Du Lịch Đồng Tháp: Hành Trình Biến Không Thành Có

Du lịch Đồng Tháp: Hành trình biến không thành có

Lượng khách tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 03 lần so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 là kết quả ấn tượng trong năm 2019, đánh dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Đồng Tháp trong hành trình nỗ lực biến những điều không thể thành có thể.

Đặc biệt, từ kết quả đó, hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông.

Khởi đầu gian khó

Đồng Tháp bắt tay thực hiện Đề án Phát triển du lịch với khởi đầu khó khăn. Trong ảnh, du khách trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Từ những ngày đầu bắt tay làm du lịch, Đồng Tháp xác định vô vàn khó khăn với hiện trạng lúc bấy giờ. Không được thiên nhiên ban tặng kỳ quan hay núi non, biển đảo, Đồng Tháp với cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch yếu kém; sản phẩm du lịch đơn điệu, thô sơ, trùng lắp, chất lượng dịch vụ thấp, chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, trải nghiệm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn giữ chân du khách.

Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và phục vụ khách du lịch chưa được đào tạo kỹ lưỡng, sự am hiểu về du lịch chưa sâu, bộc lộ nhiều yếu kém trong cung cách phục vụ và quảng bá du lịch. Ngày ấy, việc tuyên truyền quảng bá du lịch thiếu ấn tượng, hiệu quả chưa cao.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan - cha đẻ của Đề án phát triển du lịch từng bày tỏ, trên tinh thần cầu thị, năng động, sáng tạo, hiếu khách, dũng cảm vượt khó để đi lên, Đồng Tháp mong muốn mở rộng hợp tác để cùng chung tay, góp sức đưa du lịch Đồng Tháp phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có. “Bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến hãy đến bằng cả trái tim”.

Kết quả quan trọng

Hình ảnh du lịch Đồng Tháp tạo ấn tượng với du khách thông qua các sự kiện quảng bá như: Lễ hội sen, Tuần lễ văn hoá du lịch

Với quyết tâm vực dậy ngành công nghiệp không khói, trải qua 05 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, du lịch Đồng Tháp đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Năm 2019, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ 3,9 triệu lượt khách, doanh thu 1.050 tỷ đồng. So với trước khi có Đề án, lượng khách tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 03 lần (tăng hơn 713 tỷ đồng), vượt xa chỉ tiêu Đề án (3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt từ 900 - 1.000 tỷ đồng). 02 chỉ tiêu này đã về trước mục tiêu Đề án đề ra 02 năm.

Có được kết quả trên, tỉnh đã tập trung khai thác thế mạnh du lịch đặc thù, trong đó đã xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn như: Trải nghiệm một ngày làm nông dân, Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười, Sắc xuân Đồng Tháp, Mỗi ngày một nghề, Đi trong màu xanh của vườn cây trái v.v..

Việc xây dựng sản phẩm được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả; tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với từng loại hình dịch vụ du lịch và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở. Đã kết nối và đưa vào chương trình tour du lịch các điểm tham quan du lịch mới như: Làng du lịch Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (huyện Lấp Vò); Vườn Quýt hồng Lai Vung; Làng du lịch Cồn Phú Mỹ (huyện Thanh Bình); Chùa cổ Bửu Lâm (huyện Cao Lãnh); tham quan hoa Nhĩ cán tím, hoa Hoàng đầu ấn tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân nào thì đến nay đã phát triển được 51 điểm du lịch cộng đồng đang khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả. Tổng giá trị đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.

Đây là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy việc thúc đẩy xã hội hóa tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham giá đầu tư, phát triển du lịch cũng được tiến hành có hiệu quả - ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận định.

Là người tiên phong hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, anh Nguyễn Ngọc Hùng - Điểm du lịch Happy Land Hùng Thy rộng 1,7ha, tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc khẳng định, có được kết quả này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch góp phần tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực tham gia đầu tư phát triển du lịch thì còn có sự đồng hành, động viên và góp ý của chính lãnh đạo tỉnh để hoàn thiện dần.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan (bên phải) thường xuyên thăm hỏi, động viên và góp ý hoàn thiện sản phẩm du lịch. Trong ảnh, ông Trần Thanh Hùng(Ngôi nhà hoa ếch) trao đổi với Bí thư Tỉnh uỷ về du lịch homestay

Nói về những đóng góp của du lịch cho sự phát triển kinh tế địa phương, ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, đó không chỉ thể hiện ở những con số về lượng khách, về tổng thu, trên thực tế, du lịch còn đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương bằng việc đem đến công việc trực tiếp cho hàng ngàn lao động, nhân dân địa phương từ dịch vụ lưu trú như cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, xuất khẩu tại chỗ một lượng lớn hàng nông sản, đặc sản, các sản phẩm hàng quà tặng, sản phẩm các làng nghề.

Hướng đến tương lai

Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận, du lịch Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Sản phẩm du lịch đặc thù tuy đã được định vị nhưng tiến độ thực hiện còn chậm; việc bố trí vốn đầu tư chưa đạt được kết quả như mong muốn; tiến độ đầu tư một số công trình hạ tầng du lịch vốn ngân sách còn chậm.

Bên cạnh đó, xã hội hóa và kêu gọi đầu tư vào du lịch tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực; điển hình như lĩnh vực vui chơi giải trí, nhà hàng, điểm dừng chân, sản xuất, cung ứng, bán hàng quà tặng v.v. còn ít, qui mô nhỏ lẻ; chưa đủ sức hút và hấp dẫn du khách tiêu tiền và sử dụng các dịch vụ ăn theo du lịch.

Ông Ngô Quang Tuyên cho biết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định kết thúc hoàn thành các mục tiêu Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020; cho phép xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp tình hình và yêu cầu của thời kỳ mới, trong đó sẽ tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm chuyển mạnh du lịch của tỉnh phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu: Sản phẩm phong phú, phong cách chuyên nghiệp, tăng thời gian lưu lại, chi tiêu của du khách, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch.

Định hướng xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Hoa Sa Đéc

Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hoàn chỉnh sản phẩm du lịch đặc trưng của từng khu, điểm du lịch; xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp; xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Hoa Sa Đéc gắn với Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; định hướng và hỗ trợ cho các địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu của Chương trình hợp tác, phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đổi mới hoạt động quản lý chuyên ngành, tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, trong đó, ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Đồng Tháp

Văn Khương

Từ khóa » Du Lịch đồng Tháp 2020