Đòi Nợ Không Trả Thì Phải Làm Như Thế Nào?

Đòi nợ không trả thì phải làm như thế nào? Nội dung đề nghị tư vấn: Kính thưa Luật sư cháu muốn hỏi về một vấn đề liên quan đến việc cho vay nợ đã đến kỳ hạn nhưng không hoàn trả thì làm thế nào. Ngày 12 tháng 2 năm 2015 cháu có cho bạn cháu vay một khoản tiền là 23.000.000đ hai mươi ba triệu đồng) có tính lãi 2 triệu đồng/ tháng có viết giấy vay nợ. Thời hạn vay 2 tháng.

Nhưng sau đó bạn cháu chỉ trả lãi chưa đủ 3 tháng rồi khất. cách đây 2 tháng bạn cháu có gọi điện nói khó khăn và cháu đã đồng ý không lấy lãi nhưng phải hoàn trả gốc đầy đủ. Tuy nhiên cho đến nay bạn cháu vẫn chưa trả một đồng nào mặc dù cháu thường xuyên gọi điện đòi nợ. Bây giờ có cách nào để buộc bạn ấy phải trả tiền cho cháu không? Và có thể kiện ra tòa được không? cháu nghe nói nếu kiện ra tòa sẽ rất phức tạp vì mất nhiều tiền mà chưa chắc đã được giải quyết. Luật sư có thể tư vấn giúp cháu xem cháu phải làm ntn không ạ?

Đòi nợ không trả thì phải làm như thế nào?

Đòi nợ không trả thì phải làm như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề khởi kiện đòi nợ, Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Vậy, người vay tiền của bạn có nghĩa vụ phải trả lại tiền đã vay bạn khi đến hạn trả theo như hợp đồng

Thứ hai, về vấn đề án phí theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án như sau: Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: -5% giá trị tài sản có tranh chấp

Thứ ba, về thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, Hồ sơ bao gồm:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu số 01, nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP);

- Các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế;

- Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng);

- Bản kê các giấy tờ nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Tất cả hồ sơ bạn gửi trực tiếp tại Tòa hoặc qua đường bưu điện đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi người nợ bạn đang sinh sống yêu cầu Tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì nếu như không thể đòi được nợ thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa, bạn cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cùng với đơn khởi kiện thì tòa sẽ thụ lý và giải quyết đúng với quy định của pháp luật.

Trân trọng

Từ khóa » Nợ K Trả