Freedom House – Tổ Chức Không Bao Giờ Nhìn Thấy “mặt Trời”!

Những năm gần đây liên tục xuất hiện những cáo buộc mang tính xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền Việt Nam. Mới đây nhất, vào ngày 2/6,  lại xuất hiện một “Báo cáo bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong”. Chủ nhân của bản báo cáo này là Freedom House.

Freedom House là tổ chức phi Chính phủ Mỹ, thường xuyên xuyên tạc Việt Nam không có tự do Internet.

Freedom House – Họ là ai?

Freedom House (tạm dịch là “Ngôi nhà Tự do”) là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Mỹ. Cũng tương tự AI và HRW, Freedom House sử dụng hệ thống các báo cáo như: “Báo cáo tự do trên thế giới”, “Báo cáo tự do trên mạng”, hay “Báo cáo tự do và truyền thông”… để thúc đẩy “tự do”, “dân chủ” trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do mưu đồ chính trị, các phương pháp điều tra không khách quan, chủ yếu dựa trên định kiến chính trị tiêu cực của các “nhóm tác giả nghiên cứu” mà nhiều năm qua, những thông tin từ tổ chức này đưa ra liên quan đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam lại khác xa thực tế. Luận điệu lộ rõ động cơ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

“Báo cáo bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong” viết gì?

Trong báo cáo này, Freedom House cho rằng “Việt Nam là một trong số các nước thực hiện đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương, bằng các hình thức như: đe dọa giết và đánh đập người “hoạt động dân chủ” ngay cả khi họ đang sống lưu vong ở nước ngoài, tấn công mạng của tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ở nước ngoài…”.

Do vấp phải quá nhiều phản đối của dư luận Việt Nam và quốc tế, để chống chế với các câu hỏi thẳng thắn về căn cứ đưa ra đánh giá trong báo cáo ngày 2/6/2022, Elizabeth Rosen, Giám đốc truyền thông của tổ chức Freedom House đã lên tiếng thanh minh. Đại diện của Freedom House nói rằng, họ đã trao đổi với “nhóm tác giả báo cáo” và được họ khẳng định là không riêng gì Việt Nam, mà mọi báo cáo về các quốc gia khác đều được dựa trên cùng một phương pháp nghiên cứu. Tuy vậy, phương pháp này là phương pháp gì thì không được đề cập đến.

Freedom House liên tục đăng tải các bản báo cáo xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Sự thật thì phương pháp nghiên cứu được Freedom House dùng làm cơ sở để đưa ra kết luận cho hàng loạt báo cáo về tình hình nhân quyền của rất nhiều nước khác, không riêng gì Việt Nam là phỏng vấn và suy luận. Nói một cách dễ hiểu, họ tiến hành phỏng vấn những người họ cho là “nạn nhân của chính quyền Việt Nam” hay “các tù nhân lương tâm” người Việt liên quan đến chính trị đang sống lưu vong, nghe những người này nói và sau đó đưa ra kết luận. Vậy thì độ chính xác của dạng “báo cáo” này có đủ để tin cậy được không? Dưới bất cứ góc độ nào, cũng xin được trả lời là: “Không!”

Không thể có sự khách quan khi một báo cáo chỉ đơn thuần dựa vào phát ngôn của một nhóm người đóng vai “nhân chứng” hay “nguyên cáo”, trong khi “người bị vu cáo” lại hoàn toàn không được tham khảo ý kiến, hay nói lên tiếng nói của mình. Rất dễ nhận ra, Freedom House chưa bao giờ tiếp cận với những số liệu mà Việt Nam công bố về những tiến bộ xã hội một cách khách quan.

Freedom House luôn tìm đủ mọi cách để vu cáo Việt Nam.

Đơn cử như trong sự việc liên quan đến tổ chức “Sáng kiến Thể hiện Lương tâm người Việt hải ngoại” – viết tắt là VOICE, Freedom House cho rằng “tổ chức này bị tấn công mạng và các cựu nhân viên hay tình nguyện viên VOICE bị an ninh Việt Nam đàn áp”. Tuy nhiên, họ không đưa ra được bất cứ một số liệu hay bằng chứng cụ thể nào, ngoài những cái gọi là “các cuộc phỏng vấn” cho chỉ một bên. Thậm chí, họ cay cú việc Việt Nam gọi tên VOICE là “tổ chức ngoại vi của Việt Tân”.

Đáng ngạc nhiên hơn, trong báo cáo có đề cập đến trường hợp của một mục sư người Tây Nguyên tên là A Ga. Ông này đang tị nạn tại Mỹ nhưng vẫn nhận được tin nhắn đe dọa thông qua MXH mà ông nghi ngờ là từ quan chức Việt Nam, trong đó đề cập đến khả năng bắt cóc ông. Các dạng “thuyết âm mưu” này tràn ngập trong các trang báo cáo của Freedom House khiến nhiều người ngạc nhiên về sự kiên nhẫn và khả năng suy diễn của “nhóm tác giả”.

Lướt qua bản báo cáo của Freedom House, nhiều người dễ dàng thấy các nhân vật quen thuộc vẫn thường xuyên góp mặt trong các “báo cáo” hay “thông cáo” tương tự của AI hay HRW như: “luật sư” Nguyễn Văn Đài, “nhà báo” Lê Trung Khoa của “Hội Anh Em Dân Chủ” đang tị nạn tại Đức; Châu Văn Khảm ở Úc… Mỗi năm, thêm một vài nhân vật mới, nhưng các nội dung mà Freedom House vu cáo chính quyền Việt Nam thì vẫn vậy, hoàn toàn không có gì mới và luôn không đúng với thực tế.

Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc

Trong thực tế, Việt Nam đã tiến một bước rất dài đối với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phần lớn người dân. Năm 2020, Liên Hợp Quốc đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới, xếp 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước về đích sớm nhất trong nhiều “Mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên Hợp quốc và đang không ngừng củng cố các “Mục tiêu phát triển bền vững”. Việt Nam đã luôn đảm bảo các quyền cơ bản, quyền được tiếp cận các cơ hội phát triển cho mọi người dân, đặc biệt là người dân ở các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa như Tây Nguyên, Trung du miền núi Bắc Bộ.

Thời lượng người dân Việt Nam dùng MXH là hơn 6 giờ/ngày.

Về cáo buộc Việt Nam không đảm bảo tự do tiếp nhận thông tin và ngôn luận thì các số liệu thống kê của Digital cho thấy tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã là gần 70 triệu người (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng MXH là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Mỗi người dùng MXH ở Việt Nam trung bình mất hơn 6 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động giao tiếp trên mạng. Do đó, khi đặt các cáo buộc trong báo cáo của Freedom House cạnh các số liệu được tính toán khoa học và chi tiết từ các tổ chức thống kê có uy tín trên thế giới thì sẽ thấy rõ luận điệu “Việt Nam ngăn chặn quyền tiếp nhận trao đổi thông tin và tự do ngôn luận” của Freedom House là hết sức lố bịch.

Một số quốc gia “tẩy chay” Freedom House

Với “bề dày” vu cáo, bịa đặt, bất chấp mọi thủ đoạn để áp đặt các quan điểm sai lệch, đánh tráo khái niệm, núp bóng nhân quyền can thiệp vào nội bộ của nhiều nước, không ngạc nhiên khi Freedom House cũng như AI, HRW… bị cấm cửa và tẩy chay ở Nga, các nước Đông Âu, Ấn Độ, Mỹ La Tinh và một số nước Trung Đông.

Trong quá khứ, Belarus cũng từng vạch trần 80% tiền tài trợ mà Freedom House nhận được để lên án nhân quyền của nước này đến từ một quốc gia thù địch với họ.

Để khái quát, xin mượn đánh giá của ông Yerlan Baizhanov, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam trong một lần trả lời phỏng vấn VTV: “Chúng ta sống và làm việc không phải để làm hài lòng những tổ chức như Freedom House mà Nhà nước của chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Đó mới là điều quan trọng nhất”.

Cuối cùng, điều mà bài viết này muốn gửi đến Freedom House, cũng như các tổ chức nhân quyền giả hiệu khác vẫn luôn thù địch với Việt Nam là: “Sự thật cũng giống như mặt trời, không thể nào thấy được khi quay lưng lại”.

Phạm Khoa

Từ khóa » Freedom House Xuyên Tạc