Dự án Nhân Rộng Mô Hình Giảm Nghèo Bền Vững Cho Hội Viên Nông ...

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Phê duyệt Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân nghèo năm 2022 với các nội dung cụ thể sau:

1. Tên dự án: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022.

2. Cơ quan quản lý giám sát: Hội Nông dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Cơ quan thực hiện: Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh.

4. Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố; Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn triển khai mô hình.

5. Địa điểm thực hiện: Các xã, phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (trừ TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo).

6. Mục tiêu dự án:

Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với định hướng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 05 mô hình khuyến nông giảm nghèo bền vững cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 03 năm. Tổ chức 14 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho 350 người tham dự. Tổ chức 06 chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong tỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp.

7. Nội dung của dự án:

7.1. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 05 mô hình sản xuất nông nghiệp cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo trong vòng 03 năm với số tiền là 1.137.980.000 đồng, bao gồm:

- Mô hình thứ nhất: Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản:

+ Nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi bò cái sinh sản

+ Quy mô: hỗ trợ 15 con bò cái giống/15 hộ (01 con/01 hộ; trọng lượng 120-140kg/con).

+ Phương pháp: hỗ trợ vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc bò cái sinh sản.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% con giống (theo khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh).

+ Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ.

+ Thời gian triển khai: Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022.

+ Kinh phí thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản: 300.000.000 đồng.

+ Kết quả đạt được: Sau 12 tháng theo dõi và chăm sóc, nếu không có dịch bệnh bất thường xảy ra thì 01 con bò cái sinh được 01 con bê khoảng 26 kg lớn hơn 35-45% so với bê con không áp dụng quy trình kỹ thuật. Bê lai lớn nhanh, thời gian nuôi thịt rút ngắn 6-8 tháng so với bê con thông thường, lợi nhuận tăng khoảng 25­30% so với hình thức nuôi truyền thống.

Dự kiến: Sau 24 tháng thu tiền từ bán bò 12 tháng tuổi và bò con mới sinh là 32.000.000 đồng .

- Mô hình thứ hai: Mô hình chăn nuôi dê sinh sản

+ Nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản

+ Quy mô: hỗ trợ 75 con /15 hộ (05 con/01 hộ).

+ Phương pháp: hỗ trợ vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc dê sinh sản.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% con giống, thức ăn bổ sung (theo khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh).

+ Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn huyện Xuyên Mộc, Long Điền và thành phố Bà Rịa.

+ Thời gian triển khai: Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022.

+ Kinh phí thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản: 299.625.000 đồng.

+ Kết quả đạt được: Sau 16 tháng nuôi, dự kiến mỗi con dê cái sinh được 03 con/02 lứa. Dê con lai có trọng lượng sinh khoảng 1,6 kg lớn hơn 15-30% so với dê địa phương. Tổng thu tiền từ bán dê thịt là 40.000.000 đồng, bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

- Mô hình thứ ba: Mô hình nuôi heo rừng lai sinh sản

+ Nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai sinh sản

+ Quy mô: hỗ trợ 50 con /10 hộ (05 con/01 hộ).

+ Phương pháp: hỗ trợ vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc heo rừng lai.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗ hợp bổ sung (theo khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh).

+ Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa.

+ Thời gian triển khai: Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022.

+ Kinh phí thực hiện mô hình nuôi heo rừng lai: 194.000.000 đồng.

+ Kết quả đạt được: Dự kiến sau 8 tháng thu tiền bán khoảng 50 con heo thịt, heo cái giống và heo con mới sinh là 90.750.000 đồng, bình quân thu nhập khoảng 5-5,6 triệu đồng/tháng.

- Mô hình thứ tư: Mô hình chăn nuôi vịt xiêm

+ Nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi vịt xiêm.

+ Quy mô: hỗ trợ 1.500 con/10 hộ (150 con/01 hộ).

+ Phương pháp: hỗ trợ vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc vịt xiêm.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% con giống, vật tư thiết yếu (theo khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh).

+ Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn huyện Châu Đức, Xuyên Mộc.

+ Thời gian triển khai: Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2022.

+ Kinh phí thực hiện mô hình chăn nuôi vịt xiêm: 195.375.000 đồng.

+ Kết quả đạt được: Mô hình dự kiến tỷ lệ sống >98%, sau 3 tháng nuôi, vịt xiêm đạt 3,2-3,5kg/con, giá bán bình quân 75.000-80.000đồng/kg. Trừ kinh phí hỗ trợ của nhà nước, người nghèo thu lãi 8.900.000đồng/3 tháng, bình quân thu nhập khoảng 2,9 triệu đồng/tháng.

- Mô hình thứ năm: Mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn

+ Nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sản xuất rau ăn lá an toàn.

+ Quy mô: 0,3 ha /10 hộ (0,1 ha x 03 vụ/hộ)

+ Phương pháp: hỗ trợ vật tư, con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc rau ăn lá an toàn.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% con giống, vật tư thiết yếu (theo khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh).

+ Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn thị xã Phú Mỹ.

+ Thời gian triển khai: Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022.

+ Kinh phí thực hiện mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn: 148.980.000 đồng.

+ Kết quả đạt được: Sau 03 vụ trồng (4 tháng) dự kiến năng suất từ 1,5-2 tấn/0,1 ha/vụ, giá bán 7.000-10.000 đồng/kg (tùy loại rau), lợi nhuận dự kiến thu được từ 6-7 triệu đồng/1 vụ, tăng 10-15% so với quy trình thông thường, giảm 30­35% lượng phân hóa học và thuốc BVTV, sản phẩm bán ra đạt tiêu chuẩn an toàn. Dự kiến tổng thu nhập từ mô hình là 17.127.000 đồng/03 vụ, bình quân thu nhập khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

7.2. Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đất đai

- Thông qua các lớp tập huấn giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào thực tế. Tài liệu và phương pháp tập huấn được cập nhật phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất và kết hợp giữa tập huấn lý thuyết với thực hành kỹ thuật trực tiếp trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi.

- Tổ chức 14 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo với 350 lượt người tham dự.

- Địa điểm thực hiện: tại các địa bàn huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa.

- Thời gian thực hiện: từ tháng 6 - 9 năm 2022.

- Kinh phí thực hiện 60.900.000 đồng.

7.3. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong tỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của các hộ nghèo

- Thông qua các chuyến đi thực tế học tập mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả giữa các địa phương trong tỉnh, người dân tiếp cận được các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ nghèo và có thể áp dụng vào thực tế sản xuất tại hộ gia đình.

- Tổ chức 06 chuyến tham quan với 240 lượt người tham gia.

- Thời gian thực hiện: từ tháng 6-10 năm 2022.

- Kinh phí tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm: 55.800.000 đồng.

7.4. Tổng kết dự án

- Tổ chức 01 lớp tổng kêt dự án nhằm dánh giá kết quả, hiệu quả đạt được; các khó khăn, tồn đọng và các nội dung chưa thực hiện tốt. Từ đó đề ra các giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo.

- Dự kiến tổ chức vào tháng 12 năm 2022.

- Kinh phí tổ chức tổng kết: 6.150.000 đồng.

7.5. Xây dựng và quản lý dự án

Chi hỗ trợ công tác phí cho các bộ tham gia khảo sát chọn hộ và theo dõi, hướng dẫn mô hình. Kinh phí thực hiện: 62.920.000 đồng.

8. Tổng dự toán kinh phí: 323.750.000 đồng (Một tỷ ba trăm hai mươi ba triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng).

9. Nguồn kinh phí: từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2022

10. Thời gian thực hiện dự án: trong năm 2022

11. Hiệu quả thực hiện:

11.1. Hiệu quả kinh tế

Tăng thu nhâp cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trang bị các kiến thức khoa học về trồng trọt, chăn nuôi; giúp bà con thuộc hộ nghèo định hướng, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, làm ăn có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

11.2. Hiệu quả xã hội

Dự án góp phần giúp hội viên nông dân nghèo cải thiện cuộc sống thông qua việc hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận và tham gia thực hiện các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả để làm điển hình nhân rộng cho các hộ nghèo khác. Thông qua dự án giúp hộ nghèo nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước hiệu quả để tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân nghèo.

(Chi tiết Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân nghèo năm 2022)

Theo Quyết định, UBND tỉnh giao cho Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của dự án đã được phê duyệt, đồng thời quản lý và sử dụng kinh phí của kế hoạch theo đúng quy định hiện hành.

(Nguồn: Quyết định số 1707/QĐ-UBND)

Từ khóa » Các Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững