Ê-Xơ-Tê - HỘI THÁNH KIỀN BÁI

Ê-Xơ-Tê

I/. TÁC GIẢ SÁCH Ê-XƠ-TÊ:Không biết rõ tác giả là ai. Nhưng căn cứ vào nguyên văn Hi-bá-lai, có xen vào vài tiếng Ba-tư, tỏ ra tác giả là người Y-sơ-ra-ên nhưng có tiếp xúc với người Ba-tư.Câu chuyện trong sách tỏ ra tác giả biết rất rõ mọi việc xảy ra và tên các nhân vật trong sách.Do đó, có ý kiến cho rằng tác giả sách là Mạc-đô-chê.II/. NIÊN HIỆU SÁCH Ê-XƠ-TÊ:Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý sách Ê-xơ-tê được viết trong khoảng giữa sách E-xơ-ra đoạn 6 và đoạn 7, nghĩa là giữa khoảng thời gian xây cất Đền thờ đời Xô-rô-ba-bên với lần hồi hương của E-xơ-ra, tức là độ 40 năm sau khi Đền thờ được xây xong, và 30 năm trước khi tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem.Tổng kết thời gian như sau:
NĂM TC.SỰ KIỆN
536Dân Y-sơ-ra-ên hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên
536 – 516Đền thờ được xây lại
478Ê-xơ-tê được làm Hoàng hậu
473Ê-xơ-tê cứu dân Y-sơ-ra-ên
457E-xơ-ra dẫn dân Y-sơ-ra-ên hồi hương
444Nê-hê-mi xây lại vách thành
III/. SỰ QUAN TRỌNG CỦA SÁCH:
  1. Về phương diện Lịch sử:
Sách Ê-xơ-tê ghi lại biến cố quan trọng trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên: Dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi một lịnh diệt chủng!Qua hai lần hồi hương với Xô-rô-ba-bạn (Exơra 2:64-67; Nêhêmi 7:66-69) chưa đến 50,000 người. Nhiều người Y-sơ-ra-ên đã sinh cơ lập nghiệp tại Ba-by-lôn và một số khu vực khác rải rác trong khắp Đế quốc Ba-by-lôn bao la, nên họ không muốn trở về chính quốc Y-sơ-ra-ên của mình.Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng nhờ ảnh hưởng của Ê-xơ-tê với 15 năm trên ngôi Hoàng hậu, nên Nê-hê-mi đã có cơ hội tái thiết thành Giê-ru-sa-lem (Nêh. 2:1-8) vào đời vua Ạt-ta-xét-xe, là con riêng của vua A-suê-ru.
  1. Về phương diện kinh điển:
Sách Ê-xơ-tê được người Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh đầu tiên liệt vào một bộ với cách sách Ru-tơ, Truyền đạo, Nhã ca, và Giê-rê-mi.
  1. Về phương diện Tôn giáo:
Hằng năm người Y-sơ-ra-ên vẫn giữ Lễ Phurim (Ê-xơ-tê 9:26-28, Lễ Phurim nhằm ngày 14-15 tháng A-đa [tháng 12] Y-sơ-ra-ên) nhằm tháng 3 dương lịch, lúc sao (ngôi sao Ê-xơ-tê) bắt đầu mọc, thì người Y-sơ-ra-ên thắp nến, họp lại trong Nhà Hội, cầu nguyện, tạ ơn Chúa ngắn, đọc sách Ê-xơ-tê. Khi đọc đến tên Ha-man thì cả hội chúng Y-sơ-ra-ên la lên: Nguyện tên hắn phải bị xóa đi. Trong khi đó trẻ con chơi trò ném đá vào một bảng có viết tên Ha-man.Cho đến ngày nay, người Y-sơ-ra-ên vẫn giữ Lễ Phurim, trong Lễ đó họ đọc sách Ê-xơ-tê.IV/. ĐẶC ĐIỂM SÁCH Ê-XƠ-TÊ:Đặc điểm của sách Ê-xơ-tê cũng như của sách Nhã ca là cả hai sách đều không chép Danh của Chúa. Có các ý kiến giải thích như sau:
  1. Trong lúc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, dường như họ nghĩ Đức Chúa Trời không còn ở với họ nữa (Thi thiên 42:3, 10), nên Chúa cho phép sách Ê-xơ-tê được viết ra để chứng minh Chúa vẫn âm thầm ở giữa họ Theo Tiến sĩ Fausset.
  2. Mathew Henry nói: Nếu chúng ta không thấy Danh Đức Chúa Trời trong sách, nhưng chúng ta vẫn thấy ngón tay của Ngài trên dân Chúa.
  3. Ý kiến thứ ba: Vì sách nầy được viết ra trong thời kỳ nước Ba-tư cai trị, nội dung sách nói đến sự đắc thắng của người Y-sơ-ra-ên, nên có thể qua sự kiểm duyệt của người Ba-tư, người Ba-tư loại bỏ Danh Giê-hô-va. Tuy nhiên, họ đã không thể loại bỏ được công việc của Chúa.
  4. Theo J. Sidlow Baxter: “Danh Giê-hô-va đã được viết kín giấu 4 lần theo thể thơ chữ đầu (acrostic) và 1 lần cùng với Danh Ehyed [Ta là Đấng Tự Hữu]. Năm lần đó là: 1:20; 3:4, 13; 17:7, 5. Những Danh xưng nầy viết theo những phụ âm JeHoVah [JHWH]. Trong hai trường hợp đầu được dùng theo chữ đầu của từ ngữ và những trường hợp sau được dùng bằng chữ cuối cùng của các từ.
  5. Dù không viết rõ Danh Chúa nhưng 4:14 tỏ ra lòng tin cậy nơi sự chọn lựa của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên, Ngài không bao giờ bỏ họ
  6. Đoạn 4:16 và 9:31 đề cập đến sự kiêng ăn cầu nguyện là nói đến lời dạy của Đức Chúa Trời.
V/. BỐ CỤC:Đề mục: SỰ BẢO HỘCâu gốc: 4:14
  1. DỰ BỊ BẢO HỘ – 1: -2:
    1. Ê-xơ-tê được ngôi Hoàng hậu – 1: - 2:20
    2. Mạc-đô-chê lập công – 2:21-23
  2. NHU CẦN BẢO HỘ – 3:
    1. Vì lòng kiêu ngạo của Ha-man – 3:1-6
    2. Vì lịnh diệt chủng tuyển dân – 3:7 - 15
  3. BẰNG CHỨNG SỰ BẢO HỘ – 4: -10:
    1. Tiêu diệt kẻ thù – 4: - 9:
    2. Tôn trọng người tin cậy – 10:
Chúng ta cũng có thể chia Bố cục theo thời điểm ba bữa tiệc quan trọng trong sách:
  1. Đại Tiệc của vua A-suê-ru – 1: - 2:
(Ê-xơ-tê lên ngôi Hoàng hậu)
  1. Đại Tiệc của Ê-xơ-tê – 3: 7:
(Haman chết)
  1. Đại Tiệc của dân Y-sơ-ra-ên – 8: - 10:
(Lễ Phu-rim, dân Y-sơ-ra-ên đắc thắng)Sách Ê-xơ-tê là sách viết theo thể ‘Kịch’VI/. NHỮNG NHÂN VẬT ĐÁNG NHỚ:
  1. Vua A-suê-ru:
Sách bắt đầu bằng sự giới thiệu tên vua A-suê-ru là người cai trị 127 tỉnh từ Ê-thi-ô-bi đến Ấn Độ.Lúc đầu những người học Kinh Thánh không biết vua A-suê-ru là ai, sau nhờ một sinh viên Đại học Gưttingen, tên là Goerge Friedrich Grotefend nhẫn nại tìm cách giải thích những thủ bản tìm thấy ở thành phố Ba-tư cổ là Persepotis, tên con trai của Đa-ri-út được giải ra là Khshayarsha, dịch sang Hi-văn là Xerxes, dịch từng chữ sang tiếng Hi-bá-lai là Akhashverash, trong Anh ngữ là Ahasuerus. Như vậy tên Ahasuerus đọc theo âm tiếng Ba-tư, cai trị đế quốc Ba-tư từ 485 – 465 TC.Ahasuerus nầy đã ra lịnh xây một chiếc cầu ngang eo biển Hellespont để vua kéo quân sang tấn công quân Hi-lạp. Nhưng chiếc cầu bị gió bão phá hủy. Vua Ahasuerus tức giận mù quáng ra lịnh đánh 300 roi trừng phạt biển, cho làm một cặp xiềng sắt ném xuống biển để xiềng biển lại, sau đó cho chặt đầu tất cả những người xây cầu. Đây là cuộc viễn chinh đánh người Hi-lạp nổi tiếng của vua Ahasuerus.Đại Tiệc trong Ê-xơ-tê 1: là dịp vua lập kế hoạch đi đánh Hi-lạp vào năm thứ 33 trị vì của vua. Kế hoạch nầy chuẩn bị 4 năm. Vua đã dẫn 5 triệu quân viễn chinh (giữa đoạn 1 và đoạn 2). Vua A-suê-ru bị thảm bại tại Thermopylae và Salamis.Bốn năm sau (2:16) so với 1:3, A-suê-ru chọn Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu (2:16), có lẽ để tìm sự an ủi sau khi bại trận.
  1. Ê-xơ-tê:
Ê-xơ-tê là một cô gái mồ côi người Y-sơ-ra-ên, con của A-bi-hai (2:13), cậu của Mạc-đô-chê bị phu tù tai Ba-tư. Ê-xơ-tê được mạc đô chê nuôi dưỡng (2:7).Tên của Ê-xơ-tê theo tiếng Ba-tư có nghĩa là Ngôi Sao; tên Hadassah tiếng Hi-bá-lai có nghĩa là Cây Mía.Ê-xơ-tê được tuyển chọn làm Hoàng hậu thay cho Hoàng hậu bị truất phế Vả-thi.Ê-xơ-tê có những đặc điểm như sau:
  • 2:7, xinh đẹp
  • 2:15, khiêm nhu, không chú trọng chưng diện
  • 4;16; 7:6, can đảm vì tin cậy Chúa.
  • 7:3-4, yêu thương dân tộc mình (người Y-sơ-ra-ên)
Hoàng hậu Ê-xơ-tê làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Đấng binh vực, cầu thay cho người tin Chúa (Rôma 8:31-39)
  1. Haman:
Bắt đầu đoạn 3 xuất hiện một nhân vật hoàn toàn tương phản với Ê-xơ-tê trong đoạn 2, đó là Ha-man, được gọi là “kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên (3:10b; 8:1; 9:10, 24)3:1 cho thấy câu chuyện giữa đoạn 3 là 5 năm sau khi Ê-xơ-tê được làm Hoàng hậu (so với 2:16).Ha-man âm mưu tuyệt diệt dân Y-sơ-ra-ên (3:9). Về phương diện con người thì đây là một dân tộc, nhưng về phương diện thuộc linh, ma quỉ đã dùng Ha-man để hủy phá chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời bằng cách tiêu diệt dân Giu-đa là dân mà Đấng Cứu Thế sẽ mượn thân thể con người giáng sanh.Ha-man là hình ảnh của Pha-ra-ôn trong Xuất. 1:15-16, là hình ảnh vua Hê-rốt trong Mathiơ 2:16, là hình ảnh của Hitler trong Thế chiến thứ II5 lần Ha-man được gọi là người A-gát (3:1, 10; 8:3, 5; 9:24). Nhưng khám phá mới đây cho thấy A-gát là vùng đất kế bên xứ Mê-đi. Theo I Samuên 15:8, A-gát chính là vua A-ma-léc, dòng dõi Ê-sau (Sáng thế ký 36:12). A-ma-léc là kẻ thù truyền kiếp của người Y-sơ-ra-ên (Xuất. 17:16; Phục truyền 25:17-18).Tên của Ha-man trong tiếng Hi-bá-lai cộng lại là 666 (Khải huyền 13:18)Cuối cùng Ha-man bị treo trên chính cây mộc hình mà hắn đã cho dựng lên để dành treo Mạc-đô-chê (7:9-10)
  1. Mạc-đô-chê:
Tên của Mạc-đô-chê theo tiếng Ba-tư có nghĩa là “Người bé nhỏ”.Chúng ta học được những đặc điểm nơi Mạc-đô-chê:
  • 2:5-6 (xem Giêrêmi 22:24-28; 24:1; 27:20; 28:4; 29:2; 37:1), nhắc đến Giê-cô-nia tức là Giê-hô-gia-kin. Nếu tính theo đoạn 2:5-6, thì Mạc-đô-chê đã được trên 100 tuổi (579-479 TC). Các Rabi đều cho rằng Mạc-đô-chê sống khoảng 400 tuổi.
Hoặc câu nầy có nghĩa: cha hoặc ông của Mạc-đô-chê là người bị đày đồng thời với Giê-cô-nia.Có người cho rằng Mạc-đô-chê trong E-xơ-ra 2:2; Nêh 7:7, với Mạc-đô-chê nầy là một.
  • Mạc-đô-chê đã bảo dưỡng Ê-xơ-tê, là một người em gái mồ côi con của người cậu. Mạc-đô-chê có lòng yêu thương kẻ mồ côi là điều đẹp ý Chúa (Thi thiên 146:9; Gia-cơ 1:27)
  • 3:2b, Mạc-đô-chê không chịu cúi mình thờ lạy Ha-man, vì theo phong tục Ai Cập, Ba-by-lôn, Ba-tư, xem các vua như một vị thần. Trong những ngày bách hại Hội Thánh của đế quốc Lamã, các Cơ-đốc nhân cũng đã chịu hình phạt vì không chịu thờ lạy hoặc xông hương cho tượng Hoàng đế Lamã
  • 4:13-14 là câu nói nổi tiếng của Mạc-đô-chê. Ông không cầu an, ông biết chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống mình: địa vị Đức Chúa Trời cho mình có được là để phục vụ Chúa.
Sáng thế ký 50:20, Giô-sép biết địa vị Thủ tuớng của ông tại Ai Cập là Chúa cho để phục vụ Chúa (Giăng 15:16; Ê-phê-sô 4:11)
  • 10:3 là tổng kết toàn bộ đời sống của Mạc-đô-chê:
    1. Đẹp lòng anh em (Luca 2:52; Công vụ 24:16; I Côrintô 10:33)
    2. Tìm việc tốt lành cho dân tộc mình (Giăng 1:11; Rôma 9:3-4)
    3. Nói sự hòa bình cho cả dòng dõi mình (Ê-phê-sô 4:29; Côlôse 4:6)
Đức Chúa Trời ban thưởng cho Mạc-đô-chê (Luca 19:17). Ngày nay người Y-sơ-ra-ên cũng vẫn còn kính trọng Mạc-đô-chê. ----------Đề mục: NHỮNG NHÂN VẬT TRONG SÁCH Ê-XƠ-TÊKinh thánh: Sách Ê-xơ-tê 1: - 10: (Đọc 1:1-4)Câu gốc: Ê-xơ-tê 4:14b “Song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao ?Mục đích: Học sách Ê-xơ-tê. Để biết các nhân vật chính trong sách Ê-xơ-tê, qua đó tìm được những bài học cho đời sống của Cơ-Đốc trong hiện tại.I/. VUA A-SUÊ-RU:
  • Ê-xơ-tê 1:1-4
  • Sách Ê-xơ-tê bắt đầu với việc giới thiệu tên vua A-suê-ru, thuộc nước Phe-rơ-sơ, vua cai trị một Đế quốc rộng lớn từ Ấn-độ đến Ê-thi-ô-bi, chia thành 127 tỉnh. Nhìn vào bản đồ thế giới, chúng ta thấy Đế quốc của A-suê-ru chiếm từ vùng Nam Á đến Phi châu. Tính theo ngày nay, đây là vùng đất giàu dầu mỏ và hương liệu nhất thế giới.
  • Lúc đầu người ta không biết A-suê-ru là ai.
  • Về sau nhờ một Sinh viên tên Georg Friedrich Grotefend thuộc Đại học Gottingen giải thích những thủ bản được tìm thấy ở thành Ba-tư Cổ là Persepotis, thì biết con trai của Darius
  • được giải ra là Khshayarsha –
  • dịch sang Hi-văn là Xerxes.
  • dịch từng chữ sang Hi-bá-lai là Akhashoerash
  • dịch theo Anh ngữ là Ahasuerus.
  • Như vậy tên A-suê-ru là đọc âm tiếng Ba-tư. Vua nầy cai trị Đế quốc Ba-tư từ 485 TC. – 465 TC.
  • Chính A-suê-ru nầy đã ra lịnh xây dựng chiếc cầu ngang eo biển Hellespont để tiến quân đánh quân Hi-lạp. Tuy nhiên chiếc cầu nầy đã bị sập ngay khi xây xong bởi một cơn bão. A-suê-ru tức giận ra lịnh đánh xuống biển 300 roi để trừng phạt biển, rồi làm một cặp xiềng ném xuống biển để xiềng biển lại tại Hellespont, sau đó chặt đầu tất cả những người xây cầu.
  • Ê-xơ-tê 1:3, bữa tiệc nầy là cơ hội để vua ăn mừng kế hoạch đánh quân Hi-lạp, sau bốn năm chuẩn bị – bữa tiệc khao quân trước khi lên đường tây chinh. Thời gian giữa đoạn 1 và đoạn 2 sách Ê-xơ-tê là thời gian vua A-suê-ru dẫn 5 triệu quân đi đánh quân Hi-lạp mới nổi lên ở phía Tây.
  • A-suê-ru đã bị quân Hi-lạp đánh bại tại Thermopylac và Salamin, phải rút về. Trận chiến nầy làm thay đổi cục diện thế giới thời đó, vì thắng được trận nầy, quân Hi-lạp trở nên hùng mạnh và lần lần tiến về phía Đông.
  • 2:16, bốn năm sau A-suê-ru lập Ê-xơ-tê lên làm Hoàng hậu. Có lẽ là để tìm sự an ủi sau khi bại trận.
  • Dĩ nhiên vua A-suê-ru không thuộc vào tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, ông là người Ba-tư, một người thuộc dân ngoại, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng A-suê-ru theo ý Ngài muốn. Kinh thánh sách Châm ngôn nói rằng:
  • 16:4, Đức Giê-hô-va đã dựng nên muôn vật để dùng cho Ngài; Đến đỗi kẻ ác cũng vậy, để dành cho ngày tai họa.
Trong quyền năng và khôn ngoan đời đời của Chúa, ngay cả kẻ ác Chúa cũng dùng. Đây là điều tiên tri Ha-ba-cúc thắc mắc với Chúa khi ông thấy quân Ba-by-lôn tràn vào xâm chiếm đất thánh, làm hại dân thánh, tàn phá thành thánh, ông nói: Mắt của Chúa thánh sạch, chẳng nhìn xem sự dữ, nhưng sao Chúa để kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó(Hab. 1:13). Và Chúa đã trả lời: Quân Ba-by-lôn là cái roi Chúa dùng để sửa phạt dân Chúa (Ha. 2:13-14). Nhưng trong sách ê-xơ-tê Chúa dùng vua A-suê-ru để cứu dân Chúa, trị tên Tể Tướng Ha-man.
  • Châm ngôn 21:1, Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.
Đối với thế gian, thì vua có quyền rất cao, quyết định theo ý mình. Nhưng trước mặt Chúa, vua chỉ là công cụ trong tay Chúa.Anh chị em đọc sách Ê-xơ-tê sẽ thấy Chúa điều khiển vua A-suê-ru chọn Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu mà không cần biết lý lịch của nàng. Trong một đêm, Chúa dùng A-suê-ru để thưởng công trung tín với Chúa của Mạc-đô-chê.II/. HOÀNG HẬU Ê-XƠ-TÊ:
  • 2:7, chúng ta thấy đến bây giờ tác giả sách mới cho Ê-xơ-tê xuất hiện. Và chúng ta có thể biết một số điều về nàng Ê-xơ-tê:
  • 2:7, Ê-xơ-tê là một thiếu nữ mồ côi cha mẹ, được người anh cô cậu của nàng là Mạc đô-chê bảo dưỡng.
  • Nàng có tên theo tiếng Hi-bá là HA-ĐA-SA, nghĩa là CÂY MÍA, ám chỉ là ngọt ngào; nàng cũng có tên theo tiếng Ba-tư là Ê-xơ-tê, nghĩa là NGÔI SAO.
  • Ê-xơ-tê được Kinh thánh làm chứng rằng nàng là một thiếu nữ xinh đẹp
  • 2:9, đặc biệt là vừa gặp quan chưởng quản Hê-gai, Ê-xơ-tê lập tức được Hê-gai vừa lòng và sẵn sàng giúp đỡ. Thông thường trong những cuộc tuyển phi thời phong kiến, các hoạn quan như Hê-gai có quyền hành rất lớn, và luôn đòi hỏi những người muốn được tuyển hay không muốn được tuyển những món quà hối lộ rất lớn. Nếu không được lo lót, các thiếu nữ được tuyển vào cung suốt đời cũng không được gặp vua. Cảm ơn Chúa, chúng ta chẳng nghe Ê-xơ-tê hối lộ, mà ngược lại nàng được quan Chưởng quản đặc biệt chăm lo. Rõ ràng có bàn tay của Đức Chúa Trời đặt vào.
Nói như một nhà giải nghĩa Kinh thánh (Matthew Henry) đã nói: Dù chúng ta không thấy Danh Đức Chúa Trời trong sách Ê-xơ-tê, nhưng chúng ta vẫn thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời hành động.
  • 2:15, Ê-xơ-tê rất khiêm nhu, không chú trọng chưng diện bên ngoài. Và một lần nữa chúng ta nghe được một câu khen ngợi của những người chung quanh: Ê-xơ-tê được ơn trước mặt mọi người thấy nàng., không phải chỉ một mình quan chưởng quản khen, mà mọi người khen.
  • 4:16, Ê-xơ-ê có một đời sống đức tin vững vàng, trong gian nguy nàng đã dành thì giờ kiêng ăn cầu nguyện, nàng biết kêu gọi những người thuộc Đức Chúa Trời cầu nguyện. Một lần nữa, chúng ta làm sao chối bỏ bàn tay của Đức Chúa Trời hành động, dù sách không nói đến Danh Chúa ?
  • 4:16 phần cuối câu, Ê-xơ-tê thật là một người can đảm, khi tuyên bố: Nếu tôi phải chết thì tôi chết.
  • 7:3-4, Ê-xơ-tê là một người yêu thương dân tộc của nàng, nàng đã vì dân tộc mình mà cầu thay xin vua giải cứu dân tộc mình.
  • Với tất cả những đặc tánh khiêm nhu, cầu thay cho dân tộc, các nhà giải nghĩa Kinh thánh đã đồng ý cho rằng Ê-xơ-tê là hình bóng về Chúa Jêsus Christ Đấng cầu thay cho Cơ-Đốc nhân chúng ta bên cạnh Đức Chúa Cha, những chị em hãy thử so sánh với những câu Kinh thánh nói về sự cầu thay của Chúa Jêsus Christ trong Tân Ước:
  • Rôma 8:34, Ai sẽ lên án họ ư ? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết (Ê-xơ-tê liều chết) và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.
  • I Giăng 2:1b, … chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng Công bình.
  • So sánh với nàng Ru-tơ, thì Ê-xơ-tê với Ru-tơ là hai phụ nữ vĩ đại và đạo đức ở hai vị trí khác nhau:
  • Ru-tơ là một người nữ ngoại bang được đem về sống giữa người Do Thái; còn Ê-xơ-tê là một người nữ Do Thái bị đem đi sống giữa người ngoại bang
  • Ru-tơ có chồng là người Do Thái thuộc Hoàng tộc Đa-vít; còn Ê-xơ-tê có chồng người ngoại bang thuộc Hoàng tộc Phe-rơ-sơ.
  • Tuy nhiên, Ru-tơ là một phụ nữ trẻ yêu thương mẹ chồng, hi sinh cho gia đình chồng; còn Ê-xơ-tê là một phụ nữ trẻ yêu thương dân tộc, hi sinh cho dân tộc mình.
  • Một lần nữa, chúng ta lại thấy Đức Chúa Trời của chúng ta không phân biệt nam hay nữ trong công việc của Ngài, như Phao-lô đã nói trong thư Galati 3:28-29, Tại đây (tức là tại trong Đấng Christ), … không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một … tức là kẻ kế tự theo lời hứa.
III/. TỂ TƯỚNG (HAY THỦ TƯỚNG) HA-MAN:
  • Bắt đầu đoạn 3, xuất hiện một người khác thường, đó là HA-MAN, được gọi là
  • 3:10b, “kẻ cừu địch dân Giu-đa”
  • 8:1, kẻ ức hiếp dân Giu-đa
  • 9:10, kẻ hãm hiếp dân Giu-đa
  • 9:24, kẻ hãm hiếp hết thảy dân Giu-đa.
  • Câu chuyện của Ha-man bắt đầu năm thứ mười hai đời vua A-suê-ru, tức là năm năm sau khi Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu. Vấn đề nổi bật là âm mưu của Ha-man muốn tiêu diệt dân Do Thái (3:9)
  • Về phương diện con người, thì đây là âm mưu diệt chủng của Ha-man, như đã xảy ra thời Môi-se ở Ai Cập (Xuất 1:15, 22); như âm mưu của Adolf Hitler vào thế chiến thứ hai, với những lò thiêu sống đã giết 6 triệu người Do Thái.
  • Nhưng về phương diện thuộc linh, rõ ràng ma quỉ đã dùng Pha-ra-ôn của Ai Cập, dùng Ha-man, cũng như đã dùng Hê-rốt trong Ma-thi-ơ 2:16; ma quỉ đã dùng Hitler để âm mưu phá bỏ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại qua tuyển dân Y-sơ-ra-ên, bằng cách tiêu diệt tuyển dân Y-sơ-ra-ên là dân tộc mà Đấng Cứu Thế sẽ đến qua họ. Đây là điều mà sách Khải huyền 12:1-4, 13-18 đã mô tả: Con Rồng đã đuổi theo người đàn bà với mục đích nuốt mất đứa con mà người đàn bà nầy sanh ra.
  • Con Rồng là Satan
  • Người đàn bà là tuyển dân Y-sơ-ra-ên
  • đứa con người đàn bà sanh ra là Chúa Cứu Thế Jêsus Christ.
  • Có người đã tính theo số tên HAMAN theo tiếng Hi-bá để cộng lại là 666 như số của con thú trong Khải huyền 13:18.
  • Cảm ơn Chúa, 7:9-10, cuối cùng Ha-man đã bị xử tử bằng cách bị treo trên chính mộc hình mà hắn đã dựng chuẩn bị treo Mạc đô chê. Đó cũng là hình ảnh của Satan và những kẻ theo nó trong ngày phán xử cuối cùng của Chúa (Khải huyền 20:10).
IV/. MẠC-ĐÔ-CHÊ:
  • 2:5-7 là phân đoạn Kinh thánh giới thiệu Mạc-đô-chê:
  • Mạc-đô-chê là người Giu-đa, thuộc chi phái Bên-gia-min.
  • Mạc-đô-chê đang bị lưu đày ở kinh đô Su sơ từ thời cha hoặc ông của Mạc-đô-chê bị bắt làm phu tù chung với vua Giê-cô-nia, tức là vua Giê-hô-gia-kin (Giê. 22:24-28; 24:1…)
  • Mạc-đô-chê đã đứng ra bảo dưỡng cho người em gái cô cậu của ôngl à Ê-xơ-tê.
  • Câu chuyện sách Ê-xơ-tê trở nên sống động là từ lúc Mạc-đô-chê xuất hiện. Chúng ta có thể xem Mạc-đô-chê là nhận vật chính của sách Ê-xơ-tê, và ông đã hoạt động cứu tuyển dân qua Hoàng hậu Ê-xơ-tê.
  • 3:2, câu chuyện được khởi động bằng việc Mạc-đô-chê không chịu cúi mình trước Ha-man, theo như lịnh của vua, điều nầy có nghĩa là Ha-man được vua A-suê-ru đặc cách như chính vua, mà theo phong tục của các nước Ai Cập, Ba-by-lôn, Ba-tư, dân chúng xem các vua như một vị thần, phải thờ lạy.
  • Hành động không chịu quỳ lạy cúi mình trước Ha-man chứng tỏ Mạc-đô-chê biết Lời Chúa, biết Luật pháp của Chúa trong Xuất. 20:5, và có lẽ Mạc-đô-chê đã học được gương của các bạn Đaniên và chính Đaniên (Đan. 3:12, 16-18), dù phải trả giá bằng mạng sống mình.
  • 4:13-14 là câu nói nổi tiếng của Mạc-đô-chê: Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua … song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao ?
  • Mạc-đô-chê không cầu an.
  • Mạc-đô-chê biết chương trình của Đức Chúa Trời đối với đời sống mình; địa vị mà Chúa cho là để phục vụ Chúa, không phải để thụ hưởng.
  • Anh chị em có nghe lời Mạc-đô-chê nói không ? Địa vị, chức vụ mà chúng ta hiện có được là để làm gì ? Há không phải Chúa cho chúng ta có được là để góp phần vào công việc cứu đồng bào và gây dựng Hội Thánh sao ?
  • Tôi thường nói với các con cái Chúa trong các Hội Thánh không có người chăn rằng: Đó là cơ hội Chúa cho họ được vị hoàng hậu. Nhưng phải nhớ là chỉ làm Hoàng hậu thôi, đừng leo lên làm vua.
  • Cảm ơn Chúa, đến cuối sách Ê-xơ-tê, 10:3 là một bảng tuyên dương công trạng của Mạc-đô-chê mà Chúa cho được ghi vào Thánh sử:
  1. Người được tôn trọng (Giăng 12:26b, nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người)
  2. Đẹp lòng anh em mình, nghĩa là được anh em yêu mến.
  3. Tìm việc tốt lành cho dân tộc mình, nghĩa là đem sự cứu rỗi cho dân tộc mình.
  4. Nói sự hòa bình cho dòng dõi mình, nghĩa là tinh thần gây dựng giữa con cái Đức Chúa Trời trong Hội Thánh.
  • Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần một lời kết luận, vì 4 nhân vật chính trong sách đủ để chúng ta nhận diện được một gương nào để nói theo đúng như mục đích của Lời Đức Chúa Trời (II Tim. 3:16-17)
Đề mục: SỰ BẢO HỘKinh thánh: Sách Ê-xơ-tê 1: - 10: (Đọc 4:12-17Câu gốc: Ê-xơ-tê 4:14Mục đích: Học sách Ê-xơ-tê để thấy sự bảo hộ của Đức Chúa Trời trên con cái của Chúa.I/. DỰ BỊ SỰ BẢO HỘ:
  • Ê-xơ-tê 1: - 2:
  • Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của thứ tự (I Cô. 14:33), bao giờ Chúa cũng có sự chuẩn bị kế hoạch đầy đủ, thí dụ như kế hoạch cứu rỗi nhân loại đã được trù tính từ buổi sáng thế.
  • Đặc biệt là qua sách Ê-xơ-tê 1: - 2:, chúng ta sẽ thấy rõ để bảo hộ dân Chúa, Đức Chúa Trời đã dự bị, chuẩn bị trước khi nhu cần bảo hộ xảy ra.
1/. Đức Chúa Trời dự bị Ê-xơ-tê được vị Hoàng hậu:
  • Ê-xơ-tê 1: 2:20
  • Qua Ê-xơ-tê đoạn 2:7, Kinh thánh cho chúng ta biết về lý lịch của nàng thiếu nữ Ê-xơ-tê. Nàng là
  • một trong số những người Giu-đa đang bị lưu đày tại kinh đô Su-sơ. Một nô lệ lưu đày thì đâu có giá trị gì mà dám mơ ước một địa vị nào đó, huống chi là địa vị một Hoàng hậu, mà lại là Hoàng hậu của một Đế quốc Phe-rơ-sơ hùng mạnh.
  • một người con gái mồ côi cha mẹ, ở với người anh cô cậu, thiếu tình thương và thiếu cả những hậu thuẫn có cần.
  • Duy có một điều là Ê-xơ-tê là một thiếu nữ xinh đẹp. Chúng ta có thể nói nàng là thiếu nữ đẹp người đẹp nết, lúc nào cũng được ơn trước mặt mọi người, dù đó là quan như quan chưởng quản Hê-gai (2:9, 15b)
  • Tôi muốn mượn lời của sách Nhã ca 1:5a, tôi đen, song xinh đẹp.
  • Thế nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị đưa Ê-xơ-tê lên địa vị Hoàng hậu để qua nàng Đức Chúa Trời có thể bảo hộ dân Chúa trong tương lai. Chúa chuẩn bị như thế nào:
  • 1:10-11, Chúa chuẩn bị một vua A-suê-ru muốn khoe sắc đẹp của hoàng hậu
  • 1:12, Đức Chúa Trời chuẩn bị một hoàng hậu Vả-thi dám chống lại lịnh của vua, để rồi phải bị phế truất khỏi ngôi Hoàng hậu, tạo một chiếc ngai hoàng hậu trống vắng.
  • Giữa đoạn 1 và đoạn 2, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chiến bại cho vua A-suê-ru – một sự bại trận rất lớn với 5 triệu quân bị tiêu diệt trước quân Hi-lạp mới nổi lên.
  • 2:1-4, trong nỗi buồn về việc Hoàng hậu Vả thi kháng chỉ bị truất ngôi, thêm nỗi buồn thua trận, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị nhu cần một Hoàng hậu mới cho vua. Đó là thời điểm để Ê-xơ-tê xuất hiện.
  • 2:5- Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một người tên Mạc-đô-chê đầy khôn ngoan để giúp Ê-xơ-tê lên ngôi Hoàng hậu, nhưng cũng đầy đức tin tin cậy sự bảo hộ của Chúa (4:14).
  • Và Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một người con gái ngọt như mía (ý nghĩa tên Ha-đa-sa) mà cũng sáng đẹp như một vì sao (ý nghĩa tên Ê-xơ-tê), đầy đức tin và dũng cảm (4:15-17), biết yêu thương dân tộc (7:3-4) nhận lấy ngôi hoàng hậu nước Phe-rơ-sơ.
2/. Đức Chúa Trời chuẩn bị cho Mạc-đô-chê lập công:
  • 2:21-23.
  • Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê tiếp cận với sự tin cậy của vua A-suê-ru đối với Mạc-đô-chê, bằng cách khiến cho Mạc-đô-chê biết được âm mưu giết vua của hai hoạn quan. Một âm mưu to lớn, quan trọng như vậy không thể nào lơ đễnh cho một người ngoại cuộc như Mạc-đô-chê nghe được.
  • Điều kỳ diệu nữa là Đức Chúa Trời không cho Mạc-đô-chê lãnh thưởng ngay lúc bấy giờ, mà Chúa cho vua A-suê-ru quên, để rồi đến 6:1-3, một thời điểm trước giờ Ha-man toan giết Mạc-đô-chê thì Đức Chúa Trời đã nhắc lại công trạng nầy và trong giờ phút cực kỳ nguy hiểm đó, thế cờ đã đảo ngược: người bị hại được tôn vinh; còn kẻ toan hại người thì bị sỉ nhục (6:11-12).
  • Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị hai người: một cô thiếu nữ và một người nam. Như Chúa Jêsus Christ đã phán trong Ma-thi-ơ 18:19, Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Thật vậy, hai người nầy đã đồng lòng hiệp ý cầu nguyện, đã đồng lòng hiệp ý yêu thương dân tộc mình mà cầu thay, Đức Chúa Trời đã đẹp lòng bảo hộ dân Chúa khỏi tai họa.
II/. NHU CẦN ĐƯỢC BẢO HỘ:
  • Ê-xơ-tê 3:
1/. Vì mưu ác của Ha-man:
  • 6:1-6
  • Sáu câu đầu của đoạn 6 nầy giới thiệu cho chúng ta một Ha-man như sau:
  • Câu 1, Ha-man được vua A-suê-ru tin cậy, và bằng cớ của sự tin cậy đó vừa được thăng chức, làm nổi danh của Ha-man, bổ nhiệm Ha-man làm Tể Tướng hay Thủ Tướng.
  • câu 2, Ha-man được quỳ lạy như một vị thần
  • Tuy nhiên, Mạc-đô-chê là người Giu-đa đã vâng lời Chúa không quỳ lạy trước người nào ngoài Chúa, do đó, Mạc đô-chê cũng không quỳ lạy trước Ha-man như những nô bộc của Ha-man. Hành động của Mạc-đô-chê đã gây tức giận cho Ha-man và anh chị em hãy nghe điều Ha-man nói trong 3:6, người cho sự tra tay trên một mình Mạc-đô-chê là một sự nhỏ mọn, người bèn tìm mưu giết hết thảy dân Giu-đa, là tông tộc của Mạc-đô-chê, ở trong toàn nước A-suê-ru.
  • Tên của Ha-man có nhiều điều khiến chúng ta phải chú ý:
  1. Nếu chiết tự theo tiếng Hi-bá tính thành số (người Do Thái lấy chữ thay số) cộng lại thì HAMAN có tổng số là 666, chính là con số của con thú trong Khải huyền 13:18
  2. Tên Ha-man luôn luôn được đi kèm với nhóm từ được coi như là biệt danh mà sách Ê-xơ-tê dành cho hắn:
  • 3:10, kẻ cừu địch của dân Giu-đa
  • 8:1, kẻ ức hiếp dân Giu-đa
  • 9:10, kẻ hãm hiếp dân Giu-đa
  • 9:24, kẻ hãm hiếp hết thảy dân Giu-đa.
Rõ ràng tên Ha-man chỉ về kẻ thù nghịch với dân Chúa.
  1. Tên Ha-man làm chúng ta nhớ tên Hanuman trong truyền thuyết của Ấn Độ giáo là thần khỉ. Mà các nhà thần học thường gọi Satan là con khỉ của Đức Chúa Trời, nó luôn luôn tìm cách bắt chước công việc của Đức Chúa Trời hầu phá rối chương trình của Đức Chúa Trời đối với nhân loại.
  • Xét như thế rõ ràng quỉ Satan đã mượn tay ác độc của Ha-man, không phải chỉ mưu hại cá nhân Mạc-đô-chê, mà chủ ý của nó là muốn tiêu diệt tuyển dân, tông tộc của Mạc-đô-chê trong toàn nước…
  • Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Biết Hết Mọi Sự, Chúa đã dự bị một sự bảo hộ dân Ngài thoát khỏi mưu ác của Ha-man rồi.
2/. Vì bảo hộ tuyển dân:
  • 3:7-15
  • Đọc qua phân đoạn Kinh thánh nầy chúng ta thấy Ha-man thật đã chuẩn bị kế hoạch tiêu diệt dân Chúa cách chu đáo.
  • 3:8-9, dụ vua A-suê-ru bằng cách sự vu cáo dân Chúa: chúng nó cũng không tuân theo luật pháp của vua, và hứa tăng quốc khố cho vua.
  • 3:12, nội dung chiếu chỉ do Ha-man truyền lịnh, nhưng sắc chỉ là uy quyền của vua với dấu ấn là nhẫn của vua để không thay đổi được. Chiếu lịnh lập tức phổ biến toàn Đế quốc theo các thổ âm định một ngày tiêu diệt dân Chúa.
  • Đọc lại lịch sử thế giới, không có dân tộc nào như dân Do Thái, đã trải qua nhiều lần trước các âm mưu diệt chủng của các thù nghịch. Cho đến bây giờ thế giới vẫn còn kinh sợ về âm mưu diệt chủng Do Thái của nhà Độc tài Đức quốc xã Hitler, với 6 triệu người Do Thái bị giết trong các lò thiêu sống.
  • Về phương diện thuộc linh, thì những cuộc diệt chủng nầy còn mang một âm mưu sâu xa hơn của quỉ Satan: Ấy là tiêu diệt tuyển dân để Đức Chúa Trời không thể đưa Chúa Jêsus Christ vào thế gian cứu nhân loại qua dân Y-sơ-ra-ên, nói mạnh hơn là nó mưu phá hủy Chương trình Cứu Rỗi cho nhân loại.
  • Cảm ơn Chúa, mỗi lần có âm mưu diệt chủng là mỗi lần chúng ta thấy bàn tay của Đức Chúa Trời can thiệp làm bại mưu kẻ ác:
  • Xuất 1:17, 22, Đức Chúa Trời đã khiến những bà mụ không giết các con trai người Y-sơ-ra-ên với lý lẽ rất khôn ngoan.
  • Ma-thi-ơ 2:16, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ báo tin cho Giô-sép và Ma-ri biết trước và bảo họ trốn qua Ai Cập, thoát khỏi lịnh tàn sát con trẻ của Hê-rốt.
  • Đức Chúa Trời đã làm cho Hitler đại bại trước quân đồng minh, chẳng những Chúa cứu dân Chúa mà còn cho dân Y-sơ-ra-ên của Chúa tái lập quốc gia của họ.
  • Và một lần nữa sách Ê-xơ-tê đã ghi lại sự bảo hộ của Đức Chúa Trời đối với dân Chúa, trước khi Ha-man đưa ra mưu kế của ông trong đoạn 3, thì Đức Chúa Trời đã biết và đã chuẩn bị chương trình bảo hộ họ trong đoạn 1 và 2 rồi. Thi thiên 10:14 thật có ý nghĩa cho âm mưu của Satan qua Ha-man, hắn tưởng rằng không ai biết âm mưu của hắn, nhưng thình lình môt lời được tuyên bố: Chúa đã thấy rồi; vì Chúa xem xét sự bạo tàn và sự độc hại, để lấy chính tay Chúa mà báo trả lại.
  • Có một bài hát có lẽ tác giả đã kinh nghiệm được sự bảo hộ của Chúa nên đã viết:
Khi phong ba bữa vây, trái tim con nao núng,Là lúc Chúa đến bên con, ủi an bằng lời của Cha.Chúa biết hết nỗi niềm và những ưu tư trong cuộc đời, mau dâng Chúa suốt cuộc đời nầy.III/. KẾT QUẢ CỦA SỰ BẢO HỘ:
  • Ê-xơ-tê 4: - 10:
  • Những đoạn cuối của sách Ê-xơ-tê là những bằng chứng xác nhận sự bảo hộ của Đức Chúa Trời vượt quá sự suy tưởng của loài người chúng ta:
1/. Kết quả thứ nhất: kẻ thù bị tiêu diệt:
  • 4: - 7:
  • Rõ ràng sức mạnh của kẻ thù Ha-man đã bị rung chuyển khi Hoàng hậu Ê-xơ-tê công bố kế hoạch để tìm kiếm sự bảo hộ của Chúa: hãy vì tôi kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống chi hết; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết (4:16)
  • Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã chọn giải pháp làm yếu thuộc thể để tăng sức mạnh thuộc linh. Cảm ơn Chúa, Chúa đã ban cho Hoàng hậu Ê-xơ-tê sự khôn ngoan để tổ chức một bữa tiệc mời riêng vua và Ha-man tạo một cơ hội tố cáo âm mưu của Ha-man với vua; đồng thời Đức Chúa Trời cũng đã tạo cơ hội cho vua A-suê-ru nhớ lại công trạng cứu vua của Mạc-đô-chê.
  • 7:9-10, Kết quả là Ha-man đã bị xử tử trên chính mộc hình mà hắn đã sửa soạn để giết Mạc-đô-chê.
2/. Kết quả thứ hai: Dân Chúa được cứu:
  • 8: - 9:
  • Hai đoạn nầy mô tả cảnh dân Chúa được cứu khỏi quyền lực của Ha-man. Dù Ha-man đã chết, nhưng quyền lực do ảnh hưởng của Ha-man còn hiệu lực, vì chiếu lịnh diệt dân Giu-đa đã được ban ra.
  • Một chiếu lịnh thứ hai cho phép chống lại chiếu lịnh thứ nhất được ban ra mau lẹ, và dân Chúa đã nhơn đó chống lại kẻ nào đánh giết họ – 8:11-12
  • Sự bảo hộ của Chúa chẳng những cứu dân Chúa mà còn ban cho họ niềm vui đến nỗi lập thành ngày Lễ Phu-rim lưu truyền các đời (9:26-28).
3/. Kết quả thứ ba: Cá nhân Mạc-đô-chê được tôn trọng:
  • Đoạn 10 chỉ có 3 câu, và 3 câu nầy dành hết vinh quang cho Mạc đô-chê:
  • 3:2, công sự về quyền thế, năng lực và sự cao trọng của Mạc-đô-chê được ghi lại
  • 3:2, vua thăng chức cho Mạc-đô-chê làm tể tướng.
  • 3:3, Mạc-đô-chê được tôn trọng, được anh em yêu mến, được dân tộc khen ngợi, dòng dõi được quí mến.
  • Cảm ơn Chúa, Lời Chúa đã đề cập đến kết quả thứ ba, dù chỉ 3 câu, nhưng tỏ ra biết bao vinh hiển cho đời sống của một người hết lòng vì danh Chúa và vì dân Chúa. Chúa đã không quên cả một dân tộc lớn lao, và Chúa cũng đã nhớ đến một con người yêu mến Ngài để thưởng cho họ.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.

Từ khóa » Bài Học Về ê-xơ-tê