Đợt Cấp COPD: Làm Sao để Phòng Ngừa Và điều Trị Hiệu Quả?

Các đợt cấp COPD (hay còn gọi là đợt kịch phát COPD) thường rất nguy hiểm vì chúng làm tình trạng tổn thương phổi nặng hơn. Nếu bạn được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hiểu rõ và tích cực phòng ngừa đợt cấp sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một tình trạng tổn thương phổi tiến triển trong thời gian dài, gây khó thở và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Khi bệnh tiến triển có thể dẫn đến các đợt cấp COPD cần phải được điều trị kịp thời. Trung bình mỗi năm người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD sẽ có từ 1,5 – 2,5 đợt cấp. Vậy đợt cấp COPD là gì? Làm sao để phòng ngừa và điều trị tình trạng này hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Đợt cấp COPD là gì?

Đợt cấp COPD là khoảng thời gian mà các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn bình thường. Lúc này, người bệnh có thể cần phải đi cấp cứu để kịp thời điều trị.

Mặc dù trải nghiệm đợt cấp ở mỗi người không giống nhau, nhưng một số dấu hiệu cảnh báo sau có thể giúp bạn tiếp nhận điều trị sớm hơn, rút ngắn thời gian diễn ra các đợt cấp và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đợt cấp:

  • Khó thở nhiều hơn khi hoạt động hàng ngày
  • Ho nhiều hơn
  • Thở nhanh và nông hơn bình thường
  • Khạc đờm nhiều hơn hoặc màu sắc đờm thay đổi
  • Cảm thấy luôn buồn ngủ hoặc tinh thần không minh mẫn
  • Hắt xì nhiều hơn bình thường

Các cơn COPD thường kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Khi bệnh càng tiến triển, chức năng phổi càng suy giảm dẫn đến tần suất vào đợt cấp nhiều hơn. 

Khoảng 70 – 80% các ca vào đợt cấp là do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn). Đôi khi, các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này:

  • Ô nhiễm không khí (khói thuốc lá, khói bụi tại nơi làm việc…)
  • Giảm nhiệt độ môi trường (trong và ngoài nhà) đột ngột
  • Viêm có tăng bạch cầu ái toan
  • Dùng thuốc điều trị (như thuốc hít) không đúng cách hoặc bỏ điều trị giữa chừng
  • Dùng các thuốc ngủ hoặc thuốc an thần

Ngoài ra, khoảng 33% trường hợp đợt cấp COPD không rõ nguyên nhân.

Cách xử lý khi gặp đợt cấp COPD

điều trị đợt cấp copd

Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của cơn kịch phát, bạn cần phải sử dụng các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để cắt cơn. Cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời nếu các triệu chứng không thuyên giảm hay trở nặng. Đợt cấp COPD được chia thành ba mức độ: 

  • Mức độ nặng: tình trạng khó thở tăng, ho có nhiều đờm và đờm có mủ
  • Mức độ trung bình: người bệnh có 2 trong số 3 triệu chứng của mức độ nặng
  • Mức độ nhẹ: có 1 trong 3 triệu chứng của mức độ nặng và kèm theo ho, thở rít, sốt không rõ nguyên nhân, đã nhiễm trùng đường hô hấp trong khoảng 5 ngày trước và nhịp thở, nhịp tim cao hơn mức bình thường

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị đợt cấp COPD thích hợp.

Điều trị COPD đợt cấp mức độ nhẹ

Đối với đợt cấp mức độ nhẹ, bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng các thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 dạng phun hít. 

Để các thuốc dạng hít phát huy hết hiệu quả, bạn cần phải dùng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc tờ sản phẩm. Ngoài ra, để tránh quên dùng thuốc hoặc dùng không đủ liều, bạn nên sử dụng thuốc vào cùng một khoảng thời gian mỗi ngày. 

Bên cạnh thuốc giãn phế quản, bác sĩ cũng có thể chỉ định steroid hoặc kết hợp các thuốc giãn phế quản với steroid.. 

Mục đích chính của việc điều trị đợt cấp COPD là giúp kiểm soát các triệu chứng và hướng dẫn người bệnh tự theo dõi các dấu hiệu cảnh báo của đợt cấp tại nhà.

Điều trị COPD đợt cấp mức độ trung bình

Đối với mức độ trung bình, bác sĩ sẽ chữa trị như đợt cấp mức độ nhẹ, nhưng có thể kết hợp thêm kháng sinh hoặc steroid dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, vì thuốc steroid có rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để rút ngắn thời gian sử dụng steroid, tránh các biến chứng không mong muốn nhé.

Điều trị đợt cấp COPD mức độ nặng

Các phương pháp điều trị COPD đợt cấp mức độ nặng cũng tương tự mức độ trung bình. Ngoài ra, vì đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nên bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi mạch, huyết áp và độ bão hòa oxy.

Khi nào cần phải gọi cấp cứu ngay?

Nếu bạn có các dấu hiệu sau thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa đến bệnh viện:

  • Các triệu chứng COPD nặng đột ngột như khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường, rối loạn ý thức.
  • Suy hô hấp
  • Xuất hiện các triệu chứng mới (phù người hoặc xanh tím)
  • Đau đầu nghiêm trọng
  • Khó đi lại dù là quãng đường nhỏ

 Phòng ngừa các đợt cấp COPD hiệu quả

phòng ngừa đợt cấp copd

Ngay sau khi được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ mắc các đợt cấp COPD:

  • Khi bệnh tắc nghẽn phổi tiến triển, các cơn cấp xuất hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Do đó, điều trị bệnh sớm và tuân thủ phác đồ điều trị có thể làm chậm quá trình bệnh COPD tiến triển.
  • Không “thỏa hiệp” với bệnh sau khi được chẩn đoán vì nghĩ có thể sống ổn với triệu chứng khó thở. Điều này sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Theo đúng phác đồ điều trị. Các thuốc dạng hít thường được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh COPD. Để thuốc phát huy hiệu quả, bạn cần dùng thuốc đúng cách và đúng liều lượng theo chỉ định, tuyệt đối không ngưng giữa chừng để tránh bệnh trở nên trầm trọng.
  • Tránh các chất gây kích thích làm tổn thương thêm phổi, như khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm môi trường
  • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cảm vì virus cảm cúm có thể gây ra các đợt cấp COPD.
  • Uống nhiều nước để làm loãng đờm và giúp khạc đờm dễ hơn
  • Cai thuốc lá và tránh đứng gần những người hút thuốc
  • Có lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục vừa phải và ăn uống khoa học

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ đợt cấp COPD là gì, từ đó có thể phòng ngừa tình trạng này hiệu quả hơn.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Phác đồ Cấp Cứu đợt Cấp Copd