Dự Báo Giá Thức ăn Chăn Nuôi Tiếp Tục Tăng: Đâu Là Giải Pháp "ghìm ...

Giá cả tăng do khan hiếm nguyên liệu

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với ngành chăn nuôi khi giá sản phẩm gia súc, gia cầm liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 11 lần điều chỉnh tăng, tăng bình quân 16 - 36% so với cùng kỳ năm 2020. Giá tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc như ngô hạt (35,1%), khô dầu đậu tương (35,5%), sắn lát (19,2%)…

Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong thời gian tới
Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong thời gian tới

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó chịu tác động trực tiếp của diễn biến giá nguyên liệu thế giới. Nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26 - 27 triệu tấn các loại ngô, đậu tương, lúa mì, đều là những cây trồng mà Việt Nam không có thế mạnh. Từ đó, dẫn tới nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu là nhập khẩu (khoảng 70 - 85%).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm 2021 đạt mức gần 4,9 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Trong khi đó, diễn biến giá nguyên liệu thế giới đều có mức tăng đáng kể so năm trước, như ngô tăng hơn 50%, đậu tương tăng 20 - 30%...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12/2021, hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 được giao dịch liên thông với thế giới qua Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam đã đạt mức khoảng 237USD/tấn, là mức giá đóng cửa cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Giá đậu tương cũng tiếp nối đà tăng 7 phiên liên tiếp, lên mức khoảng 488 USD/tấn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao còn do chi phí vận chuyển tăng cao gấp hai đến ba lần, do thiếu phương tiện từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Thạc sĩ Dương Hoàng Lan Chi - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đưa ra dự báo giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục tăng, bởi giá nguyên liệu chưa dứt đà tăng do nguy cơ hạn hán kéo dài ở những quốc gia sản xuất nông sản chính trên thế giới. Một số quốc gia như Mỹ đã dự báo giá ngô, đậu nành vẫn sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thế phục hồi hoàn toàn do những khó khăn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới. Trong khi đó, tình hình trong nước, dịch Covid-19 và một số dịch bệnh của ngành chăn nuôi còn chưa chấm dứt.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời giúp giảm chi phí sản xuất của DN nói chung và DN trong ngành chăn nuôi nói riêng. Theo đó, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%, và được áp dụng kể từ ngày 30/12/2021. Đồng thời, các chính sách ứng phó với đại dịch cũng giúp cho ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều triển vọng phục hồi, theo định hướng phát triển. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5 - 6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,5 triệu tấn.

Chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
Chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2022, có khoảng 57,1% DN đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn năm trước, 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng như năm trước. Ngoài ra, nhu cầu của người dân thường sẽ tăng trong thời gian trước Tết Nguyên đán và các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, có thể là dấu hiệu khả quan làm động lực tăng giá sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, do còn quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên những giải pháp trên chỉ góp phần xoa dịu phần nào giá thức ăn chăn nuôi đang nóng lên từng ngày. Vì vậy, để "ghìm cương" giá thức ăn chăn nuôi, thạc sĩ Dương Hoàng Lan Chi đề xuất: Thứ nhất, ngành chăn nuôi trong nước cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn, thông qua xây dựng chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu với nhiều giống cây ứng dụng công nghệ sinh học, có năng suất và sản lượng cao. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu. Theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, để từ đó thay đổi kịp thời, linh hoạt các biện pháp ứng phó.

Hai là, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống logistics, cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi… nhằm giảm chi phí cho người dân, DN, từ đó giảm giá thành sản xuất, bảo đảm nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

Ba là, khuyến khích các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của các DN, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu. Vì chỉ có các DN, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại mới có thể đảm bảo sản lượng tiêu thụ, cũng như ổn định giá bán. Nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong liên kết với nhà cung cấp để có thể thương lượng mức giá ưu đãi, chiết khấu với số lượng lớn cho các thành viên. Khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại nhằm tạo động lực thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới.

Từ khóa » Bằng Giá Thức ăn Chăn Nuôi 2021