Vietnam: Freedom On The Net 2021 Country Report
Có thể bạn quan tâm
Tổng quan
Tại Việt Nam, quyền tự do Internet tiếp tục bị hạn chế khi chính quyền áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt lên môi trường mạng. Mặc dù tình trạng cắt đứt kết nối và bóp băng thông đến máy chủ Facebook không còn tái diễn, chính quyền tiếp tục yêu cầu các công ty phải xóa bỏ những nội dung không đúng ý và đưa ra các bản án hình sự khắc nghiệt để xử phạt các hành vi biểu đạt trên mạng. Các hoạt động tổ chức, thảo luận chính trị trên mạng bị kiểm soát và giới hạn gắt gao trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5/2021.
Việt Nam có chế độ độc đảng, nằm dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trên lý thuyết, một số ứng cử viên độc lập được phép ra ứng cử trong các kỳ bầu cử Quốc hội. Trên thực tế, hầu hết đều bị cấm tham gia. Các quyền tự do biểu thị, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự bị giới hạn nghiêm ngặt. Hệ thống tư pháp không có tính độc lập.
Các diễn biến chính, 1/6/2020 - 31/5/2021
- Điểm khác biệt với báo cáo gần nhất là tình trạng đứt kết nối tạm thời hoặc giới hạn truy cập đến máy chủ trong nước của Facebook không còn diễn ra (xem A3 và B1).
- Vào tháng 11/2020, Facebook tiết lộ rằng chính quyền đã đe dọa sẽ đóng cửa dịch vụ của họ tại Việt Nam nếu công ty không tuân theo yêu cầu về việc gia tăng kiểm soát các nội dung trái ý chính quyền. Theo đó, các yêu cầu từ phía chính quyền đòi gỡ bỏ nội dung đã đạt số lượng cao kỷ lục (xem B2).
- Trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5/2021, chính quyền đã giới hạn hoạt động tranh cử trên mạng xã hội của các ứng cử viên độc lập, bắt giữ một số người tuyên bố trên mạng về việc họ tham gia ứng cử, đồng thời thực hiện các chiến dịch bôi nhọ nhắm đến những ứng viên độc lập khác (xem B8).
- Vào tháng 2/2021, một bản dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được công bố. Nếu được thông qua, nó sẽ yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước tại Việt Nam và cung cấp dữ liệu đó cho chính quyền khi được yêu cầu (xem C6).
- Một số nhà hoạt động, blogger và các cá nhân bị tuyên phạt những bản án tù nặng nề cho các phát ngôn trên mạng của mình, bao gồm ba nhà báo bị nhận các bản án tù từ 11 đến 15 năm tù (xem C7).
A. Các rào cản cho việc truy cập
A1: Các giới hạn về hạ tầng có hạn chế việc truy cập hoặc giới hạn tốc độ và chất lượng của việc kết nối Internet? (0–6 điểm) (4/6)
Tính đến cuối năm 2019, theo dữ liệu của ITU, tỷ lệ phổ cập Internet tại Việt Nam là 68,70%.1 Dịch vụ băng thông rộng di động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ Internet tốc độ cao. Khảo sát vào tháng 7/2021 cho thấy tốc độ tải xuống trung bình của băng thông di động là 42,46 megabit mỗi giây (Mbps), còn tốc độ tải lên là 19,25 Mbps, theo Chỉ số Tốc độ Toàn cầu của Ookla (Ookla’s Speedtest Global Index). Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 58 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về dịch vụ băng thông cố định, Việt Nam đứng thứ 59 với tốc độ tải xuống trung bình là 78,43 Mbps, còn tốc độ tải lên là 68,38 Mbps.2 Theo một nguồn tham khảo, ước tính đến tháng 5/2021, tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh ở Việt Nam là 61,37%.3 Dịch vụ băng thông cố định chiếm thị phần nhỏ trong nước.
Trong quý I của năm 2017, VinaPhone trở thành nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên triển khai mạng 4G tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 11 tỉnh khác.4 Tính đến cuối năm 2019, công ty này đã phủ sóng 4G lên hết 100% dân số.5 Vào tháng 4/2019, Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động thuộc sở hữu của quân đội, trở thành đơn vị đầu tiên triển khai mạng 5G;6 đến tháng 2/2021, công ty này đã có hơn 17.000 thuê bao đăng ký sử dụng 5G.7 Vinaphone và Mobiphone cũng đã tham gia vào thị trường cung cấp kết nối 5G.
Sự cố đứt cáp tại Cổng Châu Á Thái Bình Dương (APG) vào tháng 1 và tháng 2/2021 đã ảnh hưởng đến hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), gây gián đoạn dịch vụ.8 Các sợi cáp này là cổng chính phục vụ việc truy cập Internet quốc tế tại Việt Nam.
A2: Việc truy cập Internet có đắt đỏ quá mức hay nằm ngoài tầm với của một bộ phận dân chúng vì các lý do địa lý, xã hội hay lý do khác hay không? (0–3 điểm) (2/3)
Hầu hết bộ phận dân cư, bao gồm những người sống ở nông thôn, hiện có đủ điều kiện tài chính để sử dụng Internet. Tuy nhiên, với những người sống trong các điều kiện nghèo đói như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng núi, việc truy cập Internet vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Theo khảo sát trong năm 2021, gói cước Internet di động rẻ nhất có giá khoảng 2 USD một tháng,9 còn giá gói kết nối băng thông cố định là khoảng 7 USD một tháng.10 Tính đến tháng 7/2021, lương trung bình của người lao động là 280 USD mỗi tháng.11
A3: Chính quyền có thực hiện các biện pháp kiểm soát kỹ thuật hoặc pháp lý đối với hạ tầng Internet nhằm mục đích hạn chế kết nối? (0–6 điểm) (4/6)
Điểm số thay đổi: Điểm số cải thiện từ 3 lên 4 là do không còn báo cáo về tình trạng đứt kết nối tạm thời hoặc giới hạn truy cập vào các máy chủ trong nước của Facebook; đây là tình trạng được ghi nhận trong báo cáo trước đó.
Trong khoảng thời gian đề cập của báo cáo này, không xuất hiện tình trạng đứt kết nối nghiêm trọng đến Internet hoặc các mạng di động. Trong quá khứ, chính quyền đã vài lần áp dụng các biện pháp bóp nghẽn băng thông tạm thời và giới hạn truy cập Internet vì những lý do an ninh hoặc chính trị.
Trước đó, dân làng Đồng Tâm, một khu vực ở ngoại ô Hà Nội, đã vài lần bị hạn chế kết nối. Như vào năm 2017, mạng 3G và tín hiệu di động ở đây bị mất khi xuất hiện xung đột bạo lực liên quan đến tranh chấp đất đai. Các biện pháp giới hạn tương tự được báo cáo vào tháng 1/2020, khi xung đột bạo lực về tranh chấp cũ bùng nổ.12 Hãng tin Reuters báo cáo về việc máy chủ trong nước của Facebook bị ngắt kết nối vào tháng 2/2020, khiến người dùng tại Việt Nam rất khó truy cập các dịch vụ của Facebook, Instagram và WhatsApp (xem B1).13 Việc truy cập được phục hồi vào đầu tháng 4/2020, sau khi Facebook được cho là đã đồng ý với yêu cầu gỡ bỏ đáng kể các nội dung “chống chính quyền” (xem B2).
Chính quyền nắm giữ khả năng giới hạn kết nối khi đang kiểm soát về mặt kỹ thuật các cơ sở hạ tầng. Một số công ty đã được cấp phép để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), một công ty quốc doanh, cùng với Viettel, một công ty của quân đội, đang thống lĩnh thị phần viễn thông trong nước. Đây cũng là hai trong số ba nhà cung cấp dịch vụ kết nối lớn (IXP) - các đơn vị phân phối băng thông đến những công ty cung cấp dịch vụ Internet và di động.14
A4: Có những rào cản pháp lý, quy định hay rào cản kinh tế nào hạn chế sự đa dạng của các nhà cung cấp dịch vụ hay không? (0–6 điểm) (2/6)
Dù bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được phép hoạt động như một ISP, trên thực tế các rào cản phi chính thức ngăn cản những công ty mới không có quan hệ chính trị hoặc ảnh hưởng kinh tế, không cho phép họ tham gia phá bĩnh thị trường. Tính đến tháng 9/2020, ba nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng lớn nhất là VNPT (kiểm soát khoảng 40% thị phần), Viettel (khoảng 38%) và công ty tư nhân FPT (khoảng 14%).15
Trong mảng di động, Viettel chiếm lĩnh 50,5% số lượng thuê bao di động. VinaPhone và MobiFone xếp thứ hai và ba với lần lượt 24,6% và 21,1%. Ba nhà cung cấp này kiểm soát tổng cộng 96,2% số thuê bao di động trong năm 2019, tăng 1% so với mức của năm 2018. Các công ty nhỏ hơn như Vietnamobile và Gmobile, thiếu cơ sở hạ tầng để bao phủ và cung cấp dịch vụ có chất lượng, phải chật vật để cạnh tranh.16
A5: Các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm giám sát các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ số có hoạt động theo phương thức tự do, công bằng và độc lập? (0/4)
Nhiều cơ quan nhà nước khác nhau kiểm soát và ban hành quy định về công nghệ số theo cách thức ngẫu hứng, không minh bạch và không tham vấn cộng đồng. Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành chủ trương đường lối cho các quy định kiểm soát ngành viễn thông, khiến các cơ quan quản lý ngành này không có tính độc lập.
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), một đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chịu trách nhiệm quản lý, phân phối, giám sát và quảng bá việc sử dụng các tên miền Internet, địa chỉ IP và số hệ thống tự trị.17 Bộ Thông tin và Truyền thông 18 và Bộ Công an 19 quản lý việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ Internet. Trên thực tế, bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng có thể đưa ra yêu cầu kiểm duyệt các nội dung trên mạng.
B. Các giới hạn về nội dung
B1: Chính quyền có ngăn chặn hoặc lọc bỏ, hay ép buộc các nhà cung cấp dịch vụ ngăn chặn hoặc lọc bỏ các nội dung trên Internet, đặc biệt những nội dung được bảo vệ theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế? (0–6 điểm) (2/6)
Chính quyền Việt Nam đã thiết lập một hệ thống lọc chặn nội dung hiệu quả. Các ứng dụng mạng xã hội và thông tin liên lạc vẫn truy cập được trong khoảng thời gian đề cập của báo cáo, mặc dù trong quá khứ từng bị ngăn chặn nhiều lần.
Các biện pháp kiểm duyệt thường nhắm đến những trang blog nổi tiếng hoặc trang web có nhiều người theo dõi, cũng như các nội dung được cho là đe dọa quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản, trong đó bao gồm các nội dung về tình hình bất ổn xã hội, bất đồng chính kiến, cổ xúy nhân quyền và dân chủ, và những chỉ trích về phản ứng của chính quyền trong các tranh chấp biên giới và hải đảo với Trung Quốc. Các nội dung quảng bá các tôn giáo chính thống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Đạo Cao Đài, vốn bị chính quyền xem là các mối đe dọa tiềm năng, tuy bị chặn ít hơn nhưng vẫn đáng kể. Những trang web phản biện chính quyền đa phần không thể truy cập từ trong nước, ví dụ như Talawas, Dân Luận, Luật Khoa, The Vietnamese, Việt Nam Thời báo, Dân Làm Báo, Diễn đàn Xã hội Dân sự và Bauxite Vietnam. Việc truy cập các trang web quốc tế như của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phiên bản tiếng Việt của Đài Á Châu Tự do (RFA) và trang tin tức BBC của Anh là không ổn định, không thể biết trước khi nào truy cập được khi nào không.
Theo trang web của Bộ Công an, trong năm 2020, đơn vị trực thuộc bộ này là Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã theo dõi và ngăn chặn gần 3.400 các trang web tại nước ngoài có “thông tin xấu và độc hại”.20 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tuyên bố trong tháng 10/2020 rằng bộ này đã ngăn chặn 100 trang web có các nội dung vi phạm bản quyền, 200 trang web kinh doanh trò chơi trực tuyến không giấy phép, 300 trang web đánh bạc và 300 trang khiêu dâm.21
Trong khoảng thời gian của báo cáo, các nền tảng mạng xã hội và viễn thông không bị chặn truy cập. Tuy nhiên, vào tháng 11/2020, có báo cáo về việc chính quyền đã đe dọa đóng cửa dịch vụ của Facebook tại Việt Nam nếu công ty này từ chối tuân theo yêu cầu giới hạn nội dung trên quy mô lớn hơn. 22
Vào tháng 2/2020, hãng tin Reuters báo cáo về việc các công ty viễn thông nhà nước đã ngắt kết nối máy chủ trong nước của Facebook, khiến người dùng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy cập các dịch vụ của Facebook, Instagram, và WhatsApp (xem A3).23 Việc truy cập được phục hồi vào đầu tháng 4/2020 sau khi Facebook được cho là đã đồng ý gỡ bỏ một lượng đáng kể các nội dung “chống chính quyền” (xem B2). Trước đó, trong năm 2016, việc truy cập vào Facebook và Instagram bị ngắt trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phản đối thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa, một công ty của Đài Loan, gây ra.24
B2: Các đơn vị, tổ chức nhà nước hay tư nhân có áp dụng các công cụ pháp lý, hành chính hay những công cụ khác để buộc các tòa báo, những công ty lưu trữ nội dung, hay các nền tảng kỹ thuật số phải xóa bỏ nội dung, đặc biệt là những thông tin được bảo vệ theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế? (0–4 điểm) (0/4)
Trong khoảng thời gian của báo cáo, các nội dung bị gỡ bỏ với tỷ lệ tăng cao đến mức đáng lo ngại. Chính quyền sử dụng Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ tháng 1/2019, để gây áp lực buộc các công ty kinh doanh mạng xã hội phải chấp thuận các yêu cầu xóa bỏ nội dung.25 Tình trạng các nội dung bị gỡ bỏ thường xuyên khiến người dùng có thói quen chia sẻ ảnh chụp màn hình, thay vì đường link của các bài báo trên mạng mà họ nghĩ có thể bị xóa sau đó.
Trong những năm gần đây, chính quyền đã phạt nặng và buộc đình chỉ hoạt động các đơn vị xuất bản nội dung trên mạng với lý do họ để xuất hiện các bình luận phản biện trên trang của mình. Vào tháng 5/2020, trước khoảng thời gian ghi nhận trong báo cáo, chính quyền đã phạt báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 55 triệu đồng (2.400 USD), buộc đình bản trang web trong một tháng. Tờ báo bị cáo buộc đã xuất bản “thông tin sai sự thật” về Sun Group, một tập đoàn phát triển bất động sản, qua loạt bài điều tra về tác hại tiêu cực đến môi trường từ các dự án của tập đoàn này.26
Các nền tảng mạng xã hội và công ty công nghệ đồng ý xóa bỏ nội dung theo yêu cầu của chính quyền. Vào đầu tháng 4/2020, chỉ sau khi Facebook đồng ý gỡ bỏ một lượng đáng kể các nội dung “chống chính quyền”, việc truy cập vào máy chủ trong nước của công ty này mới được phục hồi hoàn toàn (xem A3 và B1).27 Trong cùng tháng đó, Facebook đã xóa hai bài viết có đường dẫn đến trang tin tức tiếng Việt của đài RFA với lý do tuân thủ luật pháp nước sở tại. Trong năm 2020, Bộ Công an đã yêu cầu xóa bỏ hoặc vô hiệu hơn 10.000 bài viết trên các nền tảng trực tuyến.28
Trong khoảng thời gian ghi nhận, các nền tảng mạng xã hội, bao gồm Facebook và Google, đã giới hạn nội dung theo yêu cầu của chính quyền với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quốc hội vào tháng 10/2020 cho biết lượng nội dung mà Facebook xóa bỏ trong năm 2020 đã tăng 500% so với năm 2019, đạt 95% các yêu cầu gỡ bỏ nội dung từ phía chính quyền. Tỷ lệ này ở Google và các dịch vụ của họ là 90%, trong đó bao gồm 11.000 video trên Youtube bị xóa đi trong chín tháng đầu năm 2020. Ngoài cáo buộc các bài đăng đưa thông tin sai về COVID-19, báo cáo của bộ cho biết những bài bị xóa hoặc chặn còn bao gồm các nội dung “bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước”.
Báo cáo của bộ nhấn mạnh việc Facebook đã đồng ý chặn các quảng cáo chính trị từ những trang và tài khoản của các tổ chức bị cho là phản động và khủng bố - vốn thường là các nhóm đối lập ôn hòa. Theo yêu cầu của bộ, Google cũng đồng ý không chia sẻ doanh thu quảng cáo cho các “nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam”.29
Trong một tuyên bố khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ tháng 1 đến tháng 11/2020, Facebook đã gỡ bỏ 2.311 bài viết. Cùng khoảng thời gian đó, theo bộ, Google đã chặn và xóa bỏ hơn 29.000 video và 24 kênh Youtube bị cho là đăng tải các nội dung chống phá Đảng, chỉ trích và chống chính quyền. 30
Tài khoản Facebook của các nhà hoạt động và những nhân vật bất đồng chính kiến, bao gồm những người sống ở nước ngoài, ngày càng thường xuyên gặp tình trạng bị khóa với lý do vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này. Như trường hợp của blogger Bùi Văn Thuận. Tài khoản Facebook của Thuận bị khóa và sau đó bị cấm vĩnh viễn khi Thuận đăng bài viết chỉ trích vai trò của chính quyền trong vụ tranh chấp ở Đồng Tâm vào tháng 1/2020. Tài khoản của Thuận chỉ được phục hồi vào tháng 9/2020 dưới áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự và sự truy vấn của báo giới.31
Chính quyền cũng gây áp lực lên các cá nhân, buộc họ phải gỡ bỏ các nội dung của mình. Theo báo cáo của Tổ chức n xá Quốc tế, từ tháng 1 đến tháng 3/2020, công an đã triệu tập nhiều người sử dụng mạng xã hội đến đồn công an và buộc họ phải xóa các bài đăng thảo luận về tình hình dịch bệnh COVID-19 (xem C3).32
Các tổ chức khác với sức mạnh tài chính và ảnh hưởng chính trị có thể kiểm soát các nội dung trực tuyến và ngăn cản quyền tự do biểu đạt. Vào tháng 2/2021, nhiều người dùng Facebook đã bị hạn chế bài viết hoặc bị khóa tài khoản khi đăng tải các nội dung chỉ trích nhà sản xuất xe hơi nội địa Vinfast. Đây là công ty con của Vingroup, một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất trong nước.33 Báo cáo về các trường hợp tương tự đã xuất hiện từ những năm trước. Ví dụ như việc các tin tức tiêu cực về Vingroup bị xóa khỏi các trang báo nhà nước và gỡ bỏ trên Facebook.34
Vào ngày tiến hành bỏ phiếu của cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2021, các trang báo của nhà nước đồng loạt xóa bỏ các bài viết giới thiệu về ứng viên độc lập Lương Thế Huy mà không có bất kỳ giải thích nào.35
Nghị định 72 ban hành năm 2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã luật hóa trách nhiệm trung gian của các đơn vị kinh doanh trực tuyến. Nó yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, bao gồm những tổ chức ở nước ngoài, phải hợp tác với chính quyền, ra quy định điều chỉnh hoạt động của bên thứ ba - những người đóng góp nội dung, nhằm “xóa bỏ hoặc ngăn chặn các thông tin” chống nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự xã hội, hoặc trái với truyền thống dân tộc, cùng nhiều yêu cầu với các thuật ngữ mơ hồ tương tự. Nghị định này buộc các chủ quán cà phê Internet phải chịu trách nhiệm nếu khách hàng của họ bị phát hiện truy cập các trang web “xấu”. Nghị định này được hướng dẫn bằng Thông tư 09/2014/TT-BTTTT, ban hành năm 2014, trong đó yêu cầu các chủ sở hữu trang web “trong vòng ba tiếng đồng hồ” phải xóa những nội dung “không chính xác”, tính từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức email, tin nhắn hoặc điện thoại.
B3: Các giới hạn đặt ra cho nội dung trực tuyến và kỹ thuật số có thiếu tính minh bạch, thiếu cân xứng với mục đích đề ra, hoặc thiếu một quy trình khiếu nại độc lập? (0–4 điểm) (0/4)
Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, và nhiều cơ quan nhà nước khác thường xuyên chỉ đạo các tờ báo mạng phải xóa bỏ những nội dung bị cho là có vấn đề. Các chỉ đạo này đều bí mật, và thường là chỉ đạo miệng. Những yêu cầu đó thường không có cơ sở pháp lý, và vì vậy bất cân xứng với “tác hại” mà chính quyền cáo buộc các nội dung đó gây ra. Ngay cả khi một nội dung bị xóa theo yêu cầu từ các kênh chính thức, cũng không có quy trình khiếu nại nào, cho dù là độc lập hay không.
Luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp mạng xã hội xóa bỏ các nội dung trong vòng một ngày sau khi nhận được yêu cầu từ phía chính quyền (xem C2 và C6).36 Bất kỳ nội dung nào chính quyền cho là “độc hại” hoặc chỉ trích đều có thể bị gỡ bỏ theo luật này.37 Một bản dự thảo nghị định làm rõ việc thực thi luật này vẫn đang được xem xét thông qua, tính đến tháng 11/2020.
Nhìn chung, việc kiểm duyệt thường được thực hiện ở khâu của các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet), thay vì ở cấp hạ tầng sâu hơn hay tại cổng truy cập quốc tế. Các địa chỉ URL của những trang web bị kiểm duyệt được đưa vào danh sách đen để chặn truy cập. Các ISP dùng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau để thông báo cho khách hàng biết về việc kiểm duyệt này. Một số thông báo cho người dùng biết là trang đã bị chặn khi họ không thể truy cập vào. Các nhà cung cấp khác chỉ đăng thông báo lỗi truy cập.
B4: Các nhà báo, những nhà bình luận và người dùng mạng Internet có tự kiểm duyệt hay không? (0–4 điểm) (1/4)
Bên cạnh nguy cơ bị truy tố hình sự, các áp lực trừng phạt về kinh tế và xã hội đã tạo ra tình trạng tự kiểm duyệt nặng nề trên không gian mạng. Các đề tài bị cấm đoán theo những cách bí mật và không thể đoán trước khiến người dùng mạng khó có thể biết nội dung nào là nằm ngoài giới hạn thảo luận. Các blogger và những người quản trị các diễn đàn thường xuyên khóa chức năng bình luận để tránh các cuộc thảo luận nhạy cảm. Một số điều luật và quy định ngặt nghèo đã đè nén những diễn ngôn trên mạng của các nhà hoạt động, nhà báo và người dùng mạng thông thường (xem B6 và C2). Một ví dụ là những điều khoản mập mờ trong Luật An ninh mạng của chính quyền, chúng buộc các nhà báo phải đặc biệt cẩn trọng khi đăng bài hoặc bình luận trên mạng.
B5: Các nguồn thông tin trên mạng có bị chính quyền hoặc những thế lực khác kiểm soát hay thao túng để đạt được một lợi ích chính trị cụ thể nào đó? (0–4 điểm) (0/4)
Chính quyền kiểm soát chặt chẽ các nội dung được đăng tải trên mạng. Tất cả các nội dung do báo giấy và báo mạng sản xuất đều phải thông qua quá trình kiểm duyệt nội bộ trước khi xuất bản. Vào các cuộc họp hàng tuần, một cơ quan của Đảng Cộng sản đưa ra hướng dẫn chi tiết gửi đến các biên tập viên, quy định mảng nào và chủ đề nào có thể đưa tin hoặc cần phải né tránh, cũng như mức độ cho phép trong việc đưa tin. Bên cạnh đó, trong đại dịch COVID-19, chính quyền đã ban hành một số chỉ đạo cho các cơ quan báo chí, ghi rõ họ nên đưa tin về dịch bệnh như thế nào.38
Chính quyền cũng chủ động tìm cách thao túng dư luận trên mạng. Theo báo cáo được công bố vào tháng 9/2019 của Viện Internet Oxford (OII), chính quyền Việt Nam tuyển dụng một mạng lưới khoảng 10.000 người để thao túng thông tin trên Facebook và Youtube. Có ít nhất một cơ quan nhà nước trực tiếp liên quan đến hoạt động này.39 Các thành viên của mạng lưới được khuyến khích dùng tài khoản thật của họ để phát tán các nội dung tuyên truyền và thông điệp ưa thích của nhà nước, phá hoại các nhà bất đồng chính kiến, tấn công các nhóm đối lập, chèn ép những nội dung không mong muốn, trong đó có việc huy động số lượng lớn người dùng thực hiện thao tác báo cáo nội dung để các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ những nội dung đó. Cách thức mạng lưới này nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính quyền được mô tả trong một báo cáo điều tra xuất bản vào tháng 12/2020 trên tờ Intercept. Ví dụ như nhóm Facebook kín có tên “E47”, gồm các thành viên ủng hộ chính quyền. Sau khi xác nhận mục tiêu cần tấn công, nhóm này huy động số lượng lớn các thành viên để làm thao tác báo cáo nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.40
Báo cáo của OII tái khẳng định những bằng chứng trước đó về hoạt động của các đội nhóm thao túng dư luận trên mạng. Cuối năm 2017, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã giới thiệu về Lực lượng 47, một đơn vị quân đội mới với trên 10.000 người, “vừa hồng vừa chuyên”, có nhiệm vụ đấu tranh chống “quan điểm sai trái và luận điệu xuyên tạc” trên không gian mạng. Các nhà phê bình nhận định rằng mục tiêu chính của Lực lượng 47 là thực hiện các chiến dịch bôi nhọ nhắm đến những ai đối nghịch với chính quyền.41
Một báo cáo điều tra của BBC News Việt Nam được xuất bản vào tháng 4/2021 xác nhận trong thời gian gần đây, Lực lượng 47 đã mở rộng quân số trong các đơn vị quân sự địa phương ở một số tỉnh. Năm 2013, Hồ Quang Lợi, người đứng đầu ban tuyên giáo của Hà Nội, tiết lộ rằng chính quyền thành phố đang có một đội 900 người là “chuyên gia bút chiến trên Internet” hay còn gọi là “dư luận viên”, có nhiệm vụ lan truyền chủ trương của đảng.42 Sau sự kiện xung đột tại Đồng Tâm, những người bình luận thân chính quyền này đã đăng tải trên mạng xã hội các bản nhận tội trong tình trạng bị cưỡng bức của dân làng. Họ mô tả những người làng Đồng Tâm là kẻ khủng bố, cáo buộc dân làng chế tạo vũ khí để tấn công cảnh sát (xem A3 và B2).43
Vào tháng 6/2021, chính quyền giới thiệu một bộ quy tắc quốc gia về ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này ngăn cấm những nội dung ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước và vi phạm pháp luật, đồng thời hướng dẫn người dùng mạng “sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt”. Bộ quy tắc này áp dụng cho người dân Việt Nam, các công ty kinh doanh mạng xã hội và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chúng sẽ được áp dụng và thực thi như thế nào.44
B6: Có những rào cản kinh tế, luật pháp hay rào cản khác ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đăng tải nội dung của người dùng mạng? (0–3 điểm) (0/3)
Các trang mạng chịu áp lực kinh tế từ các rào cản trong hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, những quy định khắt khe của chính quyền khiến người dùng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng tải nội dung trên mạng. Tình trạng tham nhũng tạo điều kiện cho các mối quan hệ bí mật với các quan chức cấp cao của chính quyền cũng như các doanh nghiệp lớn được nảy nở. Những mối quan hệ này tạo lớp bảo vệ về kinh tế lẫn chính trị cho các tờ báo mạng và các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng. Các trang mạng thường cẩn trọng tránh liên quan đến những nhà tài trợ hoặc công ty quảng cáo bị xem là chống chính quyền. Tương tự, những công ty quảng cáo cũng tránh hợp tác với các trang mạng có xu hướng chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.
Vào năm 2017, chính quyền quyết định gây áp lực lên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, buộc họ gỡ bỏ các nội dung “độc hại”. Việc này tác động tiêu cực đến hoạt động quảng cáo trên mạng. Theo yêu cầu của chính quyền, nhiều chi nhánh tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia đã ngưng hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook và Youtube.45 Các công ty trong nước cũng rút quảng cáo sau khi đại diện chính quyền cho rằng những quảng cáo này xuất hiện trong các nội dung vi phạm pháp luật, bao gồm một số nội dung do những nhà bất đồng chính kiến, có xu hướng chỉ trích chính quyền, đăng tải.46
Thông tư 09/2014/TT-BTTTT, ban hành vào năm 2014, thắt chặt những quy định về việc đăng ký và cấp phép các trang thông tin điện tử tổng hợp mới (xem B3). Một trong số các yêu cầu là người chịu trách nhiệm của trang mạng này phải có ít nhất một bằng đại học.
Những trang mạng và người dùng bình thường đều có thể bị phạt tiền và buộc ngưng hoạt động dựa trên các nội dung họ đăng tải (xem B2). Nghị định 15/2020/NĐ-CP47 cho biết mức phạt lên tới 100 triệu đồng ($4.300) cho bất kỳ ai lưu trữ hoặc phát tán các thông tin bị cho là sai sự thật, xuyên tạc và giả mạo. Các mức phạt này có thể được áp dụng cho những hành vi chưa nghiêm trọng đến mức truy tố hình sự. Nghị định còn đặt ra những mức phạt thêm cho các vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.
Vào tháng 9/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt bốn tờ báo có đăng ký hoạt động trên mạng với các mức phạt từ 3 đến 45 triệu đồng ($130 đến $2.000). Các khoản phạt này nhắm đến những bài viết có các chủ đề khác nhau, bao gồm bài viết về một cựu quan chức thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc hội thảo bàn về Hồ Chí Minh, một sự kiện tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và các dự án đầu tư xây dựng. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng những tờ báo này lan truyền thông tin sai sự thật.48 Trong một sự kiện xảy ra trước khoảng thời gian đề cập của báo cáo, vào tháng 2/2019, báo Người Tiêu Dùng, một trang tin trên mạng, đã bị buộc đóng cửa trong ba tháng và trả mức phạt 65 triệu đồng ($2.800) vì đăng tải một bài viết chỉ trích các lãnh đạo cấp cao của thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền cho rằng bài viết này lan truyền thông tin sai sự thật.49
B7: Môi trường thông tin trên mạng có thiếu sự đa dạng và độ tin cậy? (0–4 điểm) (1/4)
Các nhà sản xuất nội dung trên Internet đối mặt với nhiều áp lực ảnh hưởng đến chất lượng và độ đa dạng thông tin, trong đó có quy trình tự kiểm duyệt của các tờ báo và những trang báo mạng (xem B5). Ngoài ra, thông tin xuyên tạc từ cả những người ủng hộ lẫn chống chính quyền càng làm không gian mạng bị méo mó, dựng nên rào cản cho sự đa dạng về thông tin và giới hạn giá trị dân chủ của mạng xã hội.
Mặc dù các trang tin của chính quyền tiếp tục thống trị, môi trường thông tin đã và đang được mở rộng với sự xuất hiện của các tờ báo mạng mới trong nước cùng những nền tảng mạng xã hội mới. Những người trẻ và được giáo dục tốt ở Việt Nam ngày càng dành thời gian cho các trang blog, mạng xã hội và những nguồn tin trên mạng hơn là các đài phát thanh và truyền hình nhà nước.50 Các công cụ lách kiểm duyệt được nhiều người trẻ và thành thạo công nghệ biết đến. Những công cụ này cũng có thể dễ dàng được tìm kiếm trên Google.51
B8: Môi trường hiện tại có ngăn cản người dùng trong việc huy động, tạo lập cộng đồng và thực hiện các chiến dịch, đặc biệt là về những vấn đề chính trị và xã hội? (0–6 điểm) (2/6)
Điểm số thay đổi: Điểm số giảm từ 3 xuống 2 do chính quyền thắt chặt việc tổ chức các hoạt động chính trị trên mạng, ngăn cản các ứng viên độc lập dùng mạng xã hội để vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2021.
Về cơ bản, người dân vẫn có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều người dùng không dám tổ chức và huy động các cộng đồng trên mạng do lo ngại những bản án tù hà khắc, hệ thống theo dõi giám sát cùng với lập trường thù địch của chính quyền với các ý kiến trái chiều. Bất kể các trở ngại đó, nhiều nhà hoạt động tiếp tục sử dụng các công cụ kỹ thuật số cho công việc của mình. Dù gặp phải áp lực ngày càng tăng từ chính quyền, một số nhà hoạt động vẫn huy động được hàng chục ngàn người theo dõi trên các trang mạng xã hội (xem B2 và C3).52 Phạm Thị Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động hàng đầu, có khoảng 70.000 người theo dõi trên trang Facebook của cô, tính đến tháng 10/2020, thời điểm cô bị chính quyền bắt giữ vì các công việc vận động của mình (xem C3).53
Các hoạt động tổ chức chính trị trên mạng ngày càng bị hạn chế, điển hình qua chiến dịch đàn áp những ứng viên độc lập trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5/2021, ngăn cản họ sử dụng mạng xã hội để vận động tranh cử. Ít nhất ba người đã bị bắt giữ và truy tố hình sự sau khi thông báo ý định tranh cử trên Facebook và Youtube. Nhiều tiếng nói phản đối đã lên án chính quyền vì các hành vi đàn áp này.54 Một số đơn vị truyền thông nhà nước đã cảnh báo các ứng viên không nên dùng mạng xã hội để vận động tranh cử.55 Lương Thế Huy, một ứng viên độc lập có tiếng, trở thành mục tiêu của chiến dịch bôi nhọ trên mạng sau khi anh đăng ký ứng cử thành công. Có cáo buộc cho biết các học sinh cấp ba ở khu vực bầu cử của Huy đã bị ép buộc phải đăng bài trên Facebook, tố cáo sai sự thật rằng Huy trốn thuế và cấu kết với các thế lực nước ngoài. Việc tham gia chiến dịch bôi nhọ này sẽ được tính vào kết quả học tập của các học sinh.56
Các cuộc tổ chức, huy động trên mạng ở Việt Nam thường có tính chất địa phương, cục bộ hơn là toàn quốc. Nó thường xoay quanh các vấn đề môi trường và những lo ngại về mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Các mạng xã hội bao gồm Facebook và Twitter đã được sử dụng để tổ chức những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào các năm 2011,57 2014,58 và 201859, cũng như các cuộc biểu tình vì môi trường vào các năm 201560 và 2016.61 Mạng xã hội cũng là nơi giúp các nhà hoạt động thu thập dữ liệu về tình trạng lạm quyền của công an.62
Trong khoảng thời gian của báo cáo, các hoạt động tổ chức liên kết trên mạng trở nên phổ biến hơn trước, trong bối cảnh chính quyền gia tăng trấn áp, đồng thời dịch bệnh COVID-19 khiến việc gặp gỡ trực tiếp trở nên khó khăn hơn. Với việc chính quyền ngày càng tạo áp lực buộc Facebook xóa bỏ các nội dung trái chiều, nhiều người dùng đã chuyển đến các nền tảng khác, như Telegram, để truyền tải thông tin và liên kết với nhau.63
C. Vi phạm quyền của người dùng
C1: Hiến pháp và các điều luật khác có bảo vệ những quyền như quyền tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin và tự do báo chí, bao gồm những hoạt động trên Internet, và chúng có được thực thi thông qua một hệ thống tư pháp độc lập? (0–6 điểm) (0/6)
Hiến pháp thừa nhận quyền tự do biểu đạt, nhưng trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các cơ quan truyền thông. Hệ thống tư pháp không độc lập. Các phiên tòa liên quan đến quyền tự do biểu đạt thường diễn ra ngắn gọn với kết quả rõ ràng được định sẵn. Cảnh sát thường xuyên bỏ qua các trình tự thủ tục, bắt giữ blogger và những nhà hoạt động trên mạng mà không cần lệnh của tòa hoặc bắt nhốt họ vượt quá thời hạn tối đa luật pháp cho phép. Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng áp đặt các rào cản nghiêm trọng lên quyền tự do biểu đạt trên mạng (xem B3, C2, và C6).64
Kể từ năm 2008, một loạt các điều luật đã được ban hành nhằm mở rộng quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống, áp đặt kiểm soát lên các hoạt động trên mạng. Nghị định 97 được thông qua vào năm 2008 yêu cầu các trang blog không được bình luận về các vấn đề chính trị hoặc xã hội, ngăn cản những trang này lan truyền các bài báo, các tác phẩm văn học hoặc những nội dung khác bị cấm trong Luật Báo chí. Nghị định 02 được ban hành vào năm 2011 trao quyền cho nhà chức trách xử phạt các vi phạm của nhà báo hoặc blogger, bao gồm cả hành động xuất bản dưới tên giả.65 Vào năm 2013, Nghị định 72 được đưa ra để thay thế Nghị định 97. Nó mở rộng các điều khoản quy định từ các trang blog đến toàn bộ mạng xã hội. Điều 5 của Nghị định 72 cấm các hoạt động trên mạng bị cho là “chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, kích động bạo lực, tiết lộ bí mật nhà nước, cung cấp thông tin sai sự thật, cùng với những quy định bao trùm khác giới hạn quyền tự do biểu đạt trên mạng.
C2: Có những điều luật đặt ra để xử phạt hình sự hoặc dân sự các hành vi trên mạng, đặc biệt là những nội dung xuất bản được bảo vệ theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế? (0–4 điểm) (0/4)
Các điều luật, bao gồm các nghị định về Internet, Bộ luật Hình sự, Luật Xuất bản, Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước năm 2018, đều có thể được dùng để phạt và xử tù nhà báo cùng các công dân mạng.
Luật An ninh mạng ngăn cấm nhiều hoạt động trên mạng, bao gồm việc tổ chức các hoạt động đối lập với Đảng Cộng sản, xuyên tạc lịch sử và các thành tựu cách mạng của Việt Nam, lan truyền thông tin sai sự thật, cùng các hoạt động gây hại đến kinh tế xã hội.66 Ngoài ra, các trang web và các trang cá nhân trên mạng xã hội bị cấm đăng tải những nội dung chỉ trích chính quyền hoặc gây bất ổn xã hội (xem B3).
Vào tháng 1/2018, các sửa đổi trong Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Các điều 109, 117 và 331 trong bộ luật sửa đổi thường được sử dụng để truy tố và bỏ tù những blogger và nhà hoạt động trên mạng với các cáo buộc lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.67 Những sửa đổi trong luật cũng chứa các điều khoản mơ hồ có thể xử phạt những ai chuẩn bị phạm tội với các mức án từ 1 đến 5 năm tù giam. Có nghĩa là một người có thể bị kết án 5 năm tù chỉ với hành động chuẩn bị chỉ trích chính quyền trên mạng. Luật mới đồng thời buộc các luật sư chịu trách nhiệm hình sự nếu không báo cáo cho nhà chức trách về các hành vi vi phạm của thân chủ, bao gồm những hoạt động bất hợp pháp trên mạng. Điều này trên thực tế biến các luật sư trở thành người của chính quyền.68
Vào tháng 4/2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được dự thảo từ tháng Hai trước đó, chính thức thay thế Nghị định 174/2013 trong việc áp đặt các mức phạt hành chính cho lĩnh vực bưu chính viễn thông cũng như nhắm đến công nghệ liên lạc và thương mại điện tử. Đáng chú ý, nghị định này bao trùm các phát ngôn trên mạng xã hội, xử phạt các hành vi được định nghĩa mơ hồ bao gồm việc tạo ra và phát tán thông tin sai và xuyên tạc, xúc phạm danh dự, làm tổn hại các giá trị đạo đức hoặc xã hội, và tiết lộ bí mật nhà nước. Mức phạt đưa ra từ 10 đến 20 triệu đồng ($432 đến $865) (xem C3).69
C3: Các cá nhân có bị xử phạt vì các hoạt động trên mạng, đặc biệt là với những nội dung được bảo vệ theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế? (0–6 điểm) (0/6)
Các hành vi phát biểu trên mạng tại Việt Nam tiếp tục bị đàn áp nặng nề. Trong khoảng thời gian của báo cáo, việc truy tố các hoạt động trên mạng diễn ra phổ biến. Một số blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền phải nhận những bản án tù nhiều năm. Tính đến tháng 6/2021, 235 nhà hoạt động đã bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của mình, bao gồm quyền tự do biểu đạt.70
Trong khoảng thời gian đề cập của báo cáo, một số nhà báo và nhà hoạt động đã nhận các mức án tù hà khắc. Vào tháng 1/2021, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, ba nhà báo nổi tiếng của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã bị tuyên án lần lượt 15, 11 và 11 năm tù. Ba nhà báo bị xử tội “làm và phát tán thông tin tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.71 Họ là những cây viết chính của trang báo mạng Việt Nam Thời báo (Vietnam Time), một trong những tờ báo độc lập hoạt động sôi nổi nhất ở Việt Nam kể từ năm 2014. Cũng trong tháng 1/2021, một tòa án tỉnh đã tuyên phạt mức án bảy năm tù dành cho nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thủy vì đã đăng tải các nội dung trên Facebook bị cho là chống lại các lãnh đạo đảng theo Điều 117.72
Những người dùng mạng bình thường cũng bị xử án tù nhiều năm cho các hoạt động trên mạng. Vào tháng 6/2020, một người dùng Facebook có tên giả “Giáo sư hớt tóc” đã bị xử phạt sáu năm tù theo Điều 117, sau khi phát trực tiếp video trên mạng chỉ trích chính quyền.73 Vào tháng 7/2020, người dùng Facebook có tên Nguyễn Quốc Đức Vượng bị kết án tám năm tù vì đăng tải các video và những nội dung mà chính quyền cáo buộc là bôi nhọ lãnh đạo.74 Nguyễn Quốc Đức Vượng thường xuyên chia sẻ thông tin ủng hộ cho phong trào dân chủ ở Việt Nam cùng với các tin tức về cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Vào tháng 12/2020, ba người dùng Facebook khác, Huỳnh Anh Khoa, Nguyễn Đăng Thương và Trần Trọng Khải, bị kết án lần lượt 15, 18 và 12 tháng tù vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Họ bị kết án dựa trên cáo buộc đã quản lý một trang Facebook thảo luận các vấn đề kinh tế và chính trị.75
Ngoài việc được sử dụng để làm cơ sở cho các bản án tù khắc nghiệt, Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự còn được áp dụng thường xuyên để bắt giữ các công dân mạng, trong khoảng thời gian đề cập của báo cáo. Nhà báo nổi tiếng Phạm Thị Đoan Trang, bị bắt giữ vào tháng 10/2020 và bị truy tố theo Điều 88 và 117 của Bộ luật Hình sự, là đồng sáng lập viên của hai tạp chí Luật Khoa và The Vietnamese. Những tờ báo này đều bị chặn không cho truy cập ở Việt Nam.76 Ba nhà báo thuộc trang Facebook Báo Sạch, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã và Đoàn Kiên Giang, bị bắt giữ vào tháng 4/2021 theo Điều 331.77 Người sáng lập trang này, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, trước đó đã bị bắt giữ vào tháng 12/2020, sau khi đưa tin về phương thức quản lý đáng ngờ của chính quyền đối với hệ thống thu phí cao tốc. Nhà báo Phan Bùi Bảo Thi, làm việc tại tờ báo quốc doanh Giáo dục và Thời Đại, bị bắt giữ vào đầu tháng 2/2021 và bị truy tố theo Điều 331 với tội bôi nhọ các quan chức chính quyền qua các bài viết trên Facebook.78 Một người khác bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động trên mạng của nhà báo Thi cũng bị truy tố với tội danh tương tự.79
Kể từ tháng 4/2020, số lượng công dân bị xử phạt vì các hoạt động trên mạng đã tăng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một số người dùng mạng đã bị triệu tập đến đồn công an và xử phạt vì các nội dung đăng tải của họ (xem B2).80 Một số nội dung bị phạt theo cáo buộc đưa thông tin xuyên tạc hoặc sai sự thật. Ít nhất một trường hợp người dùng Facebook đã bị phạt 12,5 triệu đồng ($540) vì đăng tải thông tin chỉ trích và châm biếm cách chính quyền đối phó với dịch bệnh.81 Báo cáo cho biết một số người dùng mạng xã hội khác đã bị xử phạt vì cáo buộc đăng tải các thông tin sai hoặc xuyên tạc về cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2021.82
C4: Chính quyền có áp đặt rào cản lên các hoạt động liên lạc ẩn danh hoặc mã hóa? (0–4 điểm) (1/4)
Luật An ninh mạng đặt ra rào cản cho hoạt động ẩn danh trên mạng bằng cách yêu cầu người dùng đăng ký tài khoản trên các trang mạng xã hội phải sử dụng tên thật, và yêu cầu các công ty công nghệ phải xác minh danh tính của người dùng.83 Không có rào cản đối với việc mã hóa hoặc sử dụng các công cụ mã hóa, dù một số điều luật quy định chính quyền phải được cung cấp chìa khóa giải mật khi có yêu cầu (xem C6).
C5: Việc nhà nước theo dõi các hoạt động trên Internet có xâm phạm quyền riêng tư của người dùng? (0–6 điểm) (1/6)
Không có nhiều thông tin về công nghệ theo dõi mà chính quyền Việt Nam sử dụng. Tuy nhiên, các điều luật hiện có, bao gồm Luật An ninh mạng, cho phép chính quyền xâm phạm quyền riêng tư của công dân một cách tương đối dễ dàng.
Vào tháng 4/2020, chính quyền phát hành Bluezone, ứng dụng truy vết COVID-19 theo công nghệ bluetooth. Một bản phân tích về ứng dụng đã đưa ra các lo ngại rằng Bluezone chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền mà không được sự đồng ý của họ. Mã nguồn của ứng dụng không được công khai để các chuyên gia độc lập kiểm tra.84 Vào tháng 6/2021, chính quyền thông báo sẽ chính thức xử phạt những ai không cài đặt Bluezone trước khi vào một số địa điểm công cộng nhất định. Các quan chức địa phương được giao nhiệm vụ xác định mức phạt cụ thể.85 Tính đến tháng 5/2021, đã có 31,88 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone. 86
Vào tháng 10/2018, chính quyền thông báo việc thành lập một đơn vị quốc gia mới để giám sát hàng ngày các nội dung trên mạng xã hội và trên các trang web. Chính quyền khẳng định trung tâm giám sát này được trang bị phần mềm có thể phân tích, đánh giá và phân loại hàng triệu bài đăng.87 Tháng 1/2021, chính quyền thêm vào nỗ lực giám sát khi công bố sự ra đời của Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam với vai trò phát hiện các thông tin lan truyền trên mạng bị cho là sai sự thật.88
Năng lực gián điệp trên mạng của Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, theo thông tin từ FireEye, một công ty an ninh mạng có trụ sở tại California, Mỹ. Kể từ năm 2014, công ty này đã truy dấu ít nhất 10 cuộc tấn công khác nhau từ tổ chức Ocean Lotus, hay còn có tên khác là APT32. Mục tiêu của các cuộc tấn công này bao gồm những nhà báo Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức tư nhân lẫn nhà nước tại Đức, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Vương quốc Anh và ở Việt Nam. Dù không có bằng chứng liên hệ trực tiếp giữa APT32 và chính quyền Việt Nam, FireEye nhận định rằng các thông tin cá nhân truy cập được và dữ liệu lấy từ các tổ chức bị nhắm tới “không có bao nhiêu giá trị với ai ngoại trừ chính phủ Việt Nam”.89 Trong khoảng thời gian của báo cáo, APT32 dường như được huy động nhiều lần trong các cuộc tấn công, ví dụ như việc ba lần riêng biệt nhắm đến những blogger ẩn danh từ tháng 7 đến tháng 11/2020 (xem C8).90
Vào tháng 12/2020, nhóm nghiên cứu Canada có tên Citizen Lab công bố một báo cáo, trong đó chỉ ra khả năng Việt Nam là khách hàng của Circles, một công ty theo dõi có liên hệ với Tập đoàn NSO. Circles cung cấp hai hệ thống riêng biệt để truy cập vị trí, cuộc gọi và tin nhắn của điện thoại mà không cần xâm nhập vào thiết bị. Một hệ thống kết nối với hạ tầng của công ty viễn thông tại địa phương, hệ thống còn lại kết nối với các công ty viễn thông toàn cầu.91
Năm 2013, Citizen Lab xác định phần mềm FinFisher xuất hiện trên máy chủ ở 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phần mềm này do nhà phân phối tại Vương quốc Anh, Gamma International, quảng bá như một bộ công cụ thâm nhập và theo dõi hợp pháp. FinFisher có khả năng giám sát liên lạc và trích xuất thông tin từ các máy tính khác mà không cần sự cho phép. Các nội dung giám sát và trích xuất bao gồm danh bạ, tin nhắn và email. Citizen Lab ghi chú rằng sự tồn tại của các máy chủ chạy phần mềm này không chỉ ra được ai đang vận hành chúng, dù những sản phẩm này được rao bán cho các chính phủ. Trong một sự kiện riêng biệt, vào năm 2015, các tài liệu bị lộ ra cho thấy công ty Hacking Team của Ý đã bán những công cụ theo dõi cho Việt Nam.92
C6: Việc giám sát và thu thập dữ liệu người dùng từ các công ty cung cấp dịch vụ và những công ty công nghệ khác có xâm phạm quyền riêng tư của người dùng? (0–6 điểm) (0/6)
Theo yêu cầu của luật pháp, các nhà cung cấp dịch vụ và các công ty công nghệ phải hỗ trợ chính quyền trong việc giám sát liên lạc của khách hàng trong một số trường hợp. Luật An ninh mạng với các điều khoản về lưu trữ và địa phương hóa dữ liệu đã tăng cường đáng kể khả năng của chính quyền trong việc yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ.
Một bản dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng được ban hành vào đầu tháng 2/2021 yêu cầu các nền tảng Internet, bao gồm những công ty lớn như Facebook và Google cùng các doanh nghiệp nhỏ hơn cung cấp dịch vụ thanh toán và trò chơi, phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước và cung cấp các dữ liệu đó cho chính quyền khi có yêu cầu.93 Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu lưu trữ dữ liệu miễn là họ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam. Những dữ liệu quy định trong luật bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, thông tin về thẻ định danh, thẻ tín dụng, các tập tin sinh trắc học và hồ sơ sức khỏe. Ngoài ra, dự thảo nghị định còn cho phép chính quyền truy cập dữ liệu người dùng mà không cần sự đồng ý hoặc thông báo đến họ, miễn là quan chức viện dẫn các lý do liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh và trật tự công cộng, vốn được định nghĩa mơ hồ trong luật. Dự thảo phân ra hai loại dữ liệu cá nhân là cơ bản và nhạy cảm, và cho phép người dùng một số quyền cụ thể đối với dữ liệu của họ. Dự kiến dự thảo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.
Nghị định 72 yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như mạng xã hội phải “cung cấp thông tin cá nhân của người dùng liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật” theo yêu cầu của “các cơ quan chức năng”. Tuy nhiên, nghị định này thiếu các quy trình và thủ tục giám sát đầy đủ để tránh việc lạm dụng. Nó cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có ít nhất một máy chủ trong nước “phục vụ cho việc thanh tra, lưu trữ và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng”, đồng thời yêu cầu các công ty lưu trữ những dữ liệu nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể (xem B3). Nghị định quy định mơ hồ về “thông tin cá nhân của người dùng được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật”. Các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trong bộ và chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, và “các tổ chức và cá nhân có liên quan” đều có quyền áp dụng nghị định. Điều này dẫn đến khả năng các thông tin liên lạc riêng tư và ẩn danh có thể bị bất kỳ quan chức chính quyền nào ở Việt Nam xâm hại. Vào giữa năm 2016, “công văn từ Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn” được dùng làm cơ sở để kết án Nguyễn Đình Ngọc về tội tuyên truyền chống nhà nước.94
Một bản dự thảo sửa đổi của Nghị định 72 công bố vào tháng 4/2020 gây thêm nhiều lo ngại khi nó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có hơn một triệu người dùng ở Việt Nam phải cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông danh tính và thông tin liên lạc chi tiết của người dùng.95 Sau khoảng thời gian đề cập của báo cáo, vào tháng 7/2021, một bản dự thảo nghị định được công bố trong đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải cung cấp cho chính quyền thông tin liên lạc của người dùng sở hữu tài khoản với hơn 10.000 người theo dõi hoặc đăng ký.96
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền phải thu thập và lưu trữ thông tin định danh của tất cả chủ tên miền. Các chủ tên miền quốc tế có trang web đưa tin tức và vận hành mạng xã hội phải thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động của mình. Các chủ tên miền chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của thông tin được cung cấp, và phải chịu phạt nếu cung cấp thông tin không chính xác.97
Một bản dự thảo nghị định khác về bảo vệ dữ liệu cá nhân được công bố để lấy ý kiến vào đầu tháng 2/2021. Theo dự thảo, một cơ quan mới có thẩm quyền về bảo vệ dữ liệu sẽ được lập ra, có tên là Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân. Cơ quan mới này sẽ trực thuộc Bộ Công an và có thẩm quyền toàn diện trong việc cấp phép xử lý dữ liệu cá nhân cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng có hoạt động thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng, bao gồm các công ty mạng xã hội, các nền tảng ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.98
Luật An toàn Thông tin mạng, giới thiệu các biện pháp mới để quản lý an ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2016.99 Trong số những điều khoản đáng lo ngại nhất của nó, có yêu cầu về việc các công ty công nghệ phải chia sẻ dữ liệu cá nhân theo yêu cầu của các cơ quan chức năng mà không cần sự đồng ý của người dùng (Điều 17.1.c), yêu cầu cung cấp khóa giải mã theo yêu cầu của chính quyền, và đưa ra các yêu cầu cấp phép cho những công cụ cung cấp dịch vụ mã hóa như chức năng chính, đe dọa đến tính ẩn danh của người dùng.100
Một số trang web khác cũng bị yêu cầu phải lưu trữ và địa phương hóa dữ liệu. Theo Thông tư 09/2014/TT-BTTTT, các doanh nghiệp Việt Nam vận hành các trang web và mạng xã hội, bao gồm nền tảng blog, phải đặt một hệ thống máy chủ ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu đăng tải trong 90 ngày, cùng một số siêu dữ liệu trong thời hạn lên đến hai năm.101
Chủ các quán cà phê Internet được yêu cầu phải cài đặt phần mềm theo dõi và lưu trữ thông tin về các hoạt động trên mạng của khách hàng. Người dân khi đăng ký lắp đặt Internet tại nhà cũng phải cung cấp cho các doanh nghiệp giấy tờ chứng thực do chính quyền cấp.102 Quy định về việc yêu cầu thuê bao di động trả trước phải cung cấp thông tin định danh cho nhà cung cấp dịch vụ được áp dụng rộng khắp.103
C7: Các cá nhân có chịu mối đe dọa phi pháp hoặc bạo lực từ chính quyền hay các tổ chức khác liên quan đến hoạt động trên mạng của mình? (0–5 điểm) (1/5)
Các blogger và những nhà hoạt động trên mạng thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công bạo lực, bị mất việc làm, ngăn cản truy cập Internet, giới hạn di chuyển và bị vi phạm những quyền khác.
Báo cáo về các trường hợp lạm dụng vũ lực và tra tấn trong giam giữ là rất phổ biến. Vào tháng 7/2020, blogger và nhà hoạt động dân chủ Lê Anh Hùng bị đánh bằng một chiếc ghế gập kim loại, bị cột chặt vào giường, và bị buộc phải dùng thuốc trong lúc bị đưa vào một bệnh viện tâm thần mà không có sự đồng ý của anh. Hùng bị ép buộc vào bệnh viện trong khi chờ phiên tòa. Hùng bị bắt vào tháng 7/2018 vì tội đăng bài chỉ trích nhà nước cộng sản độc đảng tại Việt Nam.104 Vào tháng 1/2020, trong khoảng thời gian đề cập của báo cáo trước, blogger Trần Thị Nga cùng gia đình bị buộc phải lưu vong đến Hoa Kỳ sau khi đã bị giam giữ ba năm trong bản án kéo dài chín năm.105 Nga cáo buộc chính quyền đã tra tấn cô trong lúc giam giữ và buộc cô phải thừa nhận các hành vi phạm tội.
Các nhà báo trên mạng cũng đã từng có báo cáo về việc bị bắt cóc. Vào tháng 1/2019, Trương Duy Nhất, nhà báo và nhà bình luận đã từng bị giam giữ từ năm 2013 đến 2015 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, biến mất ở Thái Lan sau khi anh gửi yêu cầu tị nạn đến văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại nước này. Có thông tin cho biết Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan và đưa về giam giữ tại Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phủ nhận thông tin này. Vào tháng 6/2019, chính quyền khám xét nhà của Nhất và mở cuộc điều tra hình sự về tội “lạm dụng chức vụ” trong thời gian anh làm việc ở báo Đại Đoàn Kết.106 Trương Duy Nhất đã bị kết án tù sau đó và đến nay vẫn chưa có giải thích nào từ phía chính quyền về hoàn cảnh anh quay về Việt Nam.
Các mối đe dọa nhắm đến gia đình của nhà báo đã từng khiến họ phải ngừng công việc của mình. Vào tháng 3/2020, blogger Người Buôn Gió, sống tại Berlin, Đức, thông báo anh sẽ ngừng viết khi chính quyền quấy rối thân nhân ở Việt Nam, đặc biệt là người mẹ 86 tuổi của anh.107
Trong thời gian đề cập của báo cáo, nhiều blogger và nhà hoạt động trên mạng nổi tiếng nhiều lần phải trải qua việc bị canh giữ tại nhà. Công an mặc thường phục canh giữ nơi ở của họ nhiều ngày mà không có lệnh, ngăn cản họ ra ngoài, đặc biệt trong những thời điểm diễn ra các sự kiện lớn như đại hội đảng và các phiên tòa chính trị.108 Những người khác báo cáo về việc bị công an triệu tập mà không có lệnh, hoặc lệnh triệu tập không có lý do hay cơ sở luật pháp; đây được xem là các hành vi quấy rối nhằm trả đũa cho các hoạt động trên mạng của họ.109 Một trường hợp ví dụ là nhà hoạt động Nguyễn Quang A. Ông bị tạm giữ vài tiếng đồng hồ khi đang trên đường đến nơi gặp gỡ Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink vào tháng 9/2020. Công an đã thẩm vấn ông về các bài đăng trên Facebook liên quan đến nhiều chủ đề, bao gồm vụ án Đồng Tâm.110
C8: Các trang web, các tổ chức tư nhân và nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ hoặc người dùng cá nhân có phải là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng có hệ thống? (0–3 điểm) (1/3)
Các nhà hoạt động ở Việt Nam và nước ngoài từ lâu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng có hệ thống.
Vào tháng 2/2021, tổ chức n xá Quốc tế công bố báo cáo về bằng chứng cho thấy tổ chức Ocean Lotus đã thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm đến một nhà hoạt động nhân quyền sống tại Đức và một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động ở Philippines. Các cuộc tấn công được thực hiện từ năm 2018 đến tháng 11/2020 qua hình thức gửi các email lừa đảo chứa những phần mềm gián điệp độc hại. Một báo cáo điều tra được Facebook công bố vào tháng 12/2020 cho thấy các chiến thuật khác của Ocean Lotus, bao gồm việc tạo các tài khoản giả, quảng cáo các ứng dụng trên Google Play vốn thu thập dữ liệu người dùng thông qua việc cấp quyền lỏng lẻo, và các cuộc tấn công kiểu lỗ tưới nước (watering hole attacks) qua các trang web thường xuyên được truy cập.111
Một nghiên cứu công bố vào tháng 9/2018 cho biết một số cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã được thực hiện nhắm đến trang web của Việt Tân và tờ báo độc lập Tiếng Dân từ tháng 4 đến tháng 6/2018.112 Vào tháng 2/2019, trang Facebook của Nhà xuất bản Tự do bị tấn công và phải đóng lại. Vào tháng 11/2019, trong bối cảnh bị đe dọa và quấy rối tăng cao, trang web của nhà xuất bản trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công kỹ thuật (xem C7).113
Trang web của hai tờ báo phản biện, Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, bị tấn công khi các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong nước vào tháng 6/2018 nhằm phản đối Luật An ninh mạng. Nghiên cứu trước đó vào năm 2017 tiết lộ các hacker đã phối hợp tiến hành các chiến dịch gián điệp mạng nhắm đến hai tổ chức truyền thông của Việt Nam vào năm 2015 và 2016, cùng với cộng đồng người Việt Nam ở Úc vào năm 2017, cũng như các doanh nghiệp có mối quan tâm và lợi ích ở Việt Nam.114
Nhiều năm qua, các nhà hoạt động đã là nạn nhân của việc bị đánh cắp tài khoản, trong đó có việc dùng email lừa đảo ngụy tạo nội dung đáng tin cậy, chứa các phần mềm độc hại có thể vượt qua lớp bảo vệ kỹ thuật của người nhận nhằm truy cập các thông tin tài khoản cá nhân. Kể từ năm 2013, các cuộc tấn công dùng phần mềm độc hại nhắm đến các nhà báo, nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến đã dần được cá nhân hóa. Tổ chức phi lợi nhuận Electronic Frontier Foundation có trụ sở tại California và các nhà báo của hãng thông tấn Associated Press đã báo cáo về các trường hợp email ngụy tạo gửi thư mời tham dự các hội thảo về nhân quyền hoặc đề nghị cung cấp các nghiên cứu học thuật về chủ đề này. Điều đó cho thấy người gửi quen thuộc với các hoạt động và mối quan tâm của người nhận.
- 1Ella Zoe Doan, “Internet user penetration in Vietnam from 2017 to 2023,” Statista, June 5, 2020, https://www.statista.com/statistics/975063/internet-penetration-rate-in….
- 2“Vietnam's Mobile and Fixed Broadband Internet Speeds,” Speedtest Global Index, accessed July 2021, https://www.speedtest.net/global-index/vietnam.
- 3“Vietnam smartphone use in top 10 globally,” Ministry of Information and Communication of the Socialist Republic of Vietnam, June 3, 2021, https://english.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/147433/Vietnam-smartphone-use-i…
- 4Thanh Duy and Phuong Nguyen, “Cuộc đua 4G đang nóng tại Việt Nam [The 4G race is heating up in Vietnam,]” Zing News, March 21, 2017, http://news.zing.vn/cuoc-dua-4g-dang-nong-tai-viet-nam-post730022.html.
- 5“Cập nhật các địa điểm đã phủ sóng 4G Vinaphone mới nhất 2020 [Update locations that have 4G coverage to the latest Vinaphone 2020,]” Vinaphone, December 29, 2019, https://dichvu3gvinaphone.vn/cap-nhat-cac-dia-diem-da-phu-song-4g-vinap….
- 6“Sóng di động 5G đã có tại Việt Nam, tốc độ tương đương nhà mạng Mỹ [5G mobile waves already exist in Vietnam, with the same speed as the US carrier],” VietnamNet, April 26, 2019, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/song-di-dong-5g-da-co-tai….
- 7Bich Thuy, “Telecom groups get on board with 5G,” May 21, 2021, Vietnam Investment Review, https://www.vir.com.vn/telecom-groups-get-on-board-with-5g-84304.html.
- 8“Broken fiber-optic cable affecting Vietnam’s Internet faces extended maintenance,” Tuoi Tre News, February 16, 2021, https://tuoitrenews.vn/news/society/20210216/broken-fiberoptic-cable-af….
- 9“HEY,” Vinaphone. retrieved June 13, 2021, https://vinaphone.com.vn/di-dong/HEY.
- 10“Gói cước Home Internet,” VNPT, https://vnpt.com.vn/goi-home/home-internet
- 11“Vietnam Average Monthly Wages,” Trading Economics, retrieved June 16, 2021, https://tradingeconomics.com/vietnam/wages
- 12Personal accounts from activists reporting on the outskirts of Hanoi, 2017 and 2020; “Dong Tam Department has more complicated developments?,” BBC Vietnamese, April 20, 2017, http://www.bbc.com-/vietnamese/vietnam-39646209.
- 13James Pearson, “Exclusive: Facebook agreed to censor posts after Vietnam slowed traffic - sources,” Reuters, April 21, 2020, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-exclusive/exclusive….
- 14Ministry of Information and Communication of the Socialist Republic of Vietnam, https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=100241
- 15“Hé lộ về “làn gió mới” trên thị trường Internet cáp quang!,” Tiền Phong, September 22, 2020, https://tienphong.vn/he-lo-ve-lan-gio-moi-tren-thi-truong-internet-cap-…
- 16“Năm 2019 tổng doanh thu viễn thông Việt Nam đạt 469.7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,67% so với năm 2018 [In 2019, total telecom revenue of Vietname reached 469.7 trillion VND, an increase of 18.67% compared to 2018,]” ICTNews, December 28, 2019, https://ictnews.vietnamnet.vn/vien-thong/nam-2019-tong-doanh-thu-vien-t….
- 17“VNNIC’s main tasks and powers,” Vietnam Internet Network Information Center (VNNIC), retrieved June 16, 2021, from https://vnnic.vn/en/about/tasks-and-powers?lang=en
- 18“Main functions," Ministry of Information and Communications, https://english.mic.gov.vn/Pages/ThongTin/114253/Main-Functions.html
- 19“Role, functions, missions and organizational structure of the People’s Public Security Forces,” Ministry of Public Security, retrieved June 16, 2021, from http://en.bocongan.gov.vn/about/role-functions-missions-and-organizatio…
- 20“Thứ trưởng Bùi Văn Nam dự, chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao năm 2021,” December 23, 2020, http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?ItemID=29286.
- 21“900 website khiêu dâm, bạo lực bị ngăn chặn,” VnExpress, October 26, 2020, https://vnexpress.net/900-website-khieu-dam-bao-luc-bi-ngan-chan-418255….
- 22“Exclusive: Vietnam threatens to shut down Facebook over censorship requests – source,” Reuters, November 19, 2020, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-shutdown-exclusive-….
- 23James Pearson, “Exclusive: Facebook agreed to censor posts after Vietnam slowed traffic - sources,” Reuters, April 21, 2020, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-exclusive/exclusive….
- 24Sarah Perez, “Facebook blocked in Vietnam over the weekend due to citizen protests,” TechCrunch, May 17, 2016 http://tcrn.ch/28KKrG2.
- 25Khank Vu, “Vietnam says Facebook violates controversial cybersecurity law,” Reuters, January 8, 2019, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-idUSKCN1P30AJ.
- 26An Hai, “Arrests, Suspension of Vietnam Media Signal Crackdown,” Voice of America, June 18, 2020, https://www.voanews.com/press-freedom/arrests-suspension-vietnam-media-….
- 27James Pearson, “Exclusive: Facebook agreed to censor posts after Vietnam slowed traffic - sources,” Reuters, April 21, 2020, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-exclusive/exclusive….
- 28“Thứ trưởng Bùi Văn Nam dự, chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao năm 2021,” December 23, 2020, http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?ItemID=29286.
- 29“Facebook sẽ chặn quảng cáo chính trị từ các tài khoản phản động,” Cong an Nhan dan, October 8, 2020, http://congan.com.vn/tin-chinh/facebook-se-chan-quang-cao-chinh-tri-tu-….
- 30“Facebook, YouTube tăng mạnh gỡ bài, xoá tài khoản ‘chống Đảng, nhà nước’ Việt Nam,” VOA Vietnamese, December 14, 2020, https://www.voatiengviet.com/a/facebook-youtube-t%C4%83ng-m%E1%BA%A1nh-….
- 31“Facebook touts free speech. In Vietnam, it’s aiding in censorship,” Los Angeles Times, October 22, 2020, https://www.latimes.com/world-nation/story/2020-10-22/facebook-censorsh….
- 32“Viet Nam: Facebook must cease complicity with government censorship,” Amnesty International, April 22, 2020, https://www.amnesty.org/en/latest/news/2020/04/viet-nam-facebook-cease-…
- 33“Nhiều Facebooker bị khóa tài khoản do “đụng” đến Vingroup? [Many Facebook accounts were blocked because Vingroup?],” RFA Vietnamese, Feburary 26, 2021, https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/were-facebook-accounts-blocked-….
- 34John Reed, “The rise and rise of a Vietnamese corporate empire,” Financial Times, June 27, 2019, https://www.ft.com/content/84323c32-9799-11e9-9573-ee5cbb98ed36.
- 35“Vietnam Briefing: The Elections Results Have Started To Be Released,” The Vietnamese Magazine, May 31, 2021 https://www.thevietnamese.org/2021/05/vietnam-briefing-the-elections-re…
- 36Baker McKenzie, “New Draft Cybersecurity Law 2017,” Lexology, July 31, 2017, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=b3fd124e-e230-4859-84a4-….
- 37Ashely Westerman, “To The Dismay Of Free Speech Advocates, Vietnam Rolls Out Controversial Cyber Law,” National Public Radio, January 1, 2019, https://www.npr.org/2019/01/01/681373274/to-the-dismay-of-free-speech-a….
- 38“Vai trò định hướng xã hội của báo chí – từ thực tiễn “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 [The role of the media’s social orientation – from the practice of “war” against epidemic Covid-19,]” Tạp Chí Tổ Chức Nhà Nước, June 16, 2020, https://tcnn.vn/news/detail/47716/Vai-tro-dinh-huong-xa-hoi-cua-bao-chi….
- 39Samantha Bradshaw and Philip N. Howard, “The Global Disinformation Order: 2019 Global Inventory of Organised Social Media Manipulation,” The Computational Propaganda Project, September 26, 2019, https://demtech.oii.ox.ac.uk/wp-content/uploads/sites/93/2019/09/CyberT….
- 40Sam Biddle, “Facebook Lets Vietnam’s Cyberarmy Target Dissidents, Rejecting a Celebrity’s Plea,” The Intercept, December 21, 2020, https://theintercept.com/2020/12/21/facebook-vietnam-censorship/
- 41“Hơn 10.000 người trong 'Lực lượng 47' đấu tranh trên mạng [More than 10,000 people in ‘Force 47’ struggle online,]” Tuoitre Online, December 25, 2017, https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-tranh-tren-m….
- 42“Vietnam's propaganda agents battle bloggers online,” Bangkok Post, January 19, 2013, https://www.bangkokpost.com/world/331539/vietnam-propaganda-agents-batt….
- 43“Dong Tam village: Anger in Vietnam over deadly 'land grab' raid,” BBC, January 16, 2020, https://www.bbc.com/news/world-asia-51105808; Reporters Without Boarders, “20/2020 List of Press Freedom’s Digital Predators,” https://rsf.org/sites/default/files/a4_predateur-en_final.pdf.
- 44Phuong Nguyen and James Pearson, “Vietnam introduces nationwide code of conduct for social media,” Reuters, June 18, 2021, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-introduces-nationwid…
- 45Michael Peel, “Vietnam targets multinationals in social media censorship drive,” Financial Times, March 17, 2017, https://www.ft.com/content/853db6f2-0ae1-11e7-97d1-5e720a26771b.
- 46Ma Nguyen, “Vietnam leverages Google, YouTube hate speech failings,” Asia Times, March 27, 2017, https://www.asiatimes.com/2017/03/article/vietnam-leverages-google-yout….
- 47“Dictating the Internet: Curtailing Free Expression and Information Online in Vietnam,” International Commission of Jurists, 2020, https://www.icj.org/wp-content/uploads/2020/12/Vietnam-Freedom-of-expre…
- 48“Xử phạt bốn cơ quan báo chí vì thông tin sai sự thật,” Nhân Dân, September 8, 2020, https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/xu-phat-bon-co-quan-bao-chi-vi-tho…
- 49Báo lại bị phạt vì đụng đến lãnh đạo [Newspaper fined again for criticising leaders,]” Radio Free Asia, February 26, 2019, https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/newspapers-punished-again-02262…
- 50Paul Rothman, “Media Use in Vietnam: Findings from BBG and GALLUP,” Center for International Media Assistance, June 10, 2015, http://www.cima.ned.org/blog/media-use-vietnam/.
- 51The Sec Dev Foundation, “Circum-what? Circumvention Widely Employed, Poorly Understood in Vietnam,” January 29, 2016, https://secdev-foundation.org/wp-content/uploads/2016/01/Circum-What.pdf.
- 52Matthew Tostevin, “Vietnam's Facebook dissidents test the limits of Communist state,” Reuters, August 29, 2017, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-internet/vietnams-facebook-d….
- 53Richard C. Paddock, “The Jailed Activist Left a Letter Behind. The Message: Keep Fighting,” The New York Times, October 14, 2020, https://www.nytimes.com/2020/10/14/world/asia/vietnam-pham-doan-trang-a….
- 54“Vietnam: Stop silencing independent voices ahead of election,” Article 19, May 20, 2021, https://www.article19.org/resources/vietnam-stop-silencing-independent-…
- 55“Mạng xã hội không phải là nơi vận động bầu cử,” Lao động Thủ Đô, May 14, 2021, https://laodongthudo.vn/mang-xa-hoi-khong-phai-la-noi-van-dong-bau-cu-1…
- 56“Vietnam Briefing: The Elections Results Have Started To Be Released,” The Vietnamese Magazine, May 31, 2021 https://www.thevietnamese.org/2021/05/vietnam-briefing-the-elections-re…
- 57“Vietnam halts anti-China protests,” BBC News, August 18, 2011, https://www.bbc.com/news/world-asia-pacific-14574075
- 58Marianne Brown, “Vietnam Cracks Down on Anti-China Protests,” Voice of America, May 18, 2014, https://www.voanews.com/east-asia-pacific/vietnam-cracks-down-anti-chin…
- 59Keegan Elmer, “Anti-China protests in Vietnam set to aggravate tensions with Beijing,” South China Morning Post, June 13, 2018, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2150653/anti-…
- 60Michael Peel, “Hanoi residents mobilise to save city’s cherished trees,” Financial Times, March 27, 2015, https://www.ft.com/content/54d07f2a-d462-11e4-8be8-00144feab7de
- 61“Vietnam protest over mystery fish deaths,” BBC News, May 1, 2016, https://www.bbc.com/news/world-asia-36181575
- 62“Vietnam police halt protests against new economic zones,” Reuters, June 9, 2018, https://www.reuters.com/article/us-vietnam-protests/vietnam-police-halt….
- 63Trịnh Hữu Long, “Thư tháng Hai: Trải nghiệm đọc báo mới với kênh Telegram của chúng tôi,” Luật Khoa Tạp Chí, February 7, 2021, https://www.luatkhoa.org/2021/02/thu-thang-hai-trai-nghiem-doc-bao-moi-…
- 64Baker McKenzie, “New Draft Cybersecurity Law 2017,” Lexology, July 31, 2017, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=b3fd124e-e230-4859-84a4-….
- 65OpenNet Initiative, “Vietnam Country Profile,” August 7, 2012, https://opennet.net/research/profiles/vietnam; The Ministry of Information and Communication, “Decree No 97/2008/ND-CP of August 28, 2008,” Official Gazette, September 26, 2008, https://vietnamlawmagazine.vn/decree-no-97-2008-nd-cp-more-useful-infor…; Ministry of Information and Communications, “Circular No. 07/2008/TT-BTTTT of December 18, 2008,” Official Gazette, January 6-7, 2009, https://cpj.org/Vietnam%20media%20decree.pdf; Article 19, “Comment on the Decree No. 02 of 2011 on Administrative Responsibility for Press and Publication Activities of the Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam,” June 2011, https://www.article19.org/data/files/pdfs/analysis/comment-on-the-decre…; Decree 02/2011/ND-CP, [in Vietnamese,] January 6, 2011, available at Committee to Protect Journalists, http://cpj.org/Vietnam%20media%20decree.pdf.
- 66“Vietnam’s New Cybersecurity Law 2018,” Vietnam Business Law, July 30, 2018, https://vietnam-business-law.info/blog/2018/7/30/vietnams-new-cybersecu….
- 67These articles penalize “carrying out activities aimed at overthrowing the people’s administration” (Article 109); “making, storing, disseminating or propagandizing materials and products that aim to oppose the State of the Socialist Republic of Vietnam,” (Article 117); and “abuse of democratic rights to infringe upon the interests of the State, the legitimate rights and interests of organizations and citizens,” (article 330); See: “Vietnam’s Proposed Revisions to National Security Laws,” Human Rights Watch, November 19, 2015, https://www.hrw.org/news/2015/11/19/vietnams-proposed-revisions-nationa….
- 68“Vietnam: New Law Threatens Right to a Defense,” Human Right Watch, June 21, 2017, https://www.hrw.org/news/2017/06/21/vietnam-new-law-threatens-right-def….
- 69“Decree 15/2020/NĐ-CP,” Thu vien Phap luat, April 15, 2020, https://luatvietnam.vn/khoa-hoc/nghi-dinh-15-2020-nd-cp-xu-phat-vi-pham….
- 70“Database of persecuted activists in Vietnam,” The 88 Project, March 7, 2021, https://web.archive.org/web/20210611133146/https://the88project.org/dat…
- 71“Vietnam: three IJAVN journalists given a total of 37 years in prison,” Reporters Without Borders, January 5, 2021, https://rsf.org/en/news/vietnam-three-ijavn-journalists-given-total-37-…
- 72“Dinh Thi Thu Thuy,” The 88 Project, 2021, https://the88project.org/profile/481/dinh-thi-thu-thuy.
- 73“Vietnam Sentences ‘Dr. Haircut’ to Six Years for Live-streaming on Facebook,” Radio Free Asia, June 23, 2020, https://www.rfa.org/english/news/vietnam/drhaircut-06232020192913.html.
- 74“Vietnam Jails Facebook User for pro-democracy Broadcasts,” Agence France Presse, July 7, 2020, https://www.barrons.com/news/vietnam-jails-facebook-user-for-pro-democr….
- 75“Huynh Anh Khoa”, The 88 Project, 2021, https://the88project.org/profile/495/huynh-anh-khoa.
- 76“Statement On The Recent Arrest of Pham Doan Trang,” The Vietnamese, October 9, 2020, https://www.thevietnamese.org/2020/10/statement-on-the-recent-arrest-of….
- 77“Three more independent reporters arrested in Vietnam,” Reporters Without Borders, April 23, 2021, https://rsf.org/en/news/three-more-independent-reporters-arrested-vietn…
- 78“Men arrested for Facebook posts defaming leaders,” VietnamPlus, February 10, 2021, https://en.vietnamplus.vn/men-arrested-for-facebook-posts-defaming-lead…
- 79“Men arrested for Facebook posts defaming leaders,” VietnamPlus, February 10, 2021, https://en.vietnamplus.vn/men-arrested-for-facebook-posts-defaming-lead…
- 80“Viet Nam: Facebook must cease complicity with government censorship,” Amnesty International, April 22, 2020, https://www.amnesty.org/en/latest/news/2020/04/viet-nam-facebook-cease-…; “Phạt 10 triệu đồng 2 công nhân tung tin sai sự thật về dịch Covid – 19 [A fine of VND 10 million 2 workers spreading flase information about Covid-19,]” Truyền hình Thông tấn, February 2020, http://vnews.gov.vn/phat-10-trieu-dong-2-cong-nhan-tung-tin-sai-su-that…; “Xử phạt cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 [Penalties for personal posting of false information about Covid-19 translation,]” Báo Phú Thọ điện tử, February 17, 2020, http://baophutho.vn/phap-luat/202002/xu-phat-ca-nhan-dang-tai-thong-tin….
- 81Văn Tiến, “Dùng Facebook bình luận chế nhạo cách ly xã hội, bị phạt 12,5 triệu đồng [Using Facebook to mock social distancing, fined 12.5 millions VND,]” Thanh Nien, Apr 7, 2020, https://thanhnien.vn/thoi-su/dung-facebook-binh-luan-che-nhao-cach-ly-x….
- 82“Kon Tum: Chủ tài khoản facebook đăng tải thông tin sai sự thật về bầu cử,” May 7, 2021, https://baotintuc.vn/phap-luat/kon-tum-chu-tai-khoan-facebook-dang-tai-…; “Bị phạt 7,5 triệu đồng do xuyên tạc bầu cử Quốc hội,” Báo Công an Nhân Dân Điện Tử, March 29, 2021, http://cand.com.vn/doi-song/Bi-phat-7-5-trieu-dong-do-phat-tan-thong-ti…
- 83“Vietnamese blogger jailed for 10 years for 'defaming' regime,” The Guardian, June 29, 2017, https://www.theguardian.com/world/2019/jun/07/vietnam-blogger-jailed-fo….
- 84“Remote platform, Bluezone app launched in support of medical treatment, including COVI-19,” Vietnamese Government, April 18, 2020, http://news.chinhphu.vn/Home/Remote-platform-Bluezone-app-launched-in-s…; “Bluezone - Electronic mask,” App Assay, August 27, 2020, https://www.appassay.org/apps/bluezone/
- 85Hoàng Ngân, “Thực hư thông tin yêu cầu người dân bắt buộc cài đặt bluezone,” Báo giao thông, June 1, 2021, https://www.baogiaothong.vn/thuc-hu-thong-tin-yeu-cau-nguoi-dan-bat-buo…
- 86Đăng Khoa, “Số liệu cài đặt Bluezone tính đến 11/5/2021. Báo tin tức và phân tích chuyên sâu kinh tế, quốc tế, y tế,” VietTimes, May 12, 2021, https://viettimes.vn/so-lieu-cai-dat-bluezone-tinh-den-11-5-2021-post14…
- 87“Vietnam rolls out web monitor to control 'false information,'” The Straits Times, November 1, 2018, https://www.straitstimes.com/asia/vietnam-rolls-out-web-monitor-to-cont…; “New push to constrain social media,” Vietnam Right Now, November 8, 2018, https://web.archive.org/web/20181113151123/http://vietnamrightnow.com/2…; “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mạng xã hội không còn ảo, không thể bỏ trống trận địa,” Tuoi Tre, October 10, 2018, https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-mang-xa-hoi-khong-con-ao-…
- 88“Vietnam launches fake news response center,” Tuoi Tre News, January 12, 2021, https://tuoitrenews.vn/news/society/20210112/vietnam-launches-fake-news…
- 89Jon Russel, “Report: Hackers ‘aligned’ with Vietnam government attacked international firms and media,” Tech Crunch, May 14, 2017, https://techcrunch.com/2017/05/14/fireeye-vietnam-aligned-hackers/.
- 90“Vietnamese activists targeted by notorious hacking group,” Amnesty International, February 24, 2021, https://www.amnesty.org/en/latest/news/2021/02/viet-nam-hacking-group-t….
- 91Bill Marczak et al, “Running in Circles: Uncovering the Clients of Cyberespionage Firm Circles,” Citizen Lab, December 1, 2021, https://citizenlab.ca/2020/12/running-in-circles-uncovering-the-clients…
- 92David Gilbert, “Hacking Team hacked: Spy tools sold to oppressive regimes Sudan, Bahrain and Kazakhstan,” International Business Times, July 6, 2015, https://www.ibtimes.co.uk/hacking-team-hacked-spy-tools-sold-oppressive….
- 93Trinh Huu Long, “9 Takeaways From Vietnam’s Draft Decree On Personal Data Protection,” The Vietnamese, February 19, 2021, https://www.thevietnamese.org/2021/02/9-takeaways-from-vietnams-draft-d….
- 94“Vietnam: 7 Convicted in One Week,” Human Rights Watch, April 4, 2016, https://www.hrw.org/news/2016/04/04/vietnam-7-convicted-one-week.
- 95“Analysis of Vietnam’s internet freedom situation following the adoption of the 2018 Cybersecurity Law,” BPSOS, January 12, 2021, https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/02/BPSOS-Analysis-of-Vietnams-….
- 96“Vietnam to tighten grip on social media livestream activity,” Reuters, July 14, 2021, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-tighten-grip-social-…
- 97“Decree 72/2013/NĐ-CP,” WIPO, https://wipolex.wipo.int/en/text/525066
- 98“9 Takeaways From Vietnam’s Draft Decree On Personal Data Protection,” The Vietnamese, February 19, 2021, https://www.thevietnamese.org/2021/02/9-takeaways-from-vietnams-draft-d….
- 99Thomas J. Treutler, Giang Thi Huong Tran, and Philip M. Ziter, “Legal Update: New Regulations in the ICT Sector in Vietnam,” Tilleke and Gibbins, March 2016, http://www.tilleke.com/sites/default/files/2016_Mar_New_Regulations_ICT…; “New Law On Cyber Information Security And Its Impact On Data Privacy In Vietnam,” Rouse, March 30, 2016, http://www.rouse.com/magazine/news/new-law-on-cyber-information-securit….
- 100Michael L. Gray, “The Trouble with Vietnam’s Cyber Security Law,” The Diplomat, October 21, 2016, http://thediplomat.com/2016/10/the-trouble-with-vietnams-cyber-security…; “Vietnamese Cyber Security Law Threatens Privacy Rights and Encryption,” Tia Sang Vietnam, September 7, 2016, http://www.secdev-foundation.org/wp-content/uploads/2016/09/FN-TS-15-Vi….
- 101Mong Palatino, “Corporate Critics Say Vietnam's New Tech Regulations Are Bad for Business,” Global Voice, November 3, 2014, https://advox.globalvoices.org/2014/11/04/corporate-critics-say-vietnam….
- 102“Internet Censorship tightening in Vietnam,” Asia News, June 22, 2010, http://www.asianews.it/news-en/Internet-censorship-tightening-in-Vietna….
- 103“Nghị định 49/2017/NĐ-CP: Thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo [Decree 49/2017 / ND-CP: Strict management of prepaid mobile subscribers, eliminating the situation of junk sims, virtual sims,]” Ministry of Information and Communications of the Socialist Republic of Vietnam, May 9, 2017, https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/134363/Nghi-dinh-49-2017-Nd-CP--That-ch….
- 104“Detained Vietnamese Blogger Beaten, Forcibly Injected,” Radio Free Asia, July 16, 2020, https://www.rfa.org/english/news/vietnam/blogger-07162020145751.html
- 105Shawn W. Crispin, “Freedom at a high cost for Vietnamese blogger Tran Thi Nga,” Committee to Protect Journalists, February 24, 2020, https://cpj.org/blog/2020/02/vietnam-blogger-jail-exile-tran-thi-nga.php.
- 106Thailand: Investigate reports of abducted Vietnamese journalist,” Amnesty International, February 6, 2019, https://www.amnesty.org/en/latest/news/2019/02/thailand-investigate-rep…; “RFA Blogger Truong Duy Nhat's Case Files Seized in Police Raid on Lawyer,” Radio Free Asia, July 2, 2019, https://www.rfa.org/english/news/vietnam/nhat-lawyer-07022019164415.html; Nguyen Dong and Ba Do, “Former reporter arrested over land violations,” VNE Express, June 10, 2019, https://e.vnexpress.net/news/news/former-reporter-arrested-over-land-vi…. “Liên quan vụ án Vũ "nhôm": Khởi tố, khám xét chỗ ở của ông Trương Duy Nhất [Regarding the “aluminum” Vu case: Prosecuted and searched the whereabouts of Mr. Truong Duy Nhat,]” Tuoi Tre, June 10, 2019, https://tuoitre.vn/lien-quan-vu-an-vu-nhom-khoi-to-kham-xet-cho-o-cua-o….
- 107Vietnamese Blogger in Exile Stops Writing, Citing Authorities’ Pressure on His Family Back Home,” Radio Free Asia, March 3, 2020, https://www.rfa.org/english/news/vietnam/writing-03022020163227.html.
- 108Trang Chính, “An ninh canh cửa nhà dân từ trước Đại hội 13: Phi pháp và vô pháp!,” Radio Free Asia, January 25, 2021 https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/security-to-guard-people-s-home…; “Đại hội 13: Hàng nghìn mật vụ canh cửa nhà dân,” Thời báo, January 28, 2021, https://thoibao.de/blog/2021/01/28/vn-dai-hoi-13-hang-nghin-mat-vu-canh…
- 109“Nguyen Quang A,” The 88 Project, 2021, https://the88project.org/profile/315/nguyen-quang-a/#Incident196; “Nguyen Thuy Hanh,” The 88 Project, 2021, https://the88project.org/profile/350/nguyen-thuy-hanh/#Incident193.
- 110“Nguyen Quang A,” The 88 Project, 2021, https://the88project.org/profile/315/nguyen-quang-a/#Incident190.
- 111“Vietnamese activists targeted by notorious hacking group,” Amnesty International, February 24, 2021, https://www.amnesty.org/en/latest/news/2021/02/viet-nam-hacking-group-t….
- 112Etienne, “News from Deflect Labs: DDoS attacks against Vietnamese Civil Society,” eQualitie, September 7, 2018, https://equalit.ie/ddos-attacks-vietnamese-civil-society/.
- 113“Vietnam: Stop Intimidation and Harassment of Independent Publishing House,” Human Right Watch, November 27, 2019, https://www.hrw.org/news/2019/11/27/vietnam-stop-intimidation-and-harra…
- 114Nick Carr, “Cyber Espionage is Alive and Well: APT32 and the Threat to Global Corporations,” FireEye, May 14, 2017, https://www.fireeye.com/blog/threat-research/2017/05/cyber-espionage-ap….
Từ khóa » Freedom House Xuyên Tạc
-
Freedom House Lại Xuyên Tạc Tình Hình Dân Chủ ở Việt Nam - CAND
-
Lại Một Chiêu Trò Xuyên Tạc Tình Hình Dân Chủ ở Việt Nam - VOV World
-
Freedom House Lại Xuyên Tạc Tình Hình Việt Nam!
-
Báo Công An Nhân Dân Phản Bác Báo Cáo "Việt Nam đàn áp Người ...
-
Freedom House Lại Bày Trò Xuyên Tạc, Vu Cáo Việt Nam
-
Freedom House Lại Xuyên Tạc Tình Hình Dân Chủ ở Việt Nam - YouTube
-
Freedom House Xuyên Tạc Những Giá Trị Thực Tiễn Tại Việt Nam - Myclip
-
TỔ CHỨC FREEDOM HOUSE TIẾP TỤC XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ TỰ ...
-
Freedom House – Tổ Chức Không Bao Giờ Nhìn Thấy “mặt Trời”!
-
Freedom House Lại Tiếp Tục Xuyên Tạc #tiktoknews #bqdnd ...
-
Lật Tẩy Luận điệu Nực Cười “Việt Nam Không Có Tự Do Internet”
-
Freedom House Lại Diễn Trò Vu Cáo
-
Vu Cáo Việt Nam Không Có Tự Do, Freedom House Cố Tình Lờ đi Thực ...