DSA, SA, OEM Và Cherry, Profile Keycap Nào Chơi Game "đã" Nhất?

Anh em trong làng chơi bàn phím cơ thì không còn lạ gì các tên viết tắt kiểu như DSA, SA… Còn nếu là người mới thì quả là một thiếu sót nếu bỏ qua các khái niệm hay ho thường thấy này.

Mỗi hãng sản xuất bàn phím cơ sẽ có một cách riêng để tạo dấu ấn cho sản phẩm và thu hút lượng khách hàng mục tiêu cho mình. Có rất nhiều yếu tố khác nhau để tạo ấn tượng, và một trong số đó, nhỏ thôi, nhưng lại gây hiệu quả cực lớn đó là Profile keycap. Profile keycap có thể định nghĩa ngắn gọn là Độ cao và Độ nghiêng của bộ keycap. Hai yếu tố này hợp lại để tạo thành một kiểu riêng cho từng loại keycap của mỗi hàng và góp phần tạo nên độ thoải mái khi gõ cũng như cảm giác thẩm mỹ cho các bàn phím cơ.

Có nhiều loại Profile keycap, nhưng phổ biến nhất là các thể loại trong hình này.

Related image

OEM KEYCAP – Profile keycap quốc dân, đi đâu cũng thấy

Gọi là profile keycap quốc dân vì đúng nghĩa ở đâu cũng thấy kiểu profile kinh điển này. OEM là viết tắt của Original Equipped Manufacturer, nôm na là dạng profile từ lúc xuất xưởng. OEM có đặc điểm nổi bật là độ “trung tính” và làm quen dễ dàng tới mức bất cứ ai, người mới hay dân chơi lành nghề, bất cứ thói quen nào cũng có thể adapt trong vài nốt nhạc. Cụ thể, profile OEM:

  • Các phím có độ cao vừa phải
  • Bề mặt keycap có độ cong hợp lý vừa ôm lấy các ngón tay nhưng cũng không quá lõm vào để gây cảm giác chật chội
  • Độ cong cũng được dàn đều theo chiều ngang và thẳng để phân bổ lực đều cho các đầu ngón tay, giúp gõ nhanh và chính xác mà không tốn quá nhiều sự tập trung.
  • Rất nhiều tên tuổi bàn phím cơ danh tiếng đã không ngần ngại mang profile quốc dân nào dùng cho sản phẩm của mình như Filco, Steelseries, Razer, Zowie, Corsair…

CHERRY KEYCAP – con nhà Cherry, đúng mực và tương thích cao

Cherry lần đầu tiên thiết kế ra profile này dành riêng cho các bàn phím cơ chính hãng, và sau đó phổ biến quá nên được nhân bản ra nhiều lần bởi các nhà cung cấp Trung Quốc. Đặc điểm chung của Cherry keycap là:

  • Keycap dạng thấp với phần mặt trên phẳng đều.
  • Riêng hàng cuối có độ nghiêng lớn để lấy lại thăng bằng và đỡ lại cảm giác mỏi nơi người dùng.
  • Về kết cấu chung thì Cherry profile hầu như khá giống OEM, nhưng các phím thấp hơn và độ dốc được tinh chỉnh lại để phù hợp với toàn cục.
  • Kiểu kết cấu được sắp xếp lại này giúp cho các phím Cherry profile cho cảm giác gõ nhẹ nhàng êm ái hơn hẳn so với OEM, âm thanh phát ra cũng rõ ràng sắc nét hơn nếu so sánh cùng chất liệu và trọng lượng.

SA KEYCAP – keycap kiểu “hùng hổ” dành cho dân chơi hardcore

SA là viết tắt của Spherical All, nghĩa là tất cả các hàng đều có dạng cầu, dùng để chỉ hình dạng mặt trên của tất cả các keycap trong bộ SA profile (đều có hình cầu lõm xuống với độ nghiêng khác nhau theo dòng). SA là kiểu keycap sáng tạo bởi hãng SP (Signature Plastic – Mỹ) và độc quyền trong một thời gian (hiện nay đã có rất nhiều nhà sản xuất cùng làm ra nhóm profile này). Đặc điểm quan trọng nhất của SA keycap là:

  • Keycap thường có độ cao ấn tượng và làm từ chất liệu cao cấp chống ăn mòn và chịu lực, chịu nhiệt tốt, giúp cảm giác gõ của các switch bên dưới thăng hoa.
  • Các keycap có độ nghiêng và độ lõm mặt khác nhau. Khi hợp lại thành hàng đặt cạnh nhau sẽ tạo ra tổng thể đường cong rõ ràng, chắc nịch, hài hòa và đẹp mắt (thấy rõ nhất khi nhìn nghiêng).
  • Độ lõm trên mặt của SA keycap giúp các ngón tay trụ vững trên bàn phím kể cả khi gõ nhanh, cảm giác chắc chắn và ôm tay.
  • Nhưng chính vì độ cao đặc trưng nên các SA keycap thường gây cảm giác mỏi tay khi dùng lâu (nên bàn phím dùng profile này nếu nhà sản xuất tinh tế sẽ luôn đi kèm với đồ kê cổ tay cho người dùng). Một số người còn cho rằng vì quá cao nên một số bộ keycap SA khi dùng lâu sẽ bị cảm giác lắc lư, nhất là với người gõ mạnh tay.
  • Ký tự in trên SA keycap thường nắm giữa, hoặc nên góc trái/ phải, nói chung là khá linh động về vị trí.
  • Với hình dáng đặc trưng này, SA keycap thường được lắp chung với các switch cần lực nặng tay để cảm giác bottom out đã nhất.
  • Và chúng cũng thường đi kèm với bộ case và plate dày cui, chắc chắn để tương xứng với độ ngầu vốn có.
  • À, một ưu điểm cuối cùng: lên hình rất rất đẹp. Dân chơi bàn phím muốn làm vài kiểu ảnh khoe cùng anh em thì làm gì làm cũng phải có ít nhất một bộ SA keycap. Lên hình bóng loáng, sang chảnh, chỉ nhìn đã thấy dày dặn và đắt tiền.
  • Các bộ keycap SA thường có giá cao hơn keycap các profile khác. Do cần nhiều chất liệu nhựa hơn, số lượng sản xuất trong một lô thường ít và công nghệ in ký tự tiên tiến như doubleshot cũng khó làm hơn với các bề mặt kiểu SA. Nên các bộ keycap SA thường luôn có giá nhỉnh hơn từ trong lò chưa tính tới phí ship hay phí mua chung tại các forum keycap lớn. Chưa kể các em SA cũng hiếm hàng, khá khó mua hơn các loại khác. Dân chơi keycap SA thường phải thuộc kiểu hard core không phải dạng thường.

Các hãng sản xuất keycap dạng SA profile nổi tiếng trên thị trường hiện nay là: Signature Plastics (Original), Maxkey, ONECAP.

Filco là hãng bàn phím cơ thường dùng kiểu profile SA cho các bộ keycap set rời của mình nhất. Nói tới Filco thì ai cũng biết về mức hoàn hảo trong cảm giác gõ của em ấy, đó là mình chứng tuyệt vời nhất cho câu nói “SA làm thăng hoa xúc giác”, đặc biệt với switch linear.

DSA KEYCAP – keycap lành tính, nhẹ nhàng dễ xài nhưng hơi nhàm

Cũng là sản phẩm tiên phong của nhà sản xuất SP. Và có nhiều khác biệt so với profile SA kể trên:

  • Keycap dạng thấp và mặt keycap phẳng không có bất kỳ độ nghiêng nào.
  • Bề mặt keycap tuy phẳng nhưng lại có một độ lõm rất nhẹ, đủ để ôm lấy các ngón tay khi gõ phím.
  • Bệ mặt keycap rộng, cho cảm giác thoải mái không bị gò bó khi dùng.
  • Ký tự trên DSA keycap thường nằm ở giữa để tương thích với độ lõm giữa nhẹ của bề mặt phím.
  • Thiết kế profile DSA giúp người dùng đỡ mỏi tay hơn, ngón tay vừa vặn trên các phím. Nhưng vì phím thấp hơn nên đôi khi cảm giác gõ không “tôn” lên quá nhiều, đặc biệt với các switch dạng tacticle và clicky.
  • Thường đi kèm với đa dạng các loại switch, và case không quá to. Nói chung phù hợp với kiểu bàn phím cơ tinh giản, gọn nhẹ và kiểu dáng thanh lịch.
  • Kết cấu keycap dễ làm quen, dễ xài nhưng tổng hòa thì trông hơi chán, cả bàn phím trông nhạt không có điểm nhấn.

Hai nhà sản xuất keycap profile DSA lớn nhất hiện nay là Signature Plastics, YMDK và một số thương hiệu từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn.

Ngoài ra còn một số kiểu profile hiện đại hơn, là “bản phối” giữa SA và DSA như: XDA, MDA, là sản phẩm ăn theo của hãng keycap Trung Quốc. Nhưng các loại này thì có khá ít phiên bản và cũng ít lựa chọn hơn. Không phổ biến như hai “cụ” kể trên. Ưu điểm lớn là thừa hưởng ưu điểm của các hai profile truyền thống trên với một vài tinh chỉnh nho nhỏ để vừa phù hợp với thói quen gõ, vừa không gây cảm giác mỏi tay mà chụp hình cũng ngon lành cành đào.

Profile nào chơi game “đã” nhất?

Với tất cả những đặc điểm trên thì xem ra Cherry profile có lẽ đang chiếm ưu thế trong giới chơi game vì các yếu tố thân thiện, thỏa hiệp được cả với người dùng thích cảm giác gõ rõ ràng lẫn người mê tốc độ và độ nhạy phím. Hơn nữa cũng không tốn thời gian để làm quen với profile này bất kể hiện tại bạn đang dùng loại nào khác. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung thứ hạng trên được dân tình ủng hộ hơn cả. Tuy nhiên với mỗi người, còn tùy thuộc vào thói quen gõ, loại game đang chơi và một số những yếu tố khác mà mức phù hợp của các profile có thể khác đi. Nhưng gợi ý profile keycap đây có thể là một tham khảo tốt cho anh em mới “vào nghề”.

Theo bình chọn của nhiều dân chơi phím cơ lâu năm thì xếp hạng profile keycap chơi game sướng nhất nên là: CHERRY > OEM > SA > DSA (các phiên bản lai không tính vì sẽ tùy người có cảm nhận khác nhau).

Hy vọng bài kể ngắn gọn một vài profile keycap phổ biến này sẽ giúp anh em có thêm một yếu tố để chọn lựa chiếc bàn phím cơ ưng ý cho mình.

Từ khóa » Keycap Xda Là Gì