Du Lịch Tìm Cách Gỡ Khó để Vượt Qua đại Dịch

ShorthandShorthand

Những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra trong suốt hai năm qua đã khiến cho ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có. Các kế hoạch phát triển đều đối mặt với muôn vàn khó khăn. Muốn lấy lại đà tăng trưởng du lịch, đòi hỏi phải có những chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng.

Nhằm tìm cách đưa du lịch từng bước thoát khỏi khó khăn, vượt qua thách thức vì những ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển” đã được tổ chức ngày 25/12 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch; thảo luận về những định hướng, giải pháp để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo ra những chính sách đột phá để du lịch phát triển nhanh, bền vững.

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC, CƠ HỘI CỦA DU LỊCH VIỆT NAM

Giai đoạn 2016-2019, Việt Nam chứng kiến những bước đi thần tốc của du lịch nước nhà với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch. Năm 2019, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, cụ thể: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt khách (tăng 16,2% so với năm 2018), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 755 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP. Tuy nhiên, từ năm 2020, trước những ảnh hưởng liên tiếp từ dịch Covid-19, cũng như cục diện chung của du lịch thế giới, ngành công nghiệp không khói nước nhà đã rơi vào tình trạng khủng hoảng “chạm đáy”.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Từ khi đại dịch bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, từ cuối tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019, đạt 312.200 tỷ đồng. Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Ước tính cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 90-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Ở mảng lưu trú, năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70-80% so với năm 2019. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38 nghìn với 780 nghìn buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động phải chuyển đổi sang ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ bằng 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Do ảnh hướng dịch Covid-19, khách du lịch trong nước và quốc tế giảm mạnh. Việt Nam chỉ đón 14.900 lượt khách quốc tế năm 2021. (Số liệu: Tổng cục Thống kê)

Do ảnh hướng dịch Covid-19, khách du lịch trong nước và quốc tế giảm mạnh. Việt Nam chỉ đón 14.900 lượt khách quốc tế năm 2021. (Số liệu: Tổng cục Thống kê)

Do không có khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều bị thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn. Tại nhiều địa phương, du lịch không còn vai trò là đông lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề khác như sản xuất nông nghiệp (thực phẩm, đặc sản...), nghề thủ công (sản xuất quà lưu niệm), giao thông...; những sản phẩm du lịch trước đây đã có thương hiệu, sức cạnh tranh cao nay cũng suy giảm nhiều về hình ảnh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư.

Covid-19 cũng mang đến một số ảnh hưởng tích cực mà trước hết là sự thay đổi nhận thức về vai trò của du lịch đối với hoạt động kinh tế, xã hội. Khi hoạt động du lịch trầm lắng, không có khách du lịch, nhiều địa phương nhận thấy rõ hiệu ứng tác động của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Vai trò của công nghệ hiện đại “không tiếp xúc”, “không chạm”, chuyển đổi số cũng được khẳng định.

Một số chủ cơ sở lưu trú du lịch tranh thủ thời gian ngừng hoạt động để chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất mới, nâng cấp dịch vụ. Một số điểm đến du lịch mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh được hình thành và có cơ hội thu hút khách du lịch trong bối cảnh mới...

Đại diện Vietnam Airline cho rằng: dịch Covid-19 mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tiềm năng ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số mạnh mẽ. Riêng du lịch và hàng không, Covid-19 cũng khiến 2 ngành này phải tăng cường liên minh, hợp tác nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch kiểu mới, vừa thu hút khách du lịch trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ, vừa hỗ trợ 2 ngành cùng phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Vietnam Airlines và Vinpearl ký kết hợp tác chiến lược phát triển hàng không-du lịch an toàn. (Ảnh: TTXVN)

Vietnam Airlines và Vinpearl ký kết hợp tác chiến lược phát triển hàng không-du lịch an toàn. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, những tác động tích cực nói trên vẫn không thể bù đắp được những tác động tiêu cực mà đại dịch đã gây ra cho hoạt động du lịch. Muốn lấy lại đà tăng trưởng du lịch, đòi hỏi phải có những chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng.

TÌM CÁCH GỠ KHÓ CHO DU LỊCH

Nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động du lịch chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, ngoài chính sách hỗ trợ chung về thuế, phí, tín dụng và an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ riêng cho ngành du lịch dựa trên đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cụ thể là: Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất từ tháng 6-12/2021; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành kéo dài đến hết năm 2021; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng đủ tiêu chí với mức 3.710.000 đồng/người. Đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền đã hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trên cả nước là trên 55 tỷ đồng.

Tính đến ngày 24/11, 15.053 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã nhận được hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ gần 51,3 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)

Tính đến ngày 24/11, 15.053 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã nhận được hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ gần 51,3 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)

Những chính sách hỗ trợ này đã được cộng đồng du lịch Việt Nam đánh giá cao, cho thấy sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến ngành du lịch. Tuy nhiên, để tạo ra những tác động tích cực và mạnh mẽ hơn nữa tới ngành du lịch, vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, thiết thực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025; trong đó dự kiến có nhiều nhóm giải pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Theo đó, bên cạnh những hỗ trợ tiếp tục về thuế, phí, tín dụng…, còn có những chính sách như: xây dựng và hỗ trợ bảo hiểm Covid-19, chi phí xét nghiệm RT-PCR cho khách du lịch; số hóa dữ liệu hành trình, tình trạng sức khỏe, chân dung hành vi của khách du lịch và nhân viên phục vụ công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa thị trường du lịch nội địa, du lịch quốc tế.

Theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực du lịch của các địa phương là hơn 5.500 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch. Các địa phương cần ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cũng là nguồn lực quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch. Theo ông Thống, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước là “vốn mồi”, cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định và hấp dẫn để đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch theo các quy hoạch đã được phê duyệt (như nguồn vốn ODA, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, huy động hợp tác công tư...) phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, chú trọng khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm, các địa phương còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động, bảo đảm người lao động vẫn có thể duy trì cuộc sống trong trường hợp có dịch bùng phát trở lại; cùng với đó là chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cũng như khuyến khích lao động quay trở lại làm việc.

Đồng thời, tăng cường mở rộng chính sách tài khóa trên cơ sở có tính toán đến các rủi ro vĩ mô của nền kinh tế, thận trọng hơn với chính sách tiền tệ. Mặc dù thời gian qua chính sách tài khóa đã mở rộng thông qua các gói hỗ trợ cùng với kích thích đầu tư công, tuy nhiên, dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn, cần có chương trình khôi phục kinh tế toàn diện, trong đó chính sách giữ vai trò dẫn dắt hỗ trợ những ngành, lĩnh vực có sự lan tỏa lớn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó có ngành du lịch.

NẮM BẮT XU HƯỚNG ĐỂ PHỤC HỒI VÀ BỨT PHÁ

Có thể thấy, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân toàn cầu trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure, khách hàng chú trọng hơn tới các yếu tố về an toàn nên có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, khép kín, tới những địa điểm vắng vẻ, hạn chế tiếp xúc đông người. Các hoạt động du lịch có thể đáp ứng yêu cầu du khách thời gian này sẽ là du lịch ngoài trời, đi theo tour riêng, chú trọng nâng cao sức khỏe, hướng tới du lịch bền vững…

Do đó, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút du khách, các doanh nghiệp lữ hành cần có sự nhạy cảm trong nắm bắt xu hướng, thị hiếu khách hàng để xây dựng những sản phẩm mới. Sức hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm chính là yếu tố then chốt để đưa tới quyết định đi du lịch của du khách.

Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Bình Trần Xuân Cương xác định những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn này có thể kể đến: Du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc nhóm nhỏ, trong đó tiêu biểu là du lịch biển gắn liền với những điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, phù hợp để triển khai các tour khép kín; du lịch mạo hiểm; du lịch cắm trại; du lịch cộng đồng. Theo các chuyên gia Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm du lịch ngách như du lịch cho thế hệ người lớn tuổi, du lịch golf, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch thể thao…, tạo sản phẩm phù hợp nhất cho từng phân khúc thị trường.

Thời gian gần đây, Phú Quốc trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cho gia đình. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian gần đây, Phú Quốc trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cho gia đình. (Ảnh: TTXVN)

Du lịch cắm trại cũng là sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn dịch bệnh.

Du lịch cắm trại cũng là sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn dịch bệnh.

Du lịch mạo hiểm tới những địa điểm vắng vẻ, hạn chế tiếp xúc đông người cần được chú trọng.

Du lịch mạo hiểm tới những địa điểm vắng vẻ, hạn chế tiếp xúc đông người cần được chú trọng.

Hội An là địa phương khai thác loại hình du lịch cồng động từ rất sớm. (Ảnh: TTXVN)

Hội An là địa phương khai thác loại hình du lịch cồng động từ rất sớm. (Ảnh: TTXVN)

Item 1 of 4

Thời gian gần đây, Phú Quốc trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cho gia đình. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian gần đây, Phú Quốc trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cho gia đình. (Ảnh: TTXVN)

Du lịch cắm trại cũng là sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn dịch bệnh.

Du lịch cắm trại cũng là sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn dịch bệnh.

Du lịch mạo hiểm tới những địa điểm vắng vẻ, hạn chế tiếp xúc đông người cần được chú trọng.

Du lịch mạo hiểm tới những địa điểm vắng vẻ, hạn chế tiếp xúc đông người cần được chú trọng.

Hội An là địa phương khai thác loại hình du lịch cồng động từ rất sớm. (Ảnh: TTXVN)

Hội An là địa phương khai thác loại hình du lịch cồng động từ rất sớm. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch, khi mà yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng “du lịch không chạm” lên ngôi cũng là lúc chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của toàn ngành du lịch.

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cho rằng: Đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác khiến ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch buộc phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ, đồng thời giải đáp các bài toán đau đầu về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, điểm đến, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn... Mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, hàng loạt các loại hình du lịch ứng dụng công nghệ số ra đời...

Những lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp du lịch là điều không thể phủ nhận, đó là góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp (mô hình vận hành, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp; đổi mới bộ máy nhân sự; tăng cường liên kết giữa các bộ phận); xây dựng được cơ sở dữ liệu (khách hàng, sản phẩm…); tiếp cận khách hàng, thị trường từ xa; nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm chi phí vận hành; gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; tăng doanh thu và lợi nhuận…  Vì  thế, ngành du lịch cần xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong trong phát triển du lịch là yếu tố mang tính sống còn và nhanh chóng đầu tư, áp dụng, thích ứng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, phát huy trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế, tài chính, văn hóa, môi trường.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Cần thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Đồng chí Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo và có các giải pháp cụ thể, thực thi nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”

Có thể thấy, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, con đường phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp đồng bộ đã được xác định như trên và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào sự phục hồi và bứt phá của ngành du lịch trong thời gian tới.

Trở về nhandan.vn

Tổ chức xuất bản: Tô Nam - Hồng MinhNội dung: Hồng Trang - Xuân BáchTrình bày: Ngọc Bích - Phương NamĐồ họa: Phương Nam

TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » Giải Pháp Du Lịch Sau Dịch