Đơn Giản Hóa Tthc Về An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được Quốc hội ban hành năm 2010, là cơ sở pháp lý, là nền tảng căn bản cho việc phân định trách nhiệm quản lý ATTP của các Bộ chuyên ngành: Y tế - Nông nghiệp và Công Thương. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản dưới Luật đã được ban hành từ Nghị định của Chính phủ đến Thông tư của từng Bộ, Ngành và cả Thông tư liên tịch để hướng dẫn chi tiết việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực ATVSTP đã được cắt giảm ở cả 03 ngành: Y tế – Nông nghiệp – Công Thương, mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa TTHC cần có sự tương đồng giữa các Bộ chuyên ngành nhằm tạo sự công bằng, hợp lý trong việc thực hiện TTHC của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Bài viết sau đây xin đề cập và phân tích một số nội dung còn bất cập trong việc thực hiện TTHC về ATVSTP trên địa bàn Tỉnh:

  1. Thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP

Theo các quy định hiện hành, có ngành còn duy trì thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP, nhưng có ngành đã cắt giảm hoặc đơn giản hóa, cụ thể:

- Đối với ngành Y tế: Ngày 15/01/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 135/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung TTHC mới ban hành trong lĩnh vực ATTP và dinh dưỡng thuộc phạm vi chức năng của Bộ Y tế. Trong đó, bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP đối với cá nhân và đối với tổ chức thuộc thẩm quyền của tỉnh. Thêm nữa, Công văn số 244/ATTP-NĐTT ngày 12/01/2019 của Cục ATTP, Bộ Y tế hướng dẫn: “Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 thuộc Khoản 3 Điều 2 Chương I Nghị định Số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính Phủ quy định người trực tiếp sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải được chủ cơ sở xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP. Do đó, việc tập huấn kiến thức ATTP do cá nhân (tự học), do cơ sở tổ chức (mời chuyên gia giảng…) và có thể tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả. Chủ cơ sở căn cứ vào kết quả đánh giá để lập danh sách xác nhận và chịu trách nhiệm đối với kết quả tập huấn kiến thức ATTP do mình xác nhận”. Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn trên, Quyết định 1148/QĐ-UBND-HC ngày 08/10/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp về công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế không có thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP.

- Đối với ngành Nông nghiệp: Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 01/4/2020 của UBND tỉnh Đồng Tháp quy định thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Theo đó, cơ quan giải quyết TTHC gồm Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (sản phẩm có nguồn gốc động vật) và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sản phẩm có nguồn gốc thực vật), thời gian giải quyết thủ tục là 11 ngày làm việc (căn cứ pháp lý là Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/04/2014).

- Đối với ngành Công Thương: Hiện tại, cơ quan thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP đối với tổ chức là Sở Công Thương và đối với hộ kinh doanh, cá nhân là UBND cấp huyện hoặc Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng; thời gian giải quyết của 02 loại thủ tục này là 13 ngày làm việc (cơ sở pháp lý là Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 và Điều 1 Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 của UBND Tỉnh). Tuy nhiên, đến ngày 03/08/2020, Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18/6/2020 của Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực, thì chủ cơ sở sẽ xác nhận tập huấn kiến thức cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Như vậy, thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP chỉ còn thực hiện đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp. Việc chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức ATTP thay thế cho thủ tục cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức của ngành Y tế và ngành Công Thương tiếp tục là bước cắt giảm TTHC trong lĩnh vực ATTP và tập trung trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Thông tư số 13/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương còn quy định chi tiết mẫu Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, trong khi Bộ Y tế chưa quy định điều này.

Ảnh: Công dân thực hiện TTHC tại Trung tâm KSTTHC & PV Hành chính công Tỉnh

  1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP
    1. Chưa thống nhất cách hiểu về đối tượng cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP là các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ:

Điều 12, Chương V, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP có quy định trường hợp cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP bao gồm “sản xuất ban đầu nhỏ lẻ” và “kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ”. Khoản 8 và 10 Điều 3 Nghị định này có giải thích: Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”; Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, khái niệm “cơ sở sản xuất nhỏ lẻ” chưa được Luật ATTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật nào khác giải thích. Trong một số văn bản hành chính thông thường, tại mỗi bộ, ngành, nội dung này lại có cách hiểu, cách giải thích từ ngữ và áp dụng vào thực tế quản lý không giống nhau. Cụ thể:

- Đối với ngành Y tế: theo Công văn số 855/ATTP-NĐTT ngày 22/3/2019 của Cục ATTP về việc hướng dẫn thu phí hồ sơ cấp giấy chứng nhận hướng dẫn khái niệm “cơ sở sản xuất nhỏ lẻ” như sau:

“Tại Điều 2, Luật ATTP quy định “Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm”. Do đó, cơ sở thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trên đều gọi là cơ sở sản xuất thực phẩm.

Tại điều 2, nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định:

- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là cơ sở chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn này, khái niệm “cơ sở sản xuất nhỏ lẻ” hoàn toàn khác “cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ”. Do vậy, “cơ sở sản xuất nhỏ lẻ” có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sản phẩm thực phẩm do ngành Y tế quản lý thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

- Đối với ngành Nông nghiệp: Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 01/4/2020 của UBND Tỉnh quy định thủ tục Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đối tượng thực hiện TTHC là tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Đồng thời, cơ quan chuyên môn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

- Đối với ngành Công Thương: Công văn số 3109/BCT-KHCN ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện công tác quản lý ATTP hướng dẫn như sau:

“Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ:

Theo quy định tại khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp khái niệm “kinh doanh” được hiểu là “việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do đó, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Theo khoản 10, Điều 3, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP…”.

Bên cạnh đó, Quyết định số 473A/QĐ-BCT ngày 05/02/2018 của Bộ Công Thương công bố TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực ATTP thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương đã bãi bỏ 02 thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Như vậy, cùng khái niệm “cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ” nhưng mỗi ngành tại địa phương được cơ quan chủ quản hướng dẫn khác nhau. Điều này dẫn đến thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các đối tượng cũng khác nhau. Đối với ngành Y tế và ngành Nông nghiệp: đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thuộc diện cấp giấy chứng nhận; đối với ngành Công Thương: đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận.

    1. Khác nhau về thành phần hồ sơ của thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Thành phần hồ sơ của thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP giữa 03 ngành khác nhau, cụ thể:

- Đối với ngành Y tế: Thành phần hồ sơ gồm:

(1) Đơn đề nghị.

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất (có xác nhận của cơ sở).

(3) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện ATTP theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(4) Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

(5) Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức ATTP (có xác nhận của chủ cơ sở).

Cơ sở pháp lý: Luật ATTP năm 2010 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018.

- Đối với ngành Nông nghiệp: Thành phần hồ sơ gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

(2) Bản thuyết minh về điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở;

Cơ sở pháp lý: Điều 17 Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018.

- Đối với ngành ngành Công Thương: Thành phần hồ sơ gồm:

(1) Đơn đề nghị;

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

(3) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP;

(4) Danh sách tổng hợp đủ sức khỏe do chủ cơ sở xác nhận hoặc giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

(5) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.

Cơ sở pháp lý: Luật ATTP; Điều 12 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020.

Từ thành phần hồ sơ của 03 ngành ở trên cho thấy, về cơ bản thành phần hồ sơ của thủ tục cấp giấy đủ điều kiện ATTP của ngành Y tế và Công Thương cơ bản giống nhau (05 thành phần). Riêng ngành Nông nghiệp chỉ có 02 thành phần, 03 thành phần (số (2), (4), (5) được đơn giản hóa, Đoàn thẩm định sẽ xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu vào biên bản khi tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở (Điều 15 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT).

Bên cạnh đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của ngành Nông nghiệp và Công Thương có quy định mẫu Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP, ngành Y tế không có quy định biểu mẫu này. Việc cung cấp biểu mẫu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân tạo lập hồ sơ vừa có sự thống nhất nội dung dễ dàng cho việc tiếp nhận và thụ lý hồ sơ của cơ quản quản lý, hạn chế thấp tình huống tổ chức, cá nhân lúng túng không biết xây dựng bảng thuyết minh và bộ phận tiếp nhận khó phân định hồ sơ trong việc việc tiếp nhận.

    1. Khác nhau về thời hạn giải quyết thủ tục:

Thời hạn giải quyết thủ tục Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế là 20 ngày làm việc, ngành Công Thương là 15 ngày làm việc. Ở ngành Nông nghiệp, đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật do Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp giấy chứng nhận, thời hạn giải quyết thủ tục là 13 ngày làm việc; đối với sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận, thời hạn giải quyết thủ tục là 07 ngày làm việc (nếu cơ sở đã được thẩm định và xếp loại A hoặc B) hoặc 15 ngày làm việc (trường hợp cơ sở chưa được thẩm định, xếp loại).

    1. Khác nhau về thu phí, lệ phí ATTP trong trường hợp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP

- Ngành Y tế và ngành Công Thương: cùng thực hiện theo Thông tư số 117/2018/TT-BTC 28/11/2018 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tư quy định: Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 500.000 đồng/lần/cơ sở; Đối với cơ sở sản xuất khác được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP 2.500.000 đồng/lần/cơ sở. Tuy nhiên, đối với ngành Công Thương, loại hình cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nên không áp dụng mức phí 500.000 đ/lần/cơ sở.

- Ngành Nông nghiệp: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 286/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính, Thông tư quy định phí 700.000 đ/cơ sở. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp lại quy định thêm việc thu phí trong trường hợp thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP là 350.000 đồng/cơ sở (theo Thông tư số 44/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018), tần suất thẩm định đánh giá định kỳ đối với cơ sở xếp loại A: 1 lần/ 18 tháng; cơ sở xếp loại B: 1 lần/ 12 tháng.

Theo đó, ngành Nông nghiệp không phân định mức thu phí theo quy mô loại hình cơ sở như ngành Y tế và Công Thương mà chỉ áp dụng một mức phí là 700.000 đ/cơ sở khi thẩm định, nhưng lại quy định mức thu phí khi đánh giá định kỳ sau xếp loại, điều này khác biệt rõ với ngành Y tế và Công Thương.

……(Vui lòng xem tiếp Phần 2…)

- Lê Thị Thanh Hà -

Từ khóa » Sơ Chế Nhỏ Lẻ Là Gì