Đựng Thực Phẩm Trong đồ Thủy Tinh, ổn Không? - Tuổi Trẻ Cười Online
Có thể bạn quan tâm
Trào lưu chung, các bà nội trợ không khó nhận ra gian bếp của mình đang dần được “thủy tinh hóa”.
Hiền lành nhất mực
Vậy thủy tinh tinh anh phát tiết thế nào mà được các bác sĩ khuyên dùng? Quy ra thóc, ăn tiền hơn cả là thủy tinh không biến dạng, không ăn mòn, không độc chất và trơ về mặt hóa học... Từ đó, mấy thứ gõ coong coong giúp người dùng tránh được nạn thôi nhiễm chất độc, phản ứng với thức ăn, từ vật đựng. Chén bát đồ kiếng trơn tuột, hết đường vi khuẩn bám víu và dễ cọ rửa. Hương vị đồ ăn thức uống an vị trong lọ thủy tinh sẽ được bảo toàn. Thủy tinh còn ngăn ẩm cực tốt, thực phẩm nhờ đó chậm ôi thiu...
Làm màu cũng nên chuyện
Ít ai biết phủ màu cho vật đựng thủy tinh lại là chiêu giữ đồ ăn thức uống thơm ngon, lâu hư hơn. Mấy ông bia bọt nếu có thắc mắc vì sao các “chân ái” của mình thường có màu xanh hay hổ phách thì đã được thông tỏ.
Miễn “tiền án tiền sự”
Độc chất, thứ luôn khiến người ta nhức mình nhức mẩy với vật đựng nhựa. Thử làm phép so với vài tiền án của đồ mủ. Ăn ngay vòng đầu, nếu được sản xuất đàng hoàng, thủy tinh không chứa bisphenol A (BPA), thứ đen đủi như hình với bóng với bao bì, vật đựng nhựa. Nhân tiện BPA là độc chất nội tiết, thần kinh và tuyến tiền liệt, hàng lão đại. Tiền tươi thóc thật, thủy tinh còn miễn được nạn thôi nhiễm dioctyl phthalate (DOP, DEHP) từ vật đựng vào thức ăn, cũng là nỗi thống khổ của người dùng đồ nhựa...
Không nọ thời kia
Nói vậy, nhưng thủy tinh không hẳn “chim sa cá lặn” không tì vết gì, thậm chí lật như bánh tráng trong nhiều tình huống.
Trước tiên, thủy tinh không sinh ra từ không khí! Qua quá trình sản xuất, chúng cũng ních đầy bụng hóa chất. Cơ bản, thành phần thủy tinh gồm silica/thạch anh, Al, Na2CO3, CaCO3, K2CO3... Không kể phụ chất giá trị gia tăng, làm màu (Fe, Cu, Mn, Cr), giảm độ nóng chảy...
Thôi nhiễm chì
Trong số “lục phủ ngũ tạng” của thủy tinh, chì là chất gây quan ngại hơn hết thảy. Chì giúp giảm độ nhớt, chống bong bóng, làm thủy tinh bóng bẩy hơn. Nhưng chì, như đã biết, làm tăng huyết áp, tổn thương thần kinh, sinh non, sẩy thai, trẻ sinh chậm phát triển... Thủy tinh màu là khoản góp thôi nhiễm kim loại hạng ưu. Crom, cadimi được tìm thấy hà rầm trong chai đựng đồ uống có cồn, màu xanh và nâu. Đặc biệt là chì, cadimi tăng vọt trong thủy tinh tráng men, hoa hòe hoa sói nhiều chi tiết trang trí.
Hết sức lưu ý thôi nhiễm kim loại không chỉ thẳng một lèo ăn uống mà còn dây ra tay, thậm chí hít phải, khi người cầm nắm, đưa lên miệng, bát, đĩa...
Thủy tinh tái chế
Nói ngay, loạt độc chất có sừng có mỏ trên đều ở mức không gây hại, nếu được sản xuất trên chuyền “làm ăn đàng hoàng”. Như cũ, miễn bàn với hàng họ không có tâm, đặc biệt các kiểu làng nghề tái chế thủy tinh, lấy nguồn từ các vựa ve chai.
Lại lưu ý không phải quá e dè với thủy tinh tái chế. Chai nước ngọt, ly dzô dzô mà các ông thù tạc, dám đã qua hai, ba “lần đò”. Vẫn vậy, vào tay người đàng hoàng thì thủy tinh tái chế vẫn ngon lành về an toàn sức khỏe.
Trông mặt né chì
Sơ bộ qua cảm quan, người dùng có thể nhận biết vật đựng có lắm chì quá mức chịu đựng hay không. Búng nhẹ nghe coong coong, vang rền, khả năng sản phẩm nhiều chì. Thủy tinh trong ngọc trắng ngà gõ nghe đục và ít vang.
Rắc rối ẩn sau màu mè. Chì là tay tổ nấp sau hào nhoáng của lớp men tráng, hoa văn hoa lá cành. Hạn chế hoặc ít ra không dùng bát, đĩa tráng men, nét dọc nét ngang trong lòng (nơi tiếp xúc thực phẩm). Dùng mẹo ngâm đĩa, chén vào giấm ăn nếu thấy màu bạc ra, nhòe màu thì bỏ của chạy lấy người ngay luôn! Bát cũ, theo thời gian thì độ thôi nhiễm cũng tăng, hàng chợ càng nhanh xuống.
Phòng thôi nhiễm thủy tinh
Trông mặt bắt hình dong là chính:
- Chọn hãng, xưởng, nhãn hàng có uy tín.
- Chọn chai, bát, đĩa trơn, trắng, ít hoa văn và không quá bóng loáng. Tối giản là an toàn.
- Loại đồ thủy tinh có bọt khí, có dị vật và rạn nứt (không phải men rạn)
- Nếu dùng cho nhà bếp, chú ý chỉ số chịu nhiệt, sốc nhiệt nóng-lạnh tốt (vật liệu borosilicate, nung nhiệt độ cao...). Đây còn là kế an toàn khi dùng vật đựng với lò vi sóng.
- Tránh tái sử dụng sai chức năng đồ thủy tinh cũ. Chẳng hạn tận dụng ly uống làm hủ đựng gia vị...
- Bạo tay loại vật đựng cũ, dãi dầu, rạn nứt, bong tróc men tráng, hoa văn trầy trụa...
- Sau cùng, cẩn tắc vẫn là hạn chế đựng thực phẩm nóng, chua trong vật đựng thủy tinh, cả với các đồ thề có bóng đèn chấp nhiệt, chấp acid một cái đầu.
Từ khóa » Thủy Tinh Không An Toàn
-
Tìm Hiểu Về Chất Liệu Thuỷ Tinh Trong Sản Xuất đồ Gia Dụng
-
Đồ Thủy Tinh Dùng Lâu Có Gây Hại Hay Không? | Sapakitchen
-
Cẩn Thận Với Sản Phẩm Thủy Tinh Nhiễm độc - VnEconomy
-
Lựa Chọn Thuỷ Tinh đựng Thực Phẩm An Toàn
-
Nhiễm độc Chì Nếu Dùng Bình Thủy Tinh Không Rõ Nguồn Gốc
-
Cách Phân Biệt đồ Thủy Tinh An Toàn Cho Sức Khỏe!
-
Ưu Nhược điểm Của đồ Thuỷ Tinh, Lưu ý Khi Sử Dụng đồ Thuỷ Tinh
-
Cách Chọn Và Sử Dụng Chai Lọ Thủy Tinh An Toàn Đúng Cách
-
Cách Chọn Và Sử Dụng đồ Thủy Tinh An Toàn
-
Phát Hiện được đồ Thủy Tinh Nhiễm độc Hay Không Nhờ Mẹo Hay Này
-
Bảo Quản Nước Uống Trong Chai Thủy Tinh Có An Toàn Không? - PLO
-
Hướng Dẫn Cách Sử Dụng Thủy Tinh An Toàn
-
5 LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ CỦA THỦY TINH
-
Cách Chọn Mua Ly Thủy Tinh Bền Và Tốt Cho Sức Khỏe