Du Lịch Cộng đồng & Sinh Kế Bền Vững - Báo Nhân Dân

ShorthandShorthand

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Việt Nam với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo, tập tính người dân thân thiện cởi mở... từng được giới chuyên gia nhận định có thể trở thành một nước hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt. Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế ghi nhận, ngành du lịch đã triển khai đúng hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, ngành du lịch cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Quyết định chính thức hoạt động trở lại từ ngày 15/3/2022 cho thấy tâm thế đồng lòng, quyết liệt thúc đẩy sự phát triển của những người đứng đầu cũng như toàn ngành. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo Du lịch Việt Nam 2021 đã chỉ rõ, tăng cường du lịch cộng đồng là một trong hai vấn đề cốt lõi để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động sức chứa gần 100 nghìn khách. Tuy nhiên, mới chỉ hơn 2.000 cơ sở trong số đó được công nhận đạt chuẩn. Để phát huy hiệu quả cần xây dựng bộ quy chuẩn với những kế hoạch, tiêu chí cụ thể. Loạt bài Du lịch cộng đồng và sinh kế bền vững sẽ đưa ra những góc nhìn gợi mở, hướng đến một hướng đi bền vững, chắc chắn nhằm phát huy hiệu quả các lợi ích kinh tế-xã hội, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...

Nhiều tiềm năng, nhiều thách thức...

Nếu khéo xoay xở, chỉ cần đầu tư một khoản tài chính vừa phải, tận dụng cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa khác biệt, các hộ gia đình, địa phương có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng, cải thiện đời sống một cách hiệu quả. Giới chuyên môn nhận định, sau đại dịch, đây sẽ là xu hướng chủ đạo và hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng thay đổi tư duy làm ăn cho bà con, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn.

Đổi thay ở một vùng đất

Từ trung tâm huyện lỵ Bố Trạch (Quảng Bình) đến vương quốc hang động Phong Nha-Kẻ Bàng dài hơn 30 km. 15 năm trước, con đường này mùa mưa thì bùn đất lầy lội, mùa nắng mỗi lần có xe chạy qua là bụi cuốn mù mịt. Hai bên đường thưa thớt những nếp nhà mái lá xiêu vẹo, như càng nhỏ bé hơn trước khung cảnh rộng lớn của núi rừng. Giờ đây, con đường đã được đổ nhựa láng mượt như lụa. Gần chục cây số, dọc hai bên đường được trồng cau, vừa tạo cảnh quan vừa lấy bóng mát. Đây là sáng kiến của chính quyền địa phương, cây giống được các hộ dân tự đóng góp, đoàn, hội có trách nhiệm thu nhận phân công trồng và chăm sóc. Nhìn hai hàng cau cao thấp không đều mới trồng chưa kịp bén, cảm nhận rõ nỗ lực níu chân du khách.

Anh Phạm Ngọc Hoàng, Bí thư Đoàn thị trấn Phong Nha cho biết, loại hình du lịch cộng đồng mới phát triển mạnh vài năm gần đây, được bà con hồ hởi đón nhận. Vùng đất bán sơn địa vốn chỉ sống dựa vào rừng. Dân chủ yếu trồng cây ăn quả như mít, ổi, cam bưởi, một số hộ dân trồng hồ tiêu, lạc. Chỉ có quỹ đất rất nhỏ để trồng lúa. Mười năm trước, dân thường xuyên bị đói khi giáp hạt. Từ ngày quần thể hang động được đưa vào khai thác du lịch, du khách đến nhiều, người dân không ngại thay đổi, làm mới để thích nghi với làm dịch vụ du lịch. Hồ Khanh là “thổ dân” mà hầu hết những người quan tâm tìm hiểu về quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng đều nghe tên. Anh là người tìm ra hang Sơn Đoòng, hang Va cũng như nhiều hang khác. Vốn là người đi tìm trầm những năm khó khăn, anh là cả một kho tàng truyện đường rừng. Những năm 2000, ngày nào nhà anh cũng có khách tìm đến hỏi chuyện. Ước mơ xây dựng homestay ngay trên mảnh vườn gần 2.000m2 để đón khách du lịch cứ thế lớn dần và trở thành hiện thực năm 2012, anh trở thành người đầu tiên làm du lịch ở vùng đất này. Giờ đây, đảm nhiệm vai trò là đội trưởng đội porter của Oxalis với hơn 125 lao động, ngoài thời gian làm việc chính, Hồ Khanh vẫn tiếp chuyện du khách, câu chuyện bất tận về rừng sâu núi thẳm một thời.

Trước đây, khách thường lựa chọn Phong Nha là một điểm ghé chân trong hành trình, nay địa phương đã có nhiều sáng kiến giữ chân du khách lưu trú lại. Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm vừa được xây dựng đón đầu cho làn sóng du khách đến với Phong Nha thời điểm hậu Covid. 5 năm trước anh Nguyễn Thế Vinh đã mạnh dạn xây dựng khu nhà nghỉ homestay từ mảnh vườn cha mẹ cho ngay cạnh bến sông Son. Từ hai phòng đầu tiên đi vào khai thác năm 2017, đến nay vợ chồng anh đã mở rộng thêm thành bảy phòng nghỉ. Khách đông, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư thêm dịch vụ như cho thuê xe đạp, lều trại, thuyền kayak... đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách. Khu homestay của Vinh nhỏ xinh luôn sạch, đẹp với cây cối cảnh quan được gia chủ chăm chút xanh mát, như chủ nhân chia sẻ, mang lại cảm giác thư giãn, thân thiện là điều vợ chồng anh nghĩ đến khi xây dựng nhà vườn này.

Anh Nguyễn Thế Vinh, chủ nhân của Highway homestay tư vấn lịch trình cho khách du lịch.

Anh Nguyễn Thế Vinh, chủ nhân của Highway homestay tư vấn lịch trình cho khách du lịch.

Dạo quanh xóm nhỏ, đâu đâu cũng thấy hoa. Thùng rác tự chế được bố trí hợp lý mọi nơi. Đoàn thanh niên tổ chức nhặt rác bến sông, phát quang cây cối, làm cỏ trồng hoa các khu vực công cộng vào mỗi cuối tuần, trước kỳ nghỉ lễ hoặc hội hè...

Hiện nay, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng xây dựng và khai thác 15 tuyến, điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất hang động. Các hoạt động phát triển du lịch đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động với các công việc cụ thể như nhiếp ảnh, chèo thuyền, xe ôm, ta-xi, đặc biệt thanh niên và người đang trong độ tuổi lao động tham gia khuân vác phục vụ khách tham quan tại các tuyến, điểm... Bên cạnh đó, hàng trăm hộ gia đình tham gia dịch vụ du lịch khác, đem lại lợi ích kinh tế không hề nhỏ cho bà con.

Sự trở lại đầy hứng khởi

Du lịch cộng đồng ở Việt Nam xuất hiện khá muộn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, cách đây dăm bảy năm, sau quá trình lăn lộn với du lịch cộng đồng ở Việt Nam, bà Mary McKeon, một chuyên gia về lĩnh vực này đã đưa ra nhận định, Việt Nam có thể trở thành một nước hàng đầu về du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt. Thực tế cho thấy, với tiềm năng sẵn có, chỉ trong thời gian ngắn, du lịch cộng đồng đã bứt phá đáng kể.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương, trong đó khoảng 70% là các điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Đến năm 2020, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động tuy nhiên chỉ có hơn 2.000 cơ sở được công nhận đạt chuẩn. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án, dự án để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng trên khắp cả nước, thu hút số lượng lớn du khách tìm đến để đắm mình trong không gian văn hóa bản địa. Một số chuyên gia du lịch phân tích, muốn thỏa mãn các nhu cầu du lịch thì phải có các doanh nghiệp cung cấp, có người dân địa phương tham gia và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, định hướng. Người dân muốn thu được nhiều lợi nhuận qua hệ thống dịch vụ, đều thành lập ban đại diện của những gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Ban đại diện là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt... để hài hòa lợi ích các bên.

Tráng A Chu, chủ nhân AChu homestay (Hua Tạt, Sơn La) dạy trẻ em cách thổi kèn lá.

Tráng A Chu, chủ nhân AChu homestay (Hua Tạt, Sơn La) dạy trẻ em cách thổi kèn lá.

Cần cơ chế quản lý chặt chẽ hơn

Du lịch cộng đồng cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; nếu không được khắc phục kịp thời và có những sáng tạo, đổi mới thì không thể phát triển bền vững. Theo TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc. Chính vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn, ở các địa phương khác hoàn cảnh địa lý tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn... Nhiều nơi bà con đổ xô xây dựng homestay, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, cho nên tình trạng dựng nhà lên rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” cũng không ít. Bên cạnh đó, lề lối làm ăn thiếu chuyên nghiệp, chụp giật trong dân vẫn còn xảy ra đâu đó, vắng bóng vai trò quản lý của cơ quan chức năng.

Chị Hoàng Thy Nhung vốn là giáo viên một trường tiểu học ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay ngoài giảng dạy chị còn đảm nhận thêm việc của Ban chấp hành công đoàn nhà trường. Cả trường đi tham quan du lịch, chị thường đảm nhiệm khâu hậu cần. Năm ngoái thay vì đi theo tour, nhà trường quyết định chọn một mô hình du lịch cộng đồng ở phía bắc. Chị Nhung như mọi lần, đặt chỗ ngủ trên ứng dụng Agoda. Mọi chuyện ổn thỏa cho đến trước ngày xuất hành, phía nhà nghỉ bỗng dưng báo... hết phòng, nếu đoàn muốn giữ chỗ thì phải... bù thêm tiền! Lời qua tiếng lại, nhà cung cấp dịch vụ vẫn khăng khăng, nếu không đồng ý phương án bù, đoàn có thể hủy giao dịch. Bằng thái độ cứng rắn, cương quyết, chị Nhung không chấp nhận phương án hủy, đòi bằng được quyền lợi đã cam kết. Nhà cung cấp dịch vụ thấy tình hình không thể “cò quay” được, phải thực hiện đúng theo yêu cầu và giá thành chị đã đặt trước. Tuy chưa bị ảnh hưởng, nhưng cách làm ăn, thái độ ứng xử của nhà cung cấp dịch vụ kia đã khiến chuyến đi mất đi phần nào hứng khởi. Và dĩ nhiên, chị Nhung không có nhu cầu đến đây lần sau bởi ấn tượng không mấy tốt đẹp này.

Một tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi là du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển mang tính tự phát. Người dân làm du lịch theo phong trào, chưa bảo đảm giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ, dẫn đến các mô hình du lịch cộng đồng hoạt động lỏng lẻo, kém hiệu quả, thậm chí chết yểu. Tình trạng các hộ gia đình tự làm homestay nhưng nguồn lực mỏng, tâm lý hoàn thiện, sắm sửa dần... dẫn đến làm ẩu, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm về lễ tân, cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ; đầu bếp chưa đáp ứng đủ tiêu chí, chuẩn. Những hạt sạn đó khiến không thu hút được khách du lịch lưu lại lâu.

Chưa kể, tình trạng người dân bản địa cho thuê đất, người ta làm thuần mục đích duy nhất thu về lợi nhuận, không chú trọng đến bất cứ yếu tố gì ngoài doanh thu. Du khách tìm về miền đất của thổ cẩm thì thổ cẩm không còn, tìm nghe tiếng cồng chiêng thì bặt tiếng, những nhạc cụ truyền thống cũng không còn thay bằng những thứ mì ăn liền có thể bắt gặp bất cứ đâu. Tình trạng lúng túng, chồng lấn, thiếu nhất quán trong hoạt động vẫn ở nhiều nơi. Trong khi đó, để các hộ dân làm một cách tự phát, mạnh ai nấy làm theo kiểu đổ xô làm theo phong trào, không có sự đầu tư chất xám trí tuệ, nhỏ lẻ, thiếu bền vững; những sản phẩm, dịch vụ na ná nhau như ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ... làm bản sắc văn hóa của địa phương bị lai tạp, những nét hay, nét riêng biệt vùng miền bị pha tạp thậm chí biến mất. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho loại hình du lịch này bị biến dạng, mất hết sức hấp dẫn và thế mạnh như nó vốn có.

Tổ chức thực hiện :Ban Nhân Dân hằng thángNội dung : Bình Nhi-Đức Tâm-Trần Gia-Trần Vũ-Hiền Tâm Trình bày mỹ thuật : Duy ThanhẢnh :Đức Tâm, Hữu Vinh, nguồn internet

Trở về Nhân Dân hằng tháng TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » Các Loại Hình Du Lịch Bền Vững ở Việt Nam