Hà Nội: Siêu đô Thị Của Một Thủ đô Xứng Tầm, đậm Bản Sắc
Có thể bạn quan tâm
- Điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô 2021-2030, tầm nhìn 2050 đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ
- Đường vành đai 4- Vùng Thủ đô được kiến nghị đầu tư theo hình thức PPP
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội
Yếu tố đặc biệt quan trọng đầu tiên dự báo sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội trong 2022 cũng như gần 30 năm tới chính là việc thành phố đang lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 - QHC1259).
Sau 10 năm thực hiện QHC1259, về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước hiện đại hóa, cảnh quan đô thị được nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện... Tuy nhiên, quá trình triển khai QHC1259 cũng phát sinh nhiều vấn đề tới nay bắt buộc phải điều chỉnh. Cùng đó, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, ban hành mới. Bên cạnh đó, chúng ta đã có điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng… ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô.
Đơn cử, theo định hướng QHC1259, mật độ dân cư được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2. Về quy mô dân số, theo định hướng của QHC1259, dân số toàn thành phố dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 58-60%. Tuy vậy, đến năm 2020, dân số toàn thành phố đạt 8,24 triệu người, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 49,3%. Cùng đó, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, hầu như chưa có gì. Đặc biệt, việc tạo lập khu vực “hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn đối với quá trình phát triển đô thị...
Thông tin từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị được giao nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, định hướng điều chỉnh sắp tới gồm một số nội dung chính như: Hạn chế tăng dân số ở khu vực nội đô, trong đó 4 quận nội thành cũ tiếp tục giảm dân số, nội đô mở rộng không tăng thêm dân số; Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và “thị xã trong thành phố” trên cơ sở tính toán sáp nhập một số huyện.
Trục sông Hồng sẽ được tập trung khai thác làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021 - 2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4. Các đô thị vệ tinh được rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên…
Dư luận nhân dân đang rất mong chờ các ý tưởng táo bạo mới để Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thực sự chất lượng, là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế và vai trò, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...
Khởi động siêu dự án vành đai 4, 3 tuyến đường sắt đô thị mới
Cùng với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, năm 2022 cũng được chọn là mốc khởi động một số siêu dự án, tạo ra đột phá cho hệ thống hạ tầng đô thị Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Hà Nội cũng sẽ đầu tư các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường Vành đai 5, Vành đai 3,5 và Vành đai 4; hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên Quốc lộ1A cũ)…
Trong đó, tuyến Vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải. Tổng chiều dài dự án là 111,2km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2km (đi qua Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tổng mức đầu tư dự án theo dự tính ban đầu lên tới 94.127 tỷ đồng.
Cùng lúc, Hà Nội sẽ tăng tốc hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông của 5 huyện dự kiến lên quận trong thời gian tới (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì). Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hoàn thành, sớm đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); hoàn thành chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (do thành phố đầu tư); tuyến số 1 Yên viên - Ngọc Hồi (Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư)…
Sân bay thứ 2 nằm ở đâu?
Các thành phố có quy mô trên 10 triệu dân thường có 2 sân bay quốc tế. Hà Nội cần có thêm 1 sân bay hỗ trợ cho Nội Bài và đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay trước năm 2030; quỹ đất hơn 1.000ha để xây dựng trong giai đoạn 2030 - 2050. Trước đây, thành phố từng đề xuất vị trí sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa song hiện nay, Hà Nội xác định khu vực này không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay. Thay vào đó, thành phố đang nghiên cứu vị trí tại các huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...
Tại Đồ án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ, Bộ này đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội, chưa rõ vị trí cụ thể. Đây là nội dung rất được giới chuyên môn và người dân quan tâm theo dõi. Từng tham gia nghiên cứu quy hoạch Vùng Thủ đô, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, trước đây, Ban soạn thảo Quy hoạch Vùng Thủ đô từng đề xuất vị trí sân bay thứ 2 tại huyện Mỹ Đức song không được Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch.
Một số chuyên gia đề nghị Hà Nội nghiên cứu địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Nam, đơn cử như huyện Phú Xuyên để xây dựng sân bay công suất 50 triệu hành khách mỗi năm. Có ý kiến lại cho rằng, sân bay thứ hai được định hướng “ở phía Đông Nam Hà Nội” thì không nhất thiết phải đặt trong ranh giới thành phố mà có thể là tại các tỉnh khác thuộc Vùng Thủ đô. Bộ Giao thông - Vận tải có thể nghiên cứu vị trí tại các tỉnh có quỹ đất rộng như Hưng Yên, Hà Nam...
Điểm cấp thiết hiện nay là Hà Nội và các bộ, ngành liên quan cần sớm thống nhất, khẩn trương khảo sát, tìm vị trí quy hoạch sớm để giữ đất. Bởi nếu không nhanh, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, tương lai sẽ rất khó tìm quỹ đất lên tới hơn 1.000ha để làm sân bay.
Hàng nghìn chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại
Thống kê mới nhất, Hà Nội đang có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, nhiều nhất cả nước. Trong đó, hơn 500 tòa được xây dựng từ năm 1960 - 1994 và trước năm 1954. Qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, thậm chí một số tòa có nguy cơ sụp đổ... Đây là vấn đề bức xúc dân sinh dai dẳng, kéo dài mấy chục năm gần đây nhưng thành phố chưa tìm được giải pháp đột phá.
Từ năm 2005 đến năm 2014, Hà Nội đưa ra nhiều chính sách đặc thù để tăng tốc cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, mới chỉ có 19 dự án được triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1,2%) so với yêu cầu. Trong giai đoạn tiếp theo, do thay đổi chính sách, ưu đãi không còn nên công tác “nâng đời” nhà chung cư cũ bị đình trệ hoàn toàn. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ bản tháo gỡ những rào cản “lưu cữu” thời gian qua.
Tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra vào giữa tháng 7-2021, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”. Tiếp đó, ngày 18-12, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án này.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Hy vọng, với quyết tâm của chính quyền thành phố, sau khi các nút thắt được tháo gỡ, các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội sẽ “ăn khách” trở lại. Trước mắt, cần sớm tăng tốc hoàn thành 14 dự án còn đang dở dang trong giai đoạn 2022-2023.
Từ khóa » đường Trục Phía Nam Hà Nội 2021
-
“Giải Cứu” Dự án đường Trục Phía Nam Hà Nội | Bất động Sản
-
Cienco 5 đẩy Nhanh Dự án đường Trục Phía Nam Hà Nội
-
Top 14 Tiến độ Dự án đường Trục Phía Nam Hà Nội Mới Nhất Năm 2022
-
Top 7 Bản đô Dự án đường Trục Phía Nam Hà Nội Mới Nhất Năm 2022
-
Tuyến đường Trục Phía Nam Hà Nội - Tin Tức Tức Online 24h Về ...
-
Đường Trục Phía Nam Hà Nội Có Tác động Thế Nào Tới Thủ đô Và Khu ...
-
Sáu Tuyến đường Vành đai Hà Nội đang được Triển Khai Như Thế Nào?
-
Toàn Cảnh Trục Tây Nam Hà Nội Qua KĐT Thanh Hà đến Quốc Lộ 1A
-
Kiểm Tra 5 Dự án Hạ Tầng Giao Thông Tại Hà Nội, đẩy Nhanh Tiến độ
-
Người Dân 12 Năm Chờ đất Dịch Vụ Dự án đường BT Phía Nam
-
Dự án Nâng Cấp Mở Rộng đường Trục Kinh Tế Phát Triển Phía Nam ...
-
Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô được Thảo Luận Tại Kỳ Họp Quốc Hội
-
Cận Cảnh Dự Án Bt Đường Trục Phía Nam Hà Nội ... - .vn