Đưa Con đi Cấm Túc... - Tuổi Trẻ Online

Bởi thời nhỏ đi học nội trú, đến cuối tuần mà nghe bị “cấm túc” không được về nhà là rụng rời tay chân. Vì ngày xưa có phạm kỷ luật nặng lắm mới bị cấm túc. Còn bây giờ, cấm túc chẳng qua là phải vào trường vào ngày mà lẽ ra được nghỉ, để học bài - dò bài chuẩn bị thi.

Tò mò, tôi quyết định hi sinh một sáng chủ nhật để đưa con đi cấm túc. Cũng cần nói thêm là cậu ấm nhà tôi không quậy, nhưng chẳng qua không thông minh sáng láng cho lắm nên năm vào lớp 10 điểm chỉ đủ vào một trường mà bây giờ gọi là “công lập tự chủ tài chính”, còn ba năm trước là “bán công”. Chỉ nội cái tên trường thôi cũng đủ thấy giáo dục xứ mình thay xoành xoạch đến chóng mặt!

Ô hô, hóa ra không chỉ có mình, mà nhiều ông bố khác cũng đã quyết định giết thì giờ ngày chủ nhật bằng cách “cấm túc” ở cà phê cóc gần cổng trường. Phía sau cổng trường, các quý tử đang trần thân vật lộn với “Việt Nam trên đường đổi mới, hội nhập”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, “Đặc điểm nền nông nghiệp nước ta”... (môn địa lý); với “thời cơ và thách thức của VN khi gia nhập ASEAN”, “Quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của nhân dân Đông Nam Á”... (lịch sử).

Còn phía trước cổng trường, cuộc “tám” của các phụ huynh cũng hết sức sôi nổi. Thôi thì đủ thứ chuyện, từ kể lể chuyện con tôi hôm qua trả bài sử chỉ sai mỗi một chi tiết trong hai cuộc kháng chiến tận bên... nước Lào, thế mà cô giáo cũng buộc chủ nhật phải đi cấm túc. Cho đến chuyện có người bâng quơ “không biết chọn thi trường đại học nào đây” thì đã bị nạt ngang: ”Con học trường công lập tự chủ tài chính mà mơ đại học”.

Nghĩ cái sự học ngày nay cũng thật lạ lùng. Kể từ hôm 25-3, hôm mà Bộ GD-ĐT công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, có lẽ không chỉ nhà tôi mà vô số nhà đang có con là sĩ tử lớp 12 đều xáo trộn cuộc sống. Sau khi thằng con rên lên một tiếng rõ dài và nói như khóc: “Trời ơi, đã hóa rồi còn thêm sử, địa nữa thì làm sao mà thuộc hết hả trời?” thì cả hai vợ chồng bắt đầu lo sốt vó. Cũng bắt đầu từ đó, thông tin từ thằng nhỏ đưa về mỗi ngày nghe cứ như nhà trường bắt đầu vào chiến dịch chuẩn bị cho một “trận đánh” lớn.

Này nhé, 7 trong 13 môn học không phải thi đã nhanh chóng được hoàn thành cấp kỳ, để tập trung “ninh nhừ” sáu môn thi, trong đó đặc biệt là hai món sử - địa. Gần 50 bài học của hai môn này trong chương trình lớp 12 cứ được tua đi tua lại nhằm mục đích làm sao học sinh phải đọc thuộc ro ro. Mà thói thường ai từng đi học đều đã biết, cái gì học chỉ để đọc như vẹt thì nó đọng trong đầu hôm nay nhưng biến mất ngày mai là lẽ thường tình. Vì vậy các buổi dò bài cứ rối như canh hẹ, khi mà thuộc bài bốn lại quên bài một, thuộc bài hai thì lại ấp úng bài sáu! Cứ thế trò lớp 12 (sắp là anh tú chứ chả chơi!) nhưng cứ ê a như học sinh đầu cấp I.

Không hiểu học và thi thế để làm gì nhỉ? Không ít người trong nhóm phụ huynh cùng con đi cấm túc đã thốt lên câu hỏi đó. Thế là mọi người lại nhao nhao bắt qua chuyện cháu tôi, con bạn tôi... đi du học nước ngoài sướng làm sao, chỉ có chọn lấy sáu môn yêu thích mà thôi. Ở xứ người, họ học ít môn nhưng học ra học; còn ta luôn tự hào biết toàn diện nhưng cái gì cũng biết kiểu “hớt váng”. Thế nên chả trách thực trạng có quá nhiều cô cậu cử ra trường nhưng chả làm được gì, luôn bị đánh giá thiếu thực tiễn.

Không biết bao giờ học sinh nước mình mới hết khổ vì chuyện thi cử? Có người hỏi thế.

____________________

(*) Tác giả bài viết là một phụ huynh đang có con học lớp 12 Trường NTD, sau buổi đưa con đi cấm túc, ông gửi cho mục Cà phê chủ nhật bài viết này.

Từ khóa » Cấm Túc Tiếng Anh Là Gì