Nhiều Bài Học Hay Từ COVID-19 Giúp Xử Lý Thách Thức Về Môi Trường ...

Trong tiếng Pháp, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi, có câu «comparaison n’est pas raison» (so sánh là vô lý) vì đặt hai sự vật, hiện tượng lên bàn cân luôn ẩn chứa sự không công bằng.

Tuy vậy với những gì đang diễn ra tại Việt Nam năm nay, thật khó mà không so sánh đại dịch COVID-19 và đợt mưa lũ lịch sử gần đây. Đến nay COVID-19 mới chỉ gây ra 35 ca tử vong, trong khi thiên tai chỉ trong tháng 10 và 11 đã gây thương vong đến trên 250 người, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,5 triệu người.

Các biện pháp kiểm soát đại dịch đã gây ra tổn thất kinh tế đáng kể trong năm 2020, dự kiến làm giảm 4,2% tăng trưởng GDP so với quỹ đạo kinh tế trước khi có vi-rút cô-rô-na. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế do bão gây ra ước rơi vào khoảng 1,3 tỷ USD, hay khoảng 0,5% GDP.

Khi tôi đưa ra những so sánh này, tôi không có ý chứng tỏ rằng thiên tai và khí hậu là nguy cơ nghiêm trọng hơn so với một đại dịch lớn chưa từng có trong những thập kỷ qua, hoặc ngược lại. Điều khiến tôi băn khoăn ở đây là tại sao Việt Nam lại chưa xử lý hiệu quả những thách thức về môi trường và khí hậu như cách Việt Nam xử lý khủng hoảng COVID-19.

Nhiều người cho rằng với đại dịch phải hành động ngay nếu không số người chết sẽ tăng nhanh và có thể không kiểm soát được trong thời gian ngắn, chưa kể còn phải đồng thời giảm thiểu các tác động tàn phá về kinh tế và xã hội. Trong khi đó, những thách thức về môi trường và khí hậu lại không được nhìn nhận với tinh thần khẩn trương như vậy. Đó cũng là lý do tại sao chính phủ và người dân các nước có vẻ hành động chậm chạp với những thách thức đó.

Trên thực tế, lập luận này (với góc nhìn khác nhau về thời gian) có phần ngụy biện khi phải đối mặt với bằng chứng. Đúng là gánh nặng biến đổi khí hậu chủ yếu do các thế hệ tương lai phải hứng chịu, nhưng thiệt hại của việc không hành động gì thì ngay bây giờ cũng có thể thấy rõ. Ngoài thiệt hại từ bão với tần suất và cường độ ngày càng lớn thì ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam là một nguyên nhân gây tử vọng cho 60.000 người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang là một thảm họa về sinh thái do mực biển dâng cao, đất canh tác bạc màu, dẫn tới tổn thất về năng suất nông nghiệp. Tôi có thể dễ dàng dẫn ra nhiều ví dụ khác, nhưng về mặt tổng quan, thiệt hại kinh tế về môi trường và biến đổi khí hậu có thể tương đương 6-7 điểm phần trăm GDP của Việt Nam, theo một ước tính của ADB.

Số mới nhất của Báo cáo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam do chúng tôi thực hiện chỉ ra rằng Việt Nam có thể sử dụng ngay những bài học từ việc xử lý thành công khủng hoảng COVID-19 để giải quyết tốt hơn những thách thức về môi trường và khí hậu của mình.

Residents in Ho Chi Minh City try to cross a flooded road. Photo: Quynh Danh/Zing News
Triều cường dâng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, gây lụt cục bộ. Ảnh: Quỳnh Danh/Zing News

Có hai bài học lớn.

Một là khủng hoảng COVID-19 chứng tỏ rằng tốt hơn hết là luôn ở trạng thái sẵn sàng và hành động nhanh và quyết liệt khi cú sốc bên ngoài xảy. Vì lý do đó, các chính sách, hoạt động và đầu tư Việt Nam cần nhanh chóng lấy yếu tố xanh và sạch làm chủ đạo. Không hành động ngay sẽ làm tăng chi phí lên nhanh chóng, vì rất nhiều thiệt hại là không thể đảo ngược. Báo cáo đưa ra một vài gợi ý để giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong về khôi phục xanh và sạch cả trên đất liền và đại dương trong thời kỳ hậu đại dịch.

Hai là các nhà lập chính sách của Việt Nam nên vận dụng cách tiếp cận giúp họ triển khai nhanh chóng những biện pháp chống dịch thành công. Ngoài tầm nhìn và năng lực, họ còn cho phép thử nghiệm và áp dụng những cách làm mới sáng tạo. Điều này được thể hiện ở sự kết hợp giữa sử dụng khai báo điện tử để theo dõi các ca nghi nhiễm và dương tính, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ban hành, giữa trung ương và địa phương, truyền thông minh bạch cho đông đảo người dân qua các công cụ và nền tảng công nghệ số. Cách tiếp cận sáng tạo đó nên được nhân rộng để giải quyết các vấn đề môi trường vì đó là cách giúp tăng cường trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Đây là những yếu tố căn bản giúp con người thay đổi hành vi khi phải đối phó với nguy cơ bệnh dịch hoặc môi trường.

Tôi hoàn toàn tin rằng nếu áp dụng hai bài học trên, Việt Nam không những có thể cải thiện khả năng chống chịu và bền vững mà còn hoàn thành được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Hãy làm ngay, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và cũng sẽ học được cách phát triển thông minh hơn vì mục tiêu của phát triển kinh tế không chỉ để làm ra của cải mà còn nhằm làm sao không phá hủy chính tài sản do mình tạo ra.

Đọc thêm:

.Tải báo cáo Điểm lại "Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh".

Từ khóa » Thuyết Trình Về Vấn đề Covid 19