Dự Kiến Chỉ Tiêu Tăng Trưởng GDP Cả Năm 2012 đạt 5,2%

(ĐCSVN) - Sáng 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.

Trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách như: Thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công,… lạm phát đã cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, do tác động của việc tăng giá trên thế giới, tăng giá xăng dầu và các giải pháp để hỗ trợ sản xuất, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nên chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại…

Theo dự báo của Chính phủ, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt, dự kiến có 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt; 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt kế hoạch gồm: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 dự kiến chỉ đạt 5,2% so với chỉ tiêu được thông qua là 6-6,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: anninhthudo.vn

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2012 có thể sẽ cao hơn so với đầu năm do giá thế giới và giá một số đầu vào, giá dịch vụ… tăng lên và hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 dự báo sẽ được kiềm chế ở mức khoảng 8%.

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của năm 2011, chủ yếu do ảnh hưởng suy thoái và phục hồi chậm của kinh tế thế giới, nhất là ở các nước phát triển, dẫn tới nhu cầu của thị trường giảm sút và sự giảm sút của giá xuất khẩu… Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 114 tỷ USD, chỉ tăng 6,8% so với năm 2011. Tuy nhiên, việc giảm mạnh nhập khẩu vật tư, thiết bị… sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ước nhập siêu cả năm 2012 khoảng 1 tỷ USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. 5 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội cơ bản có nhiều khả năng không đạt kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm và còn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao… Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, kế hoạch năm 2013. Theo đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2012 đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương thu ngân sách gặp khó khăn, đạt thấp so với kế hoạch như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... Thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến hụt dự toán khoảng 25.500 tỷ đồng; bù lại phần hụt thu là thu tăng từ dầu thô do giá tăng và thu một phần lãi dầu, khí được chia lại…

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, triển vọng đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Quốc hội được xem là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Một số ý kiến nêu, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phân tích chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Trong 3 tháng cuối năm, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp lớn như sau: Cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là “hàng tồn kho và nợ xấu"; Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết.

Ngoài ra, khi thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng trong quý IV để đạt được mức tăng GDP cả năm khoảng 5-5,2%, cần tính toán, cân nhắc, ngăn ngừa lạm phát tăng cao trong năm 2013.

Cần sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, vùng, địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động chỉ đạo, điều hành công tác quản lý giá, quản lý chất lượng, cân đối hàng hóa phục vụ nhân dân, bình ổn thị trường trong dịp cuối năm 2012.

Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; tăng cường quản lý nhà nước về lao động, trong đó có lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; tiếp tục triển khai tốt cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế; hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách đối với người có công; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Từ khóa » Tốc độ Tăng Trưởng Gdp Của Việt Nam Năm 2012