Đôi Nét Về Người Hà Nhì ở Nước Ta - Thế Giới Di Sản
Có thể bạn quan tâm
Đó là một dân tộc sống khá rộng với nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, Hà Nhì là tên gọi chính thức của nhà nước ta đối với dân tộc này. Dân tộc Hà Nhì nói tiếng Hà Nhì – một ngôn ngữ thuộc nhóm Lô Lô, trong ngữ tộc Tạng – Miến, hệ ngôn ngữ Hán – Tạng.
Thiếu nữ người Hà Nhì. Ảnh: Internet.
Theo tổng điều tra dân số năm 2009, người Hà Nhì ở Việt Nam có khoảng 22.000 người, cư trú ở 32 tỉnh và thành phố nước ta. Tuy nhiên, địa bàn cư trú truyền thống của họ là Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa biết thật tường tận nguồn gốc của người Hà Nhì, nhưng tổ tiên của họ là người Khương đã di cư từ cao nguyên Tây Tạng xuống phía Nam từ trước thế kỷ 3, cách ngày nay khoảng 1700 năm. Và, theo truyền thuyết của người Hà Nhì, họ có nguồn gốc từ người Di, tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt, khoảng 50 đời trước. Cũng theo truyền thuyết, đã có một thời xa xưa người Hà Nhì từng có chữ viết, nhưng qua năm tháng và sự chuyển dịch trong quá trình di cư từ Tứ Xuyên xuống phía Nam, họ đã bị thất lạc chữ viết và giờ đây họ đã dùng chữ cái La Tinh làm chữ viết của dân tộc mình.
Người Hà Nhì chủ yếu trồng lúa với hai hình thức: ruộng nước và làm nương, tùy theo địa bàn cư trú của từng nhóm dân cư. Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền thống khẩn hoang, tạo thành những ruộng bậc thang. Đi liền với kiểu canh tác này là kỹ thuật đắp đập lấy nước, dùng trâu bò cầy kéo và làm vườn liền nhà.
Chăn nuôi là một nghề phát triển của người Hà Nhì. Các nghề thủ công trợ giúp cho nông nghiệp qua những ngày nông nhàn là đan lát, dệt vải. Phần lớn người Hà Nhì tự túc được vải mặc trong xã hội truyền thống của dân tộc này, cách đây không lâu.
Lễ cúng của người Hà Nhì. Ảnh: Internet.
Người Hà Nhì trước đây cũng có một bộ phân du canh, du cư, nhưng đến nay, họ đã định cư thành những làng, bản. Mỗi bản, khi đông có tới 60 hộ. Người Hà Nhì có nhiều họ, mỗi họ gồm nhiều chi. Dịp Tết hàng năm, có tục cả dòng họ tụ tập lại, nghe người già kể tộc phả của mình, do vậy, có dòng họ nhớ được xuất xứ 40 đời. Tên của người Hà Nhì thường đặt theo tập tục và lấy tên người cha hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người ấy làm tên đệm.
Trong hôn nhân, trai gái Hà Nhì được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Mỗi cặp vợ chồng phải trải qua hai lần cưới. Ngay sau lần cưới trước, họ đã thành vợ chồng, cô dâu về nhà chồng và theo phong tục, ví như ở Lai Châu, cô dâu phải đổi họ theo chồng. Cũng ở Lai Châu, có nơi lại ở rể. Lần cưới thứ hai được tổ chức khi họ làm ăn khấm khá hơn và thường là sau khi đã có con.
Trong ma chay, người Hà Nhì giữa các vùng không có sự giống nhau nhưng cũng có một số đặc điểm chung. Khi trong nhà có người chết, phải dỡ bỏ tấm liếp của buồng người đó, phá bàn thờ tổ tiên, làm giường đặt tử thi ở bếp, chọn ngày giờ tốt mới chôn. Người Hà Nhì không có nghĩa địa chung của bản, kiêng lấp đất lẫn cỏ tươi vào huyệt mộ, không rào dậu hay dựng nhà mồ, chỉ xếp đá quanh chân mộ như là một tàn dư của tín ngưỡng cự thạch.
Về văn hóa, người Hà Nhì có nhiều truyện cổ, truyện thơ dài. Nam, nữ thanh niên có điệu múa riêng, đều theo nhịp tấu, nhạc cụ gõ. Trai, gái Hà Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Các thiếu nữ thích thổi am-ba, mẹt-du, tuy-húng hay nát-xi vào ban đêm. Con trai gẩy đàn La Khư. Ngày lễ hội còn có trống, thanh la, chập cheng góp vui. Người Hà Nhì có nhiều loại bài hát: các mẹ hát ru, thanh niên nam nữ hát đối. Có hát đám cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quý, hát trong ngày Tết… Bài hát đám cưới của người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu dài tới 400 câu.
Ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì được gọi là Hồ Cự Chà. Ở Mường Tè Lai Châu thường chọn 3 ngày trong tháng Tý (Hu-Pa-La), khi mùa màng thu hoạch xong, tức khoảng tháng 11 Dương lịch để ăn Tết. Tết bắt đầu vào ngày rồng, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng làng bản tổ chức sớm hay muộn. Loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết là bánh dầy.
Điệu nhảy của người Hà Nhì. Ảnh: Internet.
Nhà cổ truyền của người Hà Nhì là nhà đất. Bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo kiểu ba cột. Nhà có hiên rộng, theo đó có thêm hàng cột hiên, nên tạo thành vì kèo bốn cột. Tường nhà được trình đất rất dầy. Nhà không có cửa sổ, cửa ra vào cũng ít (phổ biến chỉ có một cửa ra vào) được mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Mặt bằng sinh hoạt chỉ có ba gian, rất ít nhà có bốn gian. Trong nhà chia theo chiều dọc: nửa nhà phía sau là các phòng nhỏ, nửa nhà phía trước để trống, một góc nhà có giường dành cho khách và một bếp phụ. Cũng có khi hiên nhà được che kín như một hành lang hẹp thì cửa mở ở chính giữa. Những trường hợp như thế, thuộc về gian chính giữa hoặc thêm một gian bên cạnh có sàn cao khoảng 40cm để dành cho khách, cùng một bếp phụ.
Trên đây là một vài nét về người Hà Nhì, chắc chắn chưa thể thỏa mãn độc giả, khi mà văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc này còn vô cùng phong phú. Mong những người yêu thích và quan tâm tới dân tộc này có một lần trải nghiệm trên bản làng của họ, chắc sẽ có nhiều thu hoạch thú vị hơn.
Ngọc Trân
Từ khóa » Dân Tộc Hà Nhì
-
Người Hà Nhì – Wikipedia Tiếng Việt
-
NGƯỜI HÀ NHÌ - Ủy Ban Dân Tộc
-
Vui Tết Cổ Truyền Của Cộng đồng Dân Tộc Hà Nhì ở Cực Tây Tổ Quốc
-
Dân Tộc Hà Nhì - UBND Tỉnh Lai Châu
-
Văn Hóa Truyền Thống Dân Tộc Hà Nhì Cần được Quan Tâm Gìn Giữ ...
-
Lễ Cúng Bản Của Người Hà Nhì | Báo Dân Tộc Và Phát Triển
-
Độc đáo Tục Xem Gan Lợn Trong Tết Hồ Sự Chà Của Người Hà Nhì
-
Dân Tộc Hà Nhì ở Mường Nhé, Điện Biên
-
Nét Riêng, độc đáo Trong Trang Phục Của Người Hà Nhì - Vietnamnet
-
Tết Hồ Sự Chà Của Dân Tộc Hà Nhì Nơi Ngã Ba Biên Giới Việt - Lào
-
Tết Cổ Truyền Của Dân Tộc Hà Nhì | VTV4 - YouTube
-
Dân Quân Dân Tộc Hà Nhì - Cổng TTĐT Bộ Quốc Phòng Việt Nam
-
Điện Biên: Gìn Giữ Nét Văn Hóa độc đáo Của Người Hà Nhì