F0 Mất Quyền Lợi Vì Giấy Hưởng Bảo Hiểm Không Cấp Lùi Ngày
Có thể bạn quan tâm
Chị Thanh, 44 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường trú phường Kim Liên, quận Đống Đa, mắc Covid-19 vào giữa tháng 2, phải nghỉ việc gần 10 ngày và được cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly cho F0 điều trị tại nhà. Đi làm trở lại vào đầu tháng 3, chị được cơ quan thông báo nộp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau.
Ngày 21/3, chị Thanh đến Trạm Y tế phường Kim Liên xin chứng nhận hưởng bảo hiểm và được nhân viên y tế hướng dẫn nộp giấy tờ liên quan để làm hồ sơ. Ba ngày sau, chị Thanh được thông báo hồ sơ không thể giải quyết, bởi phía cơ quan Bảo hiểm xã hội không chấp nhận giấy chứng nhận cấp lùi (lệch ngày) so với thời điểm chị ốm.
Từ đó đến nay, chị Thanh lên trạm y tế 5 lần hỏi cách cấp lại, song chỉ nhận được câu trả lời trạm không thể cấp và chờ hướng dẫn. Từ cổng vào đến khu tiếp đón công dân của trạm khoảng 10 m có tới 4 tờ thông báo với nội dung: "Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, các trường hợp cấp giấy nghỉ ốm hưởng BHXH lùi ngày sẽ không cấp nữa. Chỉ cấp các trường hợp đúng ngày".
"Cùng đóng bảo hiểm, cũng là F0 mà người nhận được tiền, người không đồng nào", chị Thanh than thở và cho biết sẽ chờ hướng dẫn mới, hy vọng nhận được hơn một triệu đồng trợ cấp ốm đau cho số ngày nghỉ vì Covid-19. Số tiền tính ra bằng một phần tư thu nhập của chị, trong khi chị vẫn phải đi thuê trọ và vẫn phải đi làm giúp việc sau những giờ quét rác trên đường phố Hà Nội.
Được Trạm Y tế phường Trung Liệt, quận Đống Đa, nơi cư trú cấp giấy chứng nhận lùi ngày so với thời gian nhiễm, song anh Tùng, nhân viên trường học ở Cầu Giấy, bị cơ quan Bảo hiểm xã hội quận này trả lại hồ sơ hưởng với lý do giấy cấp "không đúng quy định tại Thông tư 56/2017 của Bộ Y tế".
Hai tháng trước, anh mắc Covid-19 và phải nghỉ điều trị tại nhà 7 ngày, từ 10/2 đến 16/2, thời điểm dịch căng thẳng khi Hà Nội ghi nhận hàng chục nghìn F0 mỗi ngày. Tới ngày 18/3, anh ra trạm y tế phường xin giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm theo thông báo của cơ quan.
Bị cơ quan Bảo hiểm xã hội trả lại hồ sơ, anh Tùng đành xin trường cho nghỉ một buổi để ra trạm hỏi rõ việc cấp lại giấy tờ. Song câu trả lời anh nhận được tương tự chị Thanh, khi nhân viên y tế phường Trung Liệt cho biết trạm không thể cấp lại theo chỉ đạo.
Theo Thông tư 56, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Người lao động khi mắc Covid-19 và điều trị tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị do UBND hoặc trạm y tế xã, phường cấp.
Nhiều địa phương gỡ vướng bằng cách hướng dẫn các trạm y tế xã, phường cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để hưởng quyền lợi. Hôm 11/3, Hà Nội cũng có hướng dẫn tương tự, yêu cầu các trạm y tế cấp giấy chứng nhận cho F0 có nhu cầu hưởng bảo hiểm.
Nhân viên y tế cấp phường lý giải, trạm căn cứ hướng dẫn và cấp giấy mới (đúng ngày) cho F0 và giấy đóng dấu cấp lùi ngày cho người đã âm tính để làm hồ sơ. Hàng loạt F0 sau khi khỏi, đi làm trở lại đã quay lại trạm y tế xin giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm, bởi thời điểm họ nhiễm trước 11/3, các trạm xá phường chưa được hướng dẫn cấp loại giấy trên.
Song từ ngày 24/3, phía Bảo hiểm xã hội thông báo không giải quyết chế độ với những trường hợp cấp lùi ngày, chỉ thanh toán cho các F0 có giấy cấp đúng ngày. Từ thời điểm trên, trạm y tế các phường chỉ cấp mới, không cấp giấy lùi ngày cho F0 đã âm tính.
Cơ quan bảo hiểm lý giải, theo mẫu giấy ban hành trong thông tư, việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng khớp với ngày người bệnh đến khám. Đồng nghĩa với việc F0 muốn được thanh toán thì ngày cấp ghi trên giấy chứng nhận phải trùng với ngày mà người đó báo nhiễm bệnh. Những F0 đã âm tính, được cấp giấy chứng nhận lùi ngày đều không thể thanh toán do Thông tư 56 sửa đổi chưa hướng dẫn.
"Ngày nào cũng bị dân chửi" là tình cảnh chung của các nhân viên y tế phường Trung Liệt và Kim Liên. Có người còn dọa đánh y tá, bác sĩ vì phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện các loại giấy tờ, nhưng khi nộp thì phía bảo hiểm xã hội trả lại. "Đại dịch chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền nên sớm hướng dẫn cụ thể để người dân đỡ phải đi lại vất vả", nhân viên y tế cơ sở góp ý.
Quy trình cấp giấy chứng nhận chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến dịch bệnh, trong khi không thể dùng các loại giấy tờ khác thay thế khiến hàng triệu lao động có thể mất khoản trợ cấp ốm đau.
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhìn nhận đây là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ trong Thông tư 56 sửa đổi mà cơ quan này đang kiến nghị. Trước khi Covid-19 xuất hiện, việc cấp giấy lùi ngày so với thời điểm người lao động nghỉ ốm có thể biến tướng thành lạm dụng chính sách, song trong bối cảnh này việc sửa đổi là cần thiết.
Thời gian qua, ngành bảo hiểm liên tục nhận được thắc mắc của F0 liên quan chính sách này, nhưng vẫn phải làm theo quy định vì chỉ là cơ quan thực hiện. Nhiều hồ sơ của F0 phải trả về do thời điểm cấp không đúng quy định, chưa tính trường hợp lao động gọi đến đường dây nóng để hỏi và quyết định không xin giấy khi biết không được cấp lùi ngày.
Theo bà Hiền, việc sửa đổi Thông tư 56 do Bộ Y tế chủ trì. Trong thời gian chờ hướng dẫn mới, cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn giải quyết hồ sơ theo quy định hiện hành, thanh toán chế độ cho những F0 có Giấy chứng nhận cấp đúng ngày.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết đã ghi nhận phản ánh của nhiều lao động nhiễm Covid-19 chưa được hưởng quyền lợi ốm đau do vướng mắc giấy chứng nhận. Công đoàn đã kiến nghị ngành bảo hiểm, y tế giải quyết linh động, bổ sung cách thức xác nhận để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
"Hưởng đầy đủ quyền lợi khi ốm đau, dịch bệnh cũng là động lực để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu làm cứng nhắc quá dễ khiến người ta nản lòng mà rời bỏ hệ thống an sinh", ông Hiểu nói, thêm rằng đây cũng là lý do khiến người lao động dễ rút BHXH một lần và khó mở rộng diện bao phủ bảo hiểm.
Những vướng mắc liên quan Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phát sinh từ hồi tháng 6/2021 trong đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang và kéo dài gần một năm qua. Hồi tháng 3, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề nghị công nhận 7 loại giấy tờ thay thế chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động mắc Covid-19. Việc sửa đổi quy định vẫn đang được các cơ quan xem xét giải quyết.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tháng 4, lượng người hưởng chế độ ốm đau là 805.000 với số tiền gần 957 tỷ đồng. 92% trong số này là F0, có Giấy chứng nhận hưởng BHXH được cấp đúng ngày với thời điểm mắc Covid-19. Số người nhận chế độ ốm đau tăng 200% và tiền chi trả tăng 450%. Mức hưởng bình quân mỗi người 1,2 triệu đồng với thời gian trung bình 7 ngày.
Hồng Chiêu
Từ khóa » Giấy Nghỉ Việc Hưởng Bhxh Covid
-
Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Thiếu Số Seri Có Hợp Lệ?
-
Gỡ Vướng Về Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Với F0
-
Tra Cứu CSKCB Cấp Giấy Nghỉ Việc Hưởng BHXH
-
Thực Hiện Cấp Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Cho Người ...
-
Cấp Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH đối Với Người Lao ...
-
Nộp Giấy Chứng Nhận Hưởng BHXH, F0 Sau Bao Lâu Nhận Tiền Hỗ Trợ?
-
Hỏi: Gỡ Vướng Về Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Với F0
-
Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH - Thư Viện Pháp Luật
-
F0 Có được Hưởng Bảo Hiểm Xã Hội? - Hoạt động Của địa Phương
-
F0 Chưa được Cấp Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Tại Bắc ...
-
Để Hưởng Chế độ ốm đau Do Mắc COVID-19 Cần Làm Những Thủ Tục ...
-
Gỡ Khó Về Thủ Tục Hưởng Bảo Hiểm Xã Hội Cho F0 - Báo Đồng Nai
-
Thực Hiện Cấp Giấy Chứng Nhận Nghỉ Việc Hưởng BHXH Theo Hướng ...