Giá Thức ăn Chăn Nuôi Tăng “khủng”, Người Chăn Nuôi “ngấm đòn”

Cơ hội sáng cho ngành thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn bình thường mới
Tích cực giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vượt khó vì Covid
Giá thức ăn chăn nuôi tăng “khủng”, người chăn nuôi “ngấm đòn”
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi” ngày 18/3, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, tổng đàn lợn trong nước đã phục hồi trở lại, nếu như năm 2020 đạt 22 triệu con thì năm 2021 là 28 triệu con.

Tuy nhiên, trái ngược với đà phục hồi của tổng đàn, giá lợn hơi từ đầu năm 2021 đến nay bấp bênh, xu hướng chủ yếu là giảm.

Đáng chú ý, yếu tố khiến cho ngành chăn nuôi càng thêm khó khăn là giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua không ngừng tăng lên. Thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 65% giá thành chăn nuôi lợn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (căng thẳng Nga - Ukraine). Hiện, Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu lên tới 65%.

Về con số cụ thể, so với cùng kỳ tháng 3/2021, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc gồm (ngô hạt hiện 10.200 đồng/kg, khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg, DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg, lúa mì 9.850 đồng/kg). Cục Chăn nuôi dự báo, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì tăng đến hết năm 2022.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh kéo theo giá thức ăn công nghiệp trong nước cũng tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng hiện là 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà lông màu là 13.400 đồng/kg và thức ăn cho gà lông trắng là 14.100 đồng/kg.

Ở góc độ người chăn nuôi, ông Đỗ Xuân Nhung, trú tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội (hộ dân thường xuyên duy trì quy mô 200 con lợn nái và 600 lợn thịt-PV) cho biết, so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán hiện nay gia đình ông phải chi thêm 6 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí thức ăn chăn nuôi.

"Giá thức ăn chăn nuôi từ năm ngoái đến nay tăng rất cao. Ngay trong tháng 3/2022, nhiều công ty tiếp tục thông báo tăng giá. Như vậy, tính từ cuối năm 2020 đến nay, đây là lần tăng giá thứ 10. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang có chiều hướng tăng mà giá thực phẩm lại hạ nên người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn", ông Nhung chia sẻ.

Đại diện Viện Chăn nuôi thông tin thêm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp và nông hộ. Nếu giảm được 3% chi phí thức ăn chăn nuôi có thể giúp giảm được 2% giá thành.

Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, phát triển các chuỗi liên kết, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu, bảo quản là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần phải phát triển các vùng trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn công nghiệp (ngô, sắn...); đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sự ổn định và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nói chung, ngành chăn nuôi lợn nói riêng có ý nghĩa quan trọng đóng góp tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Trong đó, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi trong giá thành chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng. Giải pháp sắp tới là sử dụng nguyên liệu của các địa phương; chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

“Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Công ty TNHH DeHeus phối hợp với các tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên để thành lập các hợp tác xã tập trung chủ yếu vào trồng sắn và ngô với sự tham gia của doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ. Điều này nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực từ nhập khẩu”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Từ tháng 1/2021 - 8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30 - 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 tăng lên 54.000 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022. Đến cuối tháng 2/2022, giá giảm xuống còn 53.000 - 56.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3/2022, giá giảm xuống còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.

Từ khóa » Bằng Giá Thức ăn Chăn Nuôi 2021