“Dúi” – Loài Vật Nuôi Mới Lạ, Giàu Tiềm Năng

Sau 1 năm, mỗi đôi Dúi bố mẹ cho thu trên 10 triệu đồng từ việc bán Dúi giống và Dúi thịt

Là một thanh niên trẻ, ấp ủ trong mình hoài bão là có thể phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu ngay chính đồng đất quê hương, anh Lê Văn Thắng, ở xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng, đã trở thành người đi đầu trong việc đưa con Dúi vào nuôi thương phẩm tại Hải Phòng.

Dúi hay còn có tên gọi khác là Chuột nứa, Chuột tre hoặc con Don. Sở hữu thân hình tròn trịa, mũm mĩm, thịt của chúng rất thơm ngon, nhiều đạm, bổ dưỡng lại mát nên được xem là món đặc sản, khoái khẩu được nhiều người ưa chuộng, săn lùng. Hiện nay, trên thị trường, Dúi được xếp vào loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, đặc biệt là thị trường tiêu thụ rất lớn, giàu tiềm năng.

Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ của cán bộ Khuyến nông huyện Tiên Lãng, chàng trai trẻ Lê Văn Thắng đã mạnh dạn tìm hiểu về loài vật nuôi này. Sau khi nắm bắt được một cách cơ bản các tập tính sinh trưởng, phát triển cũng như kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng loài vật nuôi này, anh quyết định mạo hiểm. Tháng 4-2020, anh Thắng bắt tay vào xây dựng trại nuôi Dúi.

Theo anh chia sẻ: Dúi là động vật gặm nhấm, khá hung dữ. 4 chân của chúng có móng vuốt rất sắc, cộng thêm cặp răng nanh chắc khoẻ, thích hợp để đào hang, gặm nhấm thức ăn. Trong quá trình xây dựng chuồng nuôi cho Dúi, anh phải chọn gạch men để ốp tường xung quanh, nền đổ xi măng dày 5 cm. Quá trinh thi công phải đảm bảo chất lượng, riêng với vách chuồng nếu không ốp được gạch có thể tráng xi măng thật láng để ngăn chúng đào bới, thoát ra khỏi chuồng lúc nào không hay biết.

Khi đã có hệ thống chuồng nuôi chắc chắn, anh Thắng dồn hết vốn liếng nhập được 200 con giống Dúi bố mẹ về gây nuôi. Từ những bỡ ngỡ của ngày đầu bắt tay vào khởi nghiệp với một loài vật nuôi còn khá mới, lạ với gia đình và những hộ dân xung quanh, nhờ tính ham học hỏi, lại cần mẫn, chăm chỉ, anh Thắng đã từng bước làm quen rồi trở nên thành thạo với nghề nuôi Dúi.

Theo anh, Dúi không phải là động vật kén ăn nhưng thức ăn ưa thích của dúi là: tre, mía, lau, bắp, sắn…, khi cho ăn phải đảm bảo chất lượng. Nguồn thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ, tránh hư hỏng. Nơi ở của Dúi phải đảm bộ độ tối, tránh ẩm thấp. Dúi là loài chịu lạnh giỏi nhưng rất kỵ nước mưa. Vì thế chuông nuôi phải mát mẻ, tránh dột.

Đặc biệt, khác với các loài vật nuôi truyền thống khác, Dúi là loài khá dễ dãi trong khâu ăn uống, phân của Dúi cũng không hôi. Vì thế, việc cho ăn, vệ sinh chuồng trại rất dễ dàng. Nếu bận rộn, có thể 1 ngày cho dúi ăn 1 bữa, tuần vệ sinh chuồng 1 lần. Tuy nhiên mỗi lần cho Dúi ăn phải đảm bảo Dúi ăn hết thức ăn, tránh dư thừa gây nấm mốc, phát sinh mầm bệnh.

Mỗi năm, 1 đôi Dúi có thể sinh được 4 lứa, mỗi lứa cho từ 3-5 con non. Tuy nhiên, trong quá trình Dúi sinh sản có hiện tượng Dúi mẹ ăn thịt Dúi con sau sinh làm giảm số con giống, giảm hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Trước vấn đề này, anh Thắng đã liên hệ với cán bộ khuyến nông để được tư vấn nguyên nhân, hưỡng dẫn, chia sẻ biện pháp khắc phục. Sau khi áp dụng các biện pháp do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, hiện tượng Dúi mẹ ăn Dúi con sau sinh đã được anh khắc phục triệt để. Đàn Dúi nuôi của gia đình cũng nhờ đó không ngừng được nhân rộng, tăng lên gấp đôi và có thể cho bán con giống.

Hiện, vừa bán Dúi thịt, anh Thắng vừa tăng đàn, bán cả Dúi giống. Thịt Dúi thơm ngon, có giá giao động từ 400-600 nghìn đồng/kg. Sau 3 tháng nuôi Dúi có thể cho xuất chuống, mỗi con đạt 1,3 kg. Dúi giống lại đắt hàng, trung bình mỗi con anh Thắng thu về được 400 nghìn đồng (trọng lượng khoảng 400g).

Với mức giá trên thị trường hiện nay, mỗi đôi Dúi bố mẹ được chăm sóc tốt, sau 1 năm anh Thắng có thể thu được trên 10 triệu đồng từ việc bán Dúi giống và Dúi thịt.

Như vậy, sau hơn 1 năm khởi nghiệp với nghề nuôi Dúi, nhờ từng bước nắm vững tập tính của loài và kỹ thuật chăn sóc, nuôi dưỡng, nhanh nhạy với thị trường tiêu thụ, anh Thắng đã bước đầu gặt hái được “trái ngọt”. Hiện, anh đang tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng diện tích chăn nuôi Dúi.

Hi vọng, với loài vật nuôi còn khá mới, lạ này, sau mô hình của gia đình anh Thắng sẽ có nhiều mô hình của các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện Tiên Lãng nói riêng, thành phố nói chung sẽ từng bước thàng công, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.

KC

  • Phát huy hiệu quả mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”
  • Mô hình nuôi, nhân giống ốc bươu ta trong ao xi măng: Đầu tư thấp, lợi nhuận cao

Từ khóa » Thị Trường Tiêu Thụ Dúi