Đời Sống Sinh Viên Trong Bối Cảnh Dịch COVID-19

Lê Nguyễn Lam Ngọc, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM ---------

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường. Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến ngày 06/8/2021, có tổng cộng hơn 189.000 ca dương tính trên cả nước, trong đó gần 2.400 ca nhập cảnh. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh quy trình sàng lọc, xét nghiệm, cách ly và kế hoạch tiêm chủng toàn quốc, Nhà nước hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh thành phía Nam và một số phường, xã ở các tỉnh, thành khác nhằm giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này dẫn đến không ít khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, bao gồm cả việc ảnh hưởng đến học tập và đời sống của sinh viên. Đối diện với tình hình trên, nhiều sinh viên thể hiện tinh thần sẵn sàng xông pha, cống hiến sức trẻ, phục vụ cộng đồng. Sinh viên trong bối cảnh dịch COVID-19 Nhờ vào sự hỗ trợ từ Nhà trường và các tổ chức sinh viên, sinh viên tình nguyện đã tham gia tuyến đầu chống dịch, tham gia nghiên cứu khoa học và sáng chế nhiều vật dụng thiết thực, ý nghĩa. Điển hình là hoạt động “Go Volunteer!” do Thành Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố - Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố triển khai với sự tham gia đông đảo đoàn viên, thanh niên và sinh viên. Bằng tâm huyết và năng lực của mình, các bạn đã và đang hỗ trợ nhiều hoạt động khác nhau như lấy mẫu xét nghiệm và chuẩn bị khu cách ly ký túc xá. Đây cũng là dịp để sinh viên các ngành y tế áp dụng những kiến thức trong giảng đường vào tình huống thực tế khi tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch như: chăm sóc các ca nhiễm và ca nghi nhiễm COVID-19, vệ sinh buồng bệnh, truy vết đối tượng lây nhiễm. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể góp sức vào các dự án khoa học thiết thực tại các trường đại học. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa chế tạo khẩu trang có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn và ngăn chặn lây nhiễm virus cùng với ưu điểm sử dụng nhiều lần, góp phần tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Hình 1. Các bạn sinh viên tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu tại Gò Vấp trong chương trình Go Volunteer! (Báo Tuổi trẻ).

Sinh viên còn chủ động tổ chức các hoạt động tình nguyện hè như chiến dịch Mùa hè xanh năm 2021 với các hoạt động liên quan COVID-19 như hoạt động hỗ trợ làm tấm chắn giọt bắn và tai giả cho các điểm chống dịch của Đội hình chuyên Hoạt động cộng đồng, Trường Đại học Quốc tế. Trong khuôn khổ chiến dịch, sinh viên có thể lan tỏa kiến thức về phòng ngừa COVID-19 và vấn đề tiêm vắc-xin để cộng đồng tiếp cận nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy. Một hoạt động khác cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm chính là chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh dịch ảnh hưởng đến việc học tập và thi trung học phổ thông quốc gia 2021. Qua chương trình, sinh viên giải đáp thông tin, hỗ trợ hết mình về mặt vật chất và tinh thần cho thí sinh.

Hình 2. Sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM tham gia tiếp sức mùa thi trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2021 (Fanpage Đại học Quốc gia TP.HCM).

Khó khăn trong học tập và đời sống của sinh viên Về học tập, chất lượng dạy học trực tuyến là một trong những điều sinh viên quan tâm nhất. Một số khó khăn khi tham gia lớp học trực tuyến là chất lượng đường truyền không ổn định, trục trặc thiết bị nghe nhìn trên máy tính; vấn đề tương tác với giảng viên và thành viên trong lớp; và tâm lý mệt mỏi, “bão hòa” khi học tập trước màn hình thiết bị điện tử quá lâu trong nhiều ngày. Việc này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên, vừa tác động đến sức khỏe tinh thần khi không thể trò chuyện trực tiếp với bạn bè như khi học tại lớp. Trước tình hình phức tạp và căng thẳng của dịch bệnh, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng như các trung tâm nghiên cứu đã tạm ngừng việc cho sinh viên đến trường và tham gia thực hiện đề tài. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội thực hành và giao tiếp trực tiếp của sinh viên. Bởi lẽ, đối với một số ngành và định hướng nghiên cứu, đặc biệt về lĩnh vực khoa học tự nhiên, yêu cầu thực hành và thu thập số liệu tại phòng thí nghiệm để nâng cao năng lực thực tiễn của người học là nhu cầu chính đáng. Sinh viên không chỉ gặp khó khăn khi tạm ngừng lớp học thực hành, mà một số trường hợp đang thực tập, làm luận văn tốt nghiệp hoặc tham gia đề tài cũng không thể tiếp tục triển khai đến khi tình hình dịch bệnh ổn định, điều này làm thay đổi kế hoạch học tập và định hướng tương lai. COVID-19 còn tác động đến cơ hội nghề nghiệp của mỗi sinh viên, đặc biệt là sinh viên sắp tốt nghiệp. Dịch bệnh làm nhiều đơn vị, doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự, nên nhu cầu tuyển dụng không còn nhiều và đa dạng như trước, dẫn đến nỗi lo không có cơ hội việc làm và thất nghiệp. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc làm thêm của một số sinh viên, nhất là là các sinh viên xa nhà, dẫn đến những mối lo trong sinh hoạt và chi tiêu hằng ngày. Hơn thế nữa, vì nhu cầu việc làm để trang trải cuộc sống mà có sinh viên đã trở thành nạn nhân của lừa đảo tiền và sức lao động. Về đời sống, sinh viên đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng giãn cách buộc sinh viên phải ở tại nhà, hạn chế đi lại và tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch. Các bạn không có cơ hội gặp gỡ thầy cô, anh chị và bạn bè như khoảng thời gian học tại trường trước đó. Hoạt động của các câu lạc bộ/đội/nhóm hoặc các buổi giao lưu sinh viên trong và ngoài trường, vốn dĩ rất sôi nổi hằng năm, hầu như tất cả đành phải tạm gác lại. Đây là một thiệt thòi lớn của sinh viên, khi những trải nghiệm học tập bị hạn chế bởi hình thức online, những hoạt động ngoại khóa càng bị giới hạn hơn, không thể đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi và rèn luyện các kỹ năng xã hội. Một mối lo khác đối với sinh viên xa nhà chính là quyết định ở lại hay về quê trong mùa dịch. Một số bạn sinh viên xa quê có cơ hội về quê ngay khi các trường đại học chuyển sang hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên xa quê khác không được may mắn như vậy. Có bạn chưa thể trở về vì khu vực sinh sống bị phong tỏa dẫn đến những khó khăn khi mua nhu yếu phẩm và nguy cơ nhiễm bệnh, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tâm lý. Có bạn phải suy xét nhiều yếu tố, bao gồm chi phí di chuyển, thời gian quay trở lại trường, việc học các môn thực hành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp. Dù rất nhớ nhà nhưng các bạn đã quyết định ở lại vì điều kiện đi lại khó khăn cùng với nỗi lo làm lây lan dịch bệnh cho người thân và cộng đồng. Điều này cũng khiến không ít bạn sinh viên cảm thấy buồn và tủi thân.

Hình 3. Một sinh viên bám trụ lại TP.HCM mùa dịch (Báo SAOstar).

Giải pháp và hoạt động hỗ trợ sinh viên Trước những khó khăn trên, điều quan trọng đầu tiên sinh viên cần trang bị chính là sự bình tĩnh để có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề. Đối với việc học trực tuyến, nếu nhìn ở lăng kính tích cực hơn các bạn sẽ thấy nhiều ưu điểm mà phương thức này đem lại, bao gồm: tiết kiệm thời gian di chuyển, dễ dàng truy cập khi kết nối ổn định, trau dồi kỹ năng công nghệ thông tin và thích nghi với cách học hiện đại. Trong trường hợp gặp khó khăn về việc kết nối, Nhà trường có thể hỗ trợ một phần phí internet, giúp sinh viên mua laptop với giá ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật khi thầy và trò gặp sự cố trong quá trình học online, hoặc ghi âm và chia sẻ các bài giảng cho sinh viên sau giờ học. Ngoài ra, lớp học trực tuyến sẽ trở nên sôi động và thu hút hơn khi giảng viên và sinh viên cùng nhau tương tác và xây dựng bài giảng, điển hình là việc bật camera và micro để chia sẻ ý kiến hay sử dụng khung chat đặt câu hỏi. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, buổi học có thể lồng ghép thêm các ứng dụng như YouTube hoặc Padlet nhằm đem đến trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ. Hơn thế nữa, sinh viên có thể gặp gỡ bạn bè, sinh hoạt và giao lưu trực tuyến nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin, thậm chí tổ chức trò chơi ảo dành cho nhóm thông qua các trang như Kahoot! hay Skribbl.

Về vấn đề việc làm, Nhà trường có thể hỗ trợ kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng thông qua website hoặc mạng xã hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp và tạo cơ hội để sinh viên tìm được công việc mong muốn phù hợp. Một số nhóm sinh viên vẫn có cơ hội làm việc hoặc thực tập tại nhà để vừa trang trải kinh phí và có thu nhập cho bản thân, vừa cùng cả nước chống dịch. Bên cạnh đó, giai đoạn dịch cũng chính là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân và từng bước trau dồi kiến thức và kỹ năng như kiến thức chuyên môn, đăng ký các khóa học kỹ năng mềm cần thiết, ôn luyện tiếng Anh hoặc xây dựng kế hoạch tương lai. Điều này giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn sau này, đồng thời thấu hiểu và từng bước cải thiện bản thân.

Đối với việc giúp đỡ sinh viên xa nhà có nguyện vọng về quê, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên và khoa/bộ môn các trường có thể đóng vai trò cầu nối trong việc cung cấp thông tin các chuyến xe về quê từ Hội đồng hương và Ban liên lạc các tỉnh, tạo điều kiện cho các bạn về với gia đình trong giai đoạn dịch bệnh này. Thêm vào đó, Nhà trường có thể chủ trương hỗ trợ chi phí di chuyển và vật dụng y tế cần thiết cho chuyến hành trình về quê. Trong trường hợp sinh viên gặp khó khăn khi mua nhu yếu phẩm do khu vực bị phong tỏa, các trường cần lên phương án hỗ trợ sinh hoạt phí và cung cấp vật phẩm đến các bạn trong thời gian sớm nhất.

Lời kết và nhắn nhủ Trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách, chúng ta có thể thấy rất nhiều câu chuyện và hình ảnh đẹp được lan tỏa. Trong đó, Thành Đoàn – Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Công thương Thành phố ra mắt “Siêu thị mini 0 đồng” nhằm hỗ trợ cho sinh viên tại ký túc xá đang gặp khó khăn do COVID-19. Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học thành viên hiện đang tiếp tục hỗ trợ vật phẩm, lương thực cho sinh viên đang sinh sống hoặc ở trọ tại TP.HCM và TP. Dĩ An, Bình Dương. Theo trang Fanpage Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Quốc tế dành hơn 32 tỷ đồng cho việc cấp học bổng toàn phần và bán phần nhằm khích lệ tinh thần tân sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tổ chức hỗ trợ phí sinh hoạt đợt 1 cho sinh viên trường thuộc diện cách ly do dịch với tổng số tiền 42 triệu đồng. Trường Đại học Bách khoa cũng đã lập quỹ và trao 185 suất hỗ trợ sinh viên khó khăn vì ảnh hưởng dịch. Ngoài ra, các tổ chức khác như Câu lạc bộ Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn và các sở, ngành liên quan triển khai đã và đang hỗ trợ, tổ chức đưa đón nhiều đợt sinh viên, học sinh đang ở Thành phố về quê. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”, các hoạt động trên chính là ngọn lửa tiếp sức cho người dân và sinh viên vượt qua giai đoạn đầy thử thách này.

Hình 4. “Chuyến xe yêu thương” đưa sinh viên tỉnh Khánh Hòa trở về quê hương (Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM).

Như vậy, dù dịch bệnh đã gây ra những khó khăn cho sinh viên, nhưng điều quan trọng là sinh viên phải luôn bình tĩnh, vững tin và từng bước tìm hướng giải quyết. Dịch bệnh cũng chính là cơ hội để sinh viên phát triển bản thân, cống hiến cho cộng đồng và nâng cao sự linh hoạt, thích nghi với điều kiện thực tế.

Nguồn tham khảo An. (2021). Dành hơn 32 tỷ đồng cho học bổng tân sinh viên, hỗ trợ 80 sinh viên bị cách ly do COVID-19. Đại học Quốc gia TP.HCM. https://vnuhcm.edu.vn/sinh-vien_33386864/danh-hon-32-ty-dong-cho-hoc-bong-tan-sinh-vien-ho-tro-80-sinh-vien-bi-cach-ly-do-covid-19/333734306864.html Anh. (2021). Trường ĐH Bách Khoa lập ATM gạo, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. Đại học Quốc gia TP.HCM. https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32346864/truong-dh-bach-khoa-lap-atm-gao-ho-tro-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien/333736306864.html Ánh. (2021, July 2). ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ sinh viên kẹt lại ký túc xá do dịch Covid-19. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/giao-duc/dh-quoc-gia-tphcm-ho-tro-sinh-vien-ket-lai-ky-tuc-xa-do-dich-covid-19-1407803.html Bộ Y tế. (2021). Diễn biến dịch (05:50 06/08/2021). Trang Tin về Dịch Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Cấp COVID-19. https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/dong-thoi-gian Cung. (2021). Nỗi lòng sinh viên làm thêm mùa dịch: Dễ bị lừa tiền vì công việc ít, khó khăn chất chồng. Báo Hoa Học Trò. https://hoahoctro.tienphong.vn/noi-long-sinh-vien-lam-them-mua-dich-de-bi-lua-tien-vi-cong-viec-it-kho-khan-chat-chong-post1338801.tpo?fbclid=IwAR0gmYp-u00UwucSdp4APEacV_yZxUCyZvz-HE3H03teg7tZqhq509ElUpQ Dịu. (2021). Những khó khăn và câu hỏi về chất lượng. Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân. https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-kho-khan-va-cau-hoi-ve-chat-luong-662335 Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM. (2021). Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2021. https://iuyouth.edu.vn/chien-dich-tinh-nguyen-mua-he-xanh-2021/ Giang. (2021, July 14). TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thực phẩm cho sinh viên gặp khó khăn. Tin Tức Thông Tấn Xã Việt Nam. https://baotintuc.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-ho-tro-thuc-pham-cho-sinh-vien-gap-kho-khan-20210714160131837.htm Hoàng. (2021). Khi Thành phố cần - Các bạn chẳng ngại ngần. Thành Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh. http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/News/34461 Huỳnh. (2021a). ĐH Luật TP.HCM hỗ trợ mỗi sinh viên 200.000 đồng học trực tuyến. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/dh-luat-tp-hcm-ho-tro-moi-sinh-vien-200-000-dong-hoc-truc-tuyen-20210517103752868.htm Huỳnh, T. (2021b). Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chế tạo khẩu trang có thể lọc được 99% bụi mịn, ngăn virus. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/truong-dh-bach-khoa-tp-hcm-che-tao-khau-trang-co-the-loc-duoc-99-bui-min-ngan-virus-20210614095239767.htm Linh. (2021). Go Volunteer! Mình muốn được góp sức chống dịch. Thành Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh. http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/News/34422 Ngân, P. (2021, July 16). Hỗ trợ đón gần 800 sinh viên, học sinh Khánh Hòa ở TP.HCM trở về. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/ho-tro-don-gan-800-sinh-vien-hoc-sinh-khanh-hoa-o-tp-hcm-tro-ve-20210716195929078.htm Thanh, L. (2021). Tiếp sức mùa thi: Sinh viên tình nguyện sẵn sàng đón thí sinh. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/gioi-tre/tiep-suc-mua-thi-sinh-vien-tinh-nguyen-san-sang-don-thi-sinh-1406878.html Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). (2020). Nỗ lực tìm việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Trang Tin Điện Tử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/no-luc-tim-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-trong-mua-dich-1491868766 Tuổi Trẻ. (2021, July 17). Thêm 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 19–7. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/them-16-tinh-thanh-phia-nam-gian-cach-theo-chi-thi-16-tu-0h-ngay-19-7-20210707145135244.htm

Từ khóa » Thuyết Trình Về Vấn đề Covid 19