Xung Quanh đề Xuất Cải Tiến “Tiếng Việt” Thành “Tiếq Việt”

Cụ thể, tác giả này đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z. Cùng với đó, sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên. Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = D, Gi, R. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt. Theo PGS.TS Bùi Hiền, đề xuất này sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập…

Đề cập trong bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế” (trong sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành), PGS.TS Bùi Hiền cho biết: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”. PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, những bất hợp lý trong tiếng Việt hiện nay gồm có việc sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại có hiện tượng dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…). Theo PGS.TS Bùi Hiền, bất hợp lý trên dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, gây hiểu nhầm, hiểu không chính xác. Những người học là trẻ em hoặc người nước ngoài dễ mắc lỗi do đặc điểm phức tạp và không thống nhất trên.

Tuy nhiên, đề xuất ngay lập tức khiến không chỉ trong giới chuyên môn mà hầu hết những người quan tâm đến giáo dục - ngôn ngữ không đồng tình. Trên các diễn đàn, mạng xã hội tỏ ra “sốc” với đề xuất có vẻ lạ lùng này. Một cựu nhà giáo tại TPHCM cho rằng, chữ viết hiện tại tuy có chút phức tạp nhưng đó chính là nét đa dạng và tinh tế, có khó một chút thì đó mới là cái hay và cần phải tìm hiểu. Trong khi đó, nếu cách cải tiến theo PGS.TS Bùi Hiền nhìn trúc trắc trục trặc, xấu xí, lạ lẫm. Nếu thay đổi như vậy thì tất cả mọi người lại phải học lại từ đầu?

Trên mạng xã hội facebook cũng tưng bừng tranh luận, các tài khoản còn thi nhau “phiên dịch” tên mình theo ngôn ngữ cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền và tỏ ra “không hiểu nổi” với ngôn ngữ “lạ” này, bởi vì khi phiên dịch ra như vậy thì đọc rất khó hiểu, không mang ý nghĩa gì nữa, thậm chí rất buồn cười… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài ý kiến tỏ ra thú vị với cách đổi mới này, cho rằng đề xuất cải tiến chữ viết như vậy cũng cần khích lệ. Theo một chuyên gia, trong quá trình sử dụng chữ quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt cũng không hoàn toàn bất biến. Chữ viết hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời Alexandre de Rhodes, cách viết qua các thời kỳ cũng khác nhau, do đó cách thay đổi này cần được nhìn nhận về mặt khoa học.

Là chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ, GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, cho rằng cải tiến tiếng Việt như đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền không phải là vấn đề mới trong giới nghiên cứu ngôn ngữ vì đã được đề cập tại nhiều hội thảo trước đây. Theo đó, các nghiên cứu xưa hay nghiên cứu gần đây đều bất toàn, nếu chỉnh sửa cái này thì cũng có bất cập khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đặt lại vấn đề cải tiến ngôn ngữ trong giai đoạn hiện nay là không hợp lý. Vì nếu thay đổi như vậy phải tốn rất nhiều thời gian, kinh phí và công sức; thay vì như vậy, nên tìm cách khắc phục những cái khó hơn là cải tiến theo hướng này, vì càng đổi mới thì càng bị rối, rất bất tiện.

Từ khóa » Trục Trặc Tiếng Việt Mới