Nuôi Dúi Thu Hơn 300 Triệu đồng Mỗi Năm - VnExpress

Chiều cuối tháng 12 âm lịch, anh Trần Đình Nhâm, 29 tuổi, trú xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) tất bật chẻ nứa, chặt cây mía làm thức ăn "bồi dưỡng" cho ba cặp dúi mới sinh sản được hàng chục con nhỏ. Khu vườn nằm trên quả đồi ở phía sau nhà chính của gia đình anh Nhâm rộng hàng trăm mét vuông, trước kia trồng cây ăn quả như cam, chanh... nay "thay áo mới" bởi hệ thống trang trại lợp mái tranh với hơn 100 ô chuồng dùng để nuôi dúi giống và thương phẩm.

Kết hôn rồi chuyển ra Bắc Ninh làm công nhân, năm 2015, vợ chồng anh Nhâm cùng hàng chục đồng nghiệp được công ty tổ chức cho đi du lịch, tham quan một trại nuôi dúi trên địa bàn. Thấy con vật này "lạ lạ, hay hay", qua trò chuyện với gia chủ thấy việc chăm sóc cũng không quá khó, song mang lại thu nhập ổn định, anh Nhâm suy nghĩ sẽ có ngày nghỉ việc về quê nuôi dúi khởi nghiệp.

Anh Trần Đình Nhâm đang đưa một con dúi cái đi ghép đôi. Ảnh: Đức Hùng

Anh Trần Đình Nhâm đang đưa một con dúi cái đi ghép đôi. Ảnh: Đức Hùng

Thời gian sau, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh Nhâm cùng vợ Đào Thị Hiền Lương, 23 tuổi, lái xe máy chở nhau đến một số trang trại nuôi dúi ở Bắc Ninh và Thanh Hóa tìm hiểu, học hỏi cách tổ chức mô hình và kinh nghiệm nuôi. Cuối năm 2015, khi đã tích lũy được một số ít kiến thức, hai vợ chồng viết đơn gửi lãnh đạo xin nghỉ việc, về quê ở xã Sơn Hồng xây chuồng trại.

"Bố mẹ không ủng hộ song cũng không phản đối. Nhiều hàng xóm bỡ ngỡ, không biết vợ chồng tôi đang nuôi con gì. Họ luôn nói với nhau chắc là nuôi cho vui chứ biết bán cho ai, vài bữa bỏ cho mà xem", anh Nhâm kể.

Xây hệ thống trang trại rộng hàng trăm mét vuông ở sau vườn, song ban đầu anh Nhâm chỉ làm 3 ô chuồng, mỗi ô diện tích 60 cm để nuôi thử nghiệm 6 con dúi giống, gồm 3 cái, 3 đực. Ba cặp dúi giống nếu mua ngoài thị trường giá khoảng 10 triệu đồng, nhưng một người quen ở Nghệ An khi nghe anh bày tỏ ý tưởng đã "vừa bán vừa cho" với giá 5 triệu đồng kèm lời chúc "may mắn".

Thời gian đầu, dúi giống hay gặp vấn đề về tiêu chảy, mắc bệnh đường ruột, bỏ ăn và chết một cặp. Mất nhiều ngày tìm hiểu, anh Nhâm tham khảo được cách chữa trị bằng cách cho chúng ăn củ sắn. Ngoài ra, thấy dúi chịu rét tốt hơn chịu nóng, anh thay những tấm Fibro xi măng đang lợp trên hệ thống trang trại bằng mái tranh. Bốn tháng sau, thấy hai cặp dúi giống phát triển tốt và đẻ con, anh Nhâm làm thêm hàng chục ô chuồng khác, mua thêm 20 cặp gồm dúi giống và dúi đang bầu 20 ngày về so sánh tập tính từng nhóm để chăm sóc cho tốt.

Dúi mẹ cùng 5 dúi con vừa sinh được vài tuần tại cơ sở của anh Nhâm. Ảnh: Đức Hùng

Dúi mẹ cùng 5 dúi con vừa sinh được vài tuần tại cơ sở của anh Nhâm. Ảnh: Đức Hùng

Hai năm đầu dúi chết rải rác, lỗ vài chục triệu đồng. Thấy chị Lương tỏ ý lo lắng, anh Nhâm động viên vợ, nói đó là "phí kinh nghiệm" khi khởi nghiệp. Người đàn ông 29 tuổi tâm sự, lúc mệt mỏi thường lên trại thăm đàn dúi, khi ngắm nghía và vuốt ve chúng thì muộn phiền tiêu tan. "Nhiều lúc nằm ngủ cũng mơ thấy dúi. Nó ốm thì bữa ăn tôi cảm thấy không ngon, trằn trọc suốt đêm, suy nghĩ làm sao phải nhanh chữa lành bệnh cho chúng", anh Nhâm kể.

Anh Nhâm chủ yếu nuôi dúi giống cho sinh sản, 2 tháng xuất bán một lần. Dúi mẹ mang bầu sau 48 ngày là đẻ, dúi con sau 2 tháng được tách ra nuôi theo cặp đực cái và bán cho các cơ sở giống trong và ngoài tỉnh để tiếp tục chăm sóc. Sau khi tách con khoảng 3-5 ngày, dúi bố mẹ sẽ được tẩm bổ để ghép đôi trở lại, sinh sản lứa mới. Dúi một năm đẻ khoảng 3-4 lần, mỗi đợt khoảng 4-5 con.

Con vật này yếu ăn thân cây tre nứa và mía, ngô, sắn. Một ngày dúi ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần một đốt tre nứa dài 20 cm, mía thì 5-7 cm, không uống nước. Sơn Hồng là xã vùng biên, nguồn thức ăn nhiều, anh Nhâm thường tranh thủ lúc rảnh rỗi vào rừng khai thác tre nứa về làm thức ăn dự trữ.

Cặp dúi giống giá 800.000 đến một triệu đồng, một con khoảng 2-4 lạng. Những con không đạt tiêu chuẩn xuất giống được chăm sóc để bán thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn, giá 1 kg khoảng 500.000 đồng. Từ năm 2018 trở đi, gia đình anh Nhâm bắt đầu có lãi, một năm thu về hơn 300 triệu đồng tiền bán dúi giống và thương phẩm, sau khi trừ các chi phi lời khoảng 200 triệu đồng.

Anh Nhâm đang cho dúi ăn nứa. Ảnh: Đức Hùng

Anh Nhâm đang cho dúi ăn nứa. Ảnh: Đức Hùng

Hiện nay cơ sở của anh Nhâm có hơn 200 con dúi, đa số là dúi bố mẹ phục vụ sinh sản. "Hàng xóm bây giờ đã hiểu ra tôi 'nuôi con gì' rồi. Nhiều người thỉnh hoảng đến xem mô hình, học hỏi kinh nghiệm và mua vài cặp dúi về nuôi thử nghiệm, đến nay đang cho kết quả khá khả quan. Tôi luôn khuyên họ phải biết bình tĩnh trước thất bại mới có thành công", anh Nhâm kể.

Anh Nhâm dự định thời gian tới sẽ mở rộng mô hình chuồng trại lên quy mô gấp đôi so với hiện tại, phát triển kinh doanh dúi thương phẩm.

Ông Trần Thế Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hồng, đánh giá anh Nhâm là một thanh niên có suy nghĩ táo bạo, dám đột phá, luôn biết học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn để phát triển mô hình kinh tế điểm cho địa phương.

"Sơn Hồng điều kiện kinh tế khó khăn, một số thanh niên ra thành phố làm công nhân đã trở về phát triển các mô hình vườn đồi, nuôi gia súc, gia cầm... Xét về hiệu quả, trại nuôi dúi của anh Nhâm đang là điển hình, xã đang muốn nhân rộng", ông Mỹ nói.

Dúi là động vật gặm nhấm, trưởng thành nặng từ 7 lạng đến 3 kg. Người dân làm mô hình nuôi cần xin phép kiểm lâm sở tại, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. Thịt dúi được chế biến làm nhiều món ăn đặc sản như: xào lăn, rượu mận, hấp...

Video nuôi dúi thu hàng trăm triệu đồng Video nuôi dúi thu hàng trăm triệu đồng

Anh Trần Đình Nhâm chia sẻ về nghề nuôi dúi. Video: Đức Hùng

  • Vợ chồng thuần hóa lươn đồng thu nửa tỷ đồng mỗi năm
  • Lão nông 'bắt đồng hoang đẻ ra tiền'

Đức Hùng

Từ khóa » Thị Trường Tiêu Thụ Dúi