Ga-li-lê, Bùi Hiền Và "Tiếw Việt" - Báo Người Lao động

Kế thừa nghiên cứu về Thuyết Nhật tâm trước đó của Nicolaus Copernicus, Ga-li-lê (1564-1642) tiếp tục khẳng định mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ còn các hành tinh khác, trong đó có trái đất, phải quay quanh mặt trời; và bản thân trái đất cũng tự xoay quanh cái trục của chính nó.

Thuyết Nhật tâm vốn là cái gai trong mắt Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Rome. Giáo hội quan niệm trái đất mới là trung tâm của vũ trụ và mọi quan điểm trái ngược với học thuyết này đều là dị đoan, phải bị xử tội. Khi Ga-li-lê công bố nghiên cứu công trình thiên văn học của chính ông, trái ngược với quan điểm truyền thống, thì liền lập tức bị Giáo hội cấm đoán tuyên truyền.

Bị đả kích dữ dội song Ga-li-lê vẫn không thôi nghiên cứu và chứng minh cho luận điểm khoa học của mình. Tòa thánh La Mã và Vương quốc Tây Ban Nha cùng phối hợp đưa ra lời cảnh cáo vô cùng nghiêm khắc, rồi Tòa án Rome triệu Ga-li-lê đến thẩm vấn. Dù bị buộc phải thừa nhận "Thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ" là sai lầm song Ga-li-lê vẫn không làm theo, không nhận tội, bởi theo ông, đó là chân lý khoa học, nghiên cứu của ông là sự thật khách quan chứ không phải phê phán Giáo hoàng.

Sau 5 tháng vướng vòng lao lý, sức khỏe Ga-li-lê sa sút rồi mù mắt. Nhà thiên văn học bị cầm tù khoảng 6 tháng sau thì qua đời, chôn theo chân lý của mình. Mãi đến 300 năm sau, vào năm 1979, Tòa thánh La Mã đã công khai minh oan cho ông, đồng thời tuyên bố phán quyết của Tòa thánh La Mã đối với Ga-li-lê là sai lầm nghiêm trọng.

Chuyện Ga-li-lê và chuyện ông Bùi Hiền liên quan gì nhau?

Hơn tháng trước, PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (Hà Nội), làm dậy sóng dư luận khi báo chí đăng tải đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của ông. Đề xuất này là tham luận của ông đăng trong kỷ yếu của một hội thảo khoa học về chữ quốc ngữ ở Quy Nhơn (Bình Định) trước đó. Nhà nghiên cứu Bùi Hiền bị "ném đá" nhiều hơn là ủng hộ. Ông lên tiếng chấp nhận mọi chỉ trích, tiếp thu mọi góp ý dù chân thành hay ác tâm.

Những tưởng vị PGS tuổi đã 83 sẽ dừng tay. Nào ngờ, hôm kia, ông mạnh dạn công bố phần còn lại của đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt sớm hơn dự kiến (định vào tháng 3-2018) bởi vì "dư luận đang trông chờ" (!).

Và lần này, ông Bùi Hiền cũng vẫn bị công kích gay gắt, số người ủng hộ ông - qua thể hiện trên các báo - khá ít so với số ý kiến phản bác. Tác giả của "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" vẫn bình tĩnh lý giải cho các đề xuất của mình và cho rằng những quan niệm truyền thống sẽ phải thay đổi, công trình của ông bây giờ có thể bị bài xích nhưng trong tương lai sẽ được ghi nhận, tiếng Việt phải được cải tiến và đó là nhu cầu từ thực tiễn khách quan...

Những lập luận ấy có phần giống trường hợp của Ga-li-lê chăng?! Không hẳn vậy, so sánh với Ga-li-lê là khiên cưỡng.

Ga-li-lê kiên định, đến chết vẫn bảo lưu học thuyết của mình. Còn ông Bùi Hiền, sau khi đề xuất (phần 1) bị công chúng phản ứng, ở phần 2 đầy đủ hơn lần này, ông đổi ngay "Tiếq Việt" thành "Tiếw Việt". Lý do là ở phần 1, chữ q (đọc "thờ") biểu thị chữ th, chữ w (đọc "ngờ") biểu thị chữ ng nhưng bởi "chữ ng thường đứng ở vị trí cuối của một từ, vì thế khi chuyển đổi trong một văn bản có quá nhiều chữ q đứng cuối thì nhìn sẽ… chướng mắt. Chính vì thế, đề xuất cải tiến chữ "Tiếng Việt" của tôi chuyển thành "Tiếq Việt" ngay lập tức bị phản ứng, sau quá trình nghiên cứu, tôi đổi thành Tiếw Việt" - PGS-TS Bùi Hiền nói.

Mới bị phản ứng thôi - mà trong đó chắc chắn là có nhiều người chưa thèm đọc, chưa màng tìm hiểu, chỉ hùa theo số đông - vậy nhưng tác giả đã sớm lung lay. Vậy thì giá trị của 40 năm cuộc đời dành cho "tiếng Việt" rồi "tiếq Việt" và bây giờ là "tiếw Việt" còn lại gì, có khả tín? Sau "tiếw Việt", mai mốt đây sẽ là gì nữa khi đề xuất thay đổi của ông có quá trời chỗ "chướng mắt"...

Tác giả vẫn còn nặng tư duy về vùng miền khi chủ kiến lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn trong khi khoa học ngôn ngữ đã thống nhất công nhận tiếng Việt có nhiều phương ngữ. Sự thống nhất trong đa dạng ấy đã tồn tại hàng thế kỷ và dĩ nhiên "cái gì tồn tại thì cái đó có lý" (Hegel).

Tác giả liệu có kiên định nổi không khi theo đề xuất của ông, người ta sẽ tốn thêm nơ-ron thần kinh để suy nghĩ "trân châu" là "chân trâu" hay "chân trâu" là "trân châu", "canh cua" là "canh cua" hay là "chanh chua" và ngược lại; thậm chí còn bối rối trước vô vàn trường hợp bất lịch sự khác về ngữ nghĩa lẫn ngữ âm: trục trặc = cuk cak, Trần Thanh Tài = Cần Wan Tài...!

Không cần phải dẫn ra dài dòng và bàn cãi thêm nữa. Vị PGS-TS hãy cất công trình của mình vào ngăn kéo và vui thú điền viên tuổi già. Nước nhà còn rất nhiều thứ đang cần cải cách, cấp bách hơn thế. Tóm lại, không làm cho tiếng Việt giàu và đẹp thêm hơn thì thôi, đừng làm cho nó bị "trục trặc"!

Và hẳn nhiên, người ta ghi nhận cố gắng của PGS Bùi Hiền nhưng không ai tin rằng Ga-li-lê sẽ tái sinh...

Ga-li-lê, Bùi Hiền và Tiếw Việt - Ảnh 1.

Bảng chữ cái mới theo cải cách của PGS Bùi Hiền. Đồ hoạ: ZING

Từ khóa » Trục Trặc Tiếng Việt Mới