Hòa Bình: Những Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững

Có dịp về công tác tại các xã vùng khó khăn thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của miền quê nông thôn, miền núi hôm nay. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã, giờ đã được trải cấp phối phong quang, sạch đẹp; những ngôi nhà xây, nhà mái ngói mọc lên san sát...; tất cả là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo định hướng phát triển kinh tế của chính quyền các cấp, và đồng bào các DTTS đã nỗ lực tăng gia sản xuất; đổi mới tư duy phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, với những loại cây trồng như su su, chăn nuôi dê núi và nhiều loại cây, con mới có giá trị cao khác... Qua đó thu nhập của người dân ngày càng được tăng lên, có điều kiện để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại xã vùng cao Quyết Chiến, bên cạnh mô hình giảm nghèo từ rau su su, xã đã chủ động nhân rộng và đa dạng mô hình trồng các loại rau, củ, quả trái vụ, chăn nuôi lươn sinh sản nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Được biết, những năm qua, xã Quyết Chiến đã hỗ trợ phân bón để các hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới. Để có sự liên kết, phát triển giữa các nông hộ, bà con đã cùng nhau thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Đơn cử như, HTX rau an toàn Quyết Chiến, tập trung vào trồng các sản phẩm rau su su, củ cải, bí xanh…, đem lại thu nhập ổn định cho 53 hộ thành viên, lợi nhuận từ canh tác đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Anh Đinh Văn Dũng, là thành viên HTX, đồng thời là kỹ thuật viên cho biết, gia đình anh có vườn trồng su su rộng 1ha, ngày nào cũng cho thu hoạch 4 tạ ngọn, xuất bán cho HTX, với giá 5.000 đồng/kg, gia đình thu về 2 triệu đồng. Mỗi tháng, riêng tiền bán ngọn su su của gia đình anh đã lên tới 50-60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng.

Các mô hình sản xuất phát huy hiệu quả, đã từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 22% năm 2019 xuống còn 18% năm 2020, bình quân thu nhập đầu người đạt 40 triệu đồng/năm.

Còn tại xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, HTX Nông nghiệp Hòa Bình cũng là một điển hình trong liên kết chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. HTX được thành lập từ năm 2017, với 6 thành viên, đều là các gia đình có truyền thống nuôi dê. Thời gian nuôi dê từ khi mới sinh sản, đến khi xuất bán (khoảng 25kg/con) là gần một năm. Với mức giá khoảng 550.000 đồng/kg dê tơ và 400.000 đồng/kg dê già, riêng nội tạng dê được thương lái mua với giá 150.000 đồng/bộ, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, giúp các hộ thành viên nhanh chóng vươn lên khấm khá.

Một trong những mô hình kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi lợn đen, là mô hình của HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa (huyện Mai Châu). Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa, xóm Tân Tiến, xã Xăm Khòe cho biết: Trước đây, các gia đình trong xóm thường chỉ nuôi vài ba con, chưa nghĩ đến sản xuất quy mô lớn, tập trung. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cùng sự đồng hành, giúp đỡ của tổ chức GNI tại Việt Nam, HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa ra đời từ tháng 8/2018, tập hợp 10 thành viên ở 2 xã Xăm Khòe, Bao La tham gia.

Để sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng cao, các hộ thành viên HTX luôn chủ động về nguồn con giống, thức ăn. Nguồn giống thì do chính các hộ cung cấp cho nhau, bằng việc giữ lại lợn nái mẹ. Nguồn thức ăn, là các loại rau dướng, khoai lang, khoai môn, dọc mùng, thân, lá chuối… được trồng tại vườn đồi quanh nhà. Riêng về cám, thuốc thú y do HTX cung cấp. Quá trình sản xuất, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát các khâu và chăm sóc, phòng bệnh kịp thời, nên chất lượng thịt lợn bản địa bảo đảm an toàn, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Từ những mô hình giảm nghèo bền vững, đang triển khai hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, bình quân là 3,16%/năm (từ 24 % xuống còn 8,56% cuối năm 2020). Riêng tỷ lệ hộ nghèo đối với xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135, giảm trung bình 3%/năm, đối với huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên...

Nuôi trồng thủy sản ở miền núi: Thí điểm thành công, nhân rộng thất bại

Từ khóa » Các Mô Hình Thoát Nghèo Bền Vững