DỰ BÁOTình Hình Các đối Tượng Dịch Hại Trêncây Trồng Vụ Đông ...

Ngày xuất bản 09:08 14/10/2021

         I. Nhận định tình hình thời tiết

Theo dự Báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh từ nay đến hết năm 2021 có khoảng 2-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tháng 11-12 nhiệt độ khu vực Bắc Trung bộ thấp hơn TBNN khoảng 0,50C. Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11, hoạt động mạnh hơn trong tháng 12/2021 và tháng 01/2022. Mùa mưa có khả năng kết thúc muộn, tổng lượng mưa tháng 10/2021 phổ biến cao hơn so với TBNN từ 30-50%. Sản xuất vụ Đông 2021 đang đứng trước nguy cơ rủi ro do các yếu tố thời tiết bất thuận và diễn biến phức tạp của các đối tượng dịch hại cây trồng.

 II. Dự báo tình hình dịch hại

1. Trên cây ngô

1.1. Sâu keo mùa thu: Là đối tượng gây hại phổ biến trên ngô, sâu phát sinh gây hại quanh năm, gây hại liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây ngô, cao điểm gây hại giai đoạn cây con đến xoắn nõn. Sâu non sau khi nở chui vào ngọn cây ngô, nằm sâu trong nõn, hại mạnh nhất giai đoạn sâu tuổi 4 đến tuổi 6, sâu gây hại mầm ngọn trước, sau đó sâu ăn khuyết dần các lá tiếp theo, cây sẽ sinh trưởng chậm và có thể chết do không còn khả năng quang hợp, ngoài ra sâu có thể đục vào phần hạt làm giảm năng suất và chất lượng ngô nhất là ngô nếp.

1.2. Sâu xám: Cao điểm gây hại vào giai đoạn cây con, hại nặng từ tháng 12 đến tháng 02 năm sau. Sâu thường gây hại vào ban đêm, sâu tuổi 1-3 ăn lá ngô non hoặc gặm xung quanh thân ngô. Tuổi 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân ngô non kéo xuống đất. Khi cây ngô đã lớn sâu thường đục vào thân cây chui vào bên trong ăn phần non, phần mềm của ruột cây. Do vậy cần điều tra phát hiện sớm ngay từ đầu vụ để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

 1.3. Sâu đục thân, đục bắp: Sâu gây hại suốt quá trình trình trưởng cây ngô, cao điểm gây hại từ khi ngô trổ cờ đến phát triển bắp, sâu đục vào trong thân cây làm cho cây suy yếu, còi cọc, phát triển kém hoặc đục vào bắp cắn phá hạt làm giảm năng suất và chất lương hạt. Cần theo dõi thời gian phát dục của sâu để xử lý thuốc khi sâu non mới nở chưa đục vào thân, bắp.

1.4. Rệp cờ: Cao điểm gây hại từ giai đoạn trổ cờ đến thu hoạch. Rệp phát sinh gây hại nặng trên ruộng ngô gieo trỉa dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn. Rệp ngô còn là môi giới truyền virut gây bệnh khảm lá ngô.

1.5. Bệnh khô vằn: Bệnh hại trên các bộ phận phiến lá, bẹ lá, thân và bắp ngô tạo ra các vết lớn màu xám tro, loang lổ đốm vằn da hổ, hình dạng bất định như dạng đám mây. Cao điểm gây hại giai đoạn phát triển bắp đến thu hoạch. Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết có mưa, ẩm độ cao, trên những ruộng ngô gieo trỉa dày.

1.6. Bệnh lùn sọc đen Phương Nam: Cây bị bệnh có triệu chứng thấp, lùn, lá ngọn xoăn, mép lá rách hình V ngược, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày và giòn hơn, một số cây gốc xuất hiện chồi phụ. Từ giai đoạn 5-7 lá, cây bị bệnh có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân lá ở mặt sau lá, bộ lá xếp xít nhau.

* Biện pháp phòng trừ:

-  Sâu keo mùa thu: Sử dụng các biện pháp thủ công để phòng trừ như: làm bẫy (bẫy đèn, bẫy chua ngọt) để diệt trưởng thành. Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, khi mật độ sâu cao tiến hành phòng trừ bằng một trong các loại thuốc hóa sau: Agfan 15 EC, Clever 150 SC, Match 50 EC, Radiant 60 SC, Voliam Targo 063SC... 

-  Sâu xám: Đối với những diện tích chưa gieo trỉa tiến hành cày bừa,  phơi đất để diệt sâu non và nhộng trước khi xuống giống; đối với những diện tích mới xuống giống đến 4 lá, điều tra phát hiện kịp thời và tiến hành phòng trừ khi mật độ sâu cao bằng một trong các loại thuốc hóa học sau: Clever 150SC, Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC, Tasieu 1.9EC...

- Đối với rệp: Trước khi gieo trồng làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh

bờ để tránh rệp từ các ký chủ dại lan sang phá hại ngô. Khi thấy mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu như: Trebon 40EC, Tasieu 1.8EC, Actara 25WG...

 - Đối với sâu đục thân, đục bắp:

Sau khi thu hoạch tiến hành xử lý tàn dư thân, lá trên ruộng để diệt sâu non, nhộng nằm trong thân cây. Vệ sinh đồng ruộng, cày bừa phơi ải, làm đất kỹ trước khi gieo trồng để diệt nhộng trong đất. Dự tính dự báo chính xác thời gian vũ hóa, thời gian trứng nở để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Một số loại thuốc phòng trừ sâu đục thân như: Vitako 40WG, Clever 150SC, Padan 95SP, Voliam Targo 063SC, …

- Đối với bệnh lùn sọc đen: Bệnh truyền từ cây này sang cây khác qua côn trùng môi giới là rầy lưng trắng. Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát các vùng trồng ngô để phát hiện kịp thời cây bị bệnh, tiến hành nhổ, thu gom, tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng; trường hợp ruộng bị nặng, thực hiện cày vùi toàn bộ diện tích bị hại. Thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng và tiến hành phun thuốc BVTV khi rầy xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc: Sutin 5EC, Azorin 400WP, Ba đăng 300WP, Chess 50 WG, Bassa 50EC,…

2. Trên cây rau

2.1. Sâu tơ: Sâu tơ là một trong những loài sâu gây hại nguy hiểm nhất đối với các loại rau thuộc họ hoa thập tự. Sâu gây hại suốt quá trình sinh trưởng của rau, gây hại nặng giai đoạn rau mới trồng, mật độ sâu cao có thể ăn phần lớn diện tích lá chỉ còn trơ lại gân lá làm giảm sản lượng và chất lượng bắp cải rõ rệt. Sâu phát sinh gây hại từ tháng 10-11, cao điểm gây hại từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.  

2.2. Sâu khoang : Là sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau, sâu thường phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ và hại nặng từ tháng 10 đến tháng 11, sâu gây hại mạnh vào lúc sáng sớm và chiều mát.

         2.3. Sâu xanh bướm trắng:  Là đối tượng gây hại trên rau họ hoa thập tự, nhưng chủ yếu gây hại nặng trên su hào và cải bắp. Sâu xanh bướm trắng phát sinh mạnh trong những tháng ít mưa, vụ Đông sớm và Xuân muộn, trong điều kiện thời tiết mưa phùn hoặc ẩm độ cao kết hợp với nhiệt độ 25- 280C sâu thường phát sinh gây hại nặng.

         2.4. Bọ nhảy: Gây hại chủ yếu trên các cây họ thập tự, đặc biệt là nhóm cải ăn lá, phá hại mạnh vào lúc sáng sớm và chiều mát. Bọ nhảy có thể gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây rau, nhưng nặng nhất là thời kỳ cây con.

          2 .5. Rệp muội: Là đối tượng gây hại phổ biến trên rau, hại nặng trên trà rau vụ muộn, từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12, trong điều kiện khô hạn rệp càng phát sinh phát triển mạnh. Ngoài gây hại trực tiếp rệp muội còn là đối tượng môi giới truyền bệnh virut cho rau.

            2. 6. Bệnh lở cổ rễ (thối gốc): Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, bệnh hại nặng trong vườn ươm hoặc sau khi trồng 20-30 ngày. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao hoặc mưa nắng xen kẽ.

   2.7. Bệnh sương mai: Phát sinh gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ cao và mưa kéo dài. Trong vụ Đông bệnh gây hại nặng trên rau họ cà, họ hành, cải bắp, su hào, rau cải,... Bệnh gây hại trong suốt giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây và trên hầu hết bộ phận của cây từ thân, nhánh cho đến lá và quả.

         2.8. Bệnh thán thư: Gây hại trên nhiều loại rau nhưng hại nặng nhất trên ớt, cà chua bệnh gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá, thân và quả, bệnh nặng làm chết cây con, rụng lá và thối trái. Thời tiết ẩm, ruộng thoát nước kém, trồng dày, bón phân không cân đối là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại nặng.

  2.9. Bệnh giả sương mai dưa chuột: Bệnh gây hại chủ yếu mặt dưới lá, phát sinh gây hại từ khi cây dưa có 4-5 lá và càng cuối vụ càng nặng. Bệnh lây lan rất nhanh, nhiều vết liên kết với nhau làm lá vàng khô cháy, cây chóng tàn giảm năng suất nghiêm trọng.

  2.10. Bệnh thối nhũn: Bệnh do vi khuẩn gây ra, gây hại chủ yếu trên cây họ cải, vết bệnh lúc đầu phát triển ở một bộ phận thân, lá cho đến khi lan ra cả cây tạo thành những đốm mọng nước, sau đó thối và nhũn. Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 25-280C, ẩm độ cao, đất trồng đã nhiễm bệnh vụ trước, ruộng không thoát nước, rễ phát triển kém.

          2.11. Bệnh héo xanh vi khuẩn: Bệnh gây hại chủ yếu trên rau thuộc họ cà (cà pháo, cà dừa, cà tím), cà chua, khoai tây, ớt các loại; bệnh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây rau. Bệnh làm cho thân, cành bị tắc mạch dẫn,  không hút được dinh dưỡng và nước nên lá rũ xuống khi có nắng, lúc mới bị bệnh cây còn hối xanh trở lại khi trời mát hoặc về đêm nhưng sau đó cây vàng dần rồi chết.

        * Biện pháp phòng trừ:

          - Đối với nhóm sâu ăn lá (sâu tơ, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng): Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm khi sâu tuổi nhỏ, tiến hành phòng trừ khi mật độ sâu có khả năng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của rau bằng một trong loại thuốc hóa học sau: Trebon 10EC, Tasieu 5WG, Reasgant 3.6 EC, Delfin WG, V.K 16WP, Match 050EC, Radiant 60SC, TC-Năm Sao 20EC,…

        Lưu ý: Đối với sâu khoang ngắt ổ trứng hoặc diệt sâu non mới nở khi sâu chưa phát tán; đối với sâu tơ là loại sâu có tính kháng thuốc cao nên trong quá trình phòng trừ cần chú ý sử dụng thuốc BVTV luân phiên.

  - Đối với bọ nhảy: Sau khi thu hoạch rau dọn sạch tàn dư cây trồng trên ruộng đem tiêu huỷ để diệt trứng và ấu trùng từ vụ trước sang vụ sau. Bọ nhảy trưởng thành ban ngày hoạt động mạnh, rất khó phòng trừ nhưng đêm ít hoạt động và thường tập trung giữa nõn cải nên tiến hành phun thuốc vào lúc chập tối để diệt trưởng thành bằng một trong các loại thuốc: Reasgant 3.6 EC, Trebon                                10 EC, Delfin 32WG, Tasieu 5WG, Aremec 45EC....

          - Đối với rệp: Kiểm tra ruộng rau thường xuyên, nếu thấy mật độ rệp cao, và liên tục gia tăng sử dụng một trong các loại thuốc để phun trừ: Trebon 10EC, Actara 25WG, Reasgant 3.6 EC, Aremec 45EC,…

- Đối với nhóm bệnh do nấm (bệnh sương mai, lở cổ rễ, bệnh thán thư, giả sương mai dưa chuột): Sau thu hoạch hoặc trước khi canh tác cần thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật và làm sạch cỏ dại để hạn chế nguồn bệnh. Làm đất kỹ trước khi gieo trồng, đảm bảo đất tơi xốp và thoát nước tốt, mật độ gieo trồng hợp lý, bón phân cân đối. Thường xuyên kiểm tra giám sát đồng ruộng phát hiện sớm khi bệnh chớm xuất hiện, tiến hành phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Zithane Z 80WP, Daconil 500SC, Vida 3SC, Aliette 80 WP, Amistar 250SC,…

          - Đối với bệnh hại do vi khuẩn (bệnh thối nhũn bắp cải, bệnh héo xanh vi khuẩn): Thu dọn tàn dư cây trồng và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ lá già, lá bị bệnh, cây bị bệnh; lên luống cao, thoát nước tốt; gieo trồng rau với mật độ hợp lý, bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm tổn thương đến cây rau (các vết thương trên cây có thể là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập). Tiến hành phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong loại thuốc hóa học sau: Staner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP, Fenosupes 268WP,...

         Lưu ý: Khi sử dụng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn trên bao gói, đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng để phát huy tối đa hiệu lực của thuốc BVTV.

 

TRỊNH THỊ GIANG - CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT

           

 

Từ khóa » Các Loại Sâu Bệnh Hại Cây Trồng Vụ đông