Đừng sợ Đối với nhiều Kitô hữu, nhiều linh mục, nhiều giám mục Huỳnh Công Minh như một thứ “giáo hoàng đen” có thực quyền điều hành Giáo Hội Việt Nam ,cũng như Lưu Bách Niên là một thứ “giáo hoàng đen” của Trung Hoa. Thực tế Huỳnh Công Minh và Lưu Bách Niên như thế nào thì không ai rõ lắm, nhưng quả tình bóng dáng, và hơi hướm những người nay đang làm cho nhiều người yếu bóng vía phải sợ hãi và thấy choáng váng. Chỉ một câu Phúc Âm này cũng đủ để chúng ta, những Kitô hữu nhiệt thành và yêu mến Chúa Giêsu cảm thấy được an ủi, và bình thản trên hành trình đức tin và đời sống đạo. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã trưng dẫn lời Chúa Giêsu “đừng sợ” để làm phương châm và hướng đi cho triều đại giáo hoàng của ngài, và lịch sử đã minh chứng rằng, ngài đã thành công vì đã tin và sống với lời của Thiên Chúa. Thật vậy, con thuyền Giáo Hội do ngài hướng dẫn đã phải băng qua những vùng biển có đá ngầm, những dòng nước xoáy mạnh, và những trận cuồng phong thật ghê gớm. Nhưng vì không sợ, không tháo lui; và nhất là có Chúa ở trên thuyền, cuối cùng ngài đã dẫn đưa con thuyền Giáo Hội vượt qua những hiểm nguy ấy trước khi trao tay lái lại cho vị kế nhiệm mình, để vui mừng về với Chúa, đấng đã gọi và chọn ngài. Cộng Sản vô thần. Tôn giáo cực đoan. Thần học giải phóng. Duy vật cực đoan. Ly di. Phá thai. Đồng tính. Hôn nhân đồng tính. Chuyển đổi phái tính. Những chủ thuyết và trào lưu sống này được coi như những cơn sóng dữ đã và đang nhắm vào con thuyền Giáo Hội. TẢNG ĐÁ NGẦM QUỐC DOANH Từ lâu, tín hữu Việt Nam vẫn biết rằng có tảng đá ngầm “quốc doanh” đâu đó trên hải trình của con thuyền Giáo Hội Việt Nam. Nhưng nay thì tảng đá này đang từ từ lộ diện, khiến cho nhiều người trên con tầu này run sợ và hoảng hốt. Rạn nứt từ phía các giám mục, từ phía các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân. Rạn nứt đối với những người bên quê nhà, và rạn nứt giữa những người Công Giáo Việt Nam đang sống tại hải ngoại, khiến nhiều người bi quan đã cho rằng Giáo Hội Việt Nam đã bị “thuần hóa”. Hình ảnh đang làm nhiều người chú ý trong bối cảnh hiện nay là hành động của nhóm “linh mục quốc doanh”, mà tên tuổi nổi vượt nhất là Huỳnh Công Minh. Một giám mục gần đây trong một thánh lễ tại một cộng đoàn ở Orange County đã không ngần ngại nói rõ mục đích xuất ngoại ăn xin của ngài. Mà lý do xuất ngoại ăn xin này là vì thấy “đấng nọ đấng kia sau khi xuất ngoại đã có khả năng làm được việc này, việc nọ.” Và cũng theo lời giám mục này, thì từ khi nhậm chức giám mục, và sau 3 năm suy nghĩ, thì lần này đã “can đảm” bị gậy, mũ áo đi ăn xin. Xuất ngoại qua Pháp, qua Mỹ bị lật tẩy, bị phê bình, bây giờ lại quay sang “viếng thăm mục vụ” Nhật và Trung Quốc. Viết đến đây tôi nghĩ lại câu chuyện của linh mục chính xứ của tôi tại Việt Nam, và câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ và cảm phục. Sau khi đi tù cải tạo về, linh mục chính xứ hiện nay của xứ đạo tôi được cử về nhận xứ. Việc đầu tiên của linh mục chính xứ này làm là bán đi toàn bộ gỗ, gạch, sắt, thép, mà linh mục chính xứ trước đã mua để chuẩn bị phá và xây lại thánh đường mới. Linh mục tân chính xứ này đã gặp phản kháng của một số giáo dân, nhưng ngài vẫn cương quyết thực hiện điều ngài suy nghĩ với lý luận hết sức thực tế và theo đúng tinh thần Phúc Âm. Ngài đã giải thích hành động của mình là thánh đường tương đối còn tốt, không cần phải phá bỏ. Lại nữa, trong xứ còn có nhiều giáo dân nghèo khổ, túng thiếu cần được nâng đỡ và an ủi. Tuy nhiên, để tránh những chống phá của một số quá khích, ngài đã dùng một ít tiền bán vật dụng tu bổ lại gian cung thánh. Câu hỏi được đặt ra ở đây là trước hiện tượng suy thoái lãnh đạo. Trước sức công phá của hỏa ngục như vậy, liệu chúng ta, những Kitô hũu có lý do sợ hãi, nao núng và chia rẽ không? “Cửa hỏa ngục dấy lên cũng không phá được”, huống hồ chỉ mấy anh cán ngố ngồi ở Bắc Bộ Phủ, ở Ba Đình Hà Nội. Một trăm năm trước khi có bọn họ đã có Giáo Hội và con thuyền Giáo Hội vẫn tiến tới. Một trăm năm sau ngày bọn họ qua đi, Giáo Hội ấy cũng vẫn tồn tại. Bởi vì Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa, và do chính ngài lập nên và hướng dẫn. Nhiều khi do tâm lý hoảng hốt và sợ hãi của chính chúng ta đã làm cho chúng ta sợ hãi. Hoặc thái độ cực đoan, quá khích của một số trong chúng ta để gây hoang mang, chia rẽ. Có thể người Cộng Sản đã nắm bắt được tâm lý này. Những giáo phẩm và giáo sỹ sợ “mất mặt”, sợ “không được trọng kính”, và sợ “bị công khai lý lịch”. Còn tín hữu thì sợ “mất linh hồn”, sợ “mang tội chống cha, chống Chúa”, nên họ đã dùng tâm lý hoang mang, sợ hãi ấy để làm cho chúng ta tưởng rằng Giáo Hội Việt Nam đã hoàn toàn thuần hóa, rằng những người Cộng Sản Việt Nam đang điều hành Giáo Hội chứ không phải là Thần Linh Thiên Chúa, không phải là chính Chúa. Cựu ïTổng Thống Hoa Kỳ Frankin D. Roosevelt đã nói một câu rất ý nghĩa: “Không có gì đáng sợ bằng chính sự sợ hãi”. Có lẽ ông đã hiểu được ý nghĩa lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Đừng sợ”. Và đây cũng là lời kêu gọi mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng để mở đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài đã dùng lời này để nói với những người đang ngưỡng vọng về ngài như một người làm đầu Giáo Hội: “Đừng sợ”. PHẢI LÀM GÌ Hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân, tất cả đều là con cái Chúa. Tất cả đều là hành xử theo ơn gọi cá biệt và buộc phải tôn trọng và nhìn nhận những giá trị riêng biệt của nhau. Tất cả đều cần đến nhau, bổ túc cho nhau, và cùng nhau đồng hành tiến về nhà Cha. Không ai bị trị, và cũng không ai cai trị. Không ai tự cho mình độc quyền thánh thiện, độc quyền hiểu và sống lời Chúa, mà tất cả đều được tác động và khởi hứng từ Thần Linh Chúa. Tóm lại, lời Chúa hôm nay khiến Kitô hữu chúng ta cần phải xét lại cuộc sống và lối nhìn của mình. Mỗi người, mỗi thành phần cần phải “đấm ngực” ăn năn, và sửa đổi. Đừng để sự sợ hãi làm chúng ta hoang mang, nghi ngờ, và chia rẽ nhau. Và nhất là đừng cho bọn Cộng Sản cái quyền sinh sát Giáo Hội để rồi sợ hãi bọn chúng. Thật ra chúng ta chỉ sợ mình không sống trúng và sống thân mật với Chúa và giáo lý của ngài mà thôi. T.s. Trần Quang Huy Khanh |