Đừng để 'quýt Làm, Cam Chịu' - Tuổi Trẻ Online

Việc UBND TP.HCM tạm dừng quy trình chuyển mục đích sử dụng đất của một số dự án nhà ở gần như đã "chắc mười mươi", làm cả làng bất động sản xôn xao lo lắng.

Bắt tay vào làm một dự án, doanh nghiệp phải qua nhiều bước thủ tục, nhiều cơ quan ban ngành, tổ công tác, với hàng ký giấy tờ, hồ sơ pháp lý kéo dài từ năm này qua năm khác.

Doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, khi bán nhà cũng phải được cơ quan chức năng thông báo đủ điều kiện mới bán được. Vậy mà đùng một cái, Nhà nước có "lệnh" tạm dừng để rà soát cơ sở pháp lý. Và chưa biết dừng bao lâu, đến khi nào lệnh được gỡ?...

Người dân dựa vào thông báo của Sở Xây dựng về dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai để chọn mua nhà, đóng tiền, nhận nhà ở, cũng chính cơ quan nhà nước cấp giấy chủ quyền. Bỗng dưng nhà bị ngưng giao dịch chờ xem xét lại thủ tục.

Và người dân chỉ biết thông tin về việc rà soát qua báo chí, nay dự án này, mai dự án khác bị rà soát, tạm ngưng thực hiện. Không có một dòng thông tin chính thức nào từ cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có trách nhiệm.

Sau rà soát, kiểm tra, thanh tra, kết quả có thể có hoặc không có sai phạm, có hoặc không có cán bộ, đơn vị, cơ quan bị xử lý.

Nhưng với cái lệnh tạm ngưng không đầy đủ vừa ban hành, chủ đầu tư dự án đã bị thiệt hại về uy tín và cả tài sản, trong khi người dân có nhà bị ngưng giao dịch cũng bị tổn thất không nhỏ, lỡ dở bao nhiêu kế hoạch, cơ hội trong cuộc sống...

Kiểm tra, rà soát lại quy trình là việc làm thường xuyên của các cơ quan nhà nước. Nếu làm tốt sẽ giúp cơ quan nhà nước và các đối tượng liên quan tuân thủ pháp luật chặt chẽ, tạo sự công bằng trong xã hội, minh bạch trong điều hành, quản lý của mình.

Nhưng cách rà soát các dự án trên địa bàn TP.HCM thời gian qua lại chưa được rõ ràng khiến doanh nghiệp và cả người dân hoang mang lo lắng, và ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP.

Nên chăng các cơ quan chức năng cần chủ động thông tin về chương trình rà soát, kiểm tra, thanh tra, những dự án, loại sẽ được rà soát, kiểm tra, thời gian trong bao lâu có kết quả, hệ quả pháp lý của quá trình rà soát như thế nào, ảnh hưởng đến những ai...

Kết quả kiểm tra, rà soát sau đó cũng cần được thông tin rõ ràng để thể hiện tính minh bạch, công khai, thượng tôn pháp luật của chính quyền và hơn hết là thể hiện sự tôn trọng của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân.

Mong các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hơn, đừng để "quýt làm, cam chịu" như trường hợp phải rà soát dự án vừa qua.

Từ khóa » Hình ảnh Quýt Làm Cam Chịu