhìn rộng ra, ngày nay có một số cán bộ khoa học được tặng các chức danh siêu quốc gia với nhiều lý do khác nhau, trong đó có người là do đạt trình độ khoa học đích thực như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng; Viện sĩ Trần Huy Liệu…; cũng có người là do tình hữu nghị, có người là do chức sắc quản lý và các nguyên nhân tế nhị khác. Trong đó có một số vị do bận “công kia việc nọ” nên sức đóng góp vào văn hóa khoa học chẳng đáng là bao! Vậy đối với họ có nên xem là danh nhân văn hóa hay không? Việc này không thể máy móc quy chiếu theo các chức danh bề ngoài, cũng không thể dựa vào các bảng thi đua bầu bán, khen thưởng huân – huy chương hằng năm. Tất nhiên là việc đánh giá danh nhân cũng không thể căn cứ vào chức vụ quản lý của mỗi con người.
Điều đáng mừng là ngày nay số lượng bằng cấp tiến sỹ, học vị, học hàm, chức danh, giải thưởng…ở nhiều ngành được nhân lên gấp bội – mặc dù vẫn có phần lộn xộn và thiếu khoa học! Chẳng vì thế mà sáng kiến dự định xây Công viên văn hóa Tiến sỹ ở Hòa Bình – một kiểu Văn miếu Quốc tử giám hiện đại của GS. Nguyễn Văn Huy không được dư luận đồng tình.
Tìm về quá khứ để trả lời cho hiện tại và tương lai là yêu cầu chính đáng của việc tìm hiểu và xác định danh nhân văn hóa. Nếu ngày nay chúng ta không thực sự cầu thị trên lĩnh vực này thì mai sau hậu thế sẽ gặp khó khăn, lâm vào cảnh sương mù trong việc đoán định và sẽ gặp rắc rối xung quanh việc tri ân các bậc tiền bối, tất yếu là ý nghĩa giáo dục sẽ bị giảm sút rất nhiều đối với con cháu./.
PGS.TS Nguyễn Trường Lịch
.
Từ khóa » Một Danh Nhân Là Gì
-
Danh Nhân
-
[PDF] Truyền Thống Tôn Vinh Danh Nhân Của Người Việt Và Vấn đề Văn Hoá ...
-
Nêu đánh Giá Của Em Về Một Số Danh Nhân Văn Hoá Tiêu Biểu TK XV ...
-
Nên Gọi Họ Là Vĩ Nhân Văn Hóa - Tiền Phong
-
Một Số Danh Nhân Văn Hoá Xuất Sắc Của Dân Tộc | SGK Lịch Sử Lớp 7
-
Top 10 Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới được UNESCO Công Nhận
-
Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới Là Gì
-
4 Danh Nhân Kiệt Xuất Của Việt Nam được UNESCO Vinh Danh - NTO
-
"Gọi Người Sống Là Danh Nhân, Buồn Cười” - Tin Tức - 24H
-
DANH NHÂN XỨ THANH - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ...
-
Dạy Học Về Danh Nhân Lịch Sử - Một Cách Giáo Dục Thâm Thúy
-
Tìm Hiểu Lịch Sử Với Hành Lang Danh Nhân