Duy Trì Mức Sinh ổn định Trong 10 Năm Qua - Hoạt động Y Tế

Duy trì mức sinh ổn định trong 10 năm qua Ngày đăng 30/12/2019 | 22:44 | Lượt xem: 796

Kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vừa được công bố ngày 19/12 tại Hà Nội, tổng dân số của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm). Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất; Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất cả nước.

Theo kết quả điều tra, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).

Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3‰; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰) và Tây Nguyên (6,8‰). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1‰).

Đáng chú ý, kết quả điều tra cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), ngược lại, Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng 2 thập kỷ qua. Khu vực thành thị có tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn khu vực nông thôn.

Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030).

Tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số. Như vậy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới.

Tuy nhiên, kết quả Tổng điều tra cũng chỉ ra một thực tế rằng, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Đây là một thành tựu nhưng cũng là thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh và thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Nó đặt ra những thách thức trong việc vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng cơ cấu dân số vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, công tác dân số cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế… Để giải quyết các thách thức trên, công tác dân số trong thời gian tới tiếp tục chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Doãn Xuân

ad syt ad

Các tin khác
  • Đẩy mạnh phối hợp liên ngành chung tay xây dựng cộng đồng an toàn trên địa bàn huyện Ứng Hòa
  • TTYT huyện Đông Anh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
  • Quận Hà Đông mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS
  • Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030
  • Giám sát công tác triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt II/2024
  • Hà Nội triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 35 tháng tuổi
  • Dinh dưỡng cộng đồng
  • Phòng chống tại nạn thương tích
  • Y tế học đường
  • Tiêm chủng mở rộng
  • Phòng chống HIV/AIDS
  • Bảo hiểm y tế
  • Tác hại thuốc lá
  • Y học cổ truyền
Về đầu trang

Từ khóa » Mức Sinh ổn định