Du Lịch Đồng Tháp Tự Làm Mới Mình để Thích ứng Với Thời đại Dịch

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Du lịch Đồng Tháp tự làm mới mình để thích ứng với thời đại dịch ảnh 1Du khách tham gia trò chơi chèo xuồng tại Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Tiên Định, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng của ngành du lịch bị kéo lùi và không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, năm 2020, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, chủ trương “sống chung," tìm cách thích ứng với đại dịch, để cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tự làm mới mình

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt hơn 840 tỷ đồng, giảm khoảng 20% và tổng lượt khách đạt 2,7 triệu, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do hoạt động du lịch địa phương có thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch; các hoạt động lễ hội, hội nghị, thể thao, vui chơi giải trí cũng dừng tổ chức...

Theo các cơ sở du lịch, thời gian hoạt động ngành công nghiệp không khói tạm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng chính là thời gian các cơ sở tận dụng để chỉnh trang lại cơ sở vật chất, tìm hướng đi mới trong bối cảnh mới. Khi du lịch tái khởi động, các cơ sở sẽ nhanh chóng bắt nhịp, tung ra các gói sản phẩm kích cầu.

Có mặt tại khu vườn chà là có quy mô bậc nhất ở miền Tây nằm trên đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao ở phường Tân Quy Đông (thành phố Sa Đéc), ông Võ Minh Tuyến, người quản lý vườn, cho biết vườn chà là bắt đầu mở cửa đón khách từ ngày 12/3/2021. Đây là năm thứ hai chủ vườn mở cửa phục vụ khách tham quan, chụp ảnh.

Phục vụ khách du lịch trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, do vậy công tác phòng, chống dịch được đưa lên hàng đầu, qua đó tạo niềm tin về an toàn dịch bệnh khi du khách đến với Đồng Tháp.

Ông Tuyến cho biết thêm cả nước cũng như tỉnh Đồng Tháp đang kiểm soát dịch tốt nên điểm du lịch đã mạnh dạn đầu tư thêm về cơ sở vật chất để thu hút khách. Theo đó, chủ vườn đã đầu tư thêm một số tiểu cảnh và có thêm dịch vụ cho thuê áo bà ba, áo dài, nón lá... để khách tham quan chụp ảnh. Giá vé vẫn giữ ở mức 20.000 đồng/người, miễn phí đối với trẻ em dưới 5 tuổi và giảm 50% đối với người trên 70 tuổi.

“Chính yếu tố độc, lạ của những gốc chà là hơn 11 năm tuổi, cao khoảng 4m sum xuê trái trên diện tích 4.000m2, sẽ thu hút khách du lịch đến với Sa Đéc, từ đó dễ dàng kết nối với điểm, cơ sở du lịch lân cận trong thời gian du lịch lắng đọng," ông Tuyến cho biết.

Năm 2020, mặc dù chỉ đón khách trong thời gian ngắn (khoảng một tháng), khu vườn này đã đón hơn 15.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh; cao điểm có khoảng 1000 lượt người/ngày.

Du lịch Đồng Tháp tự làm mới mình để thích ứng với thời đại dịch ảnh 2Khu vườn chà là có quy mô bậc nhất miền Tây ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc kích cầu du lịch bằng cách không tăng giá vé, đồng thời giảm giá đối với trẻ em và người cao tuổi. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Với lợi thế là địa phương có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, thành phố Sa Đéc đã chủ động đầu tư thực hiện bản đồ du lịch số với tên miền www.sadec.travel nhằm hỗ trợ khách du lịch khi đặt chân đến Sa Đéc. Bản đồ được đưa vào thử nghiệm trong dịp Tuần lễ Văn hóa du lịch Đồng Tháp năm 2021 và Lễ hội hoa xuân Sa Đéc.

Đến nay, gần 20 điểm du lịch và 17 điểm lưu trú, bảy điểm nhà hàng, quán ăn đã được số hóa vào bản đồ du lịch Sa Đéc. Thông qua bản đồ du lịch, các thông tin địa điểm, cách tìm kiếm vị trí, đường đi… nhằm giúp du khách tìm kiếm địa điểm dễ dàng theo từ khóa, trải nghiệm; đồng thời khi truy cập, bản đồ sẽ tự động đề xuất các địa điểm du lịch trong bán kính 2km và khoảng cách đến các điểm du lịch. Từ đó, lựa chọn các cung đường, hành trình phù hợp nhanh chóng, tiện lợi.

[Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với thương hiệu "Đất Sen hồng"]

Không chỉ phát triển ở những nơi có điều kiện mà phong trào làm du lịch còn len lỏi đến những vùng biên giới xa xôi của huyện Tân Hồng, Hồng Ngự...

Với góc nhìn của một người trẻ, anh Vũ Công Định (sinh năm 1983) ở ấp Phú Hòa B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự đã mạnh dạn biến vùng đất không có nhiều tiềm năng thành nơi thu hút khách bằng khu du lịch sinh thái nông nghiệp Tiên Định, quy mô 5ha.

Khu du lịch chính thức hoạt động từ Tết dương lịch 2020. Với những thiết kế độc đáo của tổ hợp các hạng mục đầu tư cùng không khí mát tự nhiên của làng quê; tham quan trải nghiệm các cánh đồng lúa, những khu vườn hoa dược liệu quý giá, vườn cây ăn trái, hoa kiểng; hoạt động giải trí với các trò chơi dân gian cầu lắc, đu dây, chạy xe đạp qua cầu khỉ, chèo xuồng…; thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng quê bên những căn nhà lá trên cánh đồng…, qua đó níu chân du khách, nhất là khách bản xứ - nguồn khách tiềm năng.

Tạo động lực để phát triển du lịch

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ năm 2020 là một năm “sóng gió” nhưng được xem là thời điểm để ngành Du lịch toàn cầu nhìn nhận lại những điểm yếu trong vận hành và làm mới mình như áp dụng công nghệ, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn dịch tễ trước, trong và sau các chuyến đi; nâng cao nhận thức về sự hợp tác, ứng phó giữa các quốc gia để nới lỏng hạn chế an toàn và có trách nhiệm… Đại dịch COVID-19 là một “cú huých” mạnh mẽ để các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng triển khai chuyển đổi số nhằm tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

Du lịch Đồng Tháp tự làm mới mình để thích ứng với thời đại dịch ảnh 3Du khách tham gia các trò chơi tại Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Tiên Định, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra, rà soát và lập danh sách 106 cơ sở lưu trú du lịch chuyển cho Công ty Điện lực Đồng Tháp hỗ trợ chính sách giảm giá điện, đến nay đã hỗ trợ được hai đợt với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ đào tạo miễn phí cho nguồn nhân lực du lịch năm 2020, phối hợp tổ chức bảy lớp cho gần 700 học viên và đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ 40 cơ sở kinh doanh du lịch với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng.

Thời gian tới, du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển địa phương. Dự kiến đến năm 2025, Đồng Tháp thu hút 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó có 126.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm trên tổng lượt khách; tổng thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Ngành du lịch tạo việc làm cho từ 8.000-10.000 lao động địa phương, trong đó 70% lao động trực tiếp được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, ngành tập trung phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách; hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh...

Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch và Đầu tư phải đổi mới cách tiếp cận, đánh giá các mô hình, sản phẩm du lịch thời gian qua; đồng thời nghiên cứu, đề xuất sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng, độc đáo, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có khả năng cạnh tranh; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt chú ý đào tạo nguồn nhân lực quản trị kinh doanh du lịch và kỹ năng nghề; thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực du lịch; xác định các chuyên đề du lịch, đặc biệt quan tâm du lịch nông nghiệp.

Ngành du lịch chú trọng khai thác du lịch sông nước trên sông Tiền; du lịch về làng tham quan các làng nghề, văn hóa truyền thống; du lịch chính quyền (trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thành phố) gắn với nâng cao hình ảnh địa phương, du lịch số - ứng dụng công nghệ thông minh trong du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Du Lịch đồng Tháp 2020