Đường Trường Sơn - Mega Story
Có thể bạn quan tâm
‘Không phải ngẫu nhiên đường Trường Sơn trở thành huyền thoại’
“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…
… Đông sang Tây không phải đường thư/ Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo/ Đông Trường Sơn cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo/ Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh/ Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những đoàn quân trùng trùng ra trận/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn”(Phạm Tiến Duật).
Ngày 19/5/1959 đi vào lịch sử dân tộc như một đấu mốc quan trọng khi Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược -đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Những chiến sỹ công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… bắt đầu triển khai mở rộng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, viết nên câu chuyện huyền thoại “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.”
Trên thực tế, đường Trường Sơn xuất hiện từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp với hình thức vận chuyển chủ yếu là gùi, thồ đơn giản. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thực tiễn cách mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải mở rộng đường hệ thống đường mòn Trường Sơn để chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt.”
Nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn lịch sử (tháng 5/1959), Hội nghị Trung ương lần thứ 15 khẳng định: “Đây là một việc làm lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.” Ngày 5/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền Nam (trực thuộc Bộ Tổng tham mưu) với nhiệm vụ: mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc phục vụ cách mạng miền Nam cũng như cách mạng Lào và Campuchia. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn.
Tuyến đường Trường Sơn trở thành huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến Miền Nam, nối dài ý chí, khát vọng của dân tộc. Đây cũng là “giao lộ” chung của ba nước Đông Dương trong cuộc chiến đấu trường kỳ bảo vệ độc lập dân tộc.
Một thế hệ đã gửi lại thanh xuân, máu xương giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp, ngút ngàn để huyền thoại bắt đầu. Đó là những tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc.
60 năm sau nhìn lại, Thiếu tướng Nguyễn Bà Tòng (Nguyên Chính Ủy Quân đoàn 12) vẫn chưa thể quên được những năm tháng rực lửa ấy. Ông tự gọi thế hệ của mình là thế hệ kỳ lạ khi đã dùng máu xương, tính mạng và cả tình yêu Tổ quốc nồng nàn để dựng nên huyền thoại đường Trường Sơn.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019), phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng về con đường đã đi vào lịch sử này.
– Đến nay, với nhiều người, việc hình thành đường Trường Sơn vẫn là một kỳ tích khó tin khi quân dân ta đã hoàn thành hàng vạn km đường trong điều kiên vô cùng thiếu thốn, phải đối mặt kẻ thù với quân sự vượt trội. Theo Thiếu tướng, điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng: Tôi vẫn nhớ, vào thời điểm năm 1968, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào chiến trường Miền Nam. Thế nhưng, khi tới Quảng Bình, Đại đội 3 của chúng tôi được giao nhiệm vụ bám trụ với đường Trường Sơn để mở đường. Vào thời điểm ấy, chiến sự tại khu vực tuyến huyết mạch này vô cùng khốc liệt. Ban ngày, máy bay trinh sát và tiêm kích của địch liên tục quần thảo và ném bom. Toàn bộ khu vực quanh Binh trạm 42 chúng tôi đóng quân bị cầy phá tan hoang.
Điều kiện khi đó cũng hết sức thiếu thốn. Chúng tôi chủ yếu mở đường bằng cuốc, xẻng thô sơ, thi thoảng mới sử dụng thuốc nổ và bộc phá. Thế nhưng, tinh thần của tất cả chiến sỹ lại hết sức cao. Chúng tôi đều xác định: phải mở đường, thông tuyến và không để cho xe dừng.
Về sau này khi nhìn lại, chúng tôi thấy rằng, tuyến đường mòn ấy là sự tổng hợp sức mạnh của ý chí, quyết tâm của bộ đội Trường Sơn nói riêng và là kết quả của sự chỉ đạo sáng tạo của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương. Bên cạnh đó, đó còn là sự tổng hòa của sức mạnh từ nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn. Đồng bào đã chở che, đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi từ hạt gạo đến nắm lá thuốc; bộ đội đi tới đâu, nhân dân sẵn sàng nhường đất, nhường nhà để làm đường. Nó thể hiện ý chí chung của cả nước từ quân đội đến nhân dân, tạo nên một sức mạnh tổng hợp lớn lao để quân, dân vượt lên tất cả khó khăn, gian khổ và hy sinh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”.
– Khi đánh giá về kỳ tích đường Trường Sơn, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Maxwell Taylor cho rằng: “Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần kiên quyết và đức tính hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của người Việt Nam, những cố gắng chống lại đường mòn Hồ Chí Minh đã thất bại.” Quan điểm của ông thế nào về cách nhìn nhận của phía Mỹ, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng: Đầu tiên, khi bước vào cuộc chiến này, phía Mỹ nhìn nhận rất khác. Họ nghĩ, với lợi thế đến từ những vũ khí, khí tài hạng nặng, trang thiết bị hiện đại, họ sẽ sớm đè bẹp” được bộ đội Việt Nam. Thế nhưng, khi đụng độ thì họ ngày càng cảm thấy khó khăn và bất lực.
Cho tới nay, có thể, phía Mỹ vẫn chưa công nhận sự thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng lại công nhận sự thua cuộc trên đường Trường Sơn bởi họ không thể ngăn chặn được đường Trường Sơn.
Ngay cả bản thân những người Mỹ cũng đã từng rất ngạc nhiên vì họ vốn nghĩ rằng, đó chỉ là con đường mòn. Ấy vậy mà con đường mòn ấy lại chiến thắng được tất cả những vũ khí thông minh, hiện đại của Mỹ; chiến thắng được tất cả mưu đồ chiếm niền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh ra khu vực Đông Nam Á của phía Mỹ.
Thậm chí, có người nước ngoài đã từng hỏi tôi: “Các ông sống như thế nào, chiến đấu như thế nào mà có thể thắng được?” Tôi trả lời rằng: “Người Việt Nam bao giờ cũng sống vì sự nghiệp lớn của Đảng và Nhà nước.
Bởi thế, chúng tôi luôn luôn khắc cốt ghi tâm rằng, phải thực hiện tốt lời Bác dạy: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng việc giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước là không thể thay đổi được.” Nếu như kẻ thù có tiềm lực về kinh tế, vũ khí thì chúng tôi lại có tiềm lực lớn về niềm tin, sức mạnh tinh thần.
Phải nói thêm, có sáu đời Tổng thống Mỹ liên quan tới những câu chuyện trên chiến trường miền Nam nhưng cuối cùng, họ vẫn không xoay chuyển nổi tình hình. Nhiều nhà báo, nhà văn và cả tướng lĩnh Mỹ đều nói: Thực sự không thể hiểu được điều gì đã làm nên tuyến đường Trường Sơn!
– Theo Thiếu tướng, đường Trường Sơn có ý nghĩa thế nào đối với toàn bộ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước?
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng: Ý nghĩa và vai trò của đường Trường Sơn là rất lớn; thể hiện được quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.” Việc mở đường Trường Sơn thể hiện được tất cả chiến lược, sách lược của Đảng cũng như tinh thần quả cảm của bộ đội Trường Sơn – tạo nên một con đường huyền thoại.
Đây vừa là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính cụ Hồ anh dũng, trí tuệ, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
– 60 năm sau, con đường huyền thoại ấy mang một sứ mệnh mới: Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tầm quan trọng đặc biệt trong tạo đà phát triển cho khu vực rộng lớn phía Tây đất nước. Cảm xúc của Thiếu tướng như thế nào mỗi lần quay lại con đường này?
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng: Mỗi lần có dịp trở lại chiến trường xưa, nơi đã dành cả thời trai trẻ của mình, lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc khó tả. Cuộc sống trên dãy Trường Sơn đã thực sự đổi khác rất nhiều, từ từng dòng sông, con suối, bản làng. Chiều chiều, nhìn các cháu thiếu nhi hồn nhiên vui đùa bên dòng sông, tôi lại cảm thấy rất bình yên.
Đặc biệt, với việc xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng tới mũi Cà Mau trên “nền móng” đường Trường Sơn xưa đã tạo nên một sức bật mới trong phát triển kinh tế của cả nước nói chung và đồng bào Trường Sơn nói riêng. Nó giống như một sự tri ân dành cho những người đã hy sinh tất cả cho con đường này.
– Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Huyền thoại một con đường qua những con số:
Hệ thống đường ôtô vượt Trường Sơn
Trong suốt 10 năm chiến đấu kiên cường (1965 – 1975), bộ đội Trường Sơn đã mở được mạng đường đa tuyến liên hoàn có tổng chiều dài gần 20.000km với 5 trục dọc, 21 trục ngang.
Đường ống xăng dầu
Từ năm 1968, Bộ đội Trường Sơn bắt đầu xây dựng đường ống xăng dầu từ Nam Đàn (Nghệ An), đến năm 1973, dòng xăng đã bơm tới Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống xăng dầu với 1.400km đường ống, 113 trạm bơm, 33 trạm cấp phát xăng dầu lớn, nhỏ, đưa dòng xăng từ miền Bắc đến các chiến trường chỉ cách Sài Gòn hơn 100km.
Đường ngụy trang kín
Từ mùa khô 1971-1972, để đối phó với máy bay AC.130 được trang bị hồng ngoại, có khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm, Bộ đội Trường Sơn đã mở con đường ở những cánh rừng lớn có cây che phủ; ở những nơi không đủ cây che phủ, bộ đội ta chặt cành cây hoặc làm giàn phong lan ngụy trang kín đường cho xe chạy ban ngày, nâng tốc độ vận chuyển lên gấp 2 đến 3 lần so với tốc độ đi trong đêm tối. Con đường đặc biệt này dài tới 3.000km.
Đường sông
Từ những năm đầu, Bộ đội Trường Sơn đã tận dụng các sông, suối để vận chuyển hàng bằng thuyền, bè, hoặc thả hàng trôi sông để trạm phía dưới đón nhận. Đặc biệt, đã sử dụng công binh để chinh phục những dòng thác dữ, sử dụng vận chuyển cơ giới (thuyền máy) trên sông. Chiều dài của hệ thống đường sông gần 500km.
Hệ thống thông tin
Để đảm bảo sự chỉ huy thông suốt trên toàn địa bàn rộng tới 132.000km2, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống thông tin tải ba dọc theo đường Đông – Tây Trường Sơn, kéo dài tới Lộc Ninh, phối hợp với mạng thông tin tiếp sức được triển khai trên toàn tuyến. Ngoài ra, còn có mạng vô tuyến điện báo và hệ thống thông tin dây bọc ở tất cả các đơn vị.
Mạng lưới thông tin này đã đảm bảo sự chỉ huy thống nhất trực tiếp từ Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng tới Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các đơn vị trên toàn mặt trận, đảm bảo thông suốt, bí mật, kịp thời, bất chấp bom đạn của kẻ thù đánh phá ác liệt. Đặc biệt, mệnh lệnh Tổng tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa Xuân năm 1975, đã truyền qua thông tin đến các Quân đoàn, đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng” (ngày 7/4/1975).
Trung đội nữ lái xe duy nhất vượt Trường Sơn khói lửa
Năm 1966-1967, Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc. Không quân Mỹ dốc sức ngăn chặn các tuyến giao thông vận tải chi viện cho miền Nam, đặc biệt ở trục vượt khẩu lên Tây Trường Sơn.Trước tình hình này, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra Nghị quyết “Củng cố lực lượng, dồn dịch số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm vào sâu các hướng chiến trường,” đồng thời đưa ra một quyết định táo bạo: Thành lập đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn để hỗ trợ cho các kho trạm, lực lượng cửa khẩu…
Cũng bắt đầu từ đây, một huyền thoại kỳ lạ nữa ra đời trên cung đường mòn huyết mạch.
Những nữ tài xế tuổi đôi mươi
Bà Bùi Thị Vân, năm nay đã 73 tuổi nhưng những ký ức về một thời ôm vô lăng tải đạn, tải thương trên cung Trường Sơn vẫn còn y nguyên trong tâm trí. Chỉ lên bức ảnh đen trắng chụp một cô gái trẻ măng đứng bên chiếc xe Gaz 51, bà cười bảo: “Ngày Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh được thành lập, chị em chúng tôi đều ở độ tuổi hai mươi. Vào chiến trường nhưng tất cả vẫn vô tư lắm, không nghĩ gì đến sống chết cả.”
Nói về cơ duyên đưa mình đến cái nghiệp vốn tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới, bà kể, khi mới 16 tuổi, bà đã trốn nhà, tình nguyện xin vào lực lượng thanh niên xung phong. Ngày rời quê hương lên đường vào chiến tuyến, gia đình bà đã khóc hết nước mắt vì thương cô con gái nhỏ thó, gày gò.
3 năm lăn lộn làm đường, xây sân bay Yên Bái, Vân lần đầu tiên ý thức hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Máy bay Mỹ ầm ì lượn trên đầu. Bom rải rát rạt khiến cả đội phải sơ tán liên miên. Có những sáng thức dậy ra công trường, cô gái 16 tuổi chỉ còn thấy lỗ chỗ những hố bom đen ngòm và vẫn còn nghi ngút khói.
Đến năm 1968, chiến sự càng lúc càng leo thang. Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm với ý đồ cắt đứt huyết mạch cho viện từ Miền Bắc cho miền Nam. Lúc này, đoàn 559 được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp đôi.
“Lái xe nam khi đó không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để lập đội lái xe vận tải hỗ trợ đưa hàng và người vào chiến trường. Nghe tin này, dù biết sẽ rất nguy hiểm, nhưng tôi cùng một số chị em vẫn quyết tâm viết đơn tình nguyện lên đường,” bà Vân kể lại.
Cùng tình nguyện với Vân còn gần chục nữ thanh niên xung phong khác. Cuối năm đó, chiếc xe tải cỡ lớn ậm ạch chạy về phía Thanh Hóa, Nghệ An chở theo hơn chục cô gái đôi mươi đang không ngừng hát.
Bà Nguyễn Thị Kim Quy (Đào Tấn, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm giác nao nao trên chuyến xe vào chiến tuyến ấy. Bà bảo: “Khi ấy, chúng tôi đều còn rất trẻ, chẳng biết sợ là gì, chỉ muốn được đóng góp sức mình cho đất nước, cho cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc. Đi xa, đi vào chiến trường thật nhưng ai cũng vui như Tết!”
Một khóa huấn luyện cấp tốc kéo dài 45 ngày đã được tiến hành ngay dưới các tán rừng của Thanh Hóa và Nghệ An. Những cô nữ dân công vốn chỉ quen với phá đá, mở đường lần đầu tiên được “hưởng” cảm giác ngột ngạt, oi nồng dầu máy của cabin.
“Trường lái của chúng tôi khi đó chỉ là những trảng đất trống mấp mô. Bom đạn khoét xuống đất những hầm hố sâu hoắm. Thầy dạy là các anh lái xe đã có kinh nghiệm. Cứ vừa lái vừa tập tránh hố bom, vượt địa hình. Lạ cái là chỉ hơn 1 tháng, tất cả chị em đều có thể bon bon chạy xe rồi,” bà Quy kể lại, giọng hứng thú.
Tới ngày 18/12/1968, tại xã Hưng Phổ, Hương Khê, Hà Tĩnh, Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh chính thức ra đời với 45 cô gái miền Bắc đang căng tràn thanh xuân. Nhiệm vụ chính của Trung đội là chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có những lúc do yêu cầu nhiệm vụ, đội lái xe ấy còn phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.
Tay run run lật mở lại bản danh sách đồng đội, bà Vân lẩm nhẩm: “Em út của chúng tôi là cô Xuân [Đặng Thị Như Xuân – PV], khi ấy mới tròn 18. Lớn nhất là chị Phóng [Nguyễn Thị Phóng – PV] cũng chỉ 23 tuổi. Lắm khi đi tải đạn, chị em còn hồn nhiên hát hò; thấy đồi sim chín mọng cũng dừng lại tranh thủ vào ăn.”
Trong sáng là thế, nhưng khi làm nhiệm vụ, 45 cô gái Trường Sơn lại bỗng hóa thành những người lính gan dạ và kiên cường.
Vượt những cung đường đỏ lửa
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người nữ lái xe năm xưa. Lặng đi chừng vài phút, bà Vân bắt đầu kể về những chuyến xe đầu tiên của mình: “Hồi ấy, mặc dù được học lái rồi, nhưng những chuyến đầu tiên chúng tôi vẫn rất sợ.”
Để đảm bảo an toàn, ban đầu, Trung đội nữ được bố trí đi giữa đội hình, phía trước và sau đều có xe của các nam đồng nghiệp “yểm trợ.” 5 giờ chiều, cả đoàn gần chục chiếc Gaz từ Vinh chuyển bánh hướng về phía vĩ tuyến 17. Trời cuối năm hun hút gió và rét căm căm. Ghế lái xe tải thì cao, buộc chị em phải kê can lên; phía sau lưng cũng được đệm bằng balo để vừa tầm vô lăng. Ngồi trong cái cabin chật chội ấy nhìn ra con đường gồ ghề chạy sát bên mé vực, Vân khẽ rùng mình.
Chỉ chạy được một lúc, bóng tối đã sầm sập kéo về. Để đảm bảo bí mật, chỉ duy nhất một ngọn đèn rùa dưới gầm xe được bật. Khoảng sáng leo lét, chập chờn chỉ đủ chiếu rọi khoảng 1m đường phía trước mặt. Xe ậm ì, khó nhọc nương theo thứ ánh sáng “đom đóm” ấy mà tiến lên. Vừa lái, vừa căng mắt ra nhìn đường, vừa cố nghe tiếng động cơ của xe phía trước, trong phút chốc, mồ hôi trên tay các cô gái đã rịn đầy vô lăng, ướt đầm lưng áo. Có chị em sợ đã phải bật khóc. Nhưng xe vẫn đi vì hàng phải được chuyển. Sau một, hai chuyến, cả đội bắt đầu quen với những cung đường.
“Hồi đó, chúng tôi lái bằng cảm tính là chính, đi miết thành quen, tự hình thành phản xạ. Những đoạn xe chạy sát mé vực thì gần như không dám thở mạnh, chỉ sợ lãng đi một chớp mắt thì tất cả người và hàng đều xuống vực sâu,” bà Vân hồi tưởng.
Căng thẳng nhất là những lần lái xe gặp phải bom của kẻ thù. Trong một lần chở thương binh về Vinh, xe của Vân gặp máy bay Mỹ. Lúc này, từ phía thùng xe, gần chục thương binh vỗ ầm ầm vào thành hét lớn: “Các cô chạy đi, bỏ xe chạy đi, kệ chúng tôi! Chúng tôi bị thương rồi, có chết cũng không sao! Chạy nhanh đi!”
“Lúc ấy, tôi vừa hoảng vừa thương, nghĩ anh em đã chiến đấu đến mất một phần xương máu, gửi lại một phần cơ thể ở chiến trường rồi, giờ phải cứu họ bằng mọi giá, sao có thể bỏ lại đồng đội chỉ vì lo cho an toàn của bản thân,” bà Vân run run. Không còn nghĩ được nhiều, Vân bẻ lái, tăng ga chạy vào một nhánh đường nhỏ. Bom vẫn ì ầm nổ. Có chết, chúng em sẽ cùng ở lại với các anh. Chúng em sẽ không bỏ xe, bỏ người lại. May sao, lúc này có đoàn công binh gần đó phát hiện xe nên đã chạy tới, cõng thương binh vào nơi trú ẩn an toàn…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng chưa khi nào bà Quy quên những ký ức trên cung đường lửa. Cuối năm 1969, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, bà ngỡ mình đã vĩnh viễn nằm lại với núi rừng.
Đó là câu chuyện xảy ra ở ngầm Tân Đức (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Tại đây, có đường cho bộ và đường cho xe goòng. Lau sậy kín mít xung quanh, rất khó phân biệt. “Hôm đó, khi đang lái xe tới khu vực này, tôi bỗng nghe tiếng bom nổ ầm ầm bên cạnh. Tôi cuống lên, không còn định hình được đâu là đường bộ, đâu là đường cho xe goòng. Bất chợt, tôi thấy mình quay cuồng, đầu óc choáng váng, cùng với đó là hàng loạt tiếng động ầm ầm xung quanh. Khi trấn tĩnh lại được, tôi thấy chiếc xe của mình đã lăn cả chục mét, hỏng hóc nặng nề: ắc quy vỡ nát, sắt xi cong vênh. May mắn khi đó có đồng đội hỗ trợ kịp thời nên tôi mới thoát chết,” bà Vân kể.
Sống và chết chỉ cách nhau một lằn bánh xe, một con dốc đứng là thế nhưng điều may mắn là không ai trong số 45 nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy tử trận. Họ vẫn hồn nhiên dưới mưa bom, bão đạn; hồn nhiên hát lên những bài ca trong cabin nồng mùi xăng. Trên mỗi chuyến xe, họ mang theo những thứ hành trang vô cùng đặc biệt và rất… con gái. Đó là những chùm hoa rừng Vân hay treo lên buồng lái mỗi khi khởi hành; là bó bồ kết đung đưa theo từng vòng xe của Quy; là những lá thư từ hậu phương giấu kín trong túi ngực.
“Thời ấy, ngày ngày phải đối mặt với mưa bom bão đạn nhưng chúng tôi chẳng biết sợ là gì! Cuộc sống thiếu thốn, vất vả nhưng chẳng ai kêu ca nửa lời. Thậm chí, chúng tôi còn dể dành lương khô để gồng gánh về quê mỗi lần được về phép. Có đợt, tôi gom góp, dành dụm được bốn thùng lương khô để mang về quê đấy,” bà Quy hào hứng kể.
Những nữ lái xe tải Trường Sơn yêu đời, yêu người nhưng lại rất ít người trong số ấy có những mối tình riêng. Bà Quy bảo: “Với chúng tôi, chẳng có gì là riêng tư, bí mật! Mỗi khi, có chị em nào nhận được thư, cả hội xúm vào đọc chung, hồi hộp mở chiếc phong bì, nắn nót lật những nếp giấy gấp, háo hức như thư của chính mình. Chúng tôi sống, sẻ chia với nhau mọi thứ từ chiếc kẹo bột đến chiếc kẹp tóc như trong một gia đình. Ai mua được gì, chúng tôi cũng dùng chung. Thậm chí, trong đội, có người có một chiếc áo đẹp, chúng tôi cũng thay nhau mượn mặc trong những dịp đặc biệt…”
Triền miên trong câu chuyện, người nữ lái xe can trường năm xưa bảo, sự tếu táo, tình đồng đội đã làm vợi bớt nỗi nhớ nhà của những cô gái đang độ xuân thì, giúp họ băng qua bom đạn vì miền Nam phía trước. “Ngày ấy, cuộc sống thiếu thốn đến mức, một người em trai họ của tôi còn đùa với một anh bộ đội rằng, anh chỉ cần cho em một chiếc balô mới hay một hộp cờ-lê thôi, em bảo gia đình gả chị Quy cho anh ngay,” bà Quy nhớ lại.
Bằng sự hồn nhiên mà can trường ấy, 45 cô gái vượt qua bom đạn để trở về với đời thường. Hơn 50 năm sau, người còn, người mất, nhưng cứ tới dịp này, họ lại quây quần lại với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện xưa cũ rích. Ký ức về những ngày đánh xe qua tuyến lửa Trường Sơn vẫn chưa bao giờ tắt trong những cô gái anh hùng./.
Khi gặp các chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cảm nhận: “Gặp chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, tôi liên tưởng đến các nữ vệ quốc của Liên Xô, các nữ phi công Liên Xô chống phát xít Đức. Tôi thấy tự hào về phụ nữ Việt Nam.”
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn là đội nữ duy nhất trong hai cuộc kháng chiến; trung đội nữ lái xe cũng là đơn vị huấn luyện, đào tạo lái xe nữ duy nhất của quân đội. Năm 1970, trung đội nữ lái xe được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba, 28 người được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng ba, nhiều người là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Năm 2014, đại đội nữ lái xe C13 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trường Sơn huyền thoại: Nỗi niềm của những nữ nhân ‘chân đồng vai sắt’
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được” và đặt tên cho B3, Đoàn 559 là “Trung đội nữ công binh thép.”
“Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ, chúng tôi phải lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng, thay cho môi son. Những ngày ‘đến tháng’ chị em trong đoàn ai cũng đeo lủng lẳng một vỏ ống bơ sữa để đi đến đâu dừng chân là mang ra luộc vải xô. Quần áo thì mang đi hong ở ‘bếp Hoàng Cầm’ cho đỡ ẩm ướt. Mùa khô thì càng hiếm nước nên ai cũng ghẻ lở và rụng hết cả tóc.”
Những hồi ức được kể lại nghe vừa như đùa mà lại thật đến xót xa của cựu nữ Đoàn Văn công “Tiếng hát át tiếng bom” Nguyễn Thị Bích Liên đã tái hiện lại quãng thời gian đầy gian khó mà hào hùng của những người lính bước ra từ con đường huyền thoại Trường Sơn năm nào.
Những nỗi niềm chôn giấu…
Dưới đại ngàn Tây Nguyên, những nữ chiến sỹ tham gia các lực lượng trên tuyến lửa Trường Sơn đã phải trải qua những cảm xúc cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…
Tất cả đã nén vào sâu trong tim của những đôi vai tưởng chừng bé nhỏ mà hóa ra sức mạnh lại thật khủng khiếp giữa chiến trận, góp phần nhào nặn nên một thế hệ nữ anh hùng bất khuất cho dân tộc.
Họ, đối diện với đạn bom, với cái chết thì không sợ. Thế nhưng, gác súng lại, bên trong lớp áo trắng blouse, hay phía sau vô lăng…, những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn ấy lại vẫn có những nỗi sợ rất “nhi nữ thường tình”: sợ vắt, sợ ma, sợ xấu, sợ rụng tóc…
“Theo quy định, chị em khi làm nhiệm vụ là phải búi tóc để đảm bảo an toàn. Chúng tôi thường dùng cặp ba lá cặp 1/3 tóc giữa và 2 cặp ba lá búi hai bên thành trái đào. Nhiều khi chị em vừa gội đầu xong có máy bay ném bom cũng phải búi lên đi làm nhiệm vụ. Thêm nữa, ở chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra,” cô Nguyễn Thị Oanh (C22, E529, F472, Bộ đội Công binh Đoàn 559) bồi hồi nhớ lại.
Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện không đáp ứng: “Ở chiến trường, con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suốt thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay xô và quấn lại cho vào balô, đợi ngày hôm sau hành quân ra suối mới được giặt.”
Những “kiện tướng chân đồng, vai sắt”
Run run xúc động khi được “chạm” lại những hồi ức hào hùng năm xưa, cô Nguyễn Thị Huấn (C2, Tiểu đoàn 232, Cục Hậu cần, Quân khu V) kể: “Mỗi năm tôi gùi khoảng 20 tấn hàng, gần 3 lần khối lượng trung bình của đồng đội nên khi mới 17, 18 tuổi được phong danh hiệu kiện tướng ‘chân đồng, vai sắt.”
“Năm 1969, có khẩu pháo nặng gần 100kg, cả bốn đại đội đều không dám nhận do nó cồng kềnh. Tôi đã xung phong đảm nhận, ngày đêm suy tính cách vận chuyển. Tôi lấy một tấm ván làm mặt phẳng cột khẩu pháo vào và nhờ đồng đội khiêng lên vai. Có hai đồng đội đi theo để phát quang đường rừng, làm chỗ vịn khi tôi leo dốc và khi nghỉ. Bốn ngày ròng gùi pháo, trừ lúc ngủ, tôi ăn, nghỉ ở tư thế đứng vì nếu ngồi phải tháo hàng ra sẽ rất khó để nâng lại lên vai.”
Vậy đó, những thiếu nữ đương độ “bẻ gãy sừng trâu” khi xung trận đã tận hiến đến cùng sức lực cho cuộc chiến bảo vệ đất nước. Sức mạnh tuổi trẻ cùng với sức mạnh tinh thần và ý chí chiến đấu ngoan cường đã tạo nên những nữ chiến binh bất bại khi Tổ quốc lâm nguy.
Trong lá thư viết ngày 25/2/1968 của liệt sỹ Nguyễn Thị Ngọc Tuân gửi cho chị gái có kể lại hành trình gian nan của những cuộc hành quân nhưng vẫn ngời lên một tinh thần lạc quan về tương lai: “Cuộc hành quân vừa rồi thật là vất vả, cheo leo trên đỉnh núi, chỉ có một con đường độc đạo và chỉ một người đi vừa, hai người ngược chiều mà không khéo thì lăn xuống sông Long Đại chỉ còn xương không hoặc làm mồi cho cá.”
“Chúng em vai vác nặng phải leo những cái dốc rất cao, có cái dốc đi từ 6 giờ sáng cho tới 6 giờ tối lên tới đỉnh dốc và từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng mai mới tới chân dốc, như vậy là đi 24 tiếng đồng hồ mới hết dốc. Tháng Ba này chúng em lại lên đường hành quân và còn phải trèo qua một cái dốc cao 1.300 bậc lên tới đỉnh thì sẽ thấy được giữa lòng đất miền Nam, nhìn được Lào, nhìn thấy miền Bắc xã hội chủ nghĩa đẹp lắm chị ạ.”
Tuy cực là thế, nhưng trong ký ức của những “cô gái” năm ấy, ở chiến trường luôn ấm tình đồng chí, đồng đội và chính những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chị em cũng thường hát hò, động viên nhau khiến bước chân người lính hành quân ra trận cũng trở nên nhẹ nhàng, tâm hồn vui tươi, thanh thản.
Hồi ức của một nữ chiến sỹ đường Trường Sơn huyền thoại.
Tham gia lực lượng cầu đường, ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom trên cao, trực barie, những người lính trẻ còn phải chuẩn bị đá để khi nước rút là lấp vào các hố bom dưới ngầm Tà Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8km lúc nào cũng phải đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Nơi đây chính là tọa độ địch bắn phá ác liệt nhất, ngầm phải xây đi xây lại nhiều lần.
Chẳng thế mà, tháng 3/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến đến thăm trung đội B3, Đoàn 559 đã phải thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được” và đặt tên cho B3 là “Trung đội nữ công binh thép.”
Có thể nói, hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra những anh hùng cho Tổ quốc hay những anh hùng đã kịp sinh thời để bảo vệ toàn vẹn quốc gia. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm “Kiêu hãnh Trường Sơn” và vẫn không quên những nghĩa cử cao đẹp nhằm tri ân các đồng đội đã giữ mãi tuổi xuân ở lại chiến trường…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”
“Các nữ chiến sỹ Thanh niên xung phong, công binh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng yêu nước của phụ nữ Việt Nam, mãi mãi đi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc ta.”
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh – Có một Trường Sơn thu nhỏ ở Hà Nội
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh phản ánh một cách sinh động sự trưởng thành lớn mạnh của Bộ đội Trường Sơn trên con đường huyền thoại với ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, trí thông minh của con người Việt Nam và tình đoàn kết chiến đấu của 3 dân tộc Đông Dương, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn mùa Xuân 1975, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Bảo tàng là công trình văn hóa mang tính đặc thù của Bộ đội Trường Sơn, là nơi duy nhất ở Việt Nam lưu giữ những kỷ vật,hồi ức về một con đường bằng một bảo tàng riêng: Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh có diện tích trưng bày trong nhà là 2.700m2. Tới đây, người xem được nhìn tận mắt con đường Trường Sơn thu nhỏ để thêm trân trọng những cống hiến, hy sinh của những người con một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Chia sẻ:
- Tweet
Có liên quan
Từ khóa » Hình ảnh đường Trường Sơn Huyền Thoại
-
Những Hình ảnh Hiếm Về đường Trường Sơn Huyền Thoại - VBSP
-
Con đường Trường Sơn Huyền Thoại Với Sự Nghiệp Kháng Chiến ...
-
Những Hình ảnh Hiếm Về đường Trường Sơn Huyền Thoại
-
Những Hình ảnh ít Người Biết Về đường Trường Sơn Huyền Thoại
-
Loạt ảnh Mới Công Bố Về đường Trường Sơn Huyền Thoại - Dân Việt
-
Đường Trường Sơn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Mãi Tự Hào đường Trường Sơn Huyền Thoại - Quân Khu 2
-
đường Trường Sơn Huyền Thoại - Báo Hà Tĩnh
-
Nghệ Thuật Chiến đấu Trên Con đường Trường Sơn Huyền Thoại
-
Những Nữ Anh Hùng Trở Về Từ Trường Sơn Huyền Thoại
-
Hình ảnh Tuyên Thệ, Vượt Núi Băng Rừng Trên đường Trường Sơn ...
-
Đường Trường Sơn Huyền Thoại - Báo Bà Rịa Vũng Tàu Online
-
Tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Bộ Quốc Phòng