Đồng Nai: Hồ Trị An Bị Tấn Công Bởi Loài Cá Hoàng đế - CAND

Năm 1991, sau 7 năm hợp tác với Liên Xô, đập thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai được đưa vào hoạt động. Thời điểm này theo khuyến cáo của các nhà khoa học nên Ban quản lý đập thủy điện tiến hành thả nhiều loài cá như cá trôi, cá mè, cá trắm… nhằm làm sạch, cải tạo môi sinh và khôi phục hệ sinh thái lòng hồ. Từ quá khứ "liệt lẫm", vài năm gần đây đám binh tôm tướng cá dưới lòng hồ giảm sút quân số thê thảm. Nhỏ nhắn nhưng "quậy" sát số, cá hoàng đế đã "càn quét" không thương tiếc nhiều loài cá bản địa, khiến khu vực lòng hồ dậy sóng bởi sự hung dữ và tốc độ sinh sản như vũ bão của chúng.

Sông hồ vắng tinh binh

Sau hồi ức "Vào mùa mưa cá chép lên đẻ lềnh bãi bờ, mùa khô thì cá rô phi, cá lăng, cá chèn… quần tụ quậy nước ùng ục như trâu dầm đìa", ông Trần Văn Thái (trưởng ấp 1), kêu trời: "Nguyên nhân của thảm kịch cá truyền thống vắng bóng là do sự tấn công của cá hoàng đế. Đây là loài được các chủ hiệu cá cảnh nhập lậu vào Việt Nam để phục vụ cho dân chơi cá cảnh. Sau ai đó mang chúng đi phóng sanh và có ngờ đâu chúng nhanh chóng sinh con đàn cháu đống rồi gây họa".

Anh Ôn Văn Thanh, cán bộ phụ trách mảng giao thông thủy lợi xã Mã Đà, nhớ lại: "Lúc đầu ngư dân đánh bắt hải sản dưới lòng hồ tỏ ra sung sướng vì cá hoàng đế nhiều, dễ dính. Hễ buông lưới, thả câu gì đều dạm mặt loài này. Cá lạ nên ai cũng muốn ăn thử nên giá cao. Người thành phố tìm xuống ăn rần rần". Khi ấy sống chung với hung thần mà ai nấy đều lòng dạ phơi phới. Đến khi thực khách phát hiện thịt cá hoàng đế chẳng có gì đặc biệt nên quay lưng và quay trở lại với các giống cá truyền thống dưới lòng hồ thì chuyện đến hồi nghiêm trọng.

"Hễ cứ thả lưới là trĩu tay với hoàng đế mà không phải là cá chép, cá trắm, cá lăng, cá thác lác… như ngày nào, thấy nguồn cá tự nhiên bỗng chốc suy giảm đến chóng mặt, dân chài lưới âu lo tột độ vì viễn cảnh nồi cơm lâm nguy. Tìm hiểu nguyên nhân bà con mới biết chính cá hoàng đế là căn nguyên của hiện tượng sole về quân số".

Những con cá chép khổng lồ như thế này ở lòng hồ Trị An rất hiếm.

Điểm mặt hung thần

Có màu vàng nhạt, miệng rộng, hàm dưới nhô ra dài hơn hàm trên, lưng có 3 sọc và đuôi có những chấm tròn như chấm ở đuôi công, cá hoàng đế là cách gọi của cư dân lòng hồ Trị An về loài cá có tên khoa học Peacock Bass, thuộc họ cá hoàng đế Cichlidea. Đây là loài cá nước ngọt có tập tính sinh sản hữu tĩnh, mỗi lần đẻ 2.000-3.000 trứng, có sức chịu đựng cao.

Trên chiếc bè con được kết nối từ những thân cây lồ ô mảnh khảnh, như nhiều ngư phủ và chủ bè cá dọc lòng hồ Trị An mà chúng tôi tiếp xúc, ông Trần Toại, chủ 2 bè cá bống tượng vừa nghe nhắc đến "hoàng đế" lập tức lắc đầu: "Đấy là giống cực khỏe, có khả năng thích nghi cao, nó sống trong nước ấm, nước nóng rất hay mà chịu lạnh cũng giỏi nhứt xứ. Khi bị dồn bắt thì cá hoàng đế bơi nhanh như tàu ngầm và lúc bí đường thì nó quẫy mình vượt lưới siêu đẳng còn hơn cá rô phi".

Neo bè cạnh bên, ông Chín Đầy góp chuyện: "Hoàng đế là loài ưa ăn mồi động. Khi đói thì bất kỳ loài thủy sinh nào một khi bị lọt vào tầm ngắm của nó đều bị xơi tái. Với tốc độ truy đuổi nhanh và bản năng hung dữ sẵn có, cá hoàng đế thực sự là hung thần của các loài cá nhỏ như mè dinh, cá trôi, cá trắm, cá lòng tong đá". Ông Chín ngẩng mặt lên trời, thở dài: "Không có thiên địch nên hoàng đế sinh sôi nảy nở chóng mặt. Quân số của hoàng đế gia tăng theo tỉ lệ nghịch với số lượng các loài cá truyền thống hiện đang là vấn đề thời sự ở Mã Đà".

Trăm mối nguy!

Trở lại lòng hồ Trị An lần này, chúng tôi gặp nhiều gương mặt ngư dân âu lo, thở than. Ngày trước người ta sướng vì "hoàng đế" bao nhiêu thì nay kêu trời vì loài cá này bấy nhiêu. Dân chài lưới sống nhờ cá nhưng nguồn cá trong tự nhiên không còn nhiều khiến họ lâm cảnh lao đao. Đó là lý do mà xuyên suốt vùng sông nước Mã Đà, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những gương mặt nhầu nhĩ. Tại xóm bè ở cầu Chiến khu Đ, ngư dân Bình thở than: "Thịt cá hoàng đế bở rẹc không hợp khẩu vị nên bà con ăn một lần rồi không thích nữa, do đó mà giá rớt thê thảm".

Một ngư dân khác giọng trĩu nặng ưu tư: "Không có họa hoàng đế, cuộc sống của dân chài lưới cũng đã khốn đốn rồi do nguồn cá tôm trong tự nhiên có hạn trong khi người đánh bắt ngày một đông. Nay thêm nạn hoàng đế thống trị lòng hồ khiến cái sự khốn khổ của dân chài lưới càng thêm chồng chất".

Theo thống kê của UBND xã Mã Đà, toàn xã hiện còn gần 400 hộ nghèo trên tổng số 1.700 hộ ở xã. Một cán bộ xã tâm tình: "Mã Đà hiện có đến 50% dân cư chưa có điện sinh hoạt, 90% đường giao thông nông thôn chưa được trải nhựa… Quan trọng hơn là số hộ nghèo ở xã đều sống dựa vào nguồn thủy sản nuôi trồng, đánh bắt ở lòng hồ Trị An. Nay trước họa hoàng đế cát cứ vầy, cuộc sống của bà con bi đát lắm".

Như thảm họa cá lau kiếng, rùa tai đỏ (Hồ Gươm - Hà Nội), cá chim trắng, ốc bươu vàng…, các nhà khoa học đã điểm chỉ cá hoàng đế thực sự là kẻ thù mới của môi trường tự nhiên Việt Nam nói chung, lòng hồ thủy điện Trị An nói riêng

Từ khóa » Cá Chép Hồ Trị An