Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô được Thảo Luận Tại Kỳ Họp Quốc Hội

Đây là một dự án mang tầm chiến lược, không chỉ cấp thiết về giao thông mà còn có ý nghĩa vai trò vô cùng quan trọng tạo động lực phát triển KT-XH của TP Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung, gia tăng khả năng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá. Để đi đến được kết quả hôm nay của dự án, Hà Nội đã nỗ lực, quyết tâm triển khai những bước đi bài bản.

Tăng khả năng kết nối, tạo động lực phát triển

Gần 11 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18, với quy mô chiều dài 98km. Theo yêu cầu, dự án phải hoàn thành trước năm 2020, trong đó đoạn qua địa bàn Hà Nội hoàn thành trước năm 2018, nhưng nhiều năm sau vẫn chưa thể triển khai do quy mô tuyến đường trải dài qua nhiều địa bàn, tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối, trong khi việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Tháng 5/2021, siêu dự án này có hướng đi mới khi lãnh đạo TP Hà Nội họp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và 5 địa phương cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án các địa phương cùng thực hiện, trong đó TP Hà Nội là “đầu tàu” chủ trì nghiên cứu, triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến.

Đặc biệt, ngày 20/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, nêu rõ: Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này là "Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô". Vành đai 4 là đường ngoài khu vực nội đô, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận. Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho TP, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Xác định được tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương và giao các bộ, ngành liên quan phối hợp UBND TP Hà Nội hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 9/2021), HĐND TP đã biểu quyết nhất trí về chủ trương đầu tư và bổ sung dự án này vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Ngay sau đó, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2021), HĐND TP tiếp tục đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm của TP để tập trung chỉ đạo, điều hành.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với TP Hà Nội; tăng cường kết nối giao thông đô thị của TP. Với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, tuyến đường sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP Hà Nội, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường TP và khu vực. Cùng đó, giúp mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới, đó là khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây đường Vành đai 4 địa phận TP Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ sinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), các khu đô thị Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch; các khu đô thị, công nghiệp 2 bên tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực làm phát triển KT-XH, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai; cải thiện năng lực cạnh tranh của TP Hà Nội, các tỉnh, thành liên quan trong vùng Thủ đô và của cả nước nói chung.

Dấu mốc quyết định

Một dấu mốc có ý nghĩa quyết định với việc triển khai dự án này là ngày 20/5 mới đây, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã tổ chức riêng một kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 5) để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo kết luận tại Phiên họp thứ 11 của UBTV Quốc hội.

Tờ trình của UBND TP nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng Quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và loại Hợp đồng BOT, có tổng chiều dài 112,8km, qua địa phận: Hà Nội (dài khoảng 58,2km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (25,6km) và tuyến nối khoảng 9,7km. Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần, gồm: Nhóm 1 với 3 dự án thành phần thực hiện GPMB trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; nhóm 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhóm 3 với 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng BOT. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô 
HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Tại Kỳ họp này, HĐND TP đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án từ nguồn vốn ngân sách TP. Ngay trong ngày 20/5/2022, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án. Theo đó, cam kết nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được bố trí từ ngân sách TP khoảng 23.524 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án: Năm 2022 khoảng 100 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng, Năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng. Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND TP sẽ cân đối bố trí đủ vốn để thực hiện hoàn thành dự án theo trách nhiệm của TP.

Để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, HĐND TP đã giao UBND TP cân đối đủ vốn ngân sách TP để tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đảm bảo theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo HĐND TP quyết nghị bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm cho dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, NSNN, quản lý nợ công và các quy định khác liên quan. Trường hợp huy động nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nguồn vốn ngân sách TP, cần được lập đề án cụ thể, trình cấp thẩm quyền và HĐND TP quyết nghị theo đúng quy định. Đồng thời, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, phối hợp các chủ đầu tư, giải quyết các TTHC nhanh chóng, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu; tăng kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, tránh lãng phí thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. HĐND TP cũng giao Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP giám sát thực hiện Nghị quyết; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP tham gia giám sát.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nội dung rất cấp bách, nằm trong khâu đột phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đảng bộ TP, Chương trình số 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị; các chương trình công tác của Thành ủy và cụ thể hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; gần đây nhất là Nghị quyết số 15 ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. "Nội dung được HĐND TP thông qua tại Kỳ họp này là nội dung lớn, quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của TP để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”- Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Từ đó, Chủ tịch HĐND TP đã đề nghị ngay sau Kỳ họp, UBND TP, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sớm được hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Cũng tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP đã tập trung phân tích, đánh giá về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án này và đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, UBND TP cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo luật định.

Từ khóa » đường Trục Phía Nam Hà Nội 2021