Đường Chân Trời Trường Sa - Tiền Phong
Có thể bạn quan tâm
Tác giả tại nhà giàn DK1 ở bãi Phúc Nguyên. |
Ra biển nhìn quanh chỉ thấy nước và trời, và cuối tầm mắt là đường chân trời. Dù đi đến đâu trên biển, đường chân trời vẫn chạy vòng quanh ta. Hồi nào ở rừng nhà văn Nguyễn Tuân đã kêu lên vì bệnh “thiếu chân giời”. Giữa biển thì thấy là thừa chân giời, thừa thãi.
Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh 17giờ ngày 5-5-2010, đến 8giờ ngày 7-5-2010, hòn đảo đầu tiên trong chuyến hành trình hiện ra trước mắt chúng tôi. Đảo Song Tử Tây. Hôm ấy, 7-5, kỷ niệm 55 năm thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cán bộ, chiến sĩ hải quân ghi nhớ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Tất cả mọi người trên boong tàu đều dồn mắt về một dải đất hẹp có ngọn hải đăng nhô cao. Song Tử Tây đấy. Trường Sa thực đây rồi. Một cảm xúc bồi hồi dâng lên khi ý thức mình đang đi trên biển Việt Nam, sắp được đặt chân lên đảo Việt Nam.Trời nước mênh mông, nhưng hiện hữu đây là biển của ta, trời của ta, đất của ta. Lòng chúng tôi dâng tràn, rồi có khi chợt như thắt lại khi nghĩ đến những vùng biển của ta mà vẫn cách xa. Cảm giác này sẽ bám theo mỗi người trong suốt chuyến đi.
Trên đảo Cô Lin. |
Đến Trường Sa chúng tôi nghe được một bài hát mang tên “Khúc quân hành Trường Sa” vang lên từ các trẻ thơ đến những người lính trên đảo trên tàu: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta...”. Có đi ra biển, có bước lên đảo mới cảm nhận sâu sắc và thấm thía lời ca không phải là hô khẩu hiệu. Đó là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề, để mãi mãi “biển này là của ta, đảo này là của ta”. Máu đã đổ cho chủ quyền Việt Nam trên biển đảo.
Đường chân trời dừng lại sâu thẳm trước mỗi chúng tôi tại vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh năm 1988 ở quần đảo Trường Sa diễn ra sáng 9-5. Đứng trên đài quan sát của đảo Cô Lin, nhìn qua kính viễn vọng về phía Gạc Ma, thấy biển như động hơn giữa trùng khơi và trong lòng người. Con tàu buông neo lắc lư trên sóng, cả khối người đứng im tưởng nhớ những người con đã quên mình vì Tổ quốc, nước mắt chảy tràn trên từng khuôn mặt, khói hương bốc cao lên trời và cuộn sâu xuống biển.
Vòng hoa thả xuống, rượu bia đổ xuống, vàng mã đồ cúng buông xuống, biển nhận về tất cả cho các anh. Tiếng hát ca sĩ Khánh Hòa nức nở, nghẹn ngào, đứt quãng trong khúc tưởng niệm càng xoáy sâu nỗi đau niềm nhớ. “Biết là cuộc đời mỗi người chỉ một lựa chọn thôi. Vì Tổ quốc anh ra đi mãi mãi tuổi thanh xuân”.
Thả hoa viếng những chiến sĩ Hải quân hy sinh. |
Có một lễ tưởng niệm nữa ở vùng thềm lục địa tây nam, nơi các chiến sĩ ở nhà giàn đã nằm xuống giữa biển trong cơn chống chọi với bão táp. Đảo chìm ngày nay đã được đổ bê tông tôn cao lên làm nền xây nhà cho bộ đội ở. Còn nhà giàn thì chênh vênh trên bốn cây cọc cắm thẳng xuống lòng biển, nhô lên trên mặt biển, nhìn đúng là một vọng gác.
Nhà giàn tên gọi DK ra đời từ 1989, khi Chính phủ quyết định xây dựng cụm kinh tế-khoa học-kỹ thuật thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xác định chủ quyền của Việt Nam ở vùng thềm lục địa này. Biển gầm réo dưới chân cột, mỗi khi biển động cả nhà giàn lắc lư, rung chuyển. Và trong những ngày đầu gian khổ, khó khăn, một cơn bão đã quật đổ nhà giàn, những người chỉ huy đã lo cho anh em thoát được theo tàu về bờ, còn mình ở lại sau cùng, rút sau cùng, vật lộn cùng sóng gió và đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi.
Chúng tôi có cho mình một đường chân trời ở đó, nơi nhà giàn DK1-15 trên bãi đá ngầm Phúc Nguyên. Cuộc sống người lính nhà giàn giờ đây có điện sáng, liên lạc điện thoại thông suốt, nhờ thế đất liền quê hương bớt xa xôi, ngăn cách. Khi chúng tôi cặp xuồng vào chân nhà giàn, sóng chỉ mới khoảng cấp 3 mà việc leo thang lên đã rất khó khăn, nguy hiểm, nên chúng tôi có dịp hiểu hơn những gian lao chịu đựng của các chiến sĩ hải quân thường trực nơi đây.
Chuyến đi mười ngày gần hai nghìn cây số biển, ngày nào cũng được thấy bình minh và hoàng hôn qua lại quanh mình, mở mắt ra là thấy đường chân trời địa lý bao quanh. Nhưng mỗi ngày là một ngày mới, với những cảm xúc dầy lên, ý nghĩ sâu thêm, khi giữa bao la mênh mông biển cả chợt hiện ra một chấm nhỏ hòn đảo, tàu tiến lại gần, đảo hiện ra rõ hơn, và khi tàu buông neo chúng tôi biết mình sắp được cập bến một đường chân trời mới.
Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Đá Lát, DK1. Lên đảo, gặp gỡ anh em chiến sĩ, tặng quà, ca hát, hỏi han chuyện trò, ở đảo nào cũng vậy thôi, nhưng tình cảm, cảm xúc thì luôn dâng tràn, mới mẻ, và khi chia tay ngoái lại nhiều đôi mắt người về đỏ hoe. Ngay khi đã lên bờ, về lại thủ đô, nhiều người trong đoàn đi vẫn còn chao đảo, chập chùng với Trường Sa, với Hải quân.
Lũ trẻ chơi ô ăn quan trên đảo. |
Gần lắm Trường Sa! Bài hát đó vang suốt chuyến đi trên tàu, trên đảo. Biết tôi được ra Trường Sa nhiều bạn bè bảo sung sướng, may mắn, vì ai cũng muốn được một lần đến đó nhưng không phải ai cũng được đi, bạn bảo vì đi Trường Sa còn khó hơn đi nước ngoài. Tôi đi trong đoàn đại biểu thành phố Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa.
Đoàn gồm đại diện của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, văn hóa văn nghệ của thủ đô. Chuyến đi do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, ngoài đoàn chính là Hà Nội (50 người), còn có đoàn của Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học xã hội Việt Nam ), báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, và một vài đoàn khác. Trưởng đoàn chung là bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, phó đoàn là Chuẩn đô đốc (thiếu tướng) Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Bộ đội Hải quân.
Nhưng tôi tin, dù chưa một lần đặt chân lên Trường Sa (cũng như Hoàng Sa), mỗi chúng ta cũng đều đã đến Trường Sa, Hoàng Sa trong tình cảm, trong việc làm. Như khi chúng tôi trên tàu, mọi câu chuyện nói gì rồi cũng quay về biển đảo, về chủ quyền đất nước trên sóng nước mênh mông.
Và tôi, chúng tôi, đã mang về từ Trường Sa những đường chân trời cho cuộc sống thanh bình, phẳng lặng của mình ở đất liền. Rồi từ đó chúng tôi và chúng ta lại khát khao những đường chân trời có thực, để đi và để đến. Bài thơ Đường chân trời tôi viết ngay trên hành trình, như một lời cảm tạ và nhắc nhở, trước hết cho bản thân mình.
Đường chân trời (Viết từ Trường Sa) Tôi nói cùng anh về đường chân trời không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển không phải nơi xa vời chân đi không thể đến không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi Là Cô Lin - Gạc Ma, sừng sững đường chân trời những chiến sĩ hải quân hy sinh vì nước máu các anh không thể nào tan được giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK người và sóng lắc lư trên biển những người lính lấy thân mình làm bến cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con đường chân trời chạy qua bao số phận người trên bờ mong trời yên biển lặng người giữa khơi lo yên ổn ở nhà Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa đường chân trời xa ngoài trùng biển cả đường chân trời gần trong vùng thương nhớ suốt đời ta mang nợ những chân trời Trường Sa 11-5-2010 |
Hà Nội 25-5-2010
Phạm Xuân NguyênTừ khóa » Câu đó Cuối đường Chân Trời Là Gì
-
Cuối đường Chân Trời Là Gì?
-
Đường Chân Trời Là Gì? Ý Nghĩa, ứng Dụng Của Đường Chân Trời?
-
Đường Chân Trời Là Gì ? Ý Nghĩa Thực Tế Như Thế Nào ?
-
Nơi Cuối Chân Trời Có Gì? - Facebook
-
Đường Chân Trời Là đường Giao Giữa? - Top Lời Giải
-
Đường Chân Trời Là Gì? Đường Chân Trời Cách Bao Xa?
-
Cuối Chân Trời Là Gì ??????????????????????????????? - Olm
-
Đường Chân Trời, đường Tầm Mắt Là Gì? - Phối Cảnh Hình Họa Căn Bản
-
Câu đố Về Chân Trời - Đố Vui |
-
Top 11 Đường Chân Trời Là Gì - Mobitool
-
Chân Trời – Wikipedia Tiếng Việt
-
đường Chân Trời«phép Tịnh Tiến Thành Tiếng Anh | Glosbe
-
Đường Chân Trời Là đường Giao Giữa? - Luật Hoàng Phi
-
Chạng Vạng Nghĩa Là Mấy Giờ?