Dòng Họ Khoa Bảng Nức Tiếng Xứ Đông

Trong tập kí sự “Tiên Tướng công niên phả lục” của Trần Tiến (con trai ông) còn chép lại sự kiện Trần Cảnh làm Giám khảo trường thi Hương Kinh Bắc năm 1720: “Vì ngài (Trần Cảnh) làm quan nội trường, nên theo điển lệ, được phép lấy hoặc bỏ văn quyển. Lại sợ quan sơ khảo, phúc khảo không tinh tường, để sót nhân tài, nên ngài vất vả, tự mình đọc duyệt quyển, suốt đêm không nghỉ.

Văn quyển của nho sinh Nguyễn Đức Đôn (người Vịnh Kiêu, Tiên Sơn, Bắc Ninh) ban đầu bị đánh trượt, khi ngài đọc duyệt lại, thấy hay, nâng lên đỗ thứ 2. Năm sau, khoa Tân Sửu (1721) thi Hội, Nguyễn Đức Đôn đỗ ngay tiến sĩ. Đương thời đều khen ngài biết nhìn người”.

Có thể nói, mặc dù thời gian giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám không lâu, song con đường văn nghiệp của ông luôn gắn bó với nền khoa cử Đại Việt.

Khi đương chức Tể tướng, Trần Cảnh xin vua cho về hưu rồi chiêu mộ dân ly tán để khai hoang lập làng dọc triền sông Kinh Thầy. Việc thành công, ông được vua Lê ban chức “Hải Dương khuyến nông sứ”.

Với kinh nghiệm và tri thức nông nghiệp, Trần Cảnh đã soạn bộ sách “Minh nông chiêm phả” dâng vua Lê Hiển Tông năm 1749, và được coi là nhà khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này đã bị thất lạc, nay chỉ còn rải rác một số chương đoạn.

Tựa sách này còn được chép nguyên văn trong “Niên phả lục”: “Trên từ cái lớn lao của thiên thời, nhật nguyệt và tinh tú, dưới từ cái nhỏ bé của chim muông, côn trùng, thảo mộc… Tất cả đều ghi chép cực kì đầy đủ và gọt giũa những chữ rườm rà…”.

Trần Cảnh được vua ban tước Công (Diệu Quận Công, Hùng Quận Công) hàm Thái Bảo. Thái Bảo thuộc hàng Tam công là một trong 3 phẩm hàm cao nhất của triều đình. Vua Lê cũng ban cho ông danh vị Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thượng Trụ quốc.

Khi ông mất, triều đình tổ chức Quốc tang, nghỉ việc 3 ngày. Vua viết điếu văn, cử quan Tham tụng Trần Danh Ninh đọc lời điếu trước linh cữu. Vua ban cho tên thụy là Trung Nhã Trần tướng công, và cấp cho toàn bộ tiền thờ cúng sau những ngày Quốc tang cho gia đình.

Lúc còn sống, Trần Cảnh đã được thờ tại chùa Dâu (Thuận Thành - Kinh Bắc). Sau khi mất, lại được tạc tượng thờ tại Văn chỉ Linh Khê (Nam Sách - Hải Dương) cùng Mạc Đĩnh Chi và Trần Quốc Tảng. Hiện hai nơi đó vẫn còn bia thờ và tượng thờ.

Huân nghiệp để đời

Sau trăm năm khi Trần Thọ dâng sớ đòi đất, năm 1890 dịp Việt - Thanh - Pháp hoạch định biên giới – nhà Thanh mới trả đất cho Việt Nam.

Con trai Trần Cảnh là Trần Tiến (1709 - 1770) đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748), làm quan Phó đô Ngự sử, tước Bá (Sách Huân Bá), sau thăng Lễ bộ Thượng thư. Ông là tác giả các tập sách: Đăng khoa lục sưu giảng, Cát Xuyên tiệp bút, Cát Xuyên thi tập, Niên phả lục, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi…

Trong đó 3 cuốn sách đến nay vẫn còn giá trị đối với lịch sử văn hóa và văn chương Việt Nam: Đăng khoa lục sưu giảng, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Niên phả lục. Ông cũng được coi là người khai sinh ra thể ký tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764 với tác phẩm “Trần Khiêm Đường Niên phả lục”.

Bộ sách gồm 2 tập kí khác nhau, tập đầu là kí sự chính trị rất đặc sắc, viết về người cha của mình; tập sau ông tự thuật về cuộc đời của ông, cả 2 tập kí đều viết và in chung trong một tập sách dày). Khi mất, ông được vua ban tên thụy là Trung Lượng Trần tướng công.

Ngoài 3 vị đại khoa, họ Trần Điền Trì còn có 3 danh nhân: Trần Trợ (con Trần Tiến) làm quan đến Viên ngoại lang bộ Lại. Ông nguyên tên là Trần Quý, cũng gọi là Trần Nha nên lịch sử văn học ghi là Trần Quý Nha. Ông làm Trợ giáo Thái tử (dạy con vua Lê học nên gọi là cụ Trợ). Ông chính là tác giả tập sách “Tục biên Công dư tiệp ký”.

Trần Đĩnh (cháu gọi Trần Tiến là bác ruột) là quan Thủ lệnh trấn Hải Dương. Ông cùng Tổng trấn Kinh Bắc Trần Quang Châu hộ giá vua Lê Chiêu Thống, khi vị vua này còn chưa đi cầu cứu nhà Thanh. Năm Tự Đức thứ 12 (năm 1859), ông được thờ tại đền Trung Liệt (Hà Nội) cùng với 5 anh em con cháu.

Chắt Trần Tiến là Trần Tấn tham gia phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi. Ông là tiểu tướng của Nguyễn Thiện Thuật, hi sinh khi bảo vệ căn cứ Bãi Sậy, chống giặc Pháp càn.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Ba vị tiến sĩ dòng họ Trần Điền Trì được thừa nhận và tôn vinh, chứ không phải chỉ riêng con cháu dòng họ tự tôn thờ theo kiểu “con hát mẹ khen hay”.

Do đó, thế hệ chúng ta hôm nay phải tiếp nối truyền thống để vinh danh họ như một tấm gương sáng về đạo đức và lòng tận tâm vì đất nước cho muôn đời con cháu noi theo”.

Năm 2020, mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần Điền Trì được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Nhà thờ được làm bằng gỗ, kiến trúc kẻ truyền con chồng kiểu chữ nhị, 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế. Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật, hoành phi, câu đối, 12 bia đá, 33 đạo sắc phong thời Lê.

“Gia đình họ Trần Điền Trì ba đời liên tiếp đỗ tiến sĩ là một hiện tượng hiếm trong lịch sử thi cử Hán học nước ta tính từ khoa đầu tiên (1075) đến khoa cuối cùng (1919) dưới thời Pháp thuộc. Từ hiện tượng gia đình họ Trần, cho thấy quy luật hình thành phát triển văn hóa dân tộc ở thời trung đại”.    

GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú

Từ khóa » Nguồn Gốc Dòng Họ Trần Việt Nam