Đóng Góp Của Giáo Sư Lê Trí Viễn Cho Ngành Văn Học Sử Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Giáo sư Lê Trí Viễn là giáo sư đầu ngành, cây đại thụ uyên bác, năng sản và rất mực tinh tế của chuyên ngành văn học Việt Nam cổ điển. Ông giỏi tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, chủ biên giáo trình đại học về Hán Nôm, có quá trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hơn nửa thế kỉ, tính từ năm 1951, tính ra ông đã có sáu công trình viết về Lịch sử văn học Việt Nam. Ngoài viết lịch sử văn học ông thích nhất bình giảng thơ văn, nhất là thơ, đã công bố 5 tập bình giảng văn học, nổi tiếng về sự tinh tế.
Trong bài viết này chúng tôi không có tham vọng đưa ra đánh giá toàn bộ các công trình văn học sử của giáo sư, mà chỉ bước đầu nêu đôi điều nhận xét về hương nghiên cứu khái luận văn học sử của ông qua hai cuốn sách. Trong các vấn đề nghiên cứu, ông yêu thích nhất là vấn đề đặc điểm văn học Việt Nam, bắt đầu từ bài giảng Đặc điểm văn học Việt Nam, giảng tại Đại học Bắc Kinh, năm 1961. Hai mươi năm sau, năm 1982 ông có công trình Quy luật hiện đại hoá văn học Việt Nam, năm sau, 1983, ông viết Đặc điểm có tính quy luật của văn học Viẹt Nam, sau sửa thành Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam năm 1987. Chín năm sau ông viết tiếp Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, 1996. Có thể nói đây là đề tài mà giáo sư đã ấp ủ và nghiên cứu trong khoảng 35 năm trời.
Thông thường các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thiên về miêu tả các hiện tượng văn học cụ thể, chỉ quan tâm đến trình bày các giai đoạn văn học, bình luận các tác gia và tác phẩm cụ thể của giai đoạn ấy hoặc của tất cả các giai đoạn của nền văn học dân tộc, nhưng rất ít người quan tâm đền vấn đề đặc điểm, quy luật nội tại ở bên trong của nền văn học như là một chỉnh thể bằng một cái nhìn nghiêng, xuyên giai đoạn và vượt lên trên tác giả, tác phẩm, giai đoạn cụ thể. Các vấn đề này thông thường cũng có khi được một số nhà văn học sử nêu qua trong phần mở đầu có tính chất rất khái quát, dẫn nhập rất sơ lược. Việc quan tâm đến các vấn đề ấy như giao lưu văn học, hệ tư tưởng của văn học, ngôn ngữ văn học, thẩm mĩ của văn học, sự tiếp biến, đổi mới, hiện đại hoá văn học trong các công trình của giáo sư Lê Trí Viễn đã làm, phải coi là một hướng nghiên cứu văn học quan trọng và có ý nghĩa đột phá đối với thể thức văn học sử đã đinh hình rất rắn chắc, cơ hồ tưởng đó là duy nhất.
Trước hết có thể thấy đây là một vấn đề có phạm vi rất rộng lớn, không đơn giản, bởi có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết và nghiên cứu thấu đáo, rõ ràng. Chẳng hạn như vấn đề chữ viết của người Việt cổ, vấn đề ảnh hưởng của các nền văn hoá xung quanh đối vơi văn hoá Việt, quan niệm thẩm mĩ Việt. Ngay như vấn đề tỉ lệ từ Hán trong từ vựng Việt chiếm bao nhiêu phần trăm vẫn chỉ mới có con số áng chừng hơn là két quả của một sự thống kê, phân tích khoa học. Vấn đề văn hoá Trung hoa, Ấn Độ, văn hoá Pháp, văn hoá Nga đã ảnh hưởng tới văn hoá, văn học Việt Nam như thế nào, cách tiếp nhận văn hoá văn học của người Việt như thế nào đều chưa có công trình chuyên sâu nghiên cứu. Đơn giản bởi vì ngành văn học so sánh và văn hoá so sánh ở Việt Nam chưa phát triển. Chừng nào các ngành nghiên cứu so sánh nói trên chưa có những thành tựu chắc chắn, thì các vấn đề khái quát chung mà giáo sư Lê Trí Viễn quan tâm thật khó mà giải quyết rõ ràng và thấu đáo. Đó chính là những khó khăn trở ngại lớn nhất cho các công trình khoa học của giáo sư. Có thể nghĩ rằng các công trình của giáo sư chỉ là sự cố gắng vượt bậc, vượt lên trên những khuyết thiếu nhằm giải quyết vấn đề, cung cấp một bức tranh tổng quát khi điều kiện của chúng chưa thật sự chin muồi.
Đọc lại hai công trình cơ bản Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam và Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam của giáo sư dài khoảng 550 trang khổ 13×19 và 20,5×14,5, ta nhận thấy đặc điểm nổi bật của thế hệ học giả đầu tiên sau năm 1954 của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là hoạt động nghiên cứu văn học gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của nền giáo dục và sự quán triệt quan điểm Mác Lê nin và quan điểm lãnh đạo. Nói cách khác là nghiên cứu văn học trong diễn ngôn chính trị của Đảng cộng sản. Ngôn ngữ trong các công trình của giáo sư là ngon ngữ của sách Lịch sử Việt Nam tập 1, 1971, biên soạn theo quan điểm nhà nước, của các giá trị tinh thần Việt Nam của Trần Văn Giàu, cua các văn kiện Đảng. Do đó sẽ không ngạc nhiên khi nêu sự hình thành nền quốc văn mới đầu thế kỉ XX sách không nhắc tên Phạm Quỳnh va Nguyễn Văn Vĩnh, hoặc nói đến triều Nguyễn thì luôn thấy là phản động. Từ khoá chính của cuốn sách sẽ là dân tộc độc lập, tinh thần yêu nước, lòng thương người, thương dân. Tuy với diễn ngôn đó các công trình của giáo sư vẫn nêu được các quy luật chung của lịch sử phát triển văn học dân tộc với những quy luật chung và riêng của nó..
Quyển Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam gồm 8 chương, nêu lên tám quy luật. 1. Văn học Việt Nam phát triển gắn chặt với lịch sử; 2. Văn học phát triển trong giao lưu với văn hoá và văn học khác; 3 Văn học Việt Nam giao lưu, chuyển hoá (vấn đề tiếp nhận nội dung, hệ tư tuởng); 4. Văn học Việt Nam phát triển giao lưu chuyển hoá (vấn đề tiếp nhận hình thức); 5. Văn học phát triển trong đấu tranh xã hội; 6. Văn học phát triển theo yêu cầu của các nhiệm vụ lớn dựng nước, giữ nước; 7. Văn học Việt Nam với thẩm mĩ Việt Nam; 8. Việt Nam trong khu vực. Các quy luật này chính là tám phương diện của quan hệ giữa văn học và đời sống và chức năng của văn học được xét theo quá trinh lịch sử qua các giai đoạn. Các quy luật này có tính hiển nhiên, ví như quy luật 1, lịch sử chính là bối cảnh của văn học. Văn học tồn tại trong giao lưu, mà giao lưu thì có lựa chọn… Đặc săc của công trình là với vốn tri thức văn học cụ thể, phong phú đã lấp đầy và thuyết minh cho các quy luật ấy.
Tuy vậy do cách nhìn thiên về quan điểm chính trị, cho nên trong tám chương thì đã có 5 chương 1, 2, 3, 5, 6 xét văn học chủ yếu theo nhãn quan chính trị. Tác giả nhấn mạnh, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo là nền tảng tư tưởng để văn học Việt Nam tiếp nhận các tư tưởng nước ngoài, chẳng hạn tiếp nhận nho giáo và phật giáo, tư tưởng tư sản và chủ nghĩa Mác Lê. Là nhà nghiên cứu được vũ trang nhãn quan chính trị qua các cuộc học tập và đấu tranh tư tưởng đương thời, tác giả đã phân tích rất kĩ về phương diện tư tưởng xã hội chính trị của văn học Việt Nam, tính độc lập tự cường qua các thời đại. Quan điểm đúng đắn đó cũng hàm chứa một phần sơ lược. Bởi do nhấn mạnh yêu nước và nhân đạo mà không nói rõ đến cái ảnh hưởng của Nho, Phật, Đạo đã làm cho văn học Việt Nam trung đại có sắc thái đặc biệt nào. Chẳng hạn ảnh hưởng của thi giáo với ôn nhu đôn hậu, ảnh hưởng của thiền tông bói tính chất hướng nội của thi ca hay ảnh hưởng của đạo gia với cảm quan sung thượng tự nhiên.Chương 4 nghiên cứu sự tiếp nhận ảnh hưởng tiếng Hán, chữ Hán và tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, tiếp nhận và sáng tạo về thể loại văn học, các thể thơ và hình thành nền văn xuôi mới hiện đại, có rất nhiều ví dụ lí thú được phân tích cụ thể, sinh động, phong phú, gợi ra những vấn đề còn tiếp tục nghiên cứu về sau. Ở đây sự hiểu biết sâu sắc về tiếng Hán và tiếng Pháp đã tạo cho tác giả cái lợi thế để phân tích các ví dụ phức tạp. Chương 7 về thẩm mĩ Việt Nam là một chương bàn rất rộng, bao quát, ít những nhận xét cụ thể. Chương 8 cung cấp thông tin cho một cái nhìn chung văn học Việt Nam trong khu vực, kiến thức rất phong phú, bổ ích.
Cuốn Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam có thể coi là cuốn sách tiếp tục và nâng cao của cuốn Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam. Sách gồm có sáu chương Chương 1 trình bày khái niệm văn học trung đại với hai thời kì, thượng và hạ. Thượng kì khi xã hội phong kiến đang lên, và hạ kì khi xã hội ấy suy tàn, đi xuống. So sánh với văn học trung đại Pháp, tác giả cũng chia văn học trung đại Việt Nam thành hai thời kì, lấy mốc là hết thế kỉ XV là hết thượng kì, trung đại hạ kì ở Việt Nam tính từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX. Theo tôi đó là một kiến giải có cơ sở khoa học cần được xem xét thêm về cái mốc thể kỉ XVI. Sở dĩ tác giả lấy mốc thế kỉ XVI là vi thời ấy người ta xem sự soán ngôi của nhà Mạc là dấu hiệu của nha nước phong kiến suy tàn, chuyển sang trung đại hạ kì. Nhưng hiện nay giới sử học đã có nhận định lại, cái mốc ấy cần chuyển lên hết thế kỉ XVII. Chương 2 viết về cảm thức thế giới của con người trung đại, dựa vào nhưng kiến giải của các học giả nghiên cứu văn hoá trung đại như A. Ja. Gurevich. Chương 3 Đôi nét về thẩm mĩ Việt Nam, có tính chất như là bổ sung cho chương 7 của cuốn Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam đã in trước. Đáng chú ý nhất của cuốn sách này là ba chương cuối bàn về các phạm trù mà tác giả xem là chưa được ai nói như tính cao nhã, vô ngã.và hữu ngã, quy phạm và bất quy phạm. Đó đúng là những cấn đề ít người bàn tới. Về tính cao nhã, giáo sư lập luận từ quan niệm về nguồn gộc văn chương, từ hứng thú văn chương, từ quá trinh sáng tác văn chương, tác dụng giáo hoá, di dưỡng tinh thần của văn chương rồi đi đến xác định tính chất cao nhã của nó. Tác giả cũng thấy văn học Việt Nam từ sau thế kỉ XV nhiều trang nói đến nỗi thống khổ của nhân dân, tình cảm bi, hận, đủ loại, trang văn “đen ngòm”, nhưng con người vẫn sáng ngời, có vẻ như vẫn là thuần cao nhã nữa. Giá tác giả đặt tên chương này là cao nhã và thế tục thì cân đối với hai chương sau biết mấy. Về văn chương Nôm, tác giả cũng thấy nhiều khi “chẳng còn chút gì nghiểm trang, trang trọng” (tr.173). Như thế văn chương sẽ không còn cao nhã. Xét theo logich của văn học trung đại hạ kì, thì văn học lúc này đã thé tục hoá, văn nôm thịnh hành phần nhu cầu thân thể được quan tâm, chứ không chỉ quan tâm một mình chữ tâm, do đó văn chương đậm mùi thế tục, không còn cao nhã thuần khiết nữa, trường hợp thơ Hỗ Xuân Hương truyền tụng hay thơ Tú Xương là vậy.
Vấn đề vô ngã được SGK năm 1990 khái quát như là đặc điểm của văn học trung đại,đối lập với văn học chữ tôi thời hiện đại. Cũng có ý kiến đi tìm cái tôi con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam . Về vấn đề này, giáo sư Lê Trí Viễn dựa vào ý kiến các nhà kinh điển Mác xít, khẳng định rằng vào thời trung đại, con người cá thể tự đồng nhất với cộng đồng, đẳng cấp, đoàn thể, cho nên chưa thể tự ý thức mình như là những cá nhân. Lúc đó con người ở vào trạng thái vô ngã. Chỉ đến khi xã hội phong kiến suy tàn, kỉ cương băng hoại, con người cá nhân tách khỏi đẳng cấp. lúc đó nó mới ý thức về tính cá nhân của mình. Đó đúng là quan điểm kinh điển và cách hiểu áy cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Quan điểm của giáo sư là ở văn học trung đại Việt Nam có vô ngã và có hữu ngã. Thời kì văn học thế kỉ X đến XV về cơ bản là vô ngã, những từ cuối thế kỉ XV, nhất là từ thế kỉ XVI trở đi đã có con người hữu ngã bên cạnh vô ngã. Con người cá nhân được hiểu là con người cảm nhận thế giới theo “nỗi lòng” riêng của mình. Tuy tác giả chưa nêu rõ tiêu chí của ý thức cá nhân, song nhận thức đó theo tôi là phù hợp với thực tế văn học. Về điểm này tác giả đánh giá rất cao con người cá nhân trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ với truyện Cây gạo, sau đó là Lâm tuyền kì ngộ. Giai đoạn hữu ngã phát triển đẹp nhất là thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX. Tác giả đã hiểu vô ngã và hữu ngã một cách biện chứng. “Nói vô ngã là nói trong khuôn khổ vừa văn chương vừa lịch sử, Cái đích nó là dân tộc, nhưng bên trong vẫn là dân, là con người. Trong vô ngã vẫn có cá tính con người cầm bút, một phía của con người – cá nhân, con người tự ý thức đầy đủ. Nói hữu ngã, chủ yếu nói con người cá nhân, tự ý thức mình, nhưng lịch sử cứ như sẵn sàng nhắc nhở đừng quên trách nhiệm công dân.” (tr. 220)
Về vấn đề quy phạm và bất quy phạm giáo sư Lê Trí Viễn hiểu khái niệm quy phạm rất rộng, bao gồm những quy định về nội dung lễ nghĩa, khuôn phép. Nó là biểu hiện của văn hoá văn minh trong đời sống và văn chương. Trong văn học người ta thường hiểu quy phạm (canon) là hệ thông các hình thức, quy tắc, thủ pháp cố định, cứng nhắc, trở ngại cho cá tính sáng tạo. Văn học trung đại có quy phạm về đề tài, chủ đề, hình tượng, kết cấu, ngôn ngữ, hình thức thể loại, tả cảnh, tả tình, dung điển, tôn ti, trật tự…mà giáo sư dẫn ra rất nhiều ví dụ. Chưa thấy sách nào miêu tả,liệt kê, phân tích các biểu hiện về quy phạm văn học phong phú như sách này. Theo tác giả việc cải biên cốt truyện từ Viên thị truyện thành Lâm tuyền kì ngộ, biến Kim Vân Kiều truyện thành Đoạn trường tân thanh được hiểu như là chuyển từ con người quy phạm thành con người bất quy phạm. Theo cách hiểu này có thể hiểu, tính quy phạm đối lập với sáng tạo có tính mới, tính cá tính. Tính hàm súc, tính không nói hết, để cho người tiếp nhận tưởng tượng của văn chương cũng là những quy phạm. “Hàm súc mà thành quy phạm là quá rõ và quá hay” (tr. 256). Từ “vô ngôn” của thơ thiền giáo sư lien hệ với “siêu ngôn ngữ” của M. Bakhtin, có thể là một sự hiểu lầm. Tính quy phạm, khuôn mẫu là cái đối lập với sáng tạo cá nhân, cho nên khi yếu tố sáng tạo cá nhân phát triển thì tính khuôn mẫu bị loại bỏ hoặc giảm thiểu. Đặc điểm của tính quy phạm là những cái có sẵn, đề tài có sẵn, cốt truyện có sẵn, kết cấu có sẵn, hình ảnh có sẵn, cấu trúc có sẵn. Có lẽ cần phân biệt tính quy phạm khuôn mẫu có sẵn với quy chuẩn của văn học. Hàm súc, không nói hết nên coi là một quy chuẩn của văn chương, cũng như sinh động, điển hình, hơn là quy phạm văn chương. Bởi văn chương cần phải giải thoát mọi quy phạm, nhưng không thể xa rời các quy chuẩn của nó.Tác giả đã phân tích rât sâu sắc mối quan hệ giữa quy phạm và bất quy phạm. Dẫn đoạn thơ Truyện Kiều tả nỗi nhơ Kiều của chàng Kim Trọng: Có khi vắng vẻ thư phòng, Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa, Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ, Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm. Giường như trên nóc bên thềm, Tiếng Kiều động vọng, bong xiêm mơ màng. Bởi lòng tạc dạ ghi vàng, Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.” Sau khi phân tích tuyệt vời cái hay của đoạn thơ, giáo sư đã kết lại: Văn chương đã hay đến thế thì câu chuyện quy phạm cũng chỉ là thừa. (tr.269). Như thế quy phạm chỉ là câu chuyện của hình thức và nó xưa nay chưa bao giờ trói buộc được các bậc tài hoa, thiên tài.
Với sáu chương sách, cuốn Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam đã nều bật được những đặc trưng cơ bản của giai đoạn văn học này, đưa ra những nhận định xác đáng để thế hệ sau lĩnh hội và đi tiếp. Như trên đã nói, những vấn đề khái luận của một nền văn học là những chủ đề rất khó viết, nó đòi hỏi phải có cái nền nghiên cứu cơ bản rất vững chắc mới có thể làm được. Trong điều kiện cái nền ấy còn rất mỏng thì phải có những cây đại bút, được trang bị một vốn văn học uyên thâm thì mới có thể đề cập được ít nhiều. Cho đến nay giáo sư Lê Trí Viễn vẫn là người tiên phong trong lĩnh vực khái luận về văn học sử này.
Trần Đình Sử
Từ khóa » Tiểu Sử Lê Trí Viễn
-
Lê Trí Viễn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tiểu Sử... - Trường THCS Lê Trí Viễn - Điện Bàn - Quảng Nam
-
Giáo Sư, Nhà Giáo Nhân Dân Lê Trí Viễn Về Với đất Trời
-
GS,NGND, Nhà Văn Lê Trí Viễn: MỘT TRÁI TIM LUÔN DÀNH CHO ...
-
Giáo Sư, Nhà Giáo Nhân Dân Lê Trí Viễn - Hậu Duệ Của Nòi Văn
-
Nhà Nghiên Cứu Văn Học Lê Trí Viễn: "Văn Thơ Là Cuộc Sống..."
-
Lê Trí Viễn - Wiki Tiếng Việt 2022 - Du Học Trung Quốc
-
Giáo Sư Lê Trí Viễn - Hậu Duệ Của Nòi Văn
-
Lê Trí Viễn, Bậc Sư Biểu "kính Nhi Cận Chi"
-
GS-NGND, Nhà Văn Lê Trí Viễn: Một đời Nặng Chữ Văn
-
Nhà Giáo Nhân Dân Lê Trí Viễn: Một đời Dạy Văn, Một đời Viết Văn
-
Vĩnh Biệt Người Thầy Tài Năng Và đức độ Lê Trí Viễn
-
Nhớ Thầy Lê Trí Viễn - Báo Đà Nẵng
-
GS-NGND Lê Trí Viễn: Một đời Với Nghề, Một đời Với Văn - PLO