Đồng Bằng Sông Cửu Long | Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư

I. ĐẶC ĐIỂM

– Về vị trí địa lý: Đồng bằng sông Cửu Long là bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích 40.921,70 km². Có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông.

Các điểm cực của đồng bằng trên đất liền gồm điểm cực Tây ở phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; cực Đông ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; cực Bắc ở xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An; cực Nam ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, còn có các đảo xa bờ của Việt Nam như đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, quần đảo Hòn Khoai.

Đồng bằng sông Cửu Long gồm ba tiểu vùng. Vùng cao ở phía tây gồm các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, phần phía tây các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và phần phía đông Kiên Giang. Đây là vùng thường bị ngập vào mùa mưa bởi nước sông Cửu Long dâng lên. Vùng thấp ở duyên hải phía đông gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, phần phía đông Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và phần ven biển Kiên Giang. Đây là vùng thường bị mặn xâm nhập vào mùa khô.

Lưu vực tam giác châu sông Mê Kông ở vào trung tâm miền gió mùa nhiệt đới của châu Á, từ tháng 5 đến cuối tháng 9 bị ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đến từ biển cả, ẩm ướt nhiều mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa; từ tháng 11 đến trung tuần tháng 3 năm liền sau bị ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc đến từ đất liền, khô khan ít mưa, từ tháng 10 đến tháng 11 là mùa khô, từ tháng 9 đến tháng 3 năm liền sau có thủy triều sáng và tối.

Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực.

– ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

– Dân số: 17.422,62 nghìn người, chiếm 17,6% tổng dân số cả nước, bình quân 441 người/km2. Trong đó, dân số đang trong độ tuổi lao động (2021) là 9.361,40 nghìn người với 14,61% đã qua đào tạo.

(số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam 2021)

II. MỘT SỐ THÀNH TỰU KINH TẾ

Trong những năm gần đây kinh tế ĐBSCL có những bước khởi sắc đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình (GRDP) của các tỉnh ĐBSCL cao hơn cả nước (năm 2019 tăng 8,1% trong khi cả nước tăng 7,02%). Tuy nhiên, năm 2020 với nhiều tác động từ dịch bệnh Covid 19 tăng trưởng của ĐBSCL là 2,6% cả nước 2,91%, chiếm 17,34 tổng giá trị GRDP của cả nước. Cơ cấu kinh tế của ĐBSCL ở khu vực 1 là 31,2%, khu vực 2 là 20,61%, khu vực 3 là 39,7%, thuế NK và SP chiếm 3,5%. Điều này cho thấy khu vực nông thủy sản và bán lẻ và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của ĐBSCL.

Năm 2021 sản lượng lúa của ĐBSCL đạt 24,327 triệu tấn chiếm 55,32% tổng sản lượng lúa của cả nước, sản lượng thủy sản đạt 4.892.819 tấn chiếm 57,56% tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2021 đạt 928.524,80 tỷ đồng chiếm 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của nước. Điều này chứng tỏ ĐBSCL có vai trò quan trọng trong cơ cấu GDP của cả nước, đóng góp giá trị lớn ở khu vực I và khu vực III.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào vùng ĐBSCL trong năm 2020 đạt 28,09 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 18,77 tỷ USD, giá trị nhập khẩu chỉ bằng phân nửa, tức 9,32 tỷ USD mang nhiều giá trị về ĐBSCL với 9,45 tỷ USD thặng dư thương mại. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng là gạo, thủy sản, trái cây và các mặt hàng gia công giày da và may mặc.

Tính tới hết năm 2021, các tỉnh, thành phố của ĐBSCL thu hút được 1.820 dự án (còn hiệu lực), với tổng vốn là 33.969,10 triệu USD, chiếm gần 5,3% số dự án và 8% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước (34.479 dự án FDI với tổng vốn 419.884,12 triệu USD). Trong năm 2021 toàn vùng ĐBSCL có 86 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 5.628,08 triệu USD.

(Nguồn: Cẩm nang hỏi đáp “Đầu tư – Kinh doanh với vùng ĐBSCL”, VCCI Cần Thơ, NXB Đại học Cần Thơ, 2021; Tổng cục thống kê, 2021)

Từ khóa » đặc điểm Nông Nghiệp đbscl