Đường Chờ... Lún! - Tuổi Trẻ Online

9w5GddXG.jpgPhóng to
Đường chờ lún trên đường từ nội thành đi Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - Ảnh: N.C.T.
TT - Vài năm trở lại đây, bên cạnh cầu Văn Thánh 2 có nhiều sự cố đang thực hiện bù lún, nhiều công trình giao thông mới xây dựng ở TP.HCM cũng “ăn theo” giải pháp đường bù lún.

“Đường theo dõi lún”

Từ quận 4 vượt cầu Tân Thuận 2 qua quận 7, tấm bảng “đường chờ lún” đặt cạnh dốc cầu. Ở khu vực đường chờ lún, mặt đường sần sùi vì chỉ được láng nhựa (tưới nhựa và đổ đá dăm) nên xe cộ phải giảm tốc độ để giảm dằn xóc.

Từ quận 4 vượt cầu Kênh Tẻ qua quận 7 cũng có một tấm bảng “đường chờ lún”. Cả hai công trình trên vừa mới đưa vào sử dụng năm 2005, đang tiếp tục thi công phần vỉa hè.

Đường xuyên Á (quốc lộ 1A) từ giao lộ trạm 2 (Thủ Đức) đến ngã tư An Sương (quận 12) - mới đưa vào sử dụng cách đây vài năm - dù được thảm bêtông nhựa nhưng mọi người đều thấy rõ trên làn đường ôtô mặt đường bị nứt nẻ với tổng chiều dài vài kilômet.

Trong đó, có những đoạn đã được giặm vá nhưng mặt đường vẫn bị nứt, tập trung nhiều là ở khu vực phường Linh Trung (Thủ Đức), khu phố 1 và khu phố 3 phường An Phú Đông, quận 12.

Chủ đầu tư dự án đã cho gắn một tấm bảng “Đoạn đường đang theo dõi lún” trên con lươn giữa quốc lộ 1A.

4wHnBnRX.jpgPhóng to
Lún mố cầu Bình Triệu 2?

Tôi là người dân sống ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Từ khi cầu Bình Triệu 2 thi công xong và đưa vào sử dụng, hằng ngày khi đi làm ngang qua cầu tôi đã có cảm giác cầu bị lún ở mố cầu phía đông - hướng đi Bình Dương.

Qua hai năm theo dõi đến nay đã rõ nét cầu bị lún. Không biết các cơ quan quản lý đường bộ đã biết tình trạng của cầu này hay chưa? Khi sửa chữa các khe giãn nở, hình như các cơ quan quản lý chỉ biết thay thế chứ hầu như không tìm nguyên nhân.

Mong các cơ quan quản lý có trách nhiệm xem xét và có biện pháp xử lý vì nếu để lâu ngày sẽ khó sửa chữa hơn.

Không xác định thời gian lún

Theo ông Lê Quyết Thắng, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM - chủ đầu tư dự án cầu Tân Thuận 2 và cầu Kênh Tẻ, từ lúc thiết kế dự án Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã xác định công trình thi công trên nền đất yếu (có túi bùn dưới lòng đất) nên yêu cầu làm mặt cần láng nhựa thay vì thảm bêtông nhựa nóng.

Ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - nói đơn vị tư vấn cũng yêu cầu láng nhựa trên đoạn đường quốc lộ 1A có nền đất yếu. Thế nhưng, do mật độ xe lưu thông quá lớn nên UBND TP đã chấp nhận cho thảm bêtông nhựa để tạo êm thuận cho xe, thay vì láng nhựa.

Theo hai chủ đầu tư các dự án trên, trong quá trình thi công đơn vị tư vấn thiết kế đã không xác định thời gian đường tắt lún và khẳng định qua quan trắc mới có thể trả lời thời điểm đường tắt lún.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, qua quan trắc ở quốc lộ 1A đã biết được mỗi năm đường lún vài centimet và việc bù lún không ảnh hưởng gây lún nứt nhà dân. Tình hình đường trên nền đất yếu bị lún là bình thường như đường dẫn vào cầu Bình Phước được xây dựng từ năm 1972 đến nay đã lún khoảng 1m.

Một phó giám đốc Sở Giao thông công chính TP.HCM cho biết chủ đầu tư dự án đường Nguyễn Văn Linh - khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thực hiện giải pháp gia tải 28 tháng mới đạt chỉ tiêu cơ lý của nền đất, đường tắt lún.

Ở đại lộ đông - tây, thời gian gia tải phải 18-20 tháng mới có thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp trên với thời gian gia tải dài như vậy cho các công trình đường ở cầu Tân Thuận 2, cầu Kênh Tẻ... thì không có đường cho xe lưu thông.

Muốn đường tắt lún nhanh thì kinh phí đầu tư tăng gấp hai, ba lần...Vì vậy, các công trình sẽ thi công giai đoạn 1 chờ lún và đến giai đoạn 2 đường tắt lún mới hoàn chỉnh.

Không giống ai!

GS-TS N.V.Đ. - người đã tham gia nhiều hội đồng khoa học xem xét các công trình chịu động đất, nhà Quốc hội, cầu Cần Thơ... - nói vẫn có thể kiểm soát được thời gian chờ lún nếu thực hiện một số thí nghiệm. Vấn đề là Sở GTCC TP.HCM cần tập hợp các nhà khoa học, giảng viên đại học để giải quyết bài toán xây dựng công trình giao thông trên nền đất yếu.

PGS-TS Đặng Hữu Diệp cho biết không riêng gì ở TP.HCM, hiện nay cả nước có nhiều công trình thi công theo kiểu “đường lún và đường chờ lún”.

Đó là biểu hiện bất thường trong xây dựng các công trình giao thông, vì hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào hoàn thành xây dựng công trình mà còn gắn biển báo “đường chờ lún” như ở VN.

Liệu thực hiện giải pháp đường tắt lún kinh phí tăng hai, ba lần? PGS-TS Đặng Hữu Diệp nói hiện nay các nước trên thế giới đã áp dụng các công nghệ mới trên cơ sở an toàn và hiệu quả kinh tế nhất nên không thể có việc tăng kinh phí lên hai, ba lần.

Các nước đã áp dụng các công nghệ mới như cọc ximăng đất, cọc ximăng vôi... nhằm tăng độ chặt của nền đất trong khi trong nước vẫn áp dụng công nghệ cũ.

Ông Diệp khẳng định một công trình giao thông được xem là hoàn thành xây dựng thì không được để xảy ra lún và nếu lún thì độ lún phải nằm trong tầm kiểm soát theo tiêu chuẩn qui định để độ lún đó không gây hư hại công trình lân cận.

Nói một cách khác là không thể chấp nhận một công trình xây dựng giao thông mà chỗ nào cũng gắn bảng “chờ lún”.

Từ khóa » đoạn đường Chờ Lún