DP - Khẩu Súng Máy Hình Thù Kỳ Lạ Của Liên Xô - VnExpress

dp-khu-sung-may-hinh-thu-ky-la-cua-lien-xo

Hồng quân Liên Xô diễu binh cùng súng máy DP. Ảnh: Wikimedia

Từ năm 1928, các chiến trường trên thế giới chứng kiến sự xuất hiện của một vũ khí hình thù kỳ lạ của Liên Xô minh chứng cho câu nói "đừng nhìn mặt mà bắt hình dong".  Đến nay, khẩu súng có tuổi đời gần một thế kỷ này vẫn tiếp tục được sử dụng trên nhiều chiến trường, và tất cả đều có lý do của nó, theo WarisBoring.

Vũ khí này là Ruchnoy Pulemyot Degtyaryova Pekhotny, hay tên gọi phổ biến hơn là súng máy hạng nhẹ DP, được quân đội Liên Xô sử dụng rộng rãi trong Thế chiến 2 chống lại Phát xít Đức. Khẩu súng này tỏ ra hiệu quả trong thực chiến đến mức ngày nay nó vẫn được phiến quân Somali, Taliban và quân nổi dậy Syria sử dụng trên chiến trường.

Video: Quân nổi dậy Syria khai hỏa súng máy DP trên chiến trường

Sau khi chính quyền Liên bang Xô Viết mới thành lập, các tướng lĩnh Hồng quân tỏ ra rất ấn tượng với những khẩu súng máy hạng nhẹ trong Thế chiến 1, trong đó có khẩu Lewis được chế độ Sa hoàng trang bị cho quân đội.

Thời điểm đó, Lewis là một vũ khí khá thú vị, nổi bật với hộp tiếp đạn hình chảo, được lắp ngang trên đầu của thân súng khiến nó trông giống một chiếc máy hát đời cũ.

Hồng quân Liên Xô muốn một thứ vũ khí nhẹ hơn khẩu Lewis và phải là một khẩu súng máy sản xuất trong nước do lực lượng lao động không có tay nghề cao chế tạo. Nhiệm vụ này được giao cho Vasily Alekseyevich Degtyaryov, một trong số những kỹ sư, nhà thiết kế tạo ra nhiều vũ khí nhất trong lịch sử Liên Xô. Degtyaryov cùng lãnh tụ Joseph Stalin là hai người duy nhất được nhận Huân chương Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa thời ấy.

Dựa trên thiết kế của súng Lewis, Degtyaryov chế ra khẩu súng DP mới sử dụng loại đạn súng trường 7,62x54R mm phổ biến nhất trong Hồng quân. Đây là loại đạn uy lực được phát triển từ năm 1891, và đến ngày nay vẫn một trong những loại đạn tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích quân sự.

dp-khu-sung-may-hinh-thu-ky-la-cua-lien-xo-1

Súng máy Lewis (trên) và súng DP (dưới). Ảnh: Military.com

Khẩu DP có thiết kế đơn giản hơn khẩu Lewis. Súng có cấu tạo gồm 6 bộ phận, và chịu được điều kiện bụi bặm rất tốt. Những người lính Liên Xô còn nói vui rằng vũ khí này chỉ phát huy tối đa uy lực sau khi vùi nó vào trong cát.

Súng DP kế thừa hộp tiếp đạn hình chảo 47 viên của khẩu Lewis. Khi khai hỏa, hộp tiếp đạn của nó xoay tròn, khiến người Liên Xô đặt cho nó biệt danh là "chiếc máy hát của Stalin".

Khẩu DP không phải là không có những điểm hạn chế. Phiên bản đầu tiên của nó có chân đế mỏng manh và thường bị đổ hoặc gẫy, hộp tiếp đạn hình chảo khó nạp, trọng lượng lớn và mất nhiều thời gian để lắp vào súng.

Tuy nhiên, súng máy DP có tốc độ bắn 600 viên mỗi phút, đồng nghĩa với nòng súng của nó không bị quá nóng và đường ngắm khá ổn định. Với trọng lượng súng khoảng 11,3 kg và tầm bắn hiệu quả khoảng 800 m, nó có thể được lính bộ binh mang theo để bắn chế áp hỏa lực đối phương trên chiến trường.

dp-khu-sung-may-hinh-thu-ky-la-cua-lien-xo-2

Nữ chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vác khẩu DP trên vai. Ảnh: Wikimedia

Liên Xô đã nghiên cứu, khắc phục những nhược điểm của khẩu DP để tạo ra khẩu DPM hoàn thiện hơn, thậm chí còn tạo ra một số biến thế khác của súng này để trang bị cho xe thiết giáp, xe tăng và máy bay.

Giống các vũ khí khác thời Liên Xô, súng được sản xuất với số lượng lớn, nhiều đến mức Liên Xô có thể viện trợ cho các nước láng giềng và bạn bè trên toàn thế giới.

Đến thập niên 1960, Liên Xô thay thế DP bằng khẩu súng máy PK, trong khi Triều Tiên và Trung Quốc vẫn sao chép mẫu súng này và chế tạo phiên bản súng DP của riêng mình để sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

"Tuy trông khá dị, súng máy DP là thiết kế rất đơn giản và hiệu quả trên chiến trường ngày nay, dù nó được thiết kế từ cách đây hơn 80 năm và sử dụng loại đạn phát minh từ cách đây hơn một thế kỷ", Paul Richard Huard, sử gia quân sự Mỹ, nhấn mạnh.

Duy Sơn

  • Tiểu liên M3 - khẩu súng 'dùng xong vứt luôn' được lính Mỹ ưa chuộng

Từ khóa » Súng Trung Liên Dp