Đông Y Bàn Về Chứng Bệnh đàm ẩm

Đàm và ẩm là hai chất; Đàm là chất đặc dính, ẩm là chất nước loãng nhưng chúng đều có cùng một nguồn gốc từ tân dịch của đồ ăn uống gặp các tác nhân, ở các tạng phủ khác nhau gây ra các chứng trạng khá phong phú và phức tạp. Giai đoạn đầu của đàm ẩm ít được chú ý chạy chữa, chỉ khi đã gây ra sự rối loạn công năng vận hành các tạng phủ trong cơ thể mới được khám xét và chữa trị. Trên thực tế lâm sàng được chia ra: Thấp đàm, táo đàm, nội ẩm, ngoại ẩm, ngoài ra còn được gọi là huyền ẩm và dật ẩm, huyền ẩm thuộc nội ẩm, dật ẩm thuộc ngoại ẩm.

Nguyên nhân

Chủ yếu sinh ra đàm không ngoài phong, hàn, táo, thấp xâm phạm vào 3 tạng: tỳ, phế, thận làm giảm sút về công năng và mối quan hệ của các tạng phủ hoặc một trong số ba tạng quá hư yếu không vận hóa được mà sinh đàm.

- Nếu vệ phế bị ngoại cảm tà khí lục dâm thì đàm từ phế sinh ra.

- Nếu tỳ hư không vận hoá được khí của thủy cốc làm tân dịch ngưng đọng mà sinh ra đàm trọc.

- Nếu thận âm hư thì hỏa lung đốt tân dịch thành ra đàm hoả.

- Nếu thận dương hư thì thủy dịch được đưa lên kết lại thành đàm (thủy phiếm vi đàm).

- Nếu âm thịnh dương hư nước tràn lên thành ra ẩm.

Sau đây là một số bài thuốc điều trị tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo:

Thể đàm thấp

Triệu chứng: Khạc đàm, đàm trơn dễ ra (hoạt đàm), đàm trắng trong, mình nặng, ngực sườn đầy tức, ậm ạch muốn nằm, đôi khi ợ hơi lợm giọng, người bệu, rêu lưỡi trắng, dày, trơn. Mạch hoạt.

Phương pháp điều trị: Hóa đàm lợi thấp.

Bài thuốc: “Nhị trần thang”: trần bì 16g, bán hạ 24g, bạch linh 24g, cam thảo 12g. Các vị trên nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 4 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.

Châm tả phong long, túc tam lý, phục lưu.

Phong long: Dưới đầu gối 8 tấc, cách huyệt điều khẩu một khoát ngón tay về phía ngoài.Đại chùy: Giữa đốt sống cổ 7 và mỏm gai đốt sống lưng 1 (C7- D1).Hợp cốc: Ở giữa xương đốt bàn tay 2, phía quay. Ở chỗ lồi nhất của cơ khi ngón tay và ngón tay trỏ kẹp sát nhau. Khi duỗi căng ngón cái và ngón trỏ, huyệt sẽ nằm giữa đường nối khớp các xương bàn tay 1 và 2 với mép da, có xu hướng chếch về phía xương bàn tay 2.Phục lưu: Phía trên huyệt thái khê 2 tấc, ở bờ trước gân gót.Túc tam lý: Dưới huyệt độc tỵ 3 tấc, cách mào chầy 1 khoát ngón tay về phía ngoài.Phế du: Cách bờ dưới mỏm gai D3 khoảng 1,5 tấc về phía ngoài.Tam âm giao: Trên mỏm mắt cá trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chầy.

Thể đàm táo

Triệu chứng: Khạc đàm ít, sáp khó ra, đàm vàng dính, cổ khô, họng ráo, da nhợt thô ráp, người bệnh ậm ạch mệt mỏi, gầy yếu, thở ngắn cảm giác hụt hơi, ngại nói... Mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Nhuận phế hóa đàm.

Bài thuốc: “Bối mẫu qua lâu thang”: bối mẫu 12g, qua lâu 16g, thiên hoa phần 16g, phục linh 16g, quất hồng bì 8g, cát cánh 12g.

Qua lâu bỏ vỏ, giã tinh ép bớt tinh dầu 3 lần. Sáu vị trên nước 1.500ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.

Uống ấm chia đều 4 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.

Châm bổ: Túc tam lý, phế du, Tam âm giao.

Châm tả: Phong long, phục lưu.

Thể do nội ẩm (huyền ẩm)

Triệu chứng: Người nặng nề, ậm ạch, đau chói, cảm giác vướng ở cổ, ở ngực, sườn, đôi khi ho đau mạng sườn, nặng thì đau ngực, trong ngực cảm giác như kiến bò, hồi hộp, suyễn thở không nằm được. Mạch hoạt, sác hoặc tế sác.

Phương pháp điều trị: Tả phế khí, hành thủy.

Bài thuốc: “Đình lịch đại táo tả phế thang”đình lịch tử 32g, đại táo 18 quả. Đại táo xẻ ra. Hai vị trên nước 700ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 4 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.

Châm bổ: Tỳ du, phế du, túc tam lý.

Châm tả: Phong long, phục lưu.

Thể do ngoại ẩm (dật ẩm)

Triệu chứng: Nôn mửa khan, phát sốt, khát nước, không ra mồ hôi, mặt, chân tay phù thũng, mình mẩy đau đớn nặng nề.

Phương pháp điều trị: Thông lợi thấp tà phần biểu.

Bài thuốc: “Tiểu thanh long thang”: ma hoàng 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 8g, bán hạ 12g, thược dược 16g, can khương 8g, quế chi 8g, tế tân 4g. Ma hoàng bỏ mắt, quế chi cạo bỏ vỏ. Ma hoàng nước 1.600ml, sắc còn 1.400ml, vớt bỏ bọt rồi cho các vị còn lại vào, sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Uống ấm, chia đều, ngày uống 3 lần.

Châm tả phong long, đại chùy, hợp cốc, phục lưu.

Chú ý: Trong khi biện chứng luận trị chứng đàm ẩm cần được xét đến hư, thực, hàn, nhiệt. Đặc biệt còn phải phân biệt được ngoan đờm, hoạt đờm trên cơ sở đó mà gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.

Từ khóa » đàm ẩm Thuộc